Dinh dưỡng thai kỳ: Cần bổ sung những vi chất nào?
Trong quá trình mang thai, cơ thể thai phụ không chỉ cần khoẻ mạnh mà còn phải đảm bảo nhu cầu thiết yếu của bé. Bên cạnh các chất dinh dưỡng đa lượng thì chất dinh dưỡng vi lượng như vitamin và khoáng chất cũng hết sức quan trọng, đặc biệt là trong quá trình chuyển hóa của mẹ và hình thành, phát triển của thai. Do đó việc đảm bảo chế độ dinh dưỡng và bổ sung đầy đủ lượng vi chất cho mẹ là rất cần thiết.
Vậy trong thai kỳ, các mẹ nên bổ sung nhóm vitamin và khoáng chất nào? Chúng ta hãy cùng tìm hiểu nhé!
1. Các nhóm vitamin cần bổ sung
Nhóm vitamin cần bổ sung
1.1. Vitamin A
Đầu tiên là vitamin A. Vitamin tan trong dầu này có các tác dụng như sau:
– Đối với thai phụ: Bổ sung vitamin A cho thai phụ có thể giúp bảo vệ mẹ khỏi các bệnh lý nhiễm trùng.
– Đối với thai nhi: Hạn chế di chứng ở thai nhi khi mẹ bị nhiễm khuẩn, giúp tăng cường tạo xương, tối đa hóa chiều cao của bé theo tiềm năng.
Nhu cầu vitamin A khuyến nghị của phụ nữ từ 20 – 49 tuổi là 650 μg/ngày trong 6 tháng đầu của thai kỳ, và 730 μg/ngày trong 3 tháng cuối của thai kỳ.
Các mẹ có thể bổ sung vitamin A từ những nguồn thực phẩm sau đây:
– Nguồn vitamin A động vật: Bao gồm sữa, gan, trứng….
– Nguồn vitamin A thực vật: Bao gồm dầu thực vật, các loại rau xanh (rau ngót, rau dền, rau muống) và các loại củ quả có màu vàng, màu đỏ (cà rốt, bí đỏ)…
Thai phụ không nên sử dụng quá 3000 µg (10000IU)/1 ngày hoặc 7500 µg (25000 IU)/ 1 tuần vì có thể gây dị dạng thai.
1.2. Vitamin D
Vitamin D chủ yếu liên quan đến hấp thu và chuyển hóa các chất khoáng như canxi, phốt pho, do đó có tác dụng chính bao gồm:
– Đối với thai phụ: Giúp quá trình tiết sữa, đồng thời hạn chế loãng xương sau mang thai.
– Đối với thai nhi: Tham gia hình thành và duy trì hệ xương, răng cho trẻ. Trong quá trình mang thai, nếu cơ thể mẹ thiếu vitamin D có thể gây các hậu quả như trẻ còi xương ngay trong bụng mẹ.
Tuy nhiên, trong tự nhiên, vitamin D chủ yếu được cơ thể tự tổng hợp nhờ ánh sáng mặt trời. Vitamin D không có hàm lượng đáng kể trong thực phẩm. Nhu cầu vitamin D khuyến nghị dành cho phụ nữ có thai là 20 mcg/ngày.
Các thực phẩm có vitamin D bao gồm:
– Trứng, phô mai.
– Sữa, sữa đậu nành.
– Một số loại cá, ví dụ là cá trích.
– Gan hoặc chất béo của một số động vật có vú ở biển.
– Dầu tăng cường vitamin D.
1.3. Vitamin B1
Vitamin B1, tên gọi khác là Thiamin, đóng vai quan trọng trong chuyển hóa năng lượng và glucid. Đây là thành phần nên được đảm bảo xuyên suốt quá trình mang thai do:
– Đối với thai phụ: Hạn chế các ảnh hưởng, tác động tiêu cực lên hệ thần kinh và tâm lý của mẹ.
– Đối với thai nhi: Hạn chế tỷ lệ mắc hội chứng Beriberi, đảm bảo sự phát triển và hoàn thiện não bộ của bé.
Việc thiếu hụt vitamin B1 trong quá trình mang thai sẽ gây ảnh hưởng rất nhiều đến cả mẹ và bé, đặc biệt là về hệ thần kinh. Do đó, thai phụ được khuyến cáo nên sử dụng từ 1,2 – 1,3 đơn vị/ngày.
Những thực phẩm giàu vitamin B1 các mẹ có thể tham khảo là:
– Vỏ cám
– Gạo, ngũ cốc nguyên hạt.
– Đậu đỗ.
– Thịt nạc.
– Phủ tạng động vật.
1.4. Vitamin B9
Vitamin B9, hay còn gọi là axit folic, đóng vai quan trọng trong chuyển hóa acid nucleic và các acid amino. Do đó vitamin này trực tiếp ảnh hưởng đến quá trình phát triển ở cả mẹ và bé:
– Đối với thai phụ: Góp phần tham gia vào quá trình thay đổi ở cơ thể mẹ để đáp ứng với quá trình mang thai.
– Đối với thai nhi: Đảm bảo sự tăng trưởng của thai, giúp hình thành và hoàn thiện các mô cơ quan.
Thông thường, nhu cầu vitamin B9 khuyến nghị cho phụ nữ có thai là 600 µg/ngày. Các mẹ có thể bổ sung acid folic qua nhóm thực phẩm như:
– Rau xanh đậm: bông cải, bắp cải, rau dền…
– Ngũ cốc nguyên hạt.
– Trái cây có màu: cam, cà chua…
– Thực phẩm chức năng đã được bác sĩ tư vấn.
1.5. Vitamin C
Vitamin C cần thiết cho cả mẹ và bé trong suốt thời kỳ mang thai, vì:
– Đối với thai phụ: Có chức năng chống oxy hóa và chống nhiễm khuẩn.
– Đối với thai nhi: Có vai trò tạo collagen và protein cho cơ thể bé, từ đó hình thành và phát triển các mô cơ quan như da, cơ…
Thai phụ từ 20 đến 49 tuổi được khuyến nghị nạp vitamin C vào cơ thể với liều 110 µg/ngày. Vitamin này có thể tìm được ở:
– Trái cây, đặc biệt là chanh, bưởi, cam.
– Rau xanh như rau ngót, bông cải…
2. Nhóm khoáng chất cần bổ sung
Nhóm khoáng chất cần bổ sung
2.1. Sắt
Khoáng chất sắt đóng vai trò hết sức thiết yếu trong cơ thể:
– Đối với thai phụ: Là thành phần tạo huyết sắc tố (hemoglobin), vận chuyển O2 và CO2, tham gia chuyển hóa.
– Đối với thai nhi: Là nguyên liệu tạo tế bào máu cho thai nhi, đảm bảo đáp ứng đủ nhu cầu của thai nhi sau khi chào đời.
Trong thai kỳ, do máu của mẹ phải nuôi thêm cả bé, nên nhu cầu về sắt của thai phụ có thể lên đến 30 mg sắt nguyên tố/ngày. Một số thức ăn giàu sắt như:
– Thịt đỏ, nhất là thịt bò.
– Một số thủy hải sản như cá mòi, nghêu…
– Gan.
– Rau xanh như rau ngót, rau dền, rau bí…
Tuy nhiên, sắt do chế độ ăn cung cấp thường không đáp ứng được nhu cầu của mẹ trong thai kỳ. Vì vậy, phụ nữ có thai cần được bổ sung viên sắt trong thời gian mang thai bên cạnh chế độ ăn giàu sắt.
2.2. Kẽm
Kẽm là khoáng chất tham gia vào rất nhiều chất xúc tác cho các chu trình chuyển hóa của cơ thể. Trong thời kỳ mang thai, kẽm có tác dụng:
– Đối với thai phụ: Tham gia sản xuất enzyme thúc đẩy chuyển hóa và insulin giúp hạn chế tiểu đường thai kỳ.
– Đối với thai nhi: Góp phần hình thành các mô cơ quan và tham gia chuyển hóa năng lượng.
Tùy vào mức độ hấp thu của từng người mà liều lượng kẽm khuyến cáo là khác nhau. Trung bình nhu cầu kẽm khuyến nghị dành cho thai phụ có mức độ hấp thu vừa là 10 mg/ngày. Kẽm có nhiều trong một số nhóm thức ăn như:
– Thịt đỏ.
– Ngũ cốc, đậu.
– Các loại rau xanh.
2.3. Iot
Một loại khoáng khác không thể thiếu trong thời kỳ mang thai của mẹ là Iot với các vai trò:
– Đối với thai phụ: Là thành phần thiết yếu của các hormone tuyến giáp, giúp chuyển hóa chất đáp ứng nhu cầu tăng cao của cơ thể trong thai kỳ, đồng thời chống nhiễm khuẩn.
– Đối với thai nhi: Thúc đẩy tăng trưởng và phát triển, đặc biệt là não bộ, giảm tỉ lệ tử vong của bé.
Nhu cầu Iod khuyến nghị cho phụ nữ có thai là 220 µg/ngày. Các mẹ có thể bổ sung Iod qua:
– Muối bổ sung Iot.
– Đồ biển như cá biển, sò, rong…
3. Tầm quan trọng của chế độ dinh dưỡng hợp lý đối với phụ nữ có thai
Việc có chế độ dinh dưỡng hợp lý và bổ sung vitamin là cần thiết đối với phụ nữ có thai
Khi mang thai, mẹ không chỉ phải bổ sung dinh dưỡng cho bản thân mà còn phải đáp ứng cả nhu cầu của bé, bởi vì điều này có thể:
– Ảnh hưởng lên sức khỏe của mẹ: Mẹ sẽ tăng nguy cơ mắc các nhiễm khuẩn và tình trạng bệnh lý khác như thiếu máu hồng cầu khổng lồ (do thiếu acid folic), khiến thai có thể phải đối mặt với tình trạng dọa sảy, dọa sinh non.
– Ảnh hưởng lên sức khỏe của bé: Các vitamin và khoáng chất đều rất cần thiết trong quá trình sinh trưởng và phát triển của thai nhi về cả thể xác lẫn trí tuệ. Bổ sung đầy đủ acid folic có thể giúp giảm tỉ lệ thai nhi dị tật bẩm sinh, iot, kẽm, vitamin nhóm B và D đều giữ vai trò thiết yếu trong quá trình trưởng thành của não bộ thai nhi.
Như vậy việc thực hiện chế độ dinh dưỡng hợp lý và bổ sung vitamin phù hợp là điều hết sức quan trọng. Thai phụ nên được tư vấn về dinh dưỡng để đảm bảo sức khỏe của cả mẹ và bé.
Chúc mẹ và bé có một thai kỳ an toàn, khỏe mạnh!
(Ghi lại nguồn tham khảo) Bài viết tham khảo nguồn: Bộ y tế, NCBI
https://mch.moh.gov.vn/Upload/Documents/2021/11/d2e63db53fb52a73f26564b7d25fc8fb-C%E1%BA%A9m%20nang%20L%E1%BA%A6N%20%C4%90%E1%BA%A6U%20L%C3%80M%20M%E1%BA%B8.pdf
https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC10158844/
-314