Suy tim “phải” là bệnh lý tim mạch rất hay gặp trong cộng đồng. Có rất nhiều nguyên nhân đã được chứng minh có thể dẫn đến tình trạng suy tim phải. Bên cạnh đó cũng có nhiều khuyến cáo về các yếu tố nguy cơ làm tăng nguy cơ mắc bệnh này. Qua đó, các nhà khoa học đã tìm ra những phương pháp hỗ trợ giúp người dân có thể phòng tránh và điều trị suy tim phải.
Vậy chúng ta hãy cùng tìm hiểu xem thế nào là suy tim phải,bệnh này có nguy hiểm không, nguyên nhân và các yếu tố nguy cơ cũng như làm thế nào để dự phòng và điều trị suy tim phải nhé!
1. Thế nào là suy tim phải?
Suy tim “phải” là tình trạng bất thường xảy ra ở tâm thất và tâm nhĩ phải, khiến cho tâm nhĩ phải không thể thu máu giàu CO2 sau khi trao đổi chất từ các cơ quan về và tâm thất phải không đủ khả năng tống máu lên phổi để tiến hành trao đổi Oxy và CO2.
Hay nói cách khác, suy tim phải chính là tình trạng trao đổi máu từ tim lên phổi không hiệu quả.
Trong nhiều trường hợp, suy tim phải xảy ra sau suy tim trái và tiến triển thành suy tim toàn bộ.
2. Suy tim phải có nguy hiểm không?
2.1 Hậu quả của suy tim phải
Chính vì sự trao đổi máu từ tim lên phổi không hiệu quả, suy tim phải sẽ kéo theo hàng loạt các bất thường như:
– Thường xuyên cảm thấy khó thở và triệu chứng ngày càng tăng dần, đặc biệt là về đêm và gần sáng
– Cảm giác đau tức hạ sườn phải
– Đau nặng ngực phải
– Gan to
– Tĩnh mạch cổ nổi
– Tím môi, đầu ngón tay, ngón chân
– Phù: ban đầu chỉ phù ở 2 chân, sau phù toàn thân
– Huyết áp tâm thu thường bình thường nhưng huyết áp tâm trương thường tăng
2.2 Biến chứng của suy tim phải
Suy tim phải gây tình trạng ứ máu ở tĩnh mạch và các cơ quan, làm giảm máu lên phổi để trao đổi không khí, lâu ngày có thể gây nên các biến chứng như:
– Tổn thương van tim: Hở van 3 lá, thay đổi cấu trúc van tim,..
– Tổn thương gan: do máu ứ ở gan lâu ngày, lâu dần sẽ gây tổn thương gan, xơ gan không phục hồi,..
– Suy giảm chức năng thận: Khi máu từ thất phải lên phổi giảm, kéo theo máu được tống đi từ thất trái giảm, làm giảm tuần hoàn ngoại vi và tuần hoàn đến thận, gây suy thận.
– Suy tim toàn bộ: sau khi suy tim trái, lâu ngày tiến triển thành suy tim phải, rồi dẫn đến suy tim toàn bộ.
– Thiếu máu: do máu đi nuôi cơ thể giảm, sẽ dẫn đến tình trạng thiếu máu, nguy cơ thiếu máu tại các cơ quan quan trọng như tim, não, phổi,…
Như vậy, suy tim phải dù không tiến triển nhanh chóng đe dọa tính mạng của người bệnh, tuy nhiên nó lại gây nên những tác động rất xấu đến sức khỏe người mắc bệnh. Do vậy có thể nói rằng suy tim phải là tình trạng rất nguy hiểm nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời.
Hình ảnh suy tim phải
3. Tại sao “tôi” lại bị mắc suy tim phải?
3.1 Cơ chế gây suy tim phải
Suy tim phải xảy ra khi tim phải không còn đủ khả năng tống hết máu đã qua trao đổi oxy ở các cơ quan đến phổi. Phần lớn trường hợp suy tim phải là do tâm nhĩ phải không đủ khả năng thu máu giàu CO2 về trong khi tâm thất phải lại không có đủ khả năng để tống máu lên phổi.
Cơ chế của quá trình này là:
– Đầu tiên, khi tim trái hoặc hệ tuần hoàn gặp bất thường, chức năng nhận máu về từ tĩnh mạch chủ của tâm nhĩ phải và khả năng tống máu lên phổi của tâm thất phải sẽ bị ảnh hưởng.
– Lúc này, cơ thể sẽ thích nghi bằng các cơ chế bù trừ, khiến cho tim phải co bóp và làm việc nhiều hơn để đảm bảo sự hoạt động bình thường của cơ thể.
– Lâu dần sẽ khiến cho tim phải thay đổi cả cấu trúc và hình dạng, suy giảm chức năng và gây lên tình trạng suy tim phải
3.2 Nguyên nhân gây suy tim phải
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng suy tim phải hay gặp trong cộng đồng, cụ thể
● Người bệnh đã bị suy tim trái là nguyên nhân hay gặp nhất gây nên tình trạng suy tim phải
● Các bệnh lý ở phổi như bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính ( COPD), xơ phổi, khí phế thũng,…cũng là nguyên nhân rất hay gặp ở người bệnh suy tim phải
● Bệnh lý mạch vành:
▪ Nhồi máu cơ tim cấp
▪ Bệnh lý mạch vành mạn tính
● Bệnh lý van tim:
▪ Hở van 3 lá
▪ Hẹp van 3 lá
● Bệnh tim bẩm sinh
● Viêm cơ tim ( do nhiễm trùng,do thấp, do nhiễm độc,..)
● Rối loạn nhịp tim
Các nguyên nhân gây suy tim phải
3.3 Yếu tố nguy cơ gây nên tình trạng suy tim phải
Có một số yếu tố yếu tố làm khởi phát hoặc làm nặng thêm tình trạng suy tim phải mà chúng ta cần đặc biệt quan tâm, bao gồm:
● Các yếu tố bệnh lý:
– Bệnh tiểu đường
– Rối loạn chuyển hóa lipid
– Tiếp xúc với hóa chất hoặc xạ trị
– Thừa cân, béo phì
● Các yếu tố lối sống:
– Sử dụng ma túy,các chất gây nghiện
– Uống nhiều rượu
– Ăn uống không lành mạnh
– Không tập thể dục đủ, lười vận động
● Giới tính và tuổi tác : nam giới có nhiều khả năng bị suy tim trái hơn nữ giới, nhưng sự khác biệt ngày càng ít hơn theo tuổi tác
Những đối tượng có nguy cơ cao mắc suy tim phải
Như vậy, thông qua hiểu biết về cơ chế, nguyên nhân gây suy tim phải và các yếu tố nguy cơ, hi vọng bạn đã phần nào hiểu được lí do bản thân bị bệnh hoặc có nguy cơ cao bị mắc suy tim phải.
4. Cách phòng ngừa và điều trị suy tim phải?
Suy tim phải có thể gây nên những ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, do đó việc dự phòng suy tim phải có vai trò hết sức quan trọng:
Đối với những người chưa phát hiện mắc bệnh:
● Chế độ ăn khoa học: Uống không quá 1,5-2 L nước/ ngày, ăn không quá 2 g muối (natri) /ngày, ăn tăng cường rau xanh và trái cây theo mùa,ngũ cốc nguyên hạt, nhiều chất xơ, chọn thịt ít béo ( có tỷ lệ nạc mỡ cân đối), sữa ít béo và các sản phẩm thay thế (chẳng hạn như sữa đậu nành)
● Không nên dùng các chất kích thích ( rượu, bia, thuốc lá, thuốc lá điện tử..)
● Nên tập thể dục nhẹ nhàng vừa sức hằng ngày. Trong đó đi bộ là một lựa chọn đạt hiệu quả rõ rệt.
● Quản lý và điều trị tốt bệnh nền (nếu có): tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn nhịp tim, rối loạn chuyển hóa lipid,.
● Giữ tinh thần thoải mái, giảm thiểu căng thẳng tối đa, tránh trầm cảm
Đối với những bệnh nhân đã mắc suy tim phải:
Việc theo dõi điều trị lâu dài góp phần giúp mang lại hiệu quả điều trị rõ rệt, tránh những tiến triển xấu có thể xảy ra:
● Tuân thủ điều trị tuyệt đối
● Chuẩn bị tâm lý thật tốt với việc sẽ chung sống với bệnh
● Thay đổi thói quen sinh hoạt, ăn uống theo hướng dẫn của bác sĩ
● Tái khám theo đúng lịch hẹn của lần khám trước.
● Tới cơ sở y tế có khả năng điều trị để kiểm tra ngay khi xuất hiện bất thường.
Phương pháp phòng ngừa suy tim phải hiệu quả
Hiện nay, cùng với sự phát triển của y học, các nhà khoa học đã tìm ra nhiều phương pháp điều trị bệnh lý suy tim phải:
– Dùng thuốc: Tùy theo từng bệnh nhân và giai đoạn của bệnh, các bác sĩ sẽ cân nhắc lựa chọn thuốc điều trị phù hợp. Đặc biệt bệnh nhân cần lưu ý, chỉ mua thuốc theo đơn của bác sĩ và tránh tự mua thuốc dùng ở nhà. Thuốc điều trị suy tim phải hiện này có thể kể đến bao gồm:
o Thuốc chẹn beta: Giúp làm chậm nhịp tim, điều hòa lại nhịp tim.
o Thuốc lợi tiểu: Giúp loại bỏ muối và chất lỏng dư thừa trong cơ thể.
o Thuốc Digoxin: Giúp tăng khả năng bơm máu của tim.
o Thuốc giãn mạch: Giúp làm giãn mạch máu và ngăn chặn các chất hóa học làm suy yếu tim.
– Một số biện pháp điều trị đặc biệt khác đang ngày càng được áp dụng rộng rãi trong thực tế:
● Sử dụng máy tạo nhịp ( máy có tác dụng kiểm soát nhịp tim)
● Thiết bị hỗ trợ tâm thất
● Thay ( ghép) tim ( đây được coi là phương pháp điều trị suy tim triệt để nhất, tuy nhiên đòi hỏi phải có nguồn tim thích hợp và dùng thuốc suốt đời)
Nhìn chung, thông qua những hiểu biết về suy tim phải, nguyên nhân gây bệnh cũng như các biện pháp dự phòng, chúng ta cần phải thay đổi những lối sống không lành mạnh. Chỉ có như vậy, chúng ta mới có được sức khỏe tốt, giảm tối đa nguy cơ mắc suy tim phải và ngăn không cho suy tim phải tiến triển nặng thêm.
Bài viết tham khảo nguồn:
https://www.heart.org/en/health-topics/heart-failure/what-is-heart-failure/types-of-heart-failure
https://timmachhoc.vn/cap-nhat-chan-doan-va-dieu-tri-suy-that-phai-cap-tinh-contemporary-management-of-acute-rightventricular-failure/ https://www.heartfailurematters.org/heart-failure-causes-and-other-common-medical-conditions/lung-disease/