1. Tiêm phòng quan trọng như thế nào đối với phụ nữ mang thai?
Tiêm vaccine trong khi mang thai rất quan trọng để đảm bảo mẹ bầu có miễn dịch, cũng như giúp bảo vệ em bé các bệnh có tỷ lệ mắc và tỷ lệ tử vong cao.
Mẹ biết không, hiện nay ACOG khuyến cáo các mẹ bầu nên tiêm vaccine cúm và vaccine Tdap (bạch hầu – ho gà – uốn ván) trong mỗi thai kỳ. Vì trẻ nhỏ hơn 6 tháng tuổi còn quá nhỏ để có thể tiêm vaccine cúm, đó đó, tiêm phòng cúm khi mang thai giúp bảo vệ con khỏi bệnh cúm trong vòng vài tháng đầu sau sinh. Bên cạnh uốn ván rốn, trẻ sơ sinh còn có nguy cơ mắc bệnh ho gà và các biến chứng đe dọa tính mạng như suy hô hấp sơ sinh. Vì vậy, vaccine Tdap được các chuyên gia sản phụ khoa trên thế giới khuyến cáo tiêm trong thai kỳ.
Ngoài ra, còn một số vaccine được cân nhắc dùng cho các thai phụ tùy thuộc vào từng trường hợp. Vì vậy, mẹ bầu nên đi khám thai định kỳ để được bác sĩ tư vấn cụ thể.
Thai phụ đi đang được tiêm phòng
2. Các loại vaccine được chỉ định ở tất cả thai phụ
Trong thai kỳ, có một số loại vaccine được khuyến nghị để bảo vệ sức khỏe của mẹ và thai nhi. Dưới đây là một số loại vaccine quan trọng thường được khuyến nghị cho tất cả mẹ bầu:
2.1. Vaccine Tdap (bạch hầu – ho gà – uốn ván)
Vaccine Tdap được khuyến cáo tiêm cho tất cả mẹ bầu trong mỗi lần mang thai để phòng ngừa 3 loại bệnh bạch hầu – ho gà – uốn ván ở trẻ sơ sinh.
Mẹ sẽ được các bác sĩ tư vấn tiêm vaccine này vào tam cá nguyệt thứ ba, đặc biệt là từ 27-36 của thai kỳ. Thời khoảng thời gian này, mẹ được tiêm càng sớm sẽ càng tối ưu hóa kháng thể ở con.
Sau khi tiêm vaccine Tdap, cơ thể mẹ sẽ tăng cường sản xuất kháng thể. Đây chính là tấm khiên bảo vệ mẹ khỏi 3 bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván. Điều đáng nói là những kháng thể này có thể đi qua nhau thai, nghĩa là em bé sẽ nhận được tấm khiên từ mẹ để tránh mắc phải 3 bệnh lý nguy hiểm này ngay sau khi chào đời. Hiện tượng này được gọi là miễn dịch thụ động (miễn dịch truyền từ mẹ sang con).
Vaccin Tdap
2.2. Vaccine cúm bất hoạt
Mẹ biết không, những thay đổi trong hệ thống miễn dịch, tim và phổi khi mang thai có thể khiến mẹ dễ mắc bệnh cúm nặng hơn so với những phụ nữ không mang thai. Ngoài ra, tiêm phòng cúm cũng giúp bảo vệ con khỏi bệnh cúm trong những tháng đầu sau sinh khi con còn quá nhỏ chưa thể tiêm phòng.
Theo Trung tâm kiểm soát bệnh tật Hoa Kỳ (CDC), mẹ bầu có thể tiêm phòng cúm vào bất kỳ thời điểm nào của thai kỳ.
2.3. Vaccine COVID-19
Nếu mẹ chưa được tiêm ngừa COVID-19 trước khi mang thai, mẹ sẽ được khuyến nghị tiêm ngừa vaccine này trong thai kỳ. Thêm vào đó, mẹ bầu đã được tiêm ngừa virus SARS-CoV-2 cũng được khuyến khích tiêm mũi tăng cường loại chứa mRNA trong thai kỳ.
Theo các khảo sát từ hàng nghìn mẹ bầu trên khắp thế giới, vaccine COVID-19 đã được báo cáo an toàn, hiệu quả và có lợi cả cho mẹ bầu và thai nhi.
Mẹ bầu có thể tiêm ngừa COVID-19 vào bất cứ thời điểm nào trong thai kỳ và tiêm cùng thời điểm với các loại vaccine khác.
3. Các loại vaccine có thể chỉ định trong một số trường hợp cụ thể
3.1. Vaccine viêm gan A
Đối với các mẹ bầu có tiền sử bị bệnh gan mãn tính, bác sĩ sản phụ khoa có thể tư vấn mẹ dùng vaccine viêm gan A.
3.2. Vaccine viêm gan B
Em bé có mẹ mắc bệnh viêm gan B sẽ có nguy cơ bị nhiễm viêm gan B cao nhất ngay lúc sinh. Do đó, mẹ bầu hãy trao đổi với bác sĩ về việc xét nghiệm viêm gan B và liệu mẹ có nên tiêm vaccine viêm gan B hay không nhé.
Ngoài ra, mẹ bầu có thể tiêm các vaccine bất hoạt khác khi mẹ sinh sống ở vùng dịch và có nguy cơ mắc bệnh cao như vaccine phế cầu, viêm màng não do não mô cầu, viêm màng não do Haemophilus influenzae type B,… Vaccine bất hoạt là vaccine được sản xuất từ mầm bệnh đã bị phá hủy hoặc từ một phần của mầm bệnh, không còn độc lực nên an toàn cho mẹ bầu và thai nhi. Điều quan trọng mẹ nên nhớ là phải trao đổi kỹ với bác sĩ về cân nhắc giữa lợi ích và rủi ro khi tiêm các vaccine này nhé.
4. Các loại vaccine chống chỉ định trong thai kỳ
4.1. Vaccine sởi – quai bị – rubella
Vaccine sởi – quai bị – rubella (MMR) là vaccine sống giảm độc lực nên mẹ chỉ được tiêm trước mang thai 3 tháng và tuyệt đối không được tiêm nếu biết mình có thai.
4.2. Vaccine thủy đậu
Tương tự như vaccine sởi – quai bị – rubella, vaccine thủy đậu là vaccine sống giảm độc lực nên mẹ chỉ được tiêm trước khi mang thai 3 tháng. Vì vậy, khám mẹ nên đi khám tiền sản trước khi chuẩn bị mang bầu để được bác sĩ tư vấn các mũi tiêm cần được tiêm trước khi mang thai.
5. Tình hình tiêm vaccine trong thai kỳ tại Việt Nam
Hiện tại ở Việt Nam, mẹ bầu có thể lựa chọn tiêm phòng uốn ván bằng một trong hai loại vaccine là vaccine uốn ván VAT và vaccine 3 trong 1 Tdap (bạch hầu – ho gà – uốn ván):
- Đối với vaccine VAT: Nếu mẹ chưa được tiêm hoặc không rõ tiền sử tiêm chủng hoặc chưa tiêm đủ 3 mũi vaccine liều cơ bản, thì vào lần mang thai đầu tiên, mẹ bầu sẽ được tiêm 2 mũi vaccine cách nhau 1 tháng. Mũi thứ 3 mẹ sẽ được tiêm vào lần thai sau. Mũi thứ 4 và thứ 5 cũng sẽ được lần lượt tiêm vào các kỳ thai tiếp theo.
Lịch tiêm phòng vaccin VAT cho thai phụ
- Đối với vaccine Tdap: mẹ bầu chỉ cần tiêm 1 mũi vào tuần thai thứ 27-36. Tuy nhiên giá thành của vaccine Tdap sẽ cao hơn so với vaccine VAT. Mẹ bầu có thể tham khảo ý kiến của bác sĩ và cân nhắc lựa chọn.
Bên cạnh đó, tiêm phòng cúm thường được khuyến cáo cho mẹ bầu vào mùa cúm, từ tháng 10 đến tháng 5 năm sau. Mẹ có thể tiêm trước khi mang thai hoặc tam cá nguyệt thứ hai và thứ ba của thai kỳ.
Bằng cách tìm hiểu về các loại vaccine khuyến nghị trong thai kỳ và tuân thủ lịch tiêm phòng được bác sĩ chỉ định, mẹ bầu không chỉ giảm thiểu rủi ro mắc các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm và bảo vệ sức khỏe của bản thân, mà còn giúp con xây dựng hệ miễn dịch mạnh mẽ trong suốt quá trình mang thai và sau này khi con chào đời.
Bài viết tham khảo nguồn:
Vaccines During Pregnancy FAQs | Vaccine Safety | CDC
Tdap (Pertussis) Vaccine and Pregnancy | CDC
Influenza (Flu) Vaccine and Pregnancy | CDC
COVID-19 Vaccines While Pregnant or Breastfeeding (cdc.gov)
Vaccines Before Pregnancy | CDC
ok
oke