Tăng huyết áp thai kỳ là tình trạng cao huyết áp xuất hiện sau tuần thai thứ 20 và thường hồi phục sau khi sinh con. Đây là một vấn đề y tế nguy hiểm, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của mẹ và sự phát triển của thai nhi. Bài viết dưới đây sẽ cung cấp những thông tin cơ bản về tăng huyết áp thai kỳ và cách đối phó với bệnh lý này, từ đó giúp mẹ bầu tự tin hơn trong hành trình mang thai của mình.
1. Tăng huyết áp thai kỳ là gì?
Tăng huyết áp thai kỳ là tình trạng huyết áp cao xuất hiện sau tuần thứ 20 của thai kỳ và thường hồi phục sau khi sinh con. Đây là một vấn đề y tế thường gặp ở phụ nữ mang thai và ảnh hưởng 5-10% các trường hợp mang thai trên toàn thế giới.
Tăng huyết áp trong khi mang thai có thể chia thành nhiều mức độ khác nhau, từ nhẹ, trung bình cho đến nặng:
● Tăng huyết áp thai kỳ mức độ nhẹ: Huyết áp tâm thu 140-149 mmHg và/hoặc huyết áp tâm trương 90-99 mmHg
● Tăng huyết áp thai kỳ mức độ trung bình: Huyết áp tâm thu 150-159 mmHg và/hoặc huyết áp tâm trương 100-109 mmHg
● Tăng huyết áp thai kỳ mức độ nặng: Huyết áp tâm thu ≥160 và/hoặc huyết áp tâm trương ≥110 mmHg
Hầu hết phụ nữ chỉ bị tăng huyết áp nhẹ khi mang thai, tuy nhiên một số bệnh nhân lại bị tăng huyết áp nặng. Những bệnh nhân này sẽ có nguy cơ bị các biến chứng nguy hiểm như tiền sản giật, sản giật, sảy thai hoặc sinh non.
Tăng huyết áp thai kỳ là một vấn đề y tế thường gặp ở các mẹ bầu
2. Điều trị tăng huyết áp thai kỳ
Điều trị tăng huyết áp thai kỳ sẽ phụ thuộc vào mức huyết áp của từng bệnh nhân. Đối với các bệnh nhân tăng huyết áp nhẹ – trung bình, bác sĩ sẽ kê các loại thuốc hạ huyết áp để kiểm soát huyết áp của bệnh nhân.
Các thuốc hạ huyết áp thường được sử dụng để điều trị tăng huyết áp thai kỳ gồm:
● Methyldopa: Liều methyldopa ban đầu là 250 mg, uống 2-3 lần/ngày, có thể tăng lên nếu cần thiết đến liều tối đa 3 g/ngày.
● Thuốc chẹn beta: Thuốc chẹn beta được sử dụng phổ biến trong điều trị tăng huyết áp thai kỳ là labetalol. Liều thông thường của labetalol là 100 mg, uống 2-3 lần/ngày, có thể tăng tới liều tối đa là 2400 mg/ngày.
● Thuốc chẹn kênh canxi: Thuốc chẹn kênh canxi được sử dụng phổ biến là nifedipine dạng phóng thích kéo dài. Liều ban đầu là 30-60 mg, uống 1 lần/ngày và có thể tăng tới liều tối đa là 120 mg.
Đặc biệt lưu ý, không phải loại thuốc huyết áp nào cũng có thể được sử dụng ở phụ nữ mang thai. Bệnh nhân cần tránh dùng thuốc ức chế men chuyển và thuốc đối kháng thụ thể angiotensin trong khi mang thai, vì các nhóm thuốc huyết áp này có thể làm tăng nguy cơ rối loạn chức năng thận của thai nhi, dị dạng xương và thậm chí là gây tử vong cho thai nhi.
Những bệnh nhân bị tăng huyết áp thai kỳ mức độ nặng cần phải nhập viện và điều trị càng sớm càng tốt để phòng ngừa các biến chứng nguy hiểm như suy tim, đột quỵ, tiền sản giật, sản giật,…
Bệnh nhân bị tăng huyết áp thai kỳ mức độ nặng cần nhập viện để điều trị càng sớm càng tốt
3. Theo dõi tăng huyết áp thai kỳ như thế nào?
Bên cạnh việc kiểm tra huyết áp trong quá trình khám thai, bạn cũng nên sử dụng một máy đo huyết áp tại nhà để tự theo dõi. Theo dõi huyết áp thường xuyên sẽ giúp phát hiện sớm các dấu hiệu bất thường và giúp giảm nguy cơ phát triển các biến chứng liên quan đến tăng huyết áp trong thai kỳ.
Dưới đây là một số lưu ý khi tự đo huyết áp tại nhà cho phụ nữ có thai:
● Nên nghỉ ngơi ít nhất 5 đến 10 phút trước khi thực hiện đo huyết áp.
● Tránh sử dụng các chất kích thích như thuốc lá, cà phê trong vòng 2 giờ trước khi đo
● Bệnh nhân nên đo huyết áp ở tư thế ngồi tựa lưng vào ghế hoặc tư thế nằm nghiêng bên trái.
● Hãy thả lỏng tay và đặt tay ở vị trí ngang với tim.
● Ban đầu, hãy đo huyết áp ở cả hai tay và sau đó chọn tay có giá trị huyết áp cao hơn để tiếp tục theo dõi.
● Sử dụng vòng quấn có kích thước phù hợp với cánh tay
● Trong quá trình đo huyết áp, hạn chế cười đùa và nói chuyện để đảm bảo tính chính xác của kết quả đo.
Mẹ bầu nên được theo dõi huyết áp thường xuyên để phát hiện sớm các dấu hiệu bất thường
4. Biến chứng của tăng huyết áp thai kỳ đối với mẹ và bé
Tăng huyết áp thai kỳ nếu không được kiểm soát tốt có thể gây ra nhiều biến chứng vô cùng nguy hiểm. Dưới đây là một số biến chứng mà mẹ và thai nhi có thể gặp phải khi mẹ bị tăng huyết áp thai kỳ:
● Đối với người mẹ: Mẹ có thể gặp phải các tình trạng nguy hiểm như tiền sản giật, sản giật, đột quỵ và nhau bong non.
● Đối với thai nhi: Huyết áp cao của người mẹ có thể khiến thai nhi không nhận đủ oxy và chất dinh dưỡng cần thiết để phát triển, do đó sẽ dẫn tới nguy cơ sinh non, nhẹ cân hoặc nguy hiểm hơn là thai chết lưu.
Tóm lại:
Tăng huyết áp thai kỳ là một vấn đề y tế nguy hiểm và có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm. Hãy luôn tuân thủ sự hướng dẫn của chuyên gia y tế và thực hiện kiểm tra huyết áp một cách đều đặn để bảo vệ sức khỏe của mẹ và thai nhi trong suốt quá trình mang thai.
Nguồn tham khảo:
1. https://timmachhoc.vn/tang-huyet-ap-trong-thai-ky/
2. Hướng dẫn điều trị THA của Hội tim mạch học VN 2022 3. https://www.cdc.gov/bloodpressure/pregnancy.htm
4. Uptodate (2023).Treatment of hypertension in pregnant and postpartum patients