Tăng huyết áp vô căn là loại tăng huyết áp không xác định rõ nguyên nhân gây bệnh. Trong bài viết dưới đây, hãy cùng FPT Medicare tìm hiểu về mức độ phổ biến của tăng huyết áp vô căn, các yếu tố nguy cơ và biện pháp phòng ngừa bệnh lý này.
1. Tăng huyết áp vô căn có phổ biến không?
Trước hết chúng ta cần hiểu tăng huyết áp vô căn là gì? Bệnh tăng huyết áp có thể chia thành hai loại là tăng huyết áp vô căn và tăng huyết áp thứ phát. Trong đó, tăng huyết áp vô căn (hay còn được gọi là tăng huyết áp nguyên phát) là dạng cao huyết áp mà bác sĩ không thể xác định được nguyên nhân gây bệnh.
Tăng huyết áp vô căn là một bệnh lý tim mạch phổ biến hiện nay và chiếm khoảng 95% tổng số trường hợp mắc tăng huyết áp. Theo thống kê của WHO năm 2021, toàn thế giới có hơn 1 tỷ người trưởng thành mắc tăng huyết áp. Con số này có thể tăng tới 15% đến 20% và đạt gần 1,5 tỷ người vào năm 2025.
Tình trạng tăng huyết áp nói chung và tăng huyết áp vô căn nói riêng cũng đang ngày càng phổ biến tại Việt Nam. Các thống kê gần đây cho thấy tỷ lệ mắc tăng huyết áp ở người trưởng thành năm 2021 là 26,2%, tương đương với khoảng 17 triệu người. Đây là những con số rất đáng báo động. Tuy nhiên điều đáng lo ngại là rất nhiều người không biết mình đang bị tăng huyết áp, dẫn tới tỷ lệ biến chứng do tăng huyết áp rất cao.
2. Đối tượng nào có nguy cơ bị tăng huyết áp vô căn?
Có nhiều yếu tố có thể làm tăng nguy cơ mắc cao huyết áp vô căn như tình trạng sức khỏe, tuổi tác, lối sống và tiền sử gia đình. Dưới đây là một số đối tượng có nguy cơ
cao bị tăng huyết áp vô căn, cần kiểm tra huyết áp thường xuyên để phòng ngừa và phát hiện bệnh kịp thời:
2.1 Béo phì
Theo Hiệp hội đái đường các nước châu Á, chỉ số BMI (chỉ số được tính dựa trên chiều cao và cân nặng) từ 25 trở lên được xem là béo phì. Béo phì có thể làm tăng nguy cơ mắc tăng huyết áp vô căn và các bệnh lý nguy hiểm khác như đái tháo đường, bệnh mạch vành, rối loạn lipid máu.
2.2 Uống nhiều rượu
Một số nghiên cứu cho thấy uống rượu bia với lượng vừa phải có thể tốt cho tim mạch, tuy nhiên tiêu thụ quá nhiều bia rượu có thể dẫn tới tăng huyết áp vô căn. Ngoài ra, rượu cũng là thức uống giàu calo và có nguy cơ gây tăng cân.
Uống nhiều rượu bia có thể làm tăng huyết áp vô căn
2.3 Ăn nhiều natri và ít kali
Natri là một chất dinh dưỡng thiết yếu để duy trì thể tích huyết tương, truyền xung thần kinh và chức năng bình thường của tế bào. Tuy nhiên ăn quá nhiều natri có liên quan đến các tác động bất lợi cho sức khỏe, bao gồm cả tăng huyết áp vô căn. Tiêu thụ > 2 gam natri mỗi ngày (tương đương
5 gam muối/ngày) và ăn ít kali (dưới 3,5 gam/ngày) góp phần gây cao huyết áp và tăng nguy cơ mắc bệnh tim, đột quỵ.
2.4 Lối sống ít vận động
Vận động thể chất có lợi cho tim và hoạt động của hệ tuần hoàn. Lối sống tĩnh tại, lười vận động sẽ làm tăng nguy cơ mắc cao huyết áp vô căn và các bệnh lý khác như đái tháo đường, rối loạn lipid máu.
2.5 Người bị đái tháo đường
Đái tháo đường và tăng huyết áp là hai bệnh lý thường tồn tại song song. Đái tháo đường có thể gây tổn thương động mạch và là nguy cơ dẫn tới tăng huyết áp vô căn. Những bệnh nhân mắc đồng thời tăng huyết áp và đái tháo đường sẽ có nguy cơ bị các biến chứng tim mạch cao hơn.
2.6 Hút thuốc lá
Hút thuốc lá chủ động hoặc tiếp xúc với khói thuốc thụ động đều có thể làm tổn hại mạch máu và làm tăng nguy cơ bị cao huyết áp.
2.7 Stress
Căng thẳng quá mức có thể khiến cơ thể sản xuất các hormon như epinephrine, cortisol và norepinephrine. Những hormone này có thể gây tăng nhịp tim, co mạch và dẫn tới cao huyết áp.
Uống nhiều rượu bia có thể làm tăng huyết áp vô căn
3. Các biện pháp phòng ngừa tăng huyết áp vô căn
Nếu bạn thuộc nhóm đối tượng có nguy cơ cao bị tăng huyết áp vô căn, hãy áp dụng các biện pháp phòng ngừa sau đây:
● Giảm cân: Bạn nên giảm cân nếu đang bị thừa cân hoặc béo phì. Bạn có thể giảm cân bằng cách điều chỉnh chế độ ăn uống và tăng cường vận động thể lực.
● Xây dựng chế độ ăn uống lành mạnh: Bạn nên hạn chế các thực phẩm nhiều đường, nhiều dầu mỡ và thức ăn chế biến sẵn để giảm nguy cơ mắc các bệnh lý như tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn lipid máu.
● Hạn chế muối và tăng bổ sung kali: Bạn nên điều chỉnh lượng muối trong chế độ ăn, không quá 5g muối /ngày (tương đương với khoảng 1 thìa cà phê/ngày). Bạn cũng cần tăng cường các thực phẩm giàu kali như chuối, bơ, cải bẹ xanh, khoai tây,…
● Tăng cường hoạt động thể lực: Theo khuyến cáo của các hiệp hội tim mạch, nên tập luyện thể dục thường xuyên với thời gian ≥ 30 phút/lần tập/ngày và nên tập 5 – 7 ngày/tuần. Tùy theo thể trạng và sở thích, bạn có thể lựa chọn các bài tập như đi bộ, đạp xe, bơi lội,…
● Hạn chế rượu bia: Hiệp hội Tim Mạch Hoa Kỳ khuyến cáo không uống quá hai ly mỗi ngày đối với nam giới và không quá một ly mỗi ngày đối với nữ giới. Một ly sẽ tương đương với 355 ml bia với độ cồn khoảng 5% hoặc 148 ml rượu vang
● Ngưng hút thuốc lá: Một nghiên cứu vào năm 2021 cho thấy việc cai thuốc lá giúp làm giảm đáng kể huyết áp tâm thu và huyết áp tâm trương của những người tham gia nghiên cứu.
● Hạn chế stress: Học cách thư giãn và kiểm soát căng thẳng có thể cải thiện sức khỏe thể chất và tinh thần cũng như giúp hạ huyết áp. Bạn có thể giảm stress bằng các cách tập thể dục, nghe nhạc hoặc tập thiền.
Xây dựng chế độ ăn uống lành mạnh để phòng ngừa tăng huyết áp vô căn
Tóm lại
Tăng huyết áp vô căn là một bệnh lý tim mạch phổ biến và có thể dẫn tới nhiều biến chứng nguy hiểm như suy tim, suy giảm chức năng thận hoặc đột quỵ. Để phòng ngừa tăng huyết áp vô căn bạn nên duy trì một lối sống lành mạnh, hạn chế căng thẳng và tăng cường vận động thể lực.
Nguồn tham khảo:
https://www.who.int/news-room/fact-sheets/detail/hypertension#:~:text=Hypertension%20(high%20blood%20pressure)%20is,get%20your%20blood%20pressure%20checked.
https://moh.gov.vn/hoat-dong-cua-lanh-dao-bo/-/asset_publisher/TW6LTp1ZtwaN/content/can-quan-tam-hon-ve-hoat-ong-quan-ly-benh-khong-lay-nhiem-va-roi-loan-suc-khoe-tam-than-tai-tuyen-y-te-co-so
Hướng dẫn điều trị THA của Hội tim mạch Hoa Kỳ: AHA 2017
https://www.ahajournals.org/doi/10.1161/01.CIR.101.3.329
https://www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK539859/
https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC8534426/
https://www.who.int/news-room/fact-sheets/detail/salt-reduction#:~:text=High%20sodium%20consumption%20(%3E2%20grams,%20heart%20 disease%20and%20 stroke.