Quế, một gia vị quen thuộc trong đời sống, không chỉ giúp làm dậy hương vị các món ăn mà còn mang lại nhiều lợi ích đối với sức khỏe. Đặc biệt, quế được nghiên cứu là có khả năng hỗ trợ kiểm soát đường huyết và cải thiện độ nhạy insulin, từ đó có tiềm năng trở thành một thực phẩm bổ sung hữu ích cho người khỏe mạnh, tiền tiểu đường, hay bệnh tiểu đường tuýp 2. Vậy quế thực sự có thể giúp gì cho bệnh tiểu đường, và cách sử dụng quế sao cho an toàn và hiệu quả là gì?
1. Lợi ích của quế đối với bệnh tiền tiểu đường
Tiền tiểu đường là trạng thái khi mức đường huyết cao hơn bình thường nhưng chưa đủ để chẩn đoán là bệnh tiểu đường tuýp 2. Đây là giai đoạn cảnh báo quan trọng, bởi nếu không được can thiệp kịp thời, người mắc tiền tiểu đường có nguy cơ cao phát triển thành bệnh tiểu đường tuýp 2.
Quế là một loại dược liệu giàu chất chống oxy hóa và có tác dụng sinh học đặc biệt trong việc kiểm soát đường huyết. Một nghiên cứu gần đây trên 54 bệnh nhân mắc tiền tiểu đường ở Hàn Quốc và Hoa Kỳ trong 12 tuần cho thấy quế mang lại nhiều lợi ích nổi bật:
- Cải thiện glucose huyết lúc đói và khả năng dung nạp glucose: Bệnh nhân sử dụng quế có mức đường huyết lúc đói ổn định hơn và giảm đáng kể glucose huyết sau xét nghiệm dung nạp glucose đường uống, so với nhóm đối chứng, ở tuần thứ 12.
- Cải thiện các chỉ số dài hạn: Nghiên cứu ghi nhận sự giảm nhẹ 0,2% HbA1c (một chỉ số phản ánh mức đường huyết trung bình trong 3 tháng) sau 12 tuần. Mặc dù tác động của quế có vẻ khiêm tốn, nhưng chỉ cần giảm 0,2% HbA1c đã có ý nghĩa lâm sàng lớn. Ước tính, 10% số ca tử vong liên quan đến tiểu đường có thể được ngăn ngừa chỉ bằng thay đổi nhỏ này.
Nghiên cứu này được thực hiện trên nhóm người tiền tiểu đường, cho thấy tác động tích cực của quế đến nhóm đối tượng chưa dùng bất kì loại thuốc hạ đường huyết nào trước đây.
2. Tác dụng của quế với người khỏe mạnh và bệnh nhân tiểu đường tuýp 2
Không chỉ dừng lại ở người tiền tiểu đường, quế còn mang lại lợi ích cho người khỏe mạnh và bệnh nhân tiểu đường tuýp 2:
- Người khỏe mạnh: Nhiều nghiên cứu đã báo cáo hiệu quả của quế trong việc cải thiện lượng glucose, insulin và tốc độ làm rỗng dạ dày sau bữa ăn. Việc bổ sung quế giúp giảm cơn tăng đột ngột của glucose huyết trong xét nghiệm dung nạp glucose đường uống, đồng thời tăng độ nhạy insulin – yếu tố quan trọng trong việc kiểm soát đường huyết.
- Bệnh nhân tiểu đường tuýp 2: Nhiều nghiên cứu đã chứng minh rằng quế giúp giảm HbA1c, đường huyết lúc đói, insulin và lipid máu. Một nghiên cứu ở Hoa Kỳ với 109 bệnh nhân sử dụng 1g quế mỗi ngày trong 90 ngày cho thấy HbA1c giảm 0,83%. Kết quả này được kỳ vọng sẽ giảm nguy cơ biến chứng như bệnh mạch máu lớn (16%), bệnh võng mạc (17–21%) và bệnh thận (24–33%).
3. Cơ chế tác dụng của quế trong việc kiểm soát đường huyết
Quế có tác dụng hỗ trợ kiểm soát đường huyết thông qua nhiều cơ chế phức tạp:
- Tăng cường hoạt động của GLUT4: Đây là chất vận chuyển glucose được điều hòa bởi insulin, giúp hấp thụ glucose vào tế bào mỡ và cơ. Quế kích thích sự chuyển dịch GLUT4, từ đó tăng cường khả năng sử dụng glucose của cơ thể.
- Kích thích GLP-1: Hợp chất này làm chậm quá trình làm rỗng dạ dày, giảm cảm giác đói, ức chế glucagon và tăng hấp thụ glucose vào tế bào, từ đó có lợi cho đường huyết.
- Ức chế enzyme alpha-glucosidase: Quế ngăn chặn enzyme này phân hủy carbohydrate thành glucose, làm chậm sự hấp thụ đường và giảm tăng đường huyết đột ngột sau bữa ăn.
- Hoạt tính chống oxy hóa: Các polyphenol trong quế giúp tăng hiệu quả của insulin và chống oxy hóa – giúp các tế bào sử dụng glucose hiệu quả hơn và hạn chế tăng đường huyết.
- Ngoài ra, quế còn có đặc tính kháng viêm, giúp tăng sự biểu hiện của các protein kháng viêm, từ đó cung cấp hỗ trợ bảo vệ chống lại sự phát triển của tình trạng kháng insulin và bệnh tiểu đường.
4. Sử dụng quế để hỗ trợ kiểm soát đường huyết
Liều lượng khuyến nghị
Quế là một thảo dược tự nhiên, nhưng tính cay nóng của nó đòi hỏi người sử dụng phải tuân thủ liều lượng hợp lý. Theo khuyến nghị của Bộ Y tế, liều dùng hàng ngày có thể dao động từ 2-6g, tùy theo dạng sử dụng (bột, thuốc sắc, hoặc viên nang).
Các nghiên cứu lâm sàng cũng ghi nhận rằng việc tiêu thụ đến 6g quế mỗi ngày trong thời gian ngắn là an toàn. Tuy nhiên, cần tránh lạm dụng để không gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe.
Lưu ý khi sử dụng
- Người có vấn đề về gan: Quế chứa coumarin, một hợp chất có thể gây tổn thương gan nếu sử dụng với liều cao trong thời gian dài. Người mắc bệnh gan hoặc có tiền sử phản ứng với quế nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng.
- Người đang dùng thuốc trị tiểu đường: Việc kết hợp quế với thuốc hạ đường huyết hoặc insulin có thể gây tác dụng phụ không mong muốn do tương tác thuốc. Do đó, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ điều trị trước khi dùng quế như một thực phẩm bổ sung.
Để góp phần giúp các bệnh nhân thay đổi thói quen ăn uống và sinh hoạt phù hợp để kiểm soát tốt bệnh tiểu đường, FPT MediCare đang tiên phong trong việc ứng dụng các công nghệ hiện đại cho mục đích chăm sóc sức khỏe, trong đó có bệnh tiểu đường. Bên cạnh đó, công nghệ theo dõi đường huyết liên tục đã tạo ra một cuộc cách mạng trong việc quản lý đường huyết. Máy đo đường huyết liên tục 3P của FPT MediCare, giúp theo dõi chính xác mức đường huyết 24/7, từ đó giúp bạn hiểu rõ hơn về cơ thể và các yếu tố ảnh hưởng đến đường huyết của mình. Nhờ vậy, bạn có thể điều chỉnh chế độ ăn uống, hoạt động thể chất và thói quen sinh hoạt một cách hiệu quả. Với máy đo đường huyết liên tục 3P của FPT, việc quản lý bệnh tiểu đường trở nên đơn giản và hiệu quả hơn bao giờ hết. Để hiểu hơn về lợi ích của thiết bị này, bạn có thế tham khảo thêm sản phẩm và các bài viết khác trên trang web https://web.fptmedicare.vn/.
Bài viết tham khảo nguồn:
https://academic.oup.com/jes/article/4/11/bvaa094/5870882
https://www.medcentral.com/endocrinology/diabetes/pre/cinnamon-supplement-prediabetes
https://pmc.ncbi.nlm.nih.gov/articles/PMC2901047
https://www.jabfm.org/content/22/5/507
https://journals.plos.org/plosone/article?id=10.1371/journal.pone.0087894
https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/16202636
https://www.sciencedirect.com/science/article/abs/pii/B978190756847350001X