Bác sĩ của bạn có thể chẩn đoán bệnh tiểu đường cho bạn bằng xét nghiệm máu chỉ số đường huyết. Các xét nghiệm máu cho biết mức đường huyết của bạn có cao hơn ngưỡng cho phép hay không. Ngoài ra, việc xét nghiệm máu cũng có thể giúp xác định loại bệnh tiểu đường mà bạn mắc phải.
Nên nhớ, đừng cố gắng tự chẩn đoán nếu bạn nhận thấy mình có các triệu chứng của bệnh tiểu đường. Máy đo đường huyết lấy máu mà bạn mua ở nhà thuốc có thể giúp bạn theo dõi lượng đường trong máu, tuy nhiên nó không đủ để kết luận bạn có bị bệnh tiểu đường hay không. Do đó, bạn cần đi đến các cơ sở y tế để xét nghiệm tầm soát và chẩn đoán bệnh.
1. Xét nghiệm HbA1c ( hay A1C) là gì?
Xét nghiệm A1C (còn được gọi là xét nghiệm huyết sắc tố A1C hoặc HbA1c), là một xét nghiệm máu đơn giản để đo lượng đường trong máu trung bình của bạn trong 2-3 tháng qua.
Đây là một trong những xét nghiệm thường dùng để chẩn đoán bệnh tiểu đường, đồng thời cũng là xét nghiệm chính giúp bác sĩ đánh giá khả năng kiểm soát bệnh tiểu đường của bạn.
Mức A1C cao hơn ngưỡng mục tiêu có khả năng gây ra các biến chứng của bệnh tiểu đường, vì vậy việc đạt được và duy trì mục tiêu A1C mà bác sĩ đã đặt ra cho bạn là rất quan trọng nếu bạn mắc bệnh tiểu đường.
1.1 Các bước thực hiện và đánh giá xét nghiệm
Xét nghiệm được thực hiện tại bệnh viện bởi nhân viên y tế:
- Nhân viên y tế sẽ tiến hành lấy máu của bạn bằng kim tiêm.
- Sau đó, mẫu máu sẽ được đưa đến phòng thí nghiệm của bệnh viện để định lượng nồng độ HbA1c.
- Kết quả xét nghiệm sau cùng sẽ trả về cho bạn và bác sĩ
Theo đó, kết quả xét nghiệm của bạn sẽ được phân loại dựa trên tiêu chuẩn sau:
Phân loại | Nồng độ HbA1c |
Bình thường | < 5,7% |
Tiền đái tháo đường | 5,7 – 6,4% |
Đái tháo đường | ≥ 6,5% |
1.2 Bạn cần chuẩn bị gì để thực hiện xét nghiệm?
- Bạn không cần phải làm gì đặc biệt để chuẩn bị cho xét nghiệm A1C. Tuy nhiên, hãy hỏi ý kiến bác sĩ thêm nếu như bạn thực hiện các xét nghiệm khác cùng lúc.
- Ngoài ra, một số yếu tố có thể làm tăng hoặc giảm kết quả A1C của bạn một cách sai lệch, bao gồm:
+ Suy thận, bệnh gan hoặc thiếu máu
+ Một số loại thuốc như opioid, thuốc điều trị HIV.
+ Mang thai
Hãy thông báo cho bác sĩ biết nếu bạn có bất kỳ yếu tố nào này và hỏi xem bạn có cần xét nghiệm bổ sung để đảm bảo độ chính xác hay không.
2. Kiểm tra đường huyết đói
2.1 Kiểm tra đường huyết đói là gì?
Xét nghiệm đường huyết (The fasting plasma glucose test– FPG) là phương pháp xét nghiệm nồng độ đường huyết sau khi không ăn bất cứ thứ gì trong ít nhất 8 tiếng (trừ uống nước lọc).
Tham khảo: 3 cách theo dõi đường huyết dành cho người bệnh tiểu đường
2.2 Các bước thực hiện xét nghiệm
Xét nghiệm thường được thực hiện vào buổi sáng, trước khi ăn. Tương tự như xét nghiệm HbA1c, bệnh nhân cũng sẽ thực hiện xét nghiệm tại bệnh viện với các bước như:
- Nhân viên y tế sẽ lấy máu từ cánh tay (có thể sẽ lấy chung mẫu máu với xét nghiệm HbA1c nếu có cả hai chỉ định cùng lúc) bằng kim tiêm
- Sau đó, mẫu máu sẽ được đưa đến phòng thí nghiệm của bệnh viện để xác định chỉ số đường huyết đói
- Kết quả cuối cũng sẽ trả về cho bạn và bác sĩ
Theo đó, kết quả xét nghiệm của bạn sẽ được phân loại dựa trên tiêu chuẩn sau:
Phân loại | Chỉ số đường huyết đói (FPG) |
Bình thường | < 100 mg/dL |
Tiền đái tháo đường | 100-125 mg/dL |
Đái tháo đường | ≥ 126 mg/dL |
2.3 Bạn cần chuẩn bị gì để thực hiện xét nghiệm?
Bạn cần nhịn ăn (không uống nước ngọt, có thể uống nước lọc và nước đun sôi để nguội) ít nhất 8 giờ (thường phải nhịn đói qua đêm từ 8-14 giờ).
Lưu ý: Nếu bạn “lỡ” ăn hoặc uống nước ngọt trước thời gian quy định, bạn cần thông báo đến bác sĩ ngay để có hướng dẫn kịp thời. Theo đó, bác sĩ có thể chỉ định bạn làm một xét nghiệm khác thay thế vì lúc này mẫu máu của bạn sẽ không còn đạt chuẩn nữa.
3. Nghiệm pháp dung nạp glucose đường uống
3.1 Nghiệm pháp dung nạp glucose là gì?
Nghiệm pháp dung nạp glucose đường uống còn gọi là oral glucose tolerance test – OGTT. Phương pháp này dùng để đánh giá khả năng xử lý đường của cơ thể sau khi bệnh nhân được cho uống 1 cốc glucose pha chuẩn.
3.2 Các bước thực hiện xét nghiệm
Nghiệm pháp dung nạp glucose bằng đường uống phải thực hiện theo hướng dẫn của Tổ chức Y tế thế giới. Theo đó, bệnh nhân cần nhịn đói từ 8-14 giờ trước khi thực hiện nghiệm pháp. Các bước tiến hành bao gồm:
- Đầu tiên, nhân viên y tế sẽ lấy máu trên tĩnh mạch cánh tay của bạn để đo đường huyết lúc đói.
- Tiếp theo, bạn được cho 1 cốc đường glucose (gồm 75 gam glucose được hòa trong 250-300 ml nước)
- Bạn cần uống cốc nước đường này trong 5 phút
- Sau đó, nhân viên y tế sẽ lấy máu xét nghiệm đường huyết tại các thời điểm khác nhau (thường là thời điểm 1 giờ và 2 giờ).
- Cuối cùng, kết quả này sẽ được so sánh với kết quả đường huyết ban đầu để đánh giá xem cơ thể bạn xử lý glucose như thế nào.
Theo đó, kết quả xét nghiệm của bạn sẽ được phân loại dựa trên tiêu chuẩn sau:
Phân loại | Chỉ số đường huyết sau 2 giờ |
Bình thường | < 140 mg/dL |
Tiền đái tháo đường | 140-199 mg/dL |
Đái tháo đường | ≥ 200 mg/dL |
3.3 Bạn cần chuẩn bị gì để thực hiện xét nghiệm?
Bạn cần nhịn ăn (không uống nước ngọt, có thể uống nước lọc và nước đun sôi để nguội) ít nhất 8 giờ (thường phải nhịn đói qua đêm từ 8-14 giờ).
Lưu ý:
- Trong 3 ngày trước khi làm xét nghiệm, bạn cần ăn khẩu phần có khoảng 150-200 carbohydrat mỗi ngày.
- Bệnh nhân không mắc các bệnh lý cấp tính và không sử dụng các thuốc làm tăng glucose huyết.
- Mẫu máu cần được lấy ở tĩnh mạch.
4. Kiểm tra đường huyết ngẫu nhiên
4.1 Kiểm tra đường huyết ngẫu nhiên là sao?
Xét nghiệm đường huyết ngẫu nhiên (hay còn gọi là Random plasma glucose test). Phương pháp này giúp bạn đo lượng đường trong máu ngay tại thời điểm thử nghiệm. Thông thường, xét nghiệm này được thường chỉ định ở các bệnh nhân có các triệu chứng điển hình của đái tháo đường.
Tham khảo: Dấu hiệu của bệnh tiểu đường
4.2 Các bước thực hiện xét nghiệm
Xét nghiệm có thể thực hiện ở bất kỳ thời điểm nào trong ngày. Tương tự như test HbA1c, xét nghiệm được thực hiện bởi nhân viên y tế theo các bước:
- Nhân viên y tế sẽ tiến hành lấy máu từ cánh tay của bạn bằng kim tiêm.
- Sau đó, mẫu máu sẽ được đưa đến phòng thí nghiệm của bệnh viện để định lượng nồng độ glucose trong máu
- Kết quả cuối cũng sẽ trả về cho bạn và bác sĩ
Theo đó, kết quả xét nghiệm của bạn sẽ được phân loại dựa trên tiêu chuẩn sau:
Phân loại | Chỉ số đường huyết |
Bình thường | NA |
Tiền đái tháo đường | NA |
Đái tháo đường | ≥ 200 mg/dL |
Người bệnh cần chuẩn bị gì để thực hiện xét nghiệm?
Bạn có thể thực hiện xét nghiệm này bất cứ lúc nào và không cần phải nhịn ăn.
5. Các xét nghiệm được lựa chọn như thế nào?
Thông thường, nếu không có triệu chứng điển hình của tăng glucose huyết (bao gồm tiểu nhiều, uống nhiều, ăn nhiều, sụt cân không rõ nguyên nhân), các xét nghiệm đường huyết đói hoặc nghiệm pháp dung nạp glucose đường uống và HbA1C cần được thực hiện lặp lại 2 lần để chẩn đoán xác định.
Trong điều kiện thực tế tại Việt Nam, bác sĩ có thể sẽ ưu tiên lựa chọn các phương pháp đơn giản và hiệu quả để chẩn đoán đái tháo đường cho bạn, bao gồm Định lượng glucose huyết đói (thực hiện 2 lần) và Định lượng HbA1c (đo 2 lần, đo tại các phòng khám đạt tiêu chuẩn quốc tế)
Bên cạnh đó, bạn có thể sẽ được chỉ định làm thêm các xét nghiệm chẩn đoán phân biệt loại đái tháo đường để có kế hoạch điều trị phù hợp. Một số xét nghiệm bạn cũng có thể gặp như:
- Xét nghiệm di truyền
- Xét nghiệm tự kháng thể
Ngoài ra, đối với phụ nữ mang thai, xét nghiệm chẩn đoán thường gặp là Xét nghiệm sàng lọc (Glucose screening test) và xét nghiệm dung nạp glucose (Glucose tolerance test). Tại Việt Nam, theo khuyến cáo của Bộ Y tế, các thai phụ có thể được chẩn đoán đái tháo đường thai kỳ thông qua phương pháp xét nghiệm 1 bước là Nghiệm pháp dung nạp glucose đường uống (Oral glucose tolerance test).
Tham khảo: Đái tháo đường thai kỳ có đang “tìm đến bạn”
Các xét nghiệm đường huyết bạn thường gặp là gì? |
|
Tài liệu tham khảo:
- https://www.cdc.gov/diabetes/basics/getting-tested.html
- https://medlatec.vn/tin-tuc/tim-hieu-nhung-tieu-chuan-chan-doan-dai-thao-duong-s195-n33671/
- https://www.niddk.nih.gov/health-information/diabetes/overview/tests-diagnosis
- https://diabetes.org/diabetes/a1c/diagnosis
- https://diabetesjournals.org/care/article/45/Supplement_1/S17/138925/2-Classification-and-Diagnosis-of-Diabetes
- https://www.cdc.gov/diabetes/managing/managing-blood-sugar/a1c.html#:~:text=The%20A1C%20test%E2%80%94also%20known,care%20team%20manage%20your%20diabetes.