1. Các dấu hiệu giúp nhận biết sớm biến chứng mắt do tiểu đường?
1.1 Mức độ nguy hiểm của biến chứng mắt do tiểu đường
Ở người bệnh tiểu đường (đái tháo đường), việc lượng đường trong máu tăng cao có thể làm ảnh hưởng đến nồng độ dịch kính và làm sưng tấy các mô của mắt, gây mờ mắt. Tình trạng nhìn mờ này là tạm thời và có thể biến mất nếu mức đường huyết của bạn được kiểm soát tốt và đưa về mức bình thường.
Tuy nhiên, nếu nồng độ đường huyết của bạn vẫn tăng cao theo thời gian, nó có thể sẽ làm hỏng các mạch máu nhỏ ở phía sau mắt của bạn và dẫn đến những biến chứng nguy hiểm, thậm chí là mù lòa như:
– Phù hoàng điểm (thường phát triển cùng với bệnh võng mạc tiểu đường)
– Đục thủy tinh thể
– Tăng nhãn áp
Vậy, làm thế nào để nhận biết các triệu chứng của biến chứng mắt trên bệnh nhân tiểu đường?
1.2 Dấu hiệu biết của biến chứng mắt do tiểu đường
Thông thường, các triệu chứng sớm của biến chứng mắt do tiểu đường rất khó nhận biết. Bạn có thể không cảm thấy đau và không thay đổi thị lực khi tổn thương bắt đầu phát triển bên trong mắt, đặc biệt là với bệnh võng mạc tiểu đường.
Khi biến chứng bắt đầu tiến triển, bạn có thể xuất hiện các triệu chứng bao gồm:
– Tầm nhìn mờ hoặc lượn sóng
– Tầm nhìn thường xuyên thay đổi – đôi khi từ ngày này sang ngày khác
– Xuất hiện vùng tối hoặc mất thị lực
– Khó phân biệt màu sắc
– Xuất hiện đốm hoặc các dây sẫm màu trôi nổi trong tầm nhìn (còn gọi là phao nổi)
– Xuất hiện các quầng sáng nhấp nháy trong tầm nhìn
Dưới đây là các ảnh minh họa cho bạn hiểu rõ hơn về biến chứng mắt do tiểu đường:
2. Bạn có thuộc nhóm người nguy cơ cao bị biến chứng mắt do tiểu đường không?
Bất cứ ai mắc bệnh tiểu đường đều có thể có nguy cơ mắc các biến chứng trên mắt. Nguy cơ phát triển các biến chứng này sẽ tăng lên nếu bạn nằm trong các trường hợp sau:
– Mắc bệnh tiểu đường lâu năm không được điều trị ổn định
– Kiểm soát đường huyết kém
– Tăng huyết áp không được điều trị ổn định, nồng độ cholesterol máu cao
– Hút thuốc lá
Một số lưu ý đối với phụ nữ đã mắc tiểu đường và mang thai
– Nếu bạn đã bị tiểu đường trước đó và mang thai, bạn có thể phát triển các vấn đề về mắt rất nhanh trong thai kỳ.
– Nếu đã xuất hiện các triệu chứng của bệnh võng mạc tiểu đường, tình trạng này có thể trở nên tồi tệ hơn trong thai kỳ. Những thay đổi giúp hỗ trợ cơ thể bạn phát triển bào thai có thể gây căng thẳng cho các mạch máu trong mắt.
– Thông thường, các chuyên gia y tế sẽ đề nghị khám mắt thường xuyên trong thời kỳ mang thai để phát hiện và điều trị sớm các vấn đề về mắt cũng như bảo vệ thị lực của bạn.
Bệnh tiểu đường chỉ xảy ra trong thời kỳ mang thai (còn gọi là bệnh tiểu đường thai kỳ) thường không gây ra các vấn đề về mắt. Các nhà nghiên cứu cũng chưa hiểu rõ nguyên nhân tại sao lại có sự khác biệt này.
3. Khi nào nên đi khám bác sĩ ngay?
Bạn cần gọi cho bác sĩ ngay nếu nhận thấy bất kỳ dấu hiệu bất thường nào trên thị lực, bao gồm:
– Xuất hiện những tia sáng lóe lên
– Tầm nhìn có nhiều đốm đen hơn bình thường
– Cảm giác như có một tấm màn che trước mắt
Những thay đổi này có thể là triệu chứng của võng mạc bị bong ra, đây là một trường hợp cần cấp cứu y tế.
4. Bạn có thể làm gì để phòng ngừa biến chứng mắt do tiểu đường?
Để ngăn ngừa bệnh về mắt do tiểu đường hoặc để bệnh không trở nên tồi tệ hơn, bạn có thể thực hiện các biện pháp sau:
– Kiểm soát chỉ số ABC của bệnh tiểu đường bao gồm chỉ số HbA1c, huyết áp và cholesterol ở mức mục tiêu (tùy theo hướng dẫn của bác sĩ)
– Bỏ thuốc nếu bạn hút thuốc. Hút thuốc không chỉ làm tăng nguy cơ mắc biến chứng trên mắt mà còn là nguyên nhân làm tăng nguy cơ khác của bệnh tiểu đường.
– Quản lý tình trạng tiểu đường của bạn
+ Hãy biến việc ăn uống lành mạnh và hoạt động thể chất thành thói quen hàng ngày của bạn.
+ Cố gắng dành ít nhất 150 phút để tập thể dục ở cường độ vừa phải, chẳng hạn như đi bộ vào mỗi tuần.
+ Sử dụng thuốc theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ
+ Theo dõi chặt chẽ lượng đường trong máu của bạn. Bạn nên kiểm tra và ghi lại mức đường huyết của mình nhiều lần trong ngày. Tần suất này có thể tăng lên nếu bạn bị ốm hoặc bị căng thẳng. Hãy tham khảo ý kiến và tuân thủ chỉ dẫn của bác sĩ chuyên khoa về các vấn đề này.
Ngoài ra, hãy khám mắt ít nhất mỗi năm một lần hoặc thường xuyên hơn nếu được bác sĩ đề nghị. Đây là những cách hiệu quả để bảo vệ sức khỏe cho đôi mắt của bạn để có thể ngăn ngừa tình trạng mù lòa.
5. Tổng kết
Biến chứng trên mắt thường xảy ra đối với người bệnh tiểu đường lâu năm và có đường huyết chuyển biến thất thường. Dấu hiệu sớm của bệnh rất khó phát hiện, người tiểu đường thường sẽ nhận thấy các triệu chứng khi bệnh đã tiến triển rồi. Do vậy, người bệnh cần nâng cao ý thức trong việc tầm soát biến chứng mắt. Bạn nên chú ý đến những bất thường trong tầm nhìn của bản thân, để kịp thời tìm kiếm sự hỗ trợ của chuyên gia y tế.
CÓ THỂ BẠN CHƯA BIẾT:
1. Bệnh thần kinh do tiểu đường – Khám phá những điều bạn cần biết!
2. Bệnh thần kinh ngoại biên do tiểu đường nguy hiểm thế nào?
3. Nhận diện bệnh đám rối – rễ thần kinh do tiểu đường
Tài liệu tham khảo:
https://diabetes.org/diabetes/complications/eye-complications