Tăng áp động mạch phổi là bệnh lý vô cùng nghiêm trọng. Nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời, bệnh có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm, đe dọa đến tính mạng của bệnh nhân…
1. Tăng áp động mạch phổi là gì?
Tăng áp động mạch phổi là tình trạng tăng áp lực trong động mạch phổi. Khi máu đi qua tim, tâm thất phải (buồng bên phải tim dưới) bơm máu lên phổi thông qua động mạch phổi để lấy oxi. Tuy nhiên, do sự thay đổi trong các tế bào lót động mạch phổi khiến cho động mạch trở nên hẹp và cứng hơn. Chính điều này làm cho tăng áp trong động mạch phổi khi máu lưu thông.
Bệnh tăng áp động mạch phổi bắt đầu khi áp lực lên thành động mạch phổi thường xuyên tăng lên. Tim phải làm việc nhiều hơn để bơm máu, cứ như vậy cơ tim sẽ dần bị suy yếu. Đây là căn bệnh vô cùng nguy hiểm. Nếu không được điều trị kịp thời có thể dẫn đến các biến chứng khó lường, đe dọa tính mạng của người bệnh.
Tăng áp động mạch phổi là căn bệnh nguy hiểm cần được phát hiện và điều trị kịp thời.
2. Nguyên nhân và dấu hiệu nhận biết tăng áp động mạch phổi
2.1. Nguyên nhân gây tăng áp động mạch phổi
Tổ chức Y tế Thế giới WHO đã chia tăng áp động mạch phổi thành 5 nhóm dựa trên nguyên nhân gây bệnh:
● Tăng áp động mạch phổi nguyên phát: Bao gồm các tình trạng tăng áp lực động mạch phổi không rõ nguyên nhân hoặc có liên quan đến yếu tố di truyền, dị tật bẩm sinh…
● Tăng áp động mạch phổi do bệnh tim trái: Các vấn đề ở tim trái là vấn đề khá phổ biến trong bệnh lý này, thường gặp nhất là do suy tim trái hoặc vấn đề về van tim (van hai lá, van động mạch chủ).
● Tăng áp động mạch phổi do bệnh phổi: Người mắc bệnh lý xơ phổi, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, chứng ngưng thở khi ngủ hoặc sống ở vùng địa hình cao trong thời gian dài có thể có nguy cơ cao mắc tăng áp động mạch phổi.
● Tăng áp động mạch phổi do cục máu đông: Tăng áp lực động mạch phổi xảy ra khi cục máu đông gây nên tình trạng hẹp hoặc tắc nghẽn động mạch phổi trước đó.
● Tăng áp động mạch phổi do các nguyên nhân khác: Mặc dù hiếm gặp nhưng tăng áp động mạch phổi cũng có thể do rối loạn máu, rối loạn chuyển hóa, bệnh thận, tuyến giáp…
2.2. Triệu chứng của tăng áp động mạch phổi
Người bệnh tăng áp động mạch phổi thường không có bất kỳ triệu chứng đặc hiệu nào ở giai đoạn sớm. Chính điều này gây khó khăn trong phát hiện và chẩn đoán bệnh. Khi bộc lộ triệu chứng, thường bệnh đã ở giai đoạn nặng.
Một số triệu chứng sau đây có thể cảnh báo chứng tăng áp động mạch phổi:
● Khó thở trong các hoạt động hàng ngày như khi leo cầu thang, đi bộ, tập thể dục…
● Môi và da xanh (tím tái)
● Đau hoặc tức ngực
● Mệt mỏi, chóng mặt, thậm chí ngất xỉu khi gắng sức
● Mạch nhanh, đánh trống ngực
● Sưng (phù) ở mắt cá chân, chân và vùng bụng
Để phân biệt với bệnh tăng huyết áp, người bệnh cần lưu ý các triệu chứng của tăng áp động mạch phổi thường biểu hiện cấp tính như khó thở, đau ngực, mệt mỏi, chóng mặt, thậm chí có thể ho ra máu. Trong khi đó, tăng huyết áp thường không có triệu chứng rõ ràng và tiến triển âm thầm trong thời gian dài trước khi được phát hiện.
Khi có những biểu hiện nghi ngờ tăng áp động mạch phổi, người bệnh nên đi khám bác sĩ càng sớm càng tốt. Hãy ghi lại những triệu chứng mà bạn gặp phải để mô tả với bác sĩ. Ngoài ra, đừng quên trao đổi với bác sĩ về các tình trạng sức khỏe cũng như các thuốc bạn đang sử dụng, điều này cũng rất quan trọng đối với công tác loại trừ nguyên nhân và chẩn đoán bệnh.
Triệu chứng của tăng áp động mạch phổi thường mang tính cấp tính
3. Tăng áp động mạch phổi ảnh hưởng như thế nào đến cơ thể?
Tăng áp động mạch phổi có thể gây tác động đến toàn bộ cơ thể với các biến chứng nguy hiểm như:
● Thiếu máu
● Loạn nhịp tim
● Tăng khả năng hình thành cục máu đông trong động mạch phổi
● Tràn dịch màng ngoài tim…
Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, tăng áp động mạch phổi có thể làm cho tim phải làm việc quá sức, dễ gây suy tim phải. Khả năng thường rất nặng, có thể dẫn đến tử vong.
4. Phương pháp chẩn đoán tăng áp động mạch phổi
Để chẩn đoán tăng áp động mạch phổi, bệnh nhân cần được bác sĩ thăm khám sức khỏe và thực hiện một số xét nghiệm cận lâm sàng.
4.1. Thăm khám sức khỏe
Trong quá trình khám bệnh, bác sĩ sẽ hỏi người bệnh về sức khỏe và tiền sử bệnh, cũng như các triệu chứng liên quan nhằm kiểm tra các dấu hiệu của tăng áp phổi và các vấn đề khác của tim và phổi.
Bên cạnh đó, kiểm tra kích thước của các tĩnh mạch ở cổ cũng cần được thực hiện. Nếu tĩnh mạch cổ giãn to thì có thể là dấu hiệu của suy tim phải. Ngoài ra, bác sĩ sẽ kiểm tra kích thước của gan bằng cách sờ vào vùng trên bên phải bụng.
Bác sĩ cũng sẽ nghe tim và phổi của người bệnh; quan sát xem người bệnh có phù ở mắt cá chân, chân hay vùng bụng không; kiểm tra huyết áp và nồng độ oxy trong máu.
4.2. Xét nghiệm cận lâm sàng
Tăng áp động mạch phổi có thể khó chẩn đoán vì các dấu hiệu của bệnh không đặc trưng. Do đó, người bệnh cần thực hiện các xét nghiệm sau đây theo chỉ định của bác sĩ để có được kết quả chẩn đoán chính xác nhất:
● Thông tim phải: Đây là thăm dò bắt buộc để chẩn đoán bệnh. Bác sĩ đặt một ống thông vào một tĩnh mạch lớn để đo áp lực bên trong động mạch phổi.
● Siêu âm tim: Nhằm kiểm tra áp lực trong động mạch phổi và lưu lượng máu qua tim.
● Xét nghiệm máu: Giúp xác định một số nguyên nhân của bệnh hoặc phát hiện dấu hiệu biến chứng.
● Chụp CT ngực: Nhằm tìm cục máu đông và các tình trạng khác có thể gây tăng áp động mạch phổi hoặc làm cho bệnh nặng hơn.
● Chụp X-quang ngực: Cho biết động mạch phổi hoặc buồng tim có giãn hay không, có thể giúp phát hiện bất thường khác của tim, phổi.
● Chụp thông khí/tưới máu (Quét V/Q): Kỹ thuật này giúp tìm ra cục máu đông có thể gây ra tăng áp động mạch phổi.
Ngoài ra, bác sĩ có thể yêu cầu bệnh nhân chạy trên máy chạy bộ hoặc đạp xe để kiểm tra sự thay đổi về nồng độ oxy, chức năng tim, áp suất phổi… khi vận động. Từ đó, bác sĩ có thể tìm ra nguyên nhân và chẩn đoán tăng áp động mạch phổi.
Sau khi thăm khám, người bệnh nghi ngờ tăng áp động mạch phổi cần thực hiện một số xét nghiệm liên quan để có kết quả chính xác nhất
5. Tăng áp động mạch phổi được điều trị như thế nào?
Mục tiêu điều trị tăng áp động mạch phổi nhằm giảm nhẹ các triệu chứng và nâng cao chất lượng cuộc sống của người bệnh. Tùy từng tình trạng, tăng áp động mạch phổi có thể được điều trị nội khoa và phẫu thuật nếu cần.
Việc sử dụng thuốc có thể bao gồm thuốc chống đông máu để giảm khả năng đông đặc của máu và thuốc lợi tiểu để loại bỏ tình trạng ứ dịch do suy tim.
Người bệnh cần tuân thủ chỉ định của bác sĩ để làm chậm tiến triển của bệnh. Lưu ý không tự ý tăng giảm liều, không tự ý điều trị tại nhà theo lời mách bảo của người quen…
Ngoài ra, người bệnh tăng áp động mạch phổi có thể cần phẫu thuật can thiệp. Trường hợp nghiêm trọng thậm chí phải ghép phổi hoặc ghép tim – phổi để điều trị căn bệnh này.
6. Biện pháp ngăn ngừa tăng áp động mạch phổi
Trên thực tế, không có biện pháp nào giúp ngăn ngừa hoàn toàn bệnh tăng áp động mạch phổi. Tuy nhiên, thay đổi lối sống có thể giúp giảm nguy cơ mắc căn bệnh này.
● Tập thể dục đều đặn: Duy trì thói quen tập luyện thường xuyên có thể mang lại nhiều ích lợi cho sức khỏe tổng thể. Bạn hãy lựa chọn môn thể thao phù hợp với thể trạng để có thể gắn bó với nó và tập một cách đều đặn, giúp cơ thể khỏe khoắn hơn.
● Xây dựng chế độ ăn lành mạnh, tốt cho tim: Tránh tiêu thụ thực phẩm chế biến sẵn, thức ăn nhanh và các thực phẩm khác chứa nhiều muối và chất béo bão hòa.
● Bỏ thuốc lá càng sớm càng tốt: Hút thuốc lá và hút thuốc lá thụ động đều làm tăng đáng kể nguy cơ mắc các vấn đề về tim, phổi. Do đó, cần bỏ thuốc lá và tránh hít phải khói thuốc nếu có thể.
● Kiểm soát tốt huyết áp, tuân thủ dùng thuốc điều trị huyết áp nếu mắc bệnh tăng huyết áp: Tăng huyết áp kéo dài có thể dẫn đến tăng áp động mạch phổi. Vì vậy, người bệnh tăng huyết áp cần tuân thủ điều trị để ngăn ngừa bệnh tiến triển.
● Kiểm soát các bệnh lý khác nếu có: Điều trị tốt các bệnh tim mạch, đái tháo đường,… cũng là một cách để ngăn ngừa bệnh lý nguy hiểm này.
Ngoài ra, một số đối tượng sau đây có nguy cơ cao mắc tăng áp động mạch phổi nên đi khám sức khỏe định kỳ thường xuyên để được phát hiện và điều trị sớm nếu chẳng may mắc phải:
● Người tiếp xúc với amiăng (amiăng là nhóm các silicat thường gặp trong xây dựng và vật liệu đóng tàu, phanh ô tô và một số hàng dệt)
● Người có tiền sử gia đình có cục máu đông trong phổi
● Người có tiền sử gia đình mắc tăng áp động mạch phổi
● Người sống ở vùng địa hình cao
● Sử dụng một số loại thuốc điều trị ung thư và trầm cảm
Trên đây là những thông tin tổng quan về tăng áp động mạch phổi. Hi vọng bài viết đã cung cấp cho bạn những thông tin hữu ích xoay quanh căn bệnh này. Nếu có bất kỳ thắc mắc nào liên quan, hãy liên hệ với bác sĩ chuyên khoa để được giải đáp cụ thể!
Bài viết tham khảo nguồn:
ttps://www.lung.org/lung-health-diseases/lung-disease-lookup/pulmonary-arterial-hypertension#:~:text=Pulmonary%20arterial%20hypertension%20(PAH)%20is,for%20a%20variety%20of%20reasons. https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/pulmonary-hypertension/symptoms-causes/syc-20350697 https://my.clevelandclinic.org/health/diseases/6530-pulmonary-hypertension-ph