Bạn đã biết gì về bệnh tăng huyết áp – nguyên nhân hàng đầu gây tử vong trên thế giới? “Kẻ giết người thầm lặng” không có triệu chứng rõ ràng, không có dấu hiệu cảnh báo trước những tiến triển âm thầm gây ra những biến chứng nguy hiểm thậm chí đe dọa tính mạng người bệnh.
Hãy cùng tìm hiểu về nguyên nhân, biến chứng và cách điều trị bệnh tăng huyết áp qua bài viết dưới đây!
1. Tăng huyết áp và thông tin bạn cần biết
1.1. Tăng huyết áp là gì?
Đo chỉ số huyết áp
Tăng huyết áp (cao huyết áp) là căn bệnh không lây nhiễm phổ biến với tỷ lệ tử vong đáng báo động. Được mệnh danh là “kẻ giết người thầm lặng” vì bệnh thường không có biểu hiện triệu chứng rõ ràng mặc dù bệnh đã tiến triển nghiêm trọng.
“Tăng huyết áp là bệnh phổ biến trên toàn thế giới với xu hướng ngày càng gia tăng. Bệnh làm tăng nguy cơ nhồi máu cơ tim, suy tim, lâu dài có thể ảnh hưởng đến thị lực, suy thận, đột quỵ… Tại Việt Nam, tỷ lệ tăng huyết áp cũng gia tăng nhanh chóng. Theo điều tra quốc gia năm 2015 của Cục Y tế dự phòng – Bộ Y tế ở người trưởng thành từ 18 – 69 tuổi tại 63 tỉnh/thành phố cho thấy, tỷ lệ tăng huyết áp là 18,9%.” nhận định của bà Lã Thị Lan, PGĐ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội trong Ngày thế giới phòng chống tăng huyết áp 2023.
1.2. Chẩn đoán mắc bệnh tăng huyết áp
Huyết áp (HA) là áp lực đẩy vào thành mạch được hình thành do hệ tuần hoàn đưa máu giàu oxy từ tim đi khắp cơ thể, giúp cung cấp dưỡng chất nuôi dưỡng tế bào. Khi tim co bóp, máu được đẩy ra gặp sức cản của thành động mạch hình thành huyết áp.
Chỉ số huyết áp có thể biến đổi theo thời gian và trạng thái sức khỏe khác nhau. Theo Hiệp hội Tim mạch Quốc tế, chỉ số huyết áp được phân loại như sau:
– Huyết áp tối ưu: Tâm thu dưới 120mmHg và Tâm trương dưới 80 mmHg.
– Huyết áp bình thường: Tâm thu trong khoảng 120-129 mmHg hoặc Tâm trương trong khoảng 80-84 mmHg.
– Tiền tăng huyết áp: ≥ 130/80 mmHg
– Tăng huyết áp độ 1: ≥140/90 mmHg
– Tăng huyết áp độ 2: ≥ 160/100 mmHg
– Cao huyết áp cấp cứu (đe dọa đến tính mạng): ≥180/110 mmHg. kèm có kèm một trong các dấu hiệu sau như co giật, lừ đừ, nhìn mờ, nôn ói, hôn mê, khó thở, đau tức ngực dữ dội, khi đó thì người bệnh cần đến bệnh viện ngay để được cấp cứu kịp thời.
Nếu bạn đo được huyết áp vượt mức từ 140/90 mmHg trong điều kiện bình thường (không hoạt động mạnh, không đi hồi hộp,..) nên sắp xếp đến cơ sở y tế gần nhất để được hướng dẫn chăm sóc sức khỏe và điều trị kịp thời.
1.3. Các yếu tố nguy cơ
Theo thống kê, 95% bệnh nhân mắc bệnh tăng huyết áp không tìm thấy căn nguyên gây bệnh, số còn lại được xác định được nguyên nhân là do biến chứng của một số bệnh lý khác.
Các yếu tố nguy cơ gây bệnh tăng huyết áp
Một số yếu tố nguy cơ hình thành bệnh tăng huyết áp bao gồm:
– Tuổi tác: > 55 đối với nam, > 65 tuổi đối với nữ
– Người thừa cân béo phì
– Thường xuyên sử dụng chất kích thích hoặc sử dụng liệu lượng lớn định kỳ: rượu bia, thuốc lá,..
– Người lười vận động, ít hoạt động thể lực
– Chế độ ăn uống thiếu lành mạnh: ăn trên 5gram muối/ngày, ít rau quả
– Do căng thẳng tâm lý, stress, rối loạn lo âu,…
– Mắc các bệnh mạn tính như bệnh thận, mỡ máu, đái tháo đường, …
– Tiền sử bệnh trong gia đình (cha, mẹ hoặc anh chị em ruột) mắc bệnh tăng huyết áp
Lời khuyên dành cho những người đang nằm trong nhóm nguy cơ tăng huyết áp cao cần thực hiện các biện pháp phòng tránh như sau:
– Khám sức khỏe tổng quát định kỳ 6 tháng/ lần
– Kiểm tra huyết áp hàng ngày
– Chú ý chế độ ăn uống hợp lý: các loại thực phẩm lành mạnh, giàu dinh dưỡng, ăn nhạt,…
– Thay đổi thói quen sinh hoạt: thường xuyên vận động,
2. Tăng huyết áp ảnh hưởng như thế nào đối với sức khỏe
Hậu quả của bệnh tăng huyết áp đối với sức khỏe
Trong báo cáo tình trạng sức khỏe của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) được thực hiện vào năm 2002 cảnh báo tăng huyết áp là “kẻ giết người số 1”.
Bệnh tăng huyết áp nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời có thể dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng như:
– Bệnh lý về tim mạch: nhồi máu cơ tim, bệnh động mạch vành khác, suy tim,…
– Bệnh lý về não: thiếu máu não, tai biến mạch não,. ..
– Bệnh lý về thận: protein niệu (lượng protein cao trong nước tiểu); suy thận,…
– Bệnh lý về mắt: suy giảm thị giác, mù lòa,…
– Bệnh lý về mạch ngoại vi
– Hậu quả nghiêm trọng nhất có thể dẫn đến tử vong
3. Mất bao lâu để điều trị cao huyết áp đạt hiệu quả?
Điều trị tăng huyết áp là một quá trình dài cần sự đồng lòng và cam kết tuân thủ đúng phác đồ điều trị của người bệnh và bác sĩ. Tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng (chỉ số huyết áp) và tình trạng sức khỏe của người bệnh sẽ cần khoảng thời gian điều trị khác nhau.
Theo Hiệp hội Tim mạch Mỹ, người bệnh được chẩn đoán tăng huyết áp cấp độ 1 đạt hiệu quả điều trị tốt nhất khi sử dụng thuốc hạ huyết áp và kết hợp thay đổi lối sống lành mạnh trong khoảng 6 tháng. Với bệnh nhân tăng huyết áp độ 2 cần uống thuốc ổn định huyết áp và tái khám thường xuyên để đạt hiệu quả cao nhất.
Song song với quá trình điều trị người bệnh cần thay đổi lối sống: loại bỏ các thói quen thiều lành mạnh, xây dựng chế độ ăn uống hợp lý, thường xuyên hoạt động thể chất,…
Điều trị tăng huyết áp được chia theo các cấp độ khác nhau và bắt buộc phải có sự theo dõi của bác sĩ chuyên khoa:
– Trường hợp tiền tăng huyết áp: ở giai đoạn báo động này cần lưu ý thay đổi lối sống nhằm đưa huyết áp về ngưỡng bình thường. Bạn nên tham vấn ý kiến của bác sĩ chuyên khoa tim mạch thay đổi lối sống, thói quen xấu ảnh hưởng đến sức khỏe tim mạch.
– Trường hợp mắc bệnh tăng huyết áp: mục tiêu điều trị thường là để giữ cho huyết áp của bạn dưới 140/90 mmHg và ổn định. Cần kết hợp giữa thay đổi lối sống và sử dụng thuốc điều trị nhằm kiểm soát mức huyết áp tốt hơn. Người bệnh cần tuân thủ đúng phác đồ điều trị (trình tự các thao tác điều trị bệnh được thống nhất từ trước) của bác sĩ, tái khám định kỳ và theo dõi chỉ số huyết áp các thời điểm trong ngày.
– Huyết áp cao ≥180/110mmHg thường đi kèm các triệu chứng nôn, co giật, tức ngực khó thở,… nguy cơ cao xuất hiện các tổn thương nghiêm trọng, thậm chí dẫn đến tử vong. Với trường hợp này tuyệt đối không được tự ý xử trí tại nhà, phải nhanh chóng đưa bệnh nhân đến các cơ sở y tế gần nhất đề được điều trị đúng cách – tránh các tổn thương không đáng có.
Mục tiêu chung trong điều trị tăng huyết áp là đưa huyết áp bệnh nhân về mức “huyết áp mục tiêu”, đồng thời giảm tối đa tổn thương cơ quan khác (tim, não, mắt,…). Vì vậy, người bệnh cần tự chủ động theo dõi chỉ số huyết áp tại nhà, khám sức khỏe định kỳ và điều trị duy trì (sử dụng thuốc, thay đổi lối sống) theo đúng hướng dẫn của bác sĩ.
Đừng để sức khỏe của bạn bị đe dọa bởi “kẻ giết người thầm lặng”. Thay đổi lối sống, chăm sóc sức khỏe, thường xuyên đo huyết áp để phát hiện và điều trị tăng huyết áp kịp thời.
Bài viết tham khảo nguồn:
“Tăng huyết áp – WHO.” World Health Organization (WHO), 16 March 2023
https://www.who.int/news-room/fact-sheets/detail/hypertension . Accessed 25 August 2023.
Nguồn: Chương trình mục tiêu Quốc gia phòng chống tăng huyết áp
https://thanglong.chinhphu.vn/huong-ung-ngay-the-gioi-phong-
chong-tang-huyet-ap-103230526181028198.htm Nguồn lời trích dẫn mục 1.1
“TĂNG HUYẾT ÁP.” Cục Y Tế Dự Phòng, 7 September 2015,
https://vncdc.gov.vn/tang-huyet-ap-ke-giet-nguoi-tham-lang-
nd14113.html .(“Tin cũ Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị tăng huyết áp” Cục Y tế dự phòng)
https://vncdc.gov.vn/huong-dan-chan-doan-va-dieu-tri-tang-huyet-
ap-nd14594.html Dẫn mục về số liệu chỉ số huyết