Mách mẹ cách sử dụng sổ theo dõi sức khỏe bà mẹ và trẻ em hiệu quả
Sổ theo dõi sức khỏe bà mẹ và trẻ em là một sáng kiến hữu ích để theo dõi hành trình phát triển của em bé từ trong bụng mẹ đến khi tròn 6 tuổi. Cùng tìm hiểu cách sử dụng cuốn sổ này sao cho hiệu quả các mẹ nhé!
1. Sổ theo dõi sức khỏe bà mẹ và trẻ em là gì?
Sổ theo dõi sức khỏe bà mẹ và trẻ em được ban hành trên phạm vi toàn quốc từ ngày 20/10/2020 bởi Vụ Sức khỏe Bà mẹ – Trẻ em (Bộ Y tế) là một giải pháp nhằm theo dõi, chăm sóc sức khỏe sinh sản, sức khỏe bà mẹ và trẻ em ở Việt Nam một cách hiệu quả hơn.
Sổ theo dõi sức khỏe bà mẹ và trẻ em giống như một quyển nhật ký ghi lại hành trình sức khỏe của mẹ và bé trong suốt thời gian mang thai cho đến khi sinh nở và sau đó là thông tin về sức khỏe của em bé cho đến khi trẻ tròn 6 tuổi.
Việc sử dụng cuốn sổ này giúp gia đình có thể tự theo dõi tình trạng sức khỏe của mẹ bầu và em bé một cách chủ động hơn. Thay vì phải sử dụng rất nhiều loại sổ khác nhau: Sổ khám bệnh, sổ khám thai, sổ theo dõi tiêm chủng, sổ đẻ,… mọi thông tin sẽ được tích hợp đầy đủ trong cuốn sổ màu hồng xinh xắn này.
Sổ theo dõi sức khỏe bà mẹ và trẻ em đã được Bộ Y tế phê duyệt để sử dụng trên toàn quốc, nên mẹ có thể sử dụng sổ ở bất cứ cơ sở y tế nào dù là trạm y tế, trung tâm y tế, bệnh viện công hay các bệnh viện, phòng khám tư nhân.
Ngoài loại sổ giấy, hiện nay Sổ theo dõi sức khỏe bà mẹ và trẻ em đã có bản điện tử với tên là Sổ mẹ và bé. Gia đình có thể tải ứng dụng này trên App Store hoặc Google Play về điện thoại di động để theo dõi các thông tin về sức khỏe mẹ và bé bất cứ lúc nào. Ngoài ra, bố mẹ còn có thể đặt lịch khám, xem kết quả tư vấn ngay trên ứng dụng một cách vô cùng nhanh chóng, tiện lợi.
Sổ theo dõi sức khỏe bà mẹ và trẻ em có cả phiên bản sổ giấy và bản điện tử
2. Hướng dẫn sử dụng Sổ theo dõi sức khỏe bà mẹ và trẻ em
Khi đến các cơ sở y tế trên toàn quốc, mẹ bầu sẽ được phát miễn phí một cuốn Sổ theo dõi sức khỏe bà mẹ và trẻ em. Trong cuốn sổ này sẽ có cả phần ghi chép dành cho cán bộ y tế cũng như phần mà gia đình có thể điền vào. Cán bộ y tế tại đây sẽ có trách nhiệm điền đầy đủ những thông tin khi thực hiện dịch vụ thăm khám, chăm sóc sức khỏe cho bà mẹ và trẻ em vào các phần tương ứng trong cuốn sổ.
Còn việc của mẹ bầu là hãy giữ cuốn sổ này, ghi chép vào những phần dành cho gia đình và luôn mang sổ theo mỗi lần đi khám sức khỏe, khám thai định kỳ, đi đẻ hay đi tiêm chủng,…
Vậy gia đình cần ghi chép những thông tin gì?
Sổ theo dõi sức khỏe bà mẹ và trẻ em được chia thành 5 phần chính và hầu như ở mỗi phần đều có những trang dành cho gia đình, bà mẹ ghi chép với biểu tượng gia đình 3 người (bố, mẹ và bé) ở góc trên của trang giấy để dễ phân biệt:
- Phần 1: Thông tin cơ bản
Ở phần này, mẹ cần ghi những thông tin cơ bản nhất về gia đình (họ tên, ngày tháng năm sinh, nghề nghiệp, dân tộc, trình độ học vấn của bố mẹ), các thông tin của trẻ như: họ tên, giới tính, ngày sinh, nơi sinh, chứng nhận khai sinh của bé và thông tin về bảo hiểm y tế.
- Phần 2: Chăm sóc thai nghén
Trong suốt thai kỳ, cán bộ y tế sẽ là người ghi chép toàn bộ các thông tin ở phần này mỗi lần mẹ bầu đi khám thai, khám sức khỏe.
- Phần 3: Chăm sóc trong, ngay sau đẻ mẹ và con
Từ tuần đầu đến tuần thứ 6 sau đẻ, gia đình sẽ theo dõi và đánh giá tình trạng sức khỏe của mẹ và bé và điền vào sổ. Các thông tin cần điền như sau:
- Đối với mẹ bầu: Tình trạng ăn uống, ngủ nghỉ; Thân nhiệt; Đại tiểu tiện; Sản dịch; Khả năng tiết sữa; Uống bổ sung dinh dưỡng (sắt, vitamin A);…
- Đối với em bé: Bé bú mẹ hay có ăn uống thêm gì khác bên ngoài; Số lần bú mẹ; Thân nhiệt; Tình trạng da, mắt, rốn; Đại tiểu tiện thế nào; Các vấn đề sức khỏe khác;…
- Phần 4: Chăm sóc sức khỏe trẻ em
Gia đình theo dõi và ghi lại các chỉ số cơ thể của bé (cân nặng, chiều cao), tình trạng dinh dưỡng, lịch sử tiêm chủng và sự phát triển (cả thể chất lẫn tinh thần) của trẻ tại nhà từ 7 tuần cho đến 6 tuổi.
Phần 3 và phần 4 sẽ là 2 phần chính mà gia đình cần chú ý ghi chép đầy đủ. Việc điền thông tin vào cuốn sổ này một cách thường xuyên sẽ giúp gia đình theo dõi sát sao hơn và từ đó đánh giá được tình trạng sức khỏe của mẹ cũng như sự phát triển của bé
Lưu ý: Khi thông tin được ghi vào ô màu trắng – có nghĩa là sức khỏe của mẹ bầu và em bé bình thường. Nếu thông tin ghi vào ô màu vàng thì có thể mẹ/em bé có bất thường nào đó về sức khỏe. Lúc này, gia đình cần đưa bà mẹ và trẻ em đến các cơ sở y tế để được thăm khám và tư vấn hướng xử lý kịp thời.
Hình trong ảnh của sổ, minh họa: thông tin có thể được ghi vào ô trắng (sức khỏe bình thường) và ô vàng (sức khỏe có vấn đề)
- Phần 5: Thông tin dành cho bà mẹ và gia đình
Đây là tổng hợp đầy đủ những thông tin quan trọng nhất để chăm sóc cho mẹ và bé qua từng giai đoạn, từ khi mang thai cho đến sau sinh, bao gồm:
- Lịch khám và tiêm phòng cho mẹ và bé.
- Thông tin về các chất dinh dưỡng cần thiết cho mẹ bầu trong thời kỳ mang thai và bà mẹ sau đẻ, những thực phẩm nên ăn và không nên ăn.
- Chế độ sinh hoạt, làm việc nghỉ ngơi, cách vệ sinh thân thể trong thời kỳ mang thai và sau khi sinh con sao cho hợp lý.
- Các dấu hiệu nguy hiểm cần chú ý trong thai kỳ.
- Dấu hiệu chuyển dạ.
- Hướng dẫn đếm cử động thai.
- Cách nuôi dưỡng trẻ nhỏ.
Ngoài những thông tin dành cho mẹ bầu, cuốn sổ cũng hướng dẫn cho người chồng cách hỗ trợ, chăm sóc người phụ nữ của mình trong khoảng thời gian mang thai và cho con bú.
Khi đọc cuốn sổ này, gia đình cũng sẽ biết cách xử trí một số tình huống thường gặp ở trẻ như: Tiêu chảy, nhiễm khuẩn đường hô hấp, sốt, sốt cao co giật và cả cách cấp cứu khi trẻ bị bỏng, bị đuối nước hay có dị vật đường thở.
Thông tin dành cho bà mẹ và gia đình trong sách
Tóm lại, Sổ theo dõi sức khỏe bà mẹ và trẻ em là nguồn tư liệu quý giá, một món đồ không thể thiếu cho các bà mẹ trong suốt hành trình mang thai, sinh nở và nuôi con. Việc theo dõi sự phát triển của trẻ thường xuyên cũng sẽ giúp mẹ phát hiện kịp thời những bất thường về sức khỏe của bé yêu để kịp thời xử lý. Chắc chắn rằng, cuốn sổ này sẽ giúp gia đình chăm sóc bà mẹ và trẻ em một cách dễ dàng, nhẹ nhàng hơn nhiều đấy!
Bài viết tham khảo nguồn: syt.baclieu, ksbtdanang
-309