Tất tần tật về quá trình phát triển của thai nhi trong bụng mẹ
Mẹ có tò mò liệu thai nhi trong bụng mình trông như thế nào và cần làm gì để đảm bảo hai mẹ con được khỏe mạnh? Trong bài viết này, FPT Medicare sẽ cùng mẹ và gia đình khám phá quá trình phát triển của bé từ khi còn là phôi thai cho đến khi bạn nhỏ được sinh ra đời cũng như cách theo dõi và chăm sóc trong suốt hành trình này nhé.
1. Sơ lược về quá trình mang thai
Giai đoạn mang thai khởi đầu khi trứng của mẹ và tinh trùng của bố kết hợp với nhau tạo thành hợp tử. Hợp tử sau đó hình thành nên phôi thai, di chuyển đến buồng tử cung, làm tổ và phát triển tại nơi này.
Trải qua khoảng 40 tuần trong bụng mẹ, thai nhi dần hình thành và hoàn chỉnh tất cả các bộ phận. Quá trình mang thai được chia thành 3 giai đoạn hay còn gọi là 3 tam cá nguyệt. Tam cá nguyệt thứ nhất bắt đầu từ lúc bắt đầu mang thai đến tuần thứ 13. Tam cá nguyệt thứ hai được tính từ tuần thứ 14 đến tuần thứ 27. Giai đoạn từ tuần thứ 28 cho đến khi em bé chào đời được gọi là tam cá nguyệt thứ ba.
Một điều mẹ cần biết để tránh nhầm lẫn đó là thai kỳ của mẹ được tính từ ngày đầu tiên của kỳ “rụng dâu” cuối cùng. Điều này có nghĩa là khi mẹ trễ kinh và cầm que thử thai trên tay, em bé đã được 5 – 6 tuần tuổi.
Quá trình thụ tinh vì thụ tinh là khởi đầu cho quá trình mang thai.
2. Sự phát triển của thai nhi trong tử cung
2.1. Tam cá nguyệt thứ nhất (Tuần thứ 1 – Tuần thứ 13)
Tam cá nguyệt thứ nhất diễn ra những sự biến chuyển đáng kinh ngạc để từ một hợp tử ban đầu dần hình thành lên các cơ quan quan trọng của em bé như tim, phổi, não, gan, thận và cơ quan sinh dục. Hãy bắt đầu quan sát từ tuần thứ 4 – thời điểm sớm nhất mà các mẹ bầu phát hiện mình đã có thai.
– Tuần thứ 4: Sau thụ tinh 2 tuần, phôi thai đã phát triển thành 3 lớp: ngoại bì, trung bì và nội bì. Ba lớp này sẽ hình thành nên các cơ quan và mô của con. Nhau thai cũng bắt đầu sản xuất một số hormone quan trọng, trong đó có hormone HCG là nguyên nhân khiến que thử thai xuất hiện 2 vạch.
– Tuần thứ 5: Em bé chỉ dài khoảng 3mm với hình dạng giống như một chú nòng nọc. Mẹ sẽ bắt đầu xuất hiện những dấu hiệu của mang thai như ốm nghén vào mỗi buổi sáng.
– Tuần thứ 6: Ống thần kinh của con phát triển và bắt đầu đóng lại dọc theo sống lưng. Tim bắt đầu đập và các cơ quan khác cũng bắt đầu hình thành. Nếu mẹ đi khám và siêu âm đường âm đạo vào thời điểm này có thể phát hiện được nhịp tim của con.
– Tuần thứ 7: Các cơ quan thiết yếu đã hình thành trong phôi thai nhỏ bé. Tay và chân con lộ rõ hơn khi thân con bắt đầu duỗi thẳng. Đây cũng là lúc mẹ nghe được tim thai qua siêu âm doppler. Bên cạnh đó, nếu tình trạng ốm nghén của mẹ trở nên nghiêm trọng hơn, hãy tham khảo ý kiến của bác sĩ nhé.
– Tuần thứ 8: Tử cung của mẹ sẽ to bằng quả bưởi, ngực cũng bắt đầu mềm và trở nên nhạy cảm hơn. Các bộ phận trên khuôn mặt nhỏ xinh của con như mũi và mí mắt tiếp tục phát triển rõ nét hơn. Con có kích thước xấp xỉ một hạt đậu.
– Tuần thứ 9: Đuôi của phôi thai hoàn toàn biến mất vào tuần lễ thứ 9. Các khớp xương của con như đầu gối, khuỷu tay, khớp vai, cổ tay và cổ chân hoạt động giúp bé di chuyển tự do trong túi ối. Tuy nhiên mẹ vẫn chưa thể cảm nhận được những cử động đó vào thời điểm này. Tim của con chia thành 4 buồng và các van tim bắt đầu phát triển. Lúc này, con có kích thước bằng 1 quả nho.
– Tuần thứ 10: Bé đã dài khoảng 5cm và nặng khoảng 7g. Phần lớn các cơ quan quan trọng của con như thận, gan, não và phổi bắt đầu hoạt động vẫn sẽ tiếp tục phát triển trong suốt thời gian còn lại của thai kỳ. Đầu con dài bằng một nửa cơ thể với phần trán phình to giúp bộ não phát triển. Móng tay, móng chân và tóc của con cũng bắt đầu lộ rõ.
– Tuần thứ 11: Cơ quan sinh dục ngoài của con đang dần hoàn chỉnh và mẹ có thể biết giới tính của con trong một vài tuần nữa.
– Tuần thứ 12: Thận của bé bây giờ đã có thể bài tiết nước tiểu. Hệ thần kinh và hệ tiêu hóa đang tiếp tục hoàn thiện. Con cũng hình thành phản xạ phức tạp như phản xạ bú.
– Tuần thứ 13: Đầu của con dần nhỏ lại và chỉ còn bằng khoảng 1/3 cơ thể. Làn da của con được bao bọc bằng một lớp lông tơ mềm mại. Đây cũng là thời điểm kết thúc tam cá nguyệt đầu tiên.
Tam cá nguyệt đầu tiên là khoảng thời gian thai nhi dần thành hình và chưa ổn định trong bụng mẹ, cũng là thời gian vàng để các bác sĩ sàng lọc các khuyết tật về di truyền của em bé. Vì vậy, mẹ hãy đi khám thai ngay từ khi biết mình đã mang thai và khám thai định kỳ theo đúng lịch hẹn để được các bác sĩ tư vấn và theo dõi thai kỳ nhé.
Thai nhi tuần thứ 7 – Nghe được tim thai qua siêu âm Doppler
2.2. Tam cá nguyệt thứ hai (Tuần thứ 14 – Tuần thứ 27)
Mẹ biết không, bước vào tam cá nguyệt thứ hai, thai nhi đã ổn định hơn vì hầu hết các chức năng quan trọng đã hoàn thành, do đó nguy cơ sảy thai sẽ giảm đi đáng kể.
– Tuần thứ 14 – 15: Xương của bé đang bắt đầu cứng lại và trên hình ảnh siêu âm mẹ có thể nhìn thấy con đang mút ngón tay. Con cũng đã dài khoảng 10cm và nặng khoảng 50g.
– Tuần thứ 16: Hệ tuần hoàn và tiết niệu của con bắt đầu đi vào hoạt động.
– Tuần thứ 17: Bé có thể dài khoảng 14cm và nặng khoảng 100 gram. Thính giác của con đang phát triển và có thể cảm nhận được tiếng nói của mẹ.
– Tuần thứ 18: Dây thần kinh của con bắt đầu hình thành lớp vỏ myelin bao bọc bên ngoài. Bộ phận sinh dục cũng thấy rõ hơn và mẹ có thể biết được giới tính của con thông qua siêu âm.
– Tuần thứ 19: Các giác quan gồm khứu giác, thị giác, vị giác, thính giác và xúc giác dần phát triển một cách chuyên biệt
– Tuần thứ 20: Bé đã biết uống nước ối và bài tiết phân su.
– Tuần thứ 21: Từ tuần lễ này, mẹ đã có thể cảm nhận được con đang đạp trong bụng mình.
– Tuần thứ 22: Cơ thể của con lúc này đã trông giống hình dáng của một em bé sơ sinh nhưng còn nhỏ hơn rất nhiều. Gương mặt của con cũng rõ nét hơn với đôi môi và mắt đã dần hoàn chỉnh.
– Tuần thứ 23 – 24: Vị giác của bé dần hình thành. Phổi cũng phân nhánh và bắt đầu tiết ra chất căng bề mặt giúp túi khí của phổi phồng lên dễ dàng. Do đó, trẻ sinh non thường bị khó thở vì các tế bào ở phổi chưa sản xuất đủ lượng chất căng bề mặt cần thiết cho quá trình hô hấp của con.
– Tuần thứ 25 – 26: Thần kinh thính giác phát triển hơn giúp con cảm nhận được âm thanh tốt hơn.
– Tuần thứ 27: Bé đã nặng khoảng 1kg và bắt đầu phát triển chu kỳ thức và ngủ đều đặn nhưng có thể không giống với chu kỳ của mẹ. Con cũng bắt đầu bị nấc do cơ hoành đang phát triển.
Ba tháng giữa thai kỳ là lúc mẹ cần phải thích nghi với một chiếc bụng đang to dần, đồng thời mẹ cũng cảm nhận được thai nhi đang tương tác với mình. Vì vậy, hãy nhớ đi khám thai đầy đủ mỗi tháng một lần để thai nhi được theo dõi toàn diện mẹ nhé.
Thai nhi ở tuần 21
2.3. Tam cá nguyệt thứ ba (Tuần thứ 28 – Tuần thứ 40)
Vào ba tháng cuối thai kỳ, các chức năng của cơ thể bé sẽ từng bước hoàn thiện. Con sẽ lớn rất nhanh và hoạt động rất tích cực trong bụng mẹ khiến mẹ khó chịu nhiều hơn.
– Tuần thứ 28: Não của bé dần hình thành các nếp nhăn. Con cũng trông tròn trịa hơn do lớp mỡ tích tụ dưới da.
– Tuần thứ 29: Con vẫn tiếp tục tăng cân và phát triển nhanh chóng với cân nặng đạt khoảng 1.25kg.
– Tuần thứ 30: Từ tuần 30, đôi mắt con trưởng thành hơn giúp con cảm nhận được ánh sáng và bóng tối.
– Tuần thứ 31: Bé bắt đầu tích cực nhào lộn trong bụng mẹ và có thể khiến mẹ khó chịu nhiều hơn.
– Tuần thứ 32: Cân nặng của bé đã đạt gần 2kg. Móng tay và móng chân đã hình thành, xương của con cũng hình thành hoàn chỉnh nhưng vẫn còn mềm.
– Tuần thứ 33: Da của bé căng ra và bớt nhăn hơn. Các xương bắt đầu cứng lại ngoại trừ xương sọ.
– Tuần thứ 34: Bé phát triển nhanh chóng và có thể nặng khoảng 2.5kg. Hệ thần kinh trung ương và hệ hô hấp vẫn phát triển tốt.
– Tuần thứ 35: Vào thời gian nay, phần lớn quá trình tăng trưởng của bé đã hoàn tất. Bé có thể sống bình thường nếu sinh ra từ sau thời điểm này.
– Tuần thứ 36: Bé có thể nặng đến 3 kg. Đầu thai nhi thông thường sẽ quay xuống phía dưới và cúi xuống để chuẩn bị sinh ra ngoài.
– Tuần thứ 37 – 40: Bé đã đủ tháng và sẵn sàng chào đời. Các cơ quan của con đã trưởng thành và hoạt động đầy đủ. Lớp mỡ dưới da phát triển giúp bé giữ ấm cơ thể và trông bụ bẫm hơn. Xương trở nên cứng cáp hơn, ngoại trừ hộp sọ vẫn còn mềm và dẻo để dễ dàng đi qua ống sinh. Cân nặng lúc sinh của bé có thể đạt từ 3-4 kg.
Thông thường các mẹ bầu bước vào giai đoạn này không những gặp nhiều khó khăn trong sinh hoạt vì bụng to “vượt mặt”, mà còn không ngừng lo lắng về ngày dự sinh sắp đến. Lịch khám thai trong 3 tháng cuối thai kỳ cũng dày hơn thời gian trước để các bác sĩ có thể theo dõi thai nhi một cách tỉ mỉ. Thêm vào đó, mẹ nên tìm hiểu các dấu hiệu chuyển dạ để đến bệnh viện kịp thời và “vượt cạn” thành công mẹ nhé.
Thai nhi ở tuần 37
3. Theo dõi và chăm sóc sức khỏe thai kỳ
3.1. Khám thai định kỳ
Trong suốt thời gian mang thai, mẹ cần đi khám thai định kỳ theo lịch hẹn của bác sĩ để được theo dõi quá trình phát triển của thai nhi cũng như phát hiện sớm các bệnh lý nguy hiểm liên quan đến thai nhi và thai kỳ. Ngoài ra, mẹ cũng được tiêm ngừa các mũi tiêm cần thiết theo khuyến cáo của Bộ Y tế (như vaccin uốn ván) và được bác sĩ tư vấn về chế độ dinh dưỡng và sinh hoạt hằng ngày để đảm bảo cả mẹ và bé được khỏe mạnh và an toàn.
Mẹ biết không, một lịch khám thai đầy đủ thường được diễn ra như sau:
– Khám thai lần đầu tiên: khi mẹ nghi ngờ có thai
– Từ khi có thai đến 28 tuần: khám thai mỗi tháng một lần
– Từ 28 đến 36 tuần: khám mỗi 2 tuần một lần
– Thai trên 36 tuần đến khi chuyển dạ sinh: mỗi tuần khám một lần.
Trong khoảng tuần 11-14 và tuần 15-20, bác sĩ sẽ thực hiện sàng lọc hội chứng Down và khiếm khuyết ống thần kinh ở thai nhi thông qua đo độ mờ da gáy trên siêu âm và các xét nghiệm Double test và Triple test.
Thai nhi từ 18-22 tuần sẽ được khảo sát hình thái qua siêu âm để phát hiện các dị tật lớn.
Bên cạnh đó, khi mẹ có bất kỳ triệu chứng như đau bụng, ra huyết âm đạo, đau đầu nhiều, nhìn mờ, hoặc bất kỳ triệu chứng gì cảm thấy nguy hiểm, mẹ cần đi khám ngay ở các phòng khám cấp cứu.
3.2. Theo dõi và chăm sóc thai kỳ trong sinh hoạt hàng ngày
Để có một chế độ dinh dưỡng hợp lý trong thai kỳ, mẹ nên ăn uống đầy đủ các chất, tăng lượng khẩu phần ăn theo hướng dẫn của bác sĩ và uống ít nhất 2 lít nước/ngày. Bên cạnh đó, mẹ cần uống bổ sung viên sắt và acid folic theo chỉ định của bác sĩ.
Mẹ cần được nghỉ ngơi và ngủ ít nhất 8 giờ/ngày. Mẹ chỉ nên lao động và vận động nhẹ nhàng, tránh các hoạt động mạnh có thể gây kiệt sức và chấn thương.
Mẹ cũng phải theo dõi cân nặng hàng tháng. Nếu tăng cân quá nhiều (trên 2kg/tháng), mẹ sẽ có nguy cơ đái tháo đường thai kỳ hoặc béo phì làm ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi. Ngược lại, nếu mẹ tăng cân quá ít (dưới 1kg/tháng), thai nhi sẽ có nguy cơ chậm phát triển trong tử cung dẫn đến thai nhẹ cân và dễ sinh non.
Bên cạnh đó, mẹ cần phải theo dõi huyết áp thường xuyên vì nếu huyết áp tăng có nguy cơ dẫn đến tiền sản giật và sản giật, gây nguy hiểm cho cả mẹ và thai nhi.
Mẹ cũng nên lưu ý khi giao hợp giữa bố và mẹ: nên tránh vào tam cá nguyệt đầu và vào tháng cuối trước khi sinh để giảm nguy cơ sẩy thai hoặc sinh non.
Một điều quan trọng khác mẹ cần nhớ là, tất cả các thuốc sử dụng trong thai kỳ cần được sử dụng dưới hướng dẫn của bác sĩ. Ngoài ra, mẹ cần tránh rượu bia và thuốc lá trong suốt quá trình mang thai.
Khoảng thời gian 9 tháng 10 ngày nằm trong bụng mẹ cho phép con hình thành và phát triển đầy đủ các cơ quan và chức năng cần thiết cho sự sống. Do đó, mẹ nên khám thai và theo dõi thai kỳ đầy đủ cũng như áp dụng chế độ dinh dưỡng và sinh hoạt hợp lý để giúp cả mẹ và bé khỏe mạnh và an toàn trong suốt hành trình thiêng liêng mang tên “mang thai” nhé.
Bài viết tham khảo nguồn:
Pregnancy Week-by-Week – American Pregnancy Association
cam nang cham soc ba bau 2021 bản ko quảng cáo (moh.gov.vn)
Chăm sóc sức khỏe trong khi mang thai | Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản (medinet.gov.vn)