Nếu bạn đang mắc bệnh tiểu đường hoặc có người thân mắc căn bệnh này, bạn sẽ thấu hiểu sự khó khăn của người bệnh khi phải trích máu ở đầu ngón tay vào mỗi buổi sáng để theo dõi lượng đường trong máu. May mắn thay, máy đo đường huyết liên tục (Continuous Glucose Monitor – CGM) đã ra đời nhằm giúp người bệnh kiểm soát đường huyết tốt hơn và thuận tiện hơn.
Vậy máy đo đường huyết liên tục (CGM) là gì, CGM có lợi ích gì hơn so với các phương pháp quản lý đường huyết truyền thống, hãy cùng FPT Medicare tìm hiểu trong bài viết dưới đây nhé!
1. Máy đo đường huyết liên tục – CGM là gì?
Đúng như tên gọi, máy đo đường huyết liên tục là thiết bị giúp bệnh nhân tiểu đường theo dõi lượng glucose trong máu theo thời gian thực trong suốt 24 giờ. Bất kể người bệnh đang làm gì, chỉ cần đeo máy trên người thì chỉ số đường huyết sẽ được máy đọc và ghi nhận lại.
Về cơ bản, CGM có cấu tạo gồm 3 bộ phận chính:
- Cảm biến (sensor): Được gắn vào mô dưới da, thường là ở mặt sau cánh tay hoặc vùng bụng. Cảm biến sẽ thu thập và lưu trữ dữ liệu đường trong dịch mô kẽ. Một chiếc cảm biến thường có thể sử dụng từ 7-14 ngày tùy vào từng hãng khác nhau.
- Bộ truyền tín hiệu (transmitter): Được sử dụng để truyền dữ liệu đường huyết đo được từ cảm biến đến đầu đọc. Bộ phận này có thể gắn liền với cảm biến, hoặc tách rời khỏi cảm biến, chỉ gắn lại khi sử dụng.
- Thiết bị hiển thị kết quả (reader): Bộ phận này có thể là một thiết bị cầm tay hoặc một ứng dụng trên điện thoại thông minh, giúp hiển thị chỉ số đường huyết hiện tại, lịch sử đường huyết theo thời gian và dự đoán xu hướng tăng giảm của đường huyết trong vài phút kế tiếp.
Bên cạnh đó, có thể bạn đã nghe nói về 2 loại hệ thống CGM, là real-time CGM (rtCGM) và intermittently scanned CGM (isCGM). RtCGM hiển thị kết quả đường huyết theo thời gian thực, trong khi isCGM hiển thị kết quả đường huyết ngắt quãng.
Một số CGM kết nối với máy bơm insulin có thể hoạt động như một “tuyến tụy nhân tạo”, tự động điều chỉnh lượng insulin bơm vào cơ thể dựa vào nồng độ đường huyết đo được.
2. Vì sao CGM là bước đột phá của công nghệ trong theo dõi và quản lý đường huyết?
Như bạn đã biết, với máy đo đường huyết cá nhân, bệnh nhân chỉ có thể theo dõi đường huyết vào một số thời điểm nhất định trong ngày (thường là vào buổi sáng) bằng phương pháp xâm lấn là trích máu ở những đầu ngón tay.
Ngoài ra, người bệnh còn phải trang bị một bộ dụng cụ lấy máu mao mạch bao gồm nhiều vật dụng “lỉnh kỉnh” như kim chích máu, bình đựng kim, bông gòn, cồn sát khuẩn,…. gây bất tiện trong việc theo dõi đường huyết, đặc biệt là vào những ngày đi công tác hay du lịch xa nhà.
CGM đã ra đời để khắc phục những nhược điểm trên. Thiết bị có nhiều tính năng nổi trội có thể kể đến như:
Theo dõi đường huyết mọi lúc mọi nơi:
- Cảm biến CGM được gắn vào mô dưới da có khả năng ghi nhận và lưu trữ dữ liệu về mức đường huyết theo thời gian thực
- Nhờ đó, người dùng có thể dễ dàng theo dõi mức đường huyết của mình mọi lúc mọi nơi cũng như chia sẻ với bác sĩ và người thân trong gia đình.
Cung cấp cho bác sĩ điều trị bức tranh tổng thể về diễn tiến đường huyết của người bệnh, giúp bác sĩ có thêm nhiều dữ liệu để đánh giá và đưa ra hướng điều trị tốt hơn.
Có khả năng dự đoán xu hướng đường huyết
- CGM cũng có khả năng hiển thị bằng đồ họa, giúp dự đoán xu hướng tăng giảm của đường huyết trong thời gian kế tiếp và đưa cảnh báo cho người bệnh khi mức đường huyết vượt quá giới hạn an toàn.
- Điều này giúp bệnh nhân nhận biết ngay lập tức khi có sự biến đổi nguy hiểm và can thiệp hoặc điều trị kịp thời để điều chỉnh đường huyết về mức an toàn.
Theo dõi ảnh hưởng của dinh dưỡng, tập luyện và lối sống với đường huyết:
- CGM có thể theo dõi mối tương quan giữa mức độ hoạt động thể chất, các loại thực phẩm và các loại thuốc bệnh nhân sử dụng với mức đường huyết của cơ thể.
- Thông qua việc phân tích dữ liệu CGM, người bệnh có thể hiểu rõ tác động các yếu tố này lên nồng độ glucose trong máu để điều chỉnh lối sống và quản lý đường huyết một cách tối ưu.
Thiết bị này có thể sử dụng được cho cả người lớn và trẻ em.
Công nghệ đã mang lại một cuộc cách mạng trong việc quản lý đường huyết ở bệnh nhân đái tháo đường trong thực hành lâm sàng cũng như tự kiểm soát tại nhà. Nhờ vào những tiến bộ y học nói chung, và thiết bị đo đường huyết liên tục nói riêng, bệnh nhân đái tháo đường có thể sống một cuộc sống chất lượng cao, đồng thời giảm thiểu những rủi ro mà căn bệnh nguy hiểm này có thể gây ra.
Nguồn tham khảo:
Continuous Glucose Monitors (CGM) | ADA (diabetes.org)
HD Chan doan va dieu tri DTD tip 2.pdf (canhgiacduoc.org.vn)