Quá ngày dự sinh mà chưa có dấu hiệu chuyển dạ là tình trạng thường gặp ở các mẹ bầu và không cần quá lo lắng. Mẹ bầu cần bình tĩnh, theo dõi tình trạng sức khỏe của bản thân và em bé, sau đó đến các cơ sở y tế để được bác sĩ thăm khám, tư vấn hướng giải quyết phù hợp.
Thông thường, khi thai đủ tháng, gần ngày dự kiến sinh, mẹ sẽ có các dấu hiệu chuyển dạ như đau hoặc tức bụng, đau tức thắt lưng, ra dịch nhầy/dịch có máu/dịch loãng (nước ối) ở âm đạo.
Việc quá ngày dự sinh mà vẫn chưa nhận thấy các dấu hiệu chuyển dạ có thể khiến các mẹ bầu lo lắng, bất an. Tuy nhiên, thực tế là ngày dự sinh không phải là một con số chính xác tuyệt đối và có khá ít trường hợp mẹ bầu chuyển dạ vào đúng ngày dự sinh.
1. Nguyên nhân quá ngày dự sinh mà vẫn không có dấu hiệu chuyển dạ
Trẻ được tính là đẻ đủ tháng khi cuộc chuyển dạ diễn ra trong khoảng thời gian từ đầu tuần thứ 38 (259 ngày) đến cuối tuần thứ 41 (287 ngày). Đẻ non tháng là khi tuổi thai từ 22 tuần (154 ngày) đến 37 tuần. Và trường hợp thai quá 41 tuần tuổi (287 ngày) mà vẫn chưa chuyển dạ được gọi là thai già tháng.
Hiện tại, nguyên nhân dẫn đến thai già tháng vẫn chưa được kết luận chính xác. Theo các chuyên gia, nó có nhiều khả năng liên quan đến:
● Yếu tố di truyền: Nếu đã từng mang thai quá ngày dự sinh lần trước đó, mẹ bầu có khả năng cao sẽ sinh con già tháng trong lần sinh nở tiếp theo.
● Tính nhầm ngày dự sinh: Ngày dự sinh (ký hiệu là EDD hay DEL) được tính là sau 40 tuần (280 ngày) kể từ ngày đầu tiên của chu kỳ kinh cuối hoặc ước tính dựa trên kích thước của trẻ khi siêu âm. Do vậy, nếu mẹ bầu không nhớ rõ chu kỳ kinh nguyệt của mình hay mẹ không đi siêu âm thai sớm trong 3 tháng đầu thai kỳ thì việc tính ngày dự sinh sẽ không chính xác, dẫn đến mẹ lầm tưởng rằng mình mang thai quá ngày dự sinh.
Ngoài ra, có một số yếu tố nguy cơ có thể làm tăng khả năng gặp phải tình trạng này:
● Mang thai con đầu lòng.
● Mẹ mang thai bé trai.
● Mẹ bầu thừa cân, béo phì.
Ngày dự sinh chỉ là ước tính, không chính xác hoàn toàn
2. Mang thai quá ngày dự sinh có nguy hiểm không?
Quá ngày dự sinh 1 tuần mà chưa chuyển dạ không phải là vấn đề đáng lo lắng nếu mẹ và em bé vẫn khỏe mạnh bình thường. Tuy nhiên sau đó càng lâu thì mức độ rủi ro sẽ càng tăng lên và có thể dẫn đến một số các biến chứng.
Nhau thai là sợi dây liên kết giữa mẹ và em bé, giúp em bé nhận được oxy và dinh dưỡng từ mẹ để phát triển khỏe mạnh. Từ 42 tuần trở đi, nhau thai có thể không thực hiện các chức năng này một cách hiệu quả nữa, dẫn đến:
● Em bé không phát triển tốt như trước.
● Nhịp tim thai nhi bất thường.
● Đẻ khó.
● Tăng nguy cơ thai chết lưu.
Ngoài ra còn có một số nguy cơ khác như:
● Em bé hít hoặc nuốt phải phân su trong nước ối, có thể gây ra các vấn đề nghiêm trọng về hô hấp sau khi sinh.
● Lượng nước ối giảm, dây rốn bị chèn ép dẫn đến thai nhi thiếu oxy.
● Hội chứng sau sinh (tình trạng trẻ sơ sinh bị giảm lượng mỡ dưới da, da mỏng nhăn nheo, nhiều tóc, móng tay dài,…).
● Nhiễm trùng tử cung.
● Chảy máu sau sinh.
Mang thai quá 42 tuần có thể tăng nguy cơ khiến mẹ và bé gặp phải các vấn đề về sức khỏe
3. Cần làm gì nếu quá ngày dự sinh vẫn chưa chuyển dạ?
Nếu quá ngày dự sinh mà chưa có dấu hiệu chuyển dạ, mẹ bầu không nên tự ý áp dụng các phương pháp kích thích chuyển dạ tự nhiên như: quan hệ tình dục, châm cứu, thôi miên, uống trà lá mâm xôi hay sử dụng dầu thầu dầu, dầu hoa anh thảo,… bởi chưa có nghiên cứu nào đưa ra kết luận chính xác về tác dụng hay tính an toàn của các phương pháp truyền thống này,
Điều mẹ cần làm là đến ngay các cơ sở y tế uy tín để được thăm khám và tư vấn. Bác sĩ sẽ làm các xét nghiệm, siêu âm thai để đánh giá tình trạng của em bé trong bụng mẹ và đưa ra hướng xử trí phù hợp.
Nếu em bé vẫn khỏe mạnh mà lượng nước ối bình thường. Bác sĩ có thể bảo mẹ bầu tiếp tục đợi cho đến khi có dấu hiệu chuyển dạ.
Nếu kết quả siêu âm phát hiện thấy bất thường về lượng nước ối hay em bé đang gặp bất cứ vấn đề gì, bác sĩ có thể chỉ định khởi phát chuyển dạ bằng một số phương pháp như:
● Bóc tách màng ối: Bác sĩ sẽ đeo găng tay, đưa ngón tay vào cổ tử cung một cách nhẹ nhàng và tách màng ối ra khỏi thành tử cung
● Bấm ối: Bác sĩ sẽ chọc 1 lỗ nhỏ vào màng ối để kích thích vỡ ối
● Dùng bóng Foley: Một vật giống như quả bóng sẽ được đưa vào cổ tử cung và khi quả bóng được làm căng lên sẽ giúp cổ tử cung mở ra để sẵn sàng cho việc sinh nở.
● Sử dụng Prostaglandin: Hormone Prostaglandin có tác dụng làm mềm cổ tử cung, thúc đẩy cổ tử cung chín để cuộc chuyển dạ xảy ra. Nó có thể được sử dụng qua đường uống, ngậm, viên đặt âm đạo hoặc là có thể được bôi vào cổ tử cung dưới dạng gel..
● Sử dụng Oxytocin: Truyền Oxytocin qua đường tĩnh mạch sẽ kích thích tạo nên cơn gò tử cung giúp mẹ bầu chuyển dạ.
● Bấm ối kết hợp với truyền Oxytocin.
Ngoài ra, tùy thuộc vào tình trạng của thai phụ và thai nhi, bác sĩ có thể chỉ định mổ lấy thai để an toàn cho cả mẹ và bé.
Mẹ bầu cần đi khám bác sĩ nếu mang thai quá ngày dự sinh
Tóm lại, việc quá ngày dự sinh mà vẫn chưa có dấu hiệu chuyển dạ có thể là do yếu tố di truyền hoặc chỉ là sự nhầm lẫn vì không tính đúng ngày dự sinh. Tình trạng này cũng sẽ không mang lại nguy hiểm nếu được xử trí kịp thời.
Ngoài ra, thai phụ cần chú ý đi siêu âm sớm trong 3 tháng đầu để có thể xác định tuổi thai và ngày dự sinh một cách chính xác hơn. Mẹ bầu cũng đừng quên duy trì một lối sinh hoạt lành mạnh, tập thể dục nhẹ nhàng và ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng để chuẩn bị một sức khỏe tốt nhất cho cuộc chuyển dạ sắp tới nhé!
Bài viết tham khảo nguồn:
NIH, MedlinePlus. ACOG
https://www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK279571/
https://medlineplus.gov/ency/patientinstructions/000515.htm
https://www.acog.