Suy tim là một tình trạng nghiêm trọng khi tim không thể cung cấp đủ máu cho các tế bào. Điều này dẫn đến mệt mỏi, khó thở và gây khó khăn trong các hoạt động sinh hoạt bình thường. Tìm hiểu rõ các nguy cơ gây suy tim có thể góp phần giúp chúng ta phòng tránh được bệnh lý phổ biến này.
1. Bạn đã biết gì về suy tim?
1.1. Suy tim là gì?
Suy tim là tình trạng cơ tim không thể bơm đủ máu để đáp ứng nhu cầu oxy cho cơ thể. Nghĩa là, tim không thể hoạt động kịp khối lượng công việc của nó.
Hiểu một cách đơn giản, suy tim không có nghĩa là tim ngừng hoạt động mà là tình trạng tim bị suy yếu cần sự trợ giúp để đảm bảo các chức năng của nó.
Ban đầu, tim cố gắng bù đắp bằng cách các buồng tim căng giãn ra để chứa được nhiều máu hoặc trở nên dày, cứng hơn để tăng lực co bóp cho tim. Tuy nhiên, theo thời gian tim hoạt động quá sức nên tình trạng suy tim trở nên trầm trọng hơn, máu tích tụ lại các cơ quan phổi, bụng, gan,…gây nên tình trạng suy tim sung huyết.
Bệnh suy tim
1.2. Suy tim phổ biến như thế nào?
Suy tim là một bệnh lý rất phổ biến. Mặc dù y học đang ngày một tiến bộ nhưng tỉ lệ xuất hiện suy tim lại ngày càng gia tăng và trở thành gánh nặng y tế toàn cầu. Một nghiên cứu năm 2017 cho thấy số lượng mắc suy tim trên toàn thế giới ước tính là hơn 64 triệu người (tương đương khoảng 8/1000 người, trong đó có 29% mức độ nhẹ, 19% mức độ trung bình, 51% mức độ nặng).
Theo một nghiên cứu gần đây cho thấy, tỉ lệ hiện mắc suy tim chiếm 1-3% dân số và tỉ lệ mắc mới khoảng 1-20/1000 người mỗi năm tùy theo mỗi quốc gia khác nhau. Bên cạnh đó, tỉ lệ mắc suy tim luôn cao hơn ở giới nữ (9,16/ 1 triệu dân so với 7,69/1 triệu dân ở nam).
Suy tim là một vấn đề sức khỏe cộng đồng khi nó được chứng minh là một mối đe dọa lớn đến tính mạng. Một nghiên cứu phối hợp giữa Framingham Heart Study (FHS) và Cardiovascular Health Study (CHS) cho thấy kết quả tỉ lệ tử vong sau 5 năm được chẩn đoán mắc suy tim là 67%.
Tuy nhiên, người bệnh suy tim vẫn có thể có cuộc sống trọn vẹn khi được kiểm soát tốt bằng thuốc và có lối sống lành mạnh.
2. Ai là người có nguy cơ cao mắc suy tim?
Người già có nguy cơ cao mắc suy
Suy tim thường là hậu quả của nhiều vấn đề ảnh hưởng đến tim cùng một lúc. Các yếu tố nguy cơ có thể dẫn đến suy tim bao gồm:
2.1. Yếu tố bệnh lý:
– Bệnh tim mạch vành: bao gồm một số bệnh về tim liên quan đến việc mạch vành bị tắc nghẽn (mạch vành là mạch máu nuôi tim). Nguyên nhân của sự tắc nghẽn này là do quá trình hình thành các mảng xơ vữa làm cho cơ tim bị thiếu dưỡng khí. Khi đó, lưu lượng máu và oxy đến tim giảm gây ra các cơn đau thắt ngực, nhồi máu cơ tim.
– Bệnh tăng huyết áp: huyết áp tăng cao kéo dài buộc tim phải làm việc nhiều hơn. Áp lực bơm máu lớn khiến cơ tim chai cứng và suy yếu dần.
– Bệnh van tim: khi các van không đóng mở hoàn toàn trong mỗi nhịp tim, cơ tim phải bơm mạnh hơn để giữ cho máu di chuyển một chiều trong tuần hoàn. Lâu ngày, tình trạng này làm cho cơ tim suy yếu dần đi.
– Bệnh cơ tim: là một nhóm các bệnh có bất thường về cơ tim thường gặp như bệnh giãn cơ tim, bệnh phì đại cơ tim, bệnh cơ tim hạn chế,…Các bất thường này ảnh hưởng lớn đến hoạt động của tim theo thời gian có thể dẫn đến suy tim.
– Bệnh rối loạn nhịp tim: các bất thường về nhịp tim như nhịp nhanh, nhịp chậm hoặc không đều dẫn đến tim có thể không bơm đủ máu cho cơ thể.
– Các bệnh lý khác: các bệnh lý ít phổ biến khác có thể gây ra suy tim bao gồm: bệnh tim bẩm sinh, đái tháo đường, tăng huyết áp, thận, tuyến giáp,…
2.2. Yếu tố do lối sống:
Mặc dù bệnh suy tim có thể phát sinh trong quá trình sống bởi các yếu tố sinh lý như lão hóa hoặc tiền sử gia đình. Tuy nhiên, các yếu tố do lối sống góp phần thúc đẩy quá trình tiến triển suy tim này trở nên nhanh hơn
– Hút thuốc lá: Hút thuốc có thể gây ra bệnh tim và là yếu tố nguy cơ dẫn đến suy tim. Nó có thể làm tăng cholesterol xấu trong động mạch và làm phá hủy mạch máu.
– Ít hoạt động thể chất: hoạt động thể chất nhiều hơn giúp hô hấp tốt hơn và từ đó mang lại lợi ích cho sức khỏe tim mạch. Giống như bất kì cơ bắp nào khác, cơ tim cũng cần hoạt động thể chất để tăng sức bền, nâng cao hiệu quả lưu thông máu và cải thiện khả năng sử dụng oxy của cơ thể. Từ đó kiểm soát tốt huyết áp, đường huyết và cholesterol máu giúp bảo vệ tim mạch.
– Chế độ dinh dưỡng không lành mạnh: cholesterol là một chất béo do gan tạo ra và được tìm thấy trong một số loại thực phẩm như phô mai, trứng, nội tạng động vật,… Lượng cholesterol dư thừa do sử dụng quá mức có thể tích tụ trong động mạch và từ đó gây hại cho tim. Bên cạnh đó, lượng muối hấp thu quá nhiều cũng là nguyên nhân gây tăng huyết áp – yếu tố nguy cơ hàng đầu dẫn đến suy tim.
– Thừa cân hoặc béo phì: Các yếu tố liên quan đến béo phì được ước tính là nguyên nhân gây ra 11% suy tim ở nam và 14% suy tim ở nữ. Béo phì có thể dẫn đến suy tim bằng cách làm giảm lưu thông máu đến tim dẫn đến giảm chức năng tim.
3. Nên làm gì để phòng ngừa suy tim?
Tập thể dục giúp phòng ngừa suy tim
Để phòng ngừa suy tim đòi hỏi một cam kết lâu dài về lối sống lành mạnh cũng như giải quyết các tình trạng sức khỏe góp phần gây ra nguy cơ đó. Các phương pháp cụ thể có thể thực hiện bao gồm:
– Tập thể dục thường xuyên: duy trì vận động là nền tảng thiết lập sức khỏe tim tốt và ngăn ngừa suy tim. 150 phút mỗi tuần với cường độ vừa phải hoặc 75 phút mỗi tuần với cường độ cao có thể giúp giảm nguy cơ suy tim của một người.
+ Các hoạt động có cường độ vừa phải bao gồm: đi bộ nhanh tốc độ khoảng 1,5 km/h, đạp xe với tốc độ khoảng 8 km/h, hoạt động yoga tích cực,…
+ Các hoạt động có cường độ cao có thể kể đến là chạy bộ, đạp xe với tốc độ khoảng 15 km/h, quần vợt, bơi lội,…
– Chế độ ăn uống và dinh dưỡng lành mạnh: liên quan đến việc tránh hoặc giảm các loại thực phẩm bao gồm: đồ nướng, đồ chiên, thịt đỏ, carbohydrate tinh chế (tinh bột đã qua chế biến) hoặc là đồ uống có đường. Nên ưu tiên sử dụng các loại thực phẩm như rau, trái cây, quả hạch, ngũ cốc, thịt nạc, cá,…
– Quản lý cân nặng cơ thể: béo phì là một yếu tố nguy cơ độc lập ảnh hưởng đến sức khỏe tim mạch. Duy trì cân nặng vừa phải là chiến lược quản lý rủi ro quan trọng cho cơ thể thông qua các kế hoạch ăn kiêng, tập thể dục.
– Uống quá nhiều rượu: rượu có thể làm tăng huyết áp và tăng nguy cơ mắc các bệnh tim mạch. Phụ nữ không nên uống quá 1 ly và đàn ông không nên uống quá 2 ly mỗi ngày.
– Hút thuốc lá: Nicotin trong thuốc lá có thể gây ra bệnh tăng huyết áp cùng với cacbon monoxit từ thuốc lá làm giảm lưu thông oxy và máu đến tim. Từ đó làm tăng nguy cơ mắc các bệnh tim.
– Điều trị các bệnh liên quan đến tim mạch: rủi ro từ các bệnh lý mắc sẵn có thể dẫn đến nguy cơ suy tim. Do vậy, một số trường hợp cần có sự can thiệp điều trị từ bác sĩ. Các phương pháp thường được hướng dẫn bao gồm: giảm cholesterol máu, kiểm soát bệnh tăng huyết áp, kiểm soát bệnh đái tháo đường.
Tổng kết
Suy tim hiện nay đã trở thành vấn đề sức khỏe đáng lo ngại với tỉ lệ mắc bệnh và tử vong cao trên toàn thế giới. Suy tim ngày càng phổ biến hơn do dân số già đi, lối sống kém lành mạnh và là hậu quả của các bệnh lý kèm theo khác. Điều này dẫn đến gánh nặng bệnh tật rất lớn cho xã hội. Hiểu được các yếu tố rủi ro gây suy tim có thể giúp chúng ta phòng ngừa được bệnh lý nguy hiểm này.
Tài liệu tham khảo:
https://www.heart.org/en/health-topics/heart-failure/what-is-heart-failure
https://hfsa.org/sites/default/files/2020-04/FACES_Patient_Infographic.pdf
https://timmachhoc.vn/khuyen-cao-cua-hoi-tim-mach-quoc-gia-ve-chan-doan-va-dieu-tri-suy-tim-cap-va-suy-tim-man-2021/ https://www.heartfailurematters.org/understanding-heart-failure/how-does-the-normal-heart-work/ https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/heart-failure/symptoms-causes/syc-20373142 https://www.ahajournals.org/doi/10.1161/circulationaha.107.188965
https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC4615715/
https://www.nhlbi.nih.gov/health/heart-failure/causes
https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC7686142/ https://hfsa.org/patient-hub/heart-failure-facts-information#:~:text=Current%20estimates%20are%20that%20nearly,new%20 heart%20failure%20 cases%20 annually.
https://www.heart.org/en/healthy-living/fitness/fitness-basics/aha-recs-for-physical-activity-in-adults