Tăng huyết áp thai kỳ là một trong những vấn đề y tế thường gặp nhất ở phụ nữ mang thai và có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm như sản giật, sảy thai, sinh non. Do vậy, việc chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời có ý nghĩa rất quan trọng trong bảo vệ sức khỏe của mẹ và thai nhi. Hãy cùng FPT Medicare tìm hiểu về cách chẩn đoán tăng huyết áp thai kỳ qua bài viết dưới đây nhé.
1. Chẩn đoán tăng huyết áp thai kỳ như thế nào?
1.1 Ngưỡng chẩn đoán tăng huyết áp thai kỳ
Tăng huyết áp thai kỳ được chẩn đoán khi huyết áp tâm thu ≥140 mmHg và/hoặc huyết áp tâm trương ≥ 90 mmHg trong ít nhất hai lần đo cách nhau ít nhất bốn giờ. Ước tính tăng huyết áp trong thai kỳ ảnh hưởng 5-10% các trường hợp mang thai trên toàn thế giới.
Hầu hết phụ nữ bị tăng huyết áp khi mang thai chỉ có huyết áp tăng nhẹ. Nhưng một số bệnh nhân lại bị tăng huyết áp nặng (huyết áp tâm thu từ 160 mmHg trở lên và/hoặc huyết áp tâm trương từ 110 mmHg trở lên). Những bệnh nhân này sẽ có nguy cơ bị các biến chứng nghiêm trọng như tiền sản giật, sản giật, sảy thai hoặc sinh non.
Tăng huyết áp thai kỳ là một vấn đề y tế thường gặp ở phụ nữ mang thai
1.2. Phương pháp chẩn đoán tăng huyết áp thai kỳ
Để chẩn đoán tăng huyết áp thai kỳ, bác sĩ sẽ kiểm tra huyết áp của bệnh nhân bằng máy đo huyết áp ở mỗi lần khám thai. Bệnh nhân cần được đo huyết áp theo đúng quy trình để có được kết quả chính xác. Dưới đây là một số lưu ý khi thực hiện đo huyết áp cho phụ nữ mang thai:
● Bệnh nhân cần được nghỉ ngơi 5 đến 10 phút trước khi đo huyết áp
● Không sử dụng các chất kích thích như thuốc lá, cà phê trong vòng 2 giờ trước khi đo
● Tốt nhất nên đo ở tư thế ngồi tựa lưng vào ghế hoặc tư thế nằm nghiêng bên trái
● Thả lỏng tay đo và đặt ở vị trí ngang với tim
● Đặt máy ở vị trí phù hợp để máy hoặc mốc 0 của thang đo ngang mức với tim.
● Ban đầu nên đo huyết áp ở cả hai tay, sau đó chọn tay có giá trị huyết áp cao hơn để theo dõi về sau
● Phải sử dụng vòng quấn có kích thước phù hợp với cánh tay
● Bệnh nhân không được cười đùa và nói chuyện khi đang đo huyết áp.
Bên cạnh đó, bác sĩ có thể chỉ định thêm các xét nghiệm khác như protein niệu, công thức máu, tổng phân tích nước tiểu, men gan…Các xét nghiệm này sẽ giúp tầm soát tiền sản giật và xác định liệu bệnh tăng huyết áp có gây tổn thương các cơ quan hay chưa.
Kiểm tra huyết áp ở mỗi lần khám thai sẽ giúp chẩn đoán tăng huyết áp thai kỳ
2. Tăng huyết áp trong mang thai gồm những loại nào?
Tăng huyết áp trong khi mang thai có thể chia thành nhiều loại khác nhau dựa trên thời điểm xuất hiện và các triệu chứng đi kèm. Các loại tăng huyết áp phổ biến khi mang thai bao gồm:
● Tăng huyết áp mạn tính: Tăng huyết áp xuất hiện trước khi mang thai hoặc trước tuần thứ 20 của thai kỳ. Tình trạng này thường kéo dài hơn 6 tuần sau sinh.
● Tăng huyết áp thai kỳ: Tăng huyết áp xuất hiện sau tuần thứ 20 của thai kỳ. Tình trạng này thường hồi phục trong vòng 6 tuần sau sinh. Tuy nhiên, nếu bạn bị tăng huyết áp khi mang thai, bạn sẽ có nguy cơ cao mắc tăng huyết áp mãn tính trong tương lai.
● Tiền sản giật: là một rối loạn xảy ra ở phụ nữ mang thai, thường xảy ra trong nửa sau của thai kỳ (từ tuần 20) hoặc ngay sau khi sinh con. Bệnh nhân sẽ có triệu chứng tăng huyết áp và có protein trong nước tiểu. Các yếu tố nguy cơ dẫn tới tiền sản giật là mắc tăng huyết áp từ trước, đái tháo đường, bệnh thận, mang thai lần đầu,…
● Sản giật: Bệnh nhân bị tiền sản giật có nguy cơ tiến triển thành sản giật. Bên cạnh tăng huyết áp, bệnh nhân sẽ có các triệu chứng nặng hơn như co giật, đau đầu dữ dội, rối loạn thị giác, đau bụng, buồn nôn và nôn.
Bệnh nhân sản giật sẽ có các triệu chứng nặng như đau đầu dữ dội, co giật, rối loạn thị giác
Tóm lại
Tăng huyết áp thai kỳ là một bệnh lý nguy hiểm và có thể gây ra nhiều biến chứng nghiêm trọng. Việc chẩn đoán sớm tăng huyết áp thai kỳ sẽ giúp chúng ta có cơ hội can thiệp kịp thời và thực hiện các biện pháp điều trị hiệu quả. Điều quan trọng là hãy đi khám thai đều đặn và thực hiện lời khuyên của bác sĩ để đảm bảo một thai kỳ khỏe mạnh.
Nguồn tham khảo:
https://timmachhoc.vn/tang-huyet-ap-trong-thai-ky/
Hướng dẫn điều trị THA của Hội tim mạch học VN 2022
https://www.nhs.uk/conditions/pre-eclampsia/
https://www.acog.org/womens-health/faqs/preeclampsia-and-high-blood-pressure-during-pregnancy