1. Các yếu tố nguy cơ tăng khả năng mắc tiểu đường tuýp 2
Khoảng 90% bệnh nhân mắc tiểu đường thuộc nhóm đái tháo đường tuýp 2. Dấu hiệu sớm của bệnh thường không rõ ràng, hoặc có thể không có dấu hiệu nào cả. Do vậy, việc nhận biết các yếu tố nguy cơ mắc bệnh tiểu đường tuýp 2 là rất quan trọng.
Các yếu tố nguy cơ mắc đái tháo đường sẽ thay đổi tùy theo loại đái tháo đường mà bạn gặp phải. Các yếu tố này được chia làm 2 nhóm khác nhau:
1.1 Các yếu tố không thể thay đổi được
Gồm các yếu tố bẩm sinh, liên quan đến sinh lý hoặc những bệnh lý đã xảy ra trong quá khứ. Các yếu tố này người bệnh hầu như không thể can thiệp được, cụ thể là:
- Tiền sử gia đình: Nguy cơ tăng 2-6 lần khi bạn có người thân đời thứ nhất (cha mẹ, anh chị em, con ruột) mắc tiểu đường loại 2.
- Chủng tộc: Là người gốc Á
- Độ tuổi: ≥ 45 tuổi
- Giới tính: Nam nguy cơ cao hơn nữ
- Bị bệnh gai đen: là tình trạng da sẫm màu, dày và mượt như nhung ở các vùng cổ và nách
- Phụ nữ đã từng bị tiểu đường thai kỳ hoặc sinh em bé nặng hơn 4 ký
- Phụ nữ bị hội chứng buồng trứng đa nang
Tham khảo: Đái tháo đường thai kỳ có đang “tìm đến bạn” ?
Tham khảo: Đái tháo đường thai kỳ, những thông tin bạn cần biết
1.2 Các yếu tố có thể thay đổi được
Đây thường là các yếu tố về lối sống, về thói quen hoặc những ảnh hưởng mà người bệnh có thể phòng tránh được.
- Thừa cân hoặc béo phì (BMI ≥ 23 kg/m2)
- Bị tiền tiểu đường
- Huyết áp cao (HA ≥ 140/90 mmHg, hoặc đang điều trị tăng huyết áp)
- Các bệnh về tim, mạch máu hay đột quỵ
- Rối loạn lipid máu (hay còn gọi là mỡ máu)
- Hoạt động thể chất ít hơn 3 lần một tuần
- Hút thuốc lá
- Vấn đề về sức khỏe tinh thần như trầm cảm, rối loạn lưỡng cực.
Trong số các yếu tố có thể thay đổi được, việc thừa cân, béo phì là nguy cơ phổ biến nhất nhưng cũng là nguy cơ có khả năng tác động vào nhất. Để hiểu hơn về mối liên hệ giữa chúng, ta hãy cùng nhau phân tích xem những chỉ số nào cho bạn hiểu về tình trạng thừa cân và béo phì nhé.
1.3 Thừa cân, béo phì và tiểu đường tuýp 2 có mối quan hệ như thế nào?
Đây là nguy cơ phổ biến nhất của đái tháo đường tuýp 2. Để hiểu hơn về việc cân nặng có thể giúp bạn giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường loại 2 như thế nào, hãy tìm hiểu chỉ số khối cơ thể (BMI) và chỉ số vòng eo của bạn nhé!
Chỉ số khối cơ thể
Chỉ số khối cơ thể (hay còn gọi là chỉ số BMI) cho biết liệu bạn đang có cân nặng khỏe mạnh hay thừa cân hoặc béo phì.
- Hầu hết người trưởng thành có chỉ số BMI từ 25 trở lên đều bị thừa cân và có nguy cơ mắc bệnh cao hơn.
- Người Mỹ gốc Á bị thừa cân nếu chỉ số BMI của họ từ 23 trở lên, trong khi người dân đảo Thái Bình Dương bị thừa cân nếu chỉ số BMI của họ từ 26 trở lên.
- Nếu bạn từ 20 tuổi trở lên, hãy sử dụng công cụ tính chỉ số BMI cho người lớn để tìm hiểu chỉ số khối cơ thể của bạn.
Bạn có thể sử dụng một công cụ tính chỉ số BMI khác cho trẻ em hoặc thanh thiếu niên từ 2–19 tuổi. Công cụ này sử dụng chỉ số BMI, giới tính và độ tuổi để ước tính xem một đứa trẻ hoặc thanh thiếu niên có bị thừa cân hoặc béo phì hay không.
Chu vi vòng eo
Một cách khác để ước tính nguy cơ mắc bệnh tiểu đường là đo chu vi vòng eo của bạn.
- Đàn ông có nguy cơ mắc bệnh tiểu đường cao hơn nếu vòng eo của họ lớn hơn khoảng 100 cm,
- Phụ nữ (không mang thai) có nguy cơ cao hơn nếu vòng eo của họ lớn hơn khoảng 90 cm.
Vòng eo là phép đo gián tiếp lượng mỡ ở vùng bụng của bạn. Vòng eo lớn là một yếu tố nguy cơ mắc bệnh tiểu đường và bệnh tim, ngay cả khi bạn có chỉ số BMI bình thường.
2. Làm thế nào để biết bạn thuộc nhóm nguy cơ cao mắc Đái tháo đường tuýp 2
Để hiểu hơn về tình trạng sức khỏe của mình để xem thử mình có đang thuộc nhóm đối tượng có nguy cơ cao hay không, bạn có thể tham khảo công cụ đánh giá dưới đây để hiểu rõ hơn nhé. Đừng chần chừ, đây có thể là điều quan trọng nhất bạn cần làm ngay lúc này đấy, đặc biệt nếu bạn có một trong các yếu tố nguy cơ đã được liệt kê ở trên.
Nhưng mà khoan, trước khi làm test, bạn nên lưu ý một số điều sau đây nhé:
- Bạn cần tự kiểm tra trước về chỉ số vòng eo, cân nặng cũng chiều cao của mình để có thể điền kết quả chính xác nhất.
- Sau khi test xong, nếu kết quả cho thấy bạn thuộc:
- Nhóm đối tượng nguy cơ cao mắc đái tháo đường:
+ Hãy đến ngay cơ sở y tế gần nhất để làm các xét nghiệm chuẩn đoán tầm soát.
- Nhóm đối tượng nguy cơ trung bình – thấp:
+ Hãy cảnh giác và tiếp tục đọc về các biện pháp giảm thiểu nguy cơ mắc đái tháo đường được liệt kê dưới đây nhé!
Tham khảo: Công cụ đánh giá nguy cơ mắc đái tháo đường tuýp 2
3. Bạn nên làm gì để giảm thiểu nguy mắc bệnh tiểu đường loại 2?
Mọi người có thể giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường loại 2 bằng cách thay đổi lối sống, đặc biệt là bằng cách cải thiện chế độ ăn uống và tập thể dục, đồng thời cải thiện cân nặng.
3.1 Duy trì cân nặng khỏe mạnh
Thừa cân, đặc biệt là ở vòng eo, làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường loại 2. Ngược lại, giảm cân là một cách bạn có thể giúp phòng ngừa bệnh tiểu đường loại 2.
Tham khảo: Yếu tố tăng nguy cơ mắc tiểu đường và cách phòng tránh
Chỉ số vòng eo của bạn cao nghĩa là chất béo có thể tích tụ xung quanh các cơ quan và gây ra tình trạng kháng insulin. Điều này cho thấy rằng insulin mà cơ thể sản xuất không hoạt động bình thường.
- Giảm cân nhẹ (chỉ khoảng 5-10% trọng lượng cơ thể) có thể tạo ra sự khác biệt lớn và đối với những người mắc bệnh tiền tiểu đường có thể ngăn ngừa bệnh tiểu đường loại 2 ở gần 6 trên 10 người.
3.2 Kiểm tra vòng eo của bạn
Đây là một cách nhanh chóng và đơn giản kiểm tra rủi ro mắc bệnh của bạn.
Cách đo: Đo ở giữa đỉnh xương hông và xương sườn thấp nhấ, gần bằng rốn của bạn. Nhìn chung, nếu bạn là người gốc da trắng:
- Phụ nữ: nên giữ vòng eo dưới 80 cm
- Đàn ông nên giữ vòng eo dưới 94 cm
Không có giải pháp nhanh chóng nào để giảm kích thước vòng eo. Tuy nhiên, những thay đổi nhỏ trong chế độ ăn uống như giảm khẩu phần ăn và hoạt động thể chất thường xuyên là những yếu tố quan trọng trong việc giảm cân và duy trì cân nặng khỏe mạnh.
Lời khuyên từ chuyên gia dinh dưỡng, chuyên gia thể dục hoặc các chuyên gia chăm sóc sức khỏe khác có thể giúp giảm cân dễ dàng và bền vững hơn nhiều.
3.3 Lựa chọn thực phẩm lành mạnh
Xây dựng chế độ ăn uống hợp lý, lành mạnh là cách tuyệt vời để kiểm soát cân nặng của bạn và giảm nguy cơ phát triển bệnh tiểu đường loại 2.
Để bắt đầu, bạn có thể áp dụng các hướng dẫn về chế độ ăn uống của các tổ chức uy tín (như Hiệp hội đái tháo đường thế giới – ADA) để ăn uống lành mạnh hơn.
3.4 Hoạt động thể chất thường xuyên
Hoạt động thể chất thường xuyên là chìa khóa để ngăn ngừa bệnh tiểu đường loại 2. Theo đó, việc hoạt động thể chất thường xuyên có thể giúp:
- Duy trì cân nặng khỏe mạnh
- Giảm huyết áp
- Giảm nguy cơ mắc bệnh tim
- Giảm căng thẳng
Mọi người nên tập thể dục và hoạt động thể chất hầu hết các ngày, tốt nhất là hàng ngày. Việc di chuyển ít nhất 30 phút mỗi ngày sẽ tạo ra sự khác biệt lớn đối với sức khỏe của bạn. Nó cũng giúp cải thiện tâm trạng của bạn. Khi mới bắt đầu, để dễ tạo thói quen hơn, bạn có thể chia nhỏ bài tập trong ngày nếu cần.
Bạn không cần phải đến phòng tập thể dục hay chạy marathon, hãy tập với cường độ vừa phải. Đó có thể là đi bộ nhanh, chơi một môn thể thao hoặc tham gia một lớp thể dục trực tuyến.
Các yếu tố NGUY CƠ CAO mắc đái tháo đường tuýp 2 |
|
Tài liệu tham khảo:
- https://www.medicalnewstoday.com/articles/317168#risk-factors-for-type-2-diabetes
- https://www.niddk.nih.gov/health-information/diabetes/overview/risk-factors-type-2-diabetes/diabetes-risk-test
- https://www.niddk.nih.gov/health-information/diabetes/overview/risk-factors-type-2-diabetes
- https://www.diabetesaustralia.com.au/diabetes-risk/