Suy tim mất bù là tình trạng suy tim với các triệu chứng khởi phát nhanh, dẫn đến việc phải nhập viện hoặc cấp cứu. Nguyên nhân của tình trạng này chủ yếu đến từ các bệnh lý mạch vành, bệnh cơ học của tim, các rối loạn nhịp, thuyên tắc phổi, tổn thương thận,… Nhận biết các triệu chứng để có thể điều trị kịp thời cho các bệnh nhân suy tim mất bù.
1 Bạn đã biết gì về suy tim mất bù?
1.1 Suy tim mất bù là gì?
Suy tim mất bù được định nghĩa là suy tim với các dấu hiệu và triệu chứng khởi phát nhanh, dẫn đến việc phải nhập viện, đến phòng khám hoặc cấp cứu.
Hầu hết tình trạng này là hệ quả của bệnh lý suy tim mạn tính. 80% các trường hợp nhập viện là suy tim mất bù trên nền suy tim mạn.
( Hình minh họa: suy tim mất bù)
1.2 Suy tim mất bù có nguy hiểm không?
Suy tim thường gặp ở người cao tuổi – đối tượng thường dễ mắc các bệnh khác kèm theo do hệ miễn dịch suy giảm. Điều này có thể làm các triệu chứng suy tim mất bù không rõ ràng và khó xác định.
Suy tim mất bù là một trong những tình trạng bệnh rất nguy hiểm. Khi bệnh càng nặng, các triệu chứng rõ rệt hơn, và có thể đe doạ tính mạng người bệnh.
Suy tim mất bù thường gây nhiều hệ lụy về sức khỏe cũng như chi phí đối với bệnh nhân. Chi phí nằm viện điều trị suy tim mất bù chiếm khoảng 60% tổng chi phí điều trị suy tim. Tỷ lệ tử vong ở những bệnh nhân xuất viện trong 90 ngày là khoảng 10%.
1.1 1.3 Triệu chứng
Triệu chứng phổ biến và đặc trưng nhất của suy tim mất bù là khó thở. Tuy nhiên triệu chứng này không đặc hiệu vì có nhiều ở các tình trạng bệnh khác. Nếu bạn đang mắc suy tim mạn thì đây có thể là dấu hiệu khởi phát của suy tim mất bù.
Ngoài ra, tình trạng suy tim mất bù có thể có theo các biểu hiện như:
- Ho về đêm
- Thở khò khè, ran ở phổi
- Thường khó thở về đêm và khi nằm
- Tăng cân
- Chướng bụng
- Mệt mỏi, choáng váng
- Ngủ gà, mất tập trung
- Tay chân lạnh, da tái nhợt
2 Tại sao “tôi” lại bị tình trạng suy tim mất bù?
2.1 Nguyên nhân và yếu tố thức đẩy của suy tim mất bù
Nguyên nhân chính dẫn đến suy tim mất bù trên nền suy tim mạn thường do các yếu tố làm bệnh suy tim nặng lên. Các yếu tố khởi phát làm bệnh suy tim nặng lên được trình bày trong bảng 1.
Bảng 1: Yếu tố thúc đẩy làm suy tim nặng lên
Bệnh tim mạch | Bệnh mạch vànhBiến chứng nhồi máu cơ tim cấpRối loạn nhịp nghiêm trọngÉp timTổn thương van tim
Viêm cơ tim cấp |
Phổi | Thuyên tắc mạch phổi cấp |
Thận | Tổn thương thận cấpSuy thận mạn |
Bệnh khác | Tăng huyết áp không kiểm soát đượcSốt và nhiễm trùngThiếu máuRối loạn chức năng tuyến giáp |
Các yếu tố từ lối sống bệnh nhân | Không tuân thủ điều trịUống quá nhiều nước hoặc muốiHoạt động thể chất quá mứcThiếu hụt dinh dưỡngTiêu thụ rượu, chất kích thích |
Các lý do khác | Do thuốc (kháng viêm không steroid, corticoid, thuốc ức chế co bóp cơ tim,…)Các yếu tố tâm lý, xã hội (trầm cảm, bị cô lập, bỏ rơi) |
( Hình minh họa:Nguyên nhân suy tim mất bù là gì ?)
2.2 Chẩn đoán suy tim mất bù
Bác sĩ thường chẩn đoán suy tim mất bù dựa trên bệnh sử và triệu chứng thực tế. Ngoài ra, các xét nghiệm cũng hỗ trợ để xác định được nguyên nhân cũng như mức độ của tình trạng bệnh.
- Điện tâm đồ: phát hiện các bất thường trong hoạt động điện của tim, gợi ý về thiếu máu cục bộ hoặc các rối loạn nhịp có ý nghĩa điều trị và dự đoán diễn tiến của bệnh..
- Siêu âm tim: giúp tìm ra nguyên nhân và tiên lượng bệnh, đồng thời cung cấp thông tin về các loại rối loạn chức năng gây mất bù.
- Các xét nghiệm máu và tổng phân tích nước tiểu: được tiến hành để xác định các bệnh lý đi kèm.
- X-quang ngực: Xác định cá nguyên nhân liên quan đến tim và phổi ( tràn dịch, phù phổi,..)
3 Cần làm gì để phòng ngừa và điều trị tình trạng suy tim mất bù?
3.1 Điều trị
Các biện pháp không dùng thuốc:
- Điều chỉnh lượng muối và nước nạp vào cơ thể
- Cân nặng hàng ngày nên được sử dụng như một thông số đánh giá đáp ứng điều trị
Theo dõi và hỗ trợ thở oxy hoặc thở máy: Được sử dụng trong các trường hợp bệnh nhân có dấu hiệu suy hô hấp hoặc suy hô hấp tiến triển. Tuỳ thuộc vào đáp ứng của người bệnh mà liệu pháp được chỉ định là thở oxy, thở máy không xâm nhập áp lực dương hay thở máy xâm nhập.
Điều trị bằng thuốc: được tiến hành dưới sự theo dõi của bác sĩ, nhân viên y tế. Các thuốc được sử dụng trong điều trị suy tim mất bù bao gồm:
- Thuốc lợi tiểu
- Thuốc dãn mạch
- Thuốc tăng co bóp cơ tim, thuốc tăng co mạch
- Thuốc chống đông
Can thiệp ngoại khoa
Đối với những bệnh nhân suy tim, đặc biệt là bệnh nhân sốc tim không đáp ứng với điều trị bằng thuốc, việc sử dụng các thiết bị hỗ trợ sẽ được áp dụng.
Một số can thiệp ngoại khoa thường được cân nhắc áp dụng là cấy máy tạo nhịp tim, phẫu thuật thay van tim, cấy máy khử rung tim,… Phương án cuối cùng khi tình trạng suy tim trở nên nghiêm trọng hơn đó là ghép tim.
3.2 Phòng ngừa
Để phòng ngừa suy tim mất bù ở bệnh nhân suy tim, việc tuân thủ điều trị là hết sức cần thiết. Người bệnh không nên tự ý thay đổi liều của thuốc và không nên sử dụng thuốc khác khi chưa hỏi ý kiến bác sĩ.
Ngoài ra cần kiểm soát tốt các bệnh lý đi kèm và yếu tố nguy cơ dẫn đến tình trạng mất bù. Hạn chế các bệnh nhiễm khuẩn bằng cách tiêm phòng định kỳ.
( Hình minh họa:hay đổi lối sống để có một trái tim khỏe mạnh hơn)
Bên cạnh đó việc duy trì một lối sống lành mạnh luôn là điều cần thiết đối với các bệnh nhân tim mạch.
Thực hiện chế độ ăn có lợi cho tim mạch:
- Ăn nhiều loại ngũ cốc nguyên hạt
- Rau và trái cây
- Thịt (nạc), cá
- Các sản phẩm từ chất béo không bão hòa và sữa ít béo
- Tránh các thức ăn từ chất béo bão hòa, chất béo chuyển hóa và cholesterol.
Kiểm soát cân nặng bằng cách thực hiện chế độ ăn và chế độ tập luyện phù hợp với tình trạng của cơ thể.
Nói “KHÔNG” các chất kích thích (rượu, bia, thuốc lá, chất gây nghiện). Đồng thời tránh cả những tình huống hút thuốc lá thụ động qua khói thuốc.
Suy tim mất bù là nguyên nhân gây nhập viện nhiều và có nguy cơ tái nhập viện, tỷ lệ tử vong cao. Vì thế, bệnh nhân suy tim kèm theo các yếu tố nguy cơ cần kiểm soát tốt tình trạng bệnh cũng như tuân thủ tốt phác đồ điều trị. Việc theo dõi các triệu chứng mất bù cũng như sự thăm khám và cấp cứu kịp thời có thể hỗ trợ trong quá trình điều trị của người bệnh.
Tài liệu tham khảo:
https://kcb.vn/upload/2005611/2022/1857_Huong_dan_suy_tim_signed_8e519ed3f9.pdf
http://vnha.org.vn/detai2072l.asp?id=244
https://www.sciencedirect.com/sdfe/pdf/download/eid/3-s2.0-B9781416033585500231/first-page-pdf