Bí quyết giúp mẹ bầu giảm khó chịu trong thai kỳ
Có phải mẹ bầu đang cảm thấy khó chịu vì mang thai và không biết làm cách nào để giảm bớt tình trạng này? Hãy cùng FPT Medicare tìm hiểu về những thay đổi mẹ có thể gặp phải trong thai kỳ và các biện pháp để hạn chế các triệu chứng này nhé.
1. Các triệu chứng thường gặp trong 3 tháng đầu thai kỳ
Ba tháng đầu thai kỳ xảy ra sự biến chuyển đáng kinh ngạc trong cơ thể mẹ bầu. Sự gia tăng nội tiết tố gây ra các triệu chứng khiến bạn cảm thấy khó chịu. Hiểu rõ về những thay đổi này giúp mẹ bầu tự tin đối diện với những tháng sắp tới.
1.1. Các triệu chứng ít ảnh hưởng nghiêm trọng đến mẹ bầu
– Trễ kinh: Nếu bạn đang trong độ tuổi sinh đẻ và bị trễ kinh hơn một tuần thì có thể bạn đã mang thai rồi đấy. Đây là một trong những dấu hiệu giúp nhận biết sớm thai kỳ. Tuy nhiên, dấu hiệu này có thể gây nhầm lẫn nếu chu kỳ “rụng dâu” của bạn không đều.
– Ngực mềm, sưng tấy: Ở giai đoạn đầu mang thai, sự thay đổi nội tiết tố trong cơ thể có thể khiến ngực bạn mềm hơn, trở nên nhạy cảm, sưng tấy và đau nhức. Tuy nhiên cảm giác khó chịu này sẽ giảm sau vài tuần.
– Tăng số lần đi tiểu: mẹ bầu cũng có thể buồn tiểu thường xuyên hơn do tăng lưu lượng máu đến thận.
– Thèm ăn hoặc chán ăn: sự thay đổi nội tiết tố trong thai kỳ khiến bạn trở nên nhạy cảm hơn với một số mùi nhất định và thay đổi cả về vị giác, dẫn đến thay đổi sở thích ăn uống.
1.2. Các triệu chứng mẹ có thể xử trí tại nhà
– Buồn nôn và nôn (ốm nghén): ốm nghén có thể xảy ra vào khoảng 1 tháng sau khi mang thai. Trên thực tế ốm nghén có thể xảy ra sớm hơn, nhưng cũng có nhiều mẹ bầu không phải trải qua cảm giác khó chịu này. Để giảm bớt cảm giác buồn nôn, bạn nên chia nhỏ bữa ăn trong ngày và tránh để bụng đói, uống nhiều nước, và có thể bổ sung kẹo gừng hay trà gừng. Bên cạnh đó, bạn nên hạn chế thực phẩm giàu chất béo và nặng mùi. Nếu ốm nghén trở nên nghiêm trọng, hãy xin ý kiến của bác sĩ.
– Mệt mỏi: Mệt mỏi là một triệu chứng “kinh điển” khi mang thai. Mẹ bầu nên dành nhiều thời gian nghỉ ngơi, lựa chọn một chế độ ăn uống lành mạnh với luyện tập thể thao nhẹ nhàng để giúp cơ thể tràn đầy năng lượng và tinh thần thoải mái.
– Ợ nóng: khi mang thai, van dạ dày thực quản bị giãn ra khiến acid từ dạ dày trào ngược vào thực quản, gây ra ợ nóng. Mẹ bầu có thể hạn chế triệu chứng này bằng cách ăn nhiều bữa nhỏ trong ngày, tránh ăn đồ chiên xào và trái cây họ cam quýt.
– Táo bón: quá trình di chuyển của thức ăn qua đường ruột bị chậm lại do nồng độ hormone progesterone tăng cao dẫn đến táo bón ở một số mẹ bầu. Viên sắt bổ sung trong thai kỳ cũng có thể làm tăng triệu chứng này. Để ngăn ngừa táo bón, hãy ăn nhiều rau xanh, trái cây, uống nhiều nước và thường xuyên hoạt động thể chất với cường độ vừa phải.
1.3. Các triệu chứng mẹ cần đến khám bác sĩ
Triệu chứng mẹ bầu cần chú ý trong giai đoạn này là xuất hiện chảy máu âm đạo bất thường.
Vào đầu thai kỳ, mẹ bầu có thể xuất hiện hiện tượng ra máu bào thai. Đây là dấu hiệu chứng tỏ phôi thai làm tổ trong buồng tử cung. Máu bào thai chỉ là vài giọt màu nâu sẫm, thậm chí mẹ có thể không để ý. Tuy nhiên, nếu mẹ phát hiện âm đạo chảy máu đỏ tươi, kéo dài hơn 2 ngày, hoặc ra nhiều đến mức thấm hết một miếng băng vệ sinh trong vòng 1 giờ, kèm với đau bụng dưới ngày càng nhiều, mẹ hãy đến gặp bác sĩ ngay nhé vì đây có thể là dấu hiệu của sảy thai.
Các triệu chứng thường gặp trong 3 tháng đầu thai kỳ
2. Các triệu chứng thường gặp trong 3 tháng giữa thai kỳ
Bước vào tam cá nguyệt thứ hai, các khó chịu trong giai đoạn đầu sẽ giảm dần, ốm nghén không còn hành hạ bạn nữa và thai kỳ cũng sẽ ổn định hơn. Tuy nhiên, các triệu chứng mang thai sẽ xuất hiện rõ nét hơn trên cơ thể mẹ bầu.
2.1. Các triệu chứng mẹ không thể can thiệp
– Bụng và ngực to hơn: Tử cung giãn ra để nhường chỗ cho em bé làm cho bụng của mẹ bầu to dần lên. Ngực cũng tiếp tục tăng kích thước theo thời gian. Do đó, mẹ nên mặc áo ngực có dây đai rộng để cảm thấy thoải mái.
– Các cơn co thắt nhẹ ở bụng: Bạn có thể cảm thấy bụng xuất hiện các cơn co thắt nhẹ và không đều, thường xảy ra vào lúc chiều tối hoặc sau khi hoạt động thể chất. Tuy nhiên, nếu các cơn co này xuất hiện với tần số đều đặn và cường độ tăng dần, hãy liên hệ với bác sĩ vì đây có thể là dấu hiệu của chuyển dạ sinh non.
2.2. Các triệu chứng mẹ có thể xử trí tại nhà
– Thay đổi sắc tố da: Sự thay đổi nội tiết tố khi mang thai sẽ kích thích sự gia tăng tế bào sắc tố melanin trên da khiến mặt bạn bị nám và bụng xuất hiện các vết rạn. Các vết sạm này đa phần sẽ mờ đi sau sinh. Tuy nhiên, khi hoạt động ngoài trời, mẹ bầu nên sử dụng kem chống nắng để bảo vệ tốt cho làn da.
– Nghẹt mũi: Khi mang thai, nồng độ hormone gia tăng khiến màng nhầy ở mũi sưng lên dẫn đến nghẹt mũi. Để hạn chế tình trạng này, mẹ bầu có thể nhỏ mũi bằng nước muối sinh lý, đồng thời uống nhiều nước và thoa dầu quanh mép mũi để giữ ẩm cho da.
– Sưng nướu: Mang thai có thể khiến nướu của bạn trở nên nhạy cảm hơn dẫn đến dễ sưng tấy và chảy máu. Mẹ bầu nên súc miệng bằng nước muối và dùng bàn chải lông mềm để giảm kích ứng.
– Chóng mặt. Mang thai gây ra những thay đổi ở hệ thống tuần hoàn có thể khiến mẹ bầu cảm thấy chóng mặt. Hãy uống nhiều nước, tránh đứng lâu và không thay đổi tư thế một cách đột ngột để giảm thiểu tình trạng này. Khi cảm thấy chóng mặt, mẹ hãy nằm nghiêng để nghỉ ngơi.
– Chuột rút: Chuột rút ở chân cũng thường xảy ra ở mẹ bầu vào ban đêm. Để ngăn ngừa chuột rút, mẹ hãy căng cơ bắp chân trước khi đi ngủ. Bên cạnh đó, mẹ nên vận động cơ thể thường xuyên, uống nhiều nước, tắm nước ấm hoặc mát xa bằng nước đá, mang giày đế mềm, thấp và thoải mái. Nếu bị chuột rút, hãy căng cơ bắp chân ở bên bị chuột rút hoặc nhờ sự trợ giúp của người thân.
2.3. Các triệu chứng mẹ cần đến khám bác sĩ
– Các cơn co thắt tử cung dồn dập: khi các cơn co ở bụng bỗng trở nên đều đặn hơn và mạnh hơn nhiều so với bình thường, mẹ hãy đến bệnh viện gần nhất để được theo dõi vì rất có thể mẹ đang có dấu hiệu của chuyển dạ sinh non.
– Tiết dịch âm đạo bất thường: Dịch âm đạo ở mẹ bầu có thể tiết ra nhiều, màu trong hoặc trắng. Đây là một triệu chứng bình thường. Tuy nhiên, nếu mẹ thấy dịch có mùi nồng, màu sắc bất thường hoặc kèm theo đau và ngứa vùng âm đạo, hãy liên hệ với bác sĩ vì mẹ có thể đang bị nhiễm trùng âm đạo rồi đấy.
– Nhiễm trùng đường tiết niệu: Bệnh lý này có các biểu hiện như đau nhói khi đi tiểu, nước tiểu đục hoặc có mùi nồng, bị sốt và đau lưng. Nếu mẹ gặp các dấu hiệu trên, hãy đi khám bác sĩ để được phát hiện và điều trị kịp thời.
Các triệu chứng thường gặp ở 3 tháng giữa thai kỳ
3. Các triệu chứng thường gặp trong 3 tháng cuối thai kỳ
Ba tháng cuối của thai kỳ sẽ là những thử thách về cả thể chất là tinh thần. Kích thước của bụng khiến bạn cảm thấy không thoải mái. Bên cạnh đó là những trăn trở khi ngày dự sinh sắp đến gần khiến mẹ không ngủ được. Hãy cố gắng lên mẹ nhé, chẳng bao lâu nữa mẹ sẽ được ôm con yêu trong tay rồi.
Vào thời điểm này, sự tương tác giữa em bé và mẹ sẽ trở nên rõ ràng hơn, nhưng cảm giác thú vị này cũng đi kèm với những khó chịu ngày càng tăng lên như:
3.1. Các triệu chứng mẹ không thể can thiệp
– Các cơn co thắt tử cung: Những cơn co này sẽ xảy ra thường xuyên hơn với cường độ mạnh hơn khi càng đến gần ngày dự sinh. Nếu mẹ cảm thấy cơn co thắt trở nên đều đặn hơn và mạnh hơn bình thường, hãy đến bệnh viện ngay nhé vì rất có thể đây là dấu hiệu của chuyển dạ.
– Đi tiểu thường xuyên: Khi em bé di chuyển sâu hơn vào vùng xương chậu, mẹ sẽ cảm thấy áp lực bàng quang tăng lên nhiều hơn, từ đó đi tiểu thường xuyên hơn. Ngoài ra, mẹ cũng có thể bị rò nước tiểu ra ngoài, đặc biệt là khi cười, ho, hắt hơi, cúi người hoặc nâng vật nặng. Nếu mẹ cảm thấy khó chịu, hãy cân nhắc sử dụng băng vệ sinh hàng ngày. Tuy nhiên, nếu nghi ngờ rò rỉ nước ối, mẹ hãy liên hệ với bác sĩ ngay nhé.
3.2. Các triệu chứng mẹ có thể xử trí tại nhà
– Đau lưng: Nội tiết tố trong thai kỳ làm giãn các mô liên kết ở xương, đặc biệt là ở vùng xương chậu, dẫn đến đau lưng ở mẹ bầu, đặc biệt là trong 3 tháng cuối thai kỳ. Để làm giảm tình trạng này, mẹ hãy ngồi trên ghế có tựa lưng, tập thể dục thường xuyên và mang giày gót thấp có hỗ trợ.
– Hụt hơi: Mẹ có thể dễ dàng bị hụt hơi khi vận động nhẹ. Do đó, hãy vận động đúng tư thế và tập hít thở sâu để phổi giãn nở tốt hơn.
– Giãn tĩnh mạch và bệnh trĩ: Tăng lưu thông máu trong thai kỳ có thể khiến khiến mặt, cổ và cánh tay bạn xuất hiện các tĩnh mạch nhỏ màu đỏ tía. Thêm vào đó tĩnh mạch ở chân cũng giãn ra khiến chân bị sưng. Ngoài ra các búi trĩ ở trực tràng cũng có thể xuất hiện. Để giảm sưng tấy, mẹ hãy luyện tập thể thao với cường độ vừa phải, thường xuyên nâng cao chân, ăn nhiều chất xơ và uống nhiều nước. Để giảm bệnh trĩ, mẹ có thể ngâm mình trong bồn nước ấm.
3.3. Các triệu chứng mẹ cần đến khám bác sĩ
Như đã đề cập ở trên, khi mẹ cảm thấy các cơn co thắt tử cung đều đặn hơn với cường độ ngày càng mạnh hơn, hoặc mẹ nghi có rò rỉ nước ối, đặc biệt là vào những tuần cuối thai kỳ, mẹ hãy đến bệnh viện gần nhất để được kiểm tra vì rất có thể mẹ đang chuyển dạ sinh rồi đấy.
Các triệu chứng thường gặp ở 3 tháng cuối thai kỳ
4. Gia đình có thể giúp gì cho mẹ bầu?
Vào những ngày đầu mang thai, mẹ bầu có thể cảm thấy vui mừng, phấn khởi xen lẫn với căng thẳng và lo lắng. Qua đến tam cá nguyệt thứ hai, mặc dù mệt mỏi đã giảm nhưng tâm trạng lo lắng vẫn không thể tránh khỏi. Gần đến ngày dự sinh, cùng với sự mong đợi là nỗi hoang mang lo sợ cho giây phút “vượt cạn”.
Vì vậy, gia đình hãy là điểm tựa vững chắc cho các mẹ bầu. Hãy động viên, thấu hiểu và chăm sóc mẹ bầu để họ vượt qua được thử thách về tinh thần cũng như giảm đi những mệt mỏi mà thai kỳ mang đến.
Bên cạnh đó, bố có thể cùng mẹ tham gia các lớp học về sinh nở và nuôi con. Điều này không chỉ giúp bố mẹ có kiến thức để sẵn sàng đối diện với những khó khăn phía trước, mà còn giúp mẹ bầu cảm thấy được đồng hành và yêu thương.
Bài viết tham khảo nguồn:
Pregnancy Symptoms | American Pregnancy Association
1st trimester pregnancy: What to expect – Mayo Clinic