Huyết áp có 5 cấp độ chính dựa trên ngưỡng huyết áp để chẩn đoán tăng huyết áp của Hiệp hội Tim mạch học Việt Nam (VNHA – 2022). Hiểu kết quả của bạn chính là chìa khóa để hỗ trợ phòng ngừa và điều trị tăng huyết áp được hiệu quả. Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn nắm rõ sự khác biệt của các cấp độ tăng huyết áp này, đồng thời cung cấp thêm những thông tin cần thiết cho từng cấp độ mà bạn có thể gặp.
Hãy cùng FPT Medicare tìm hiểu về những cấp độ huyết áp này nhé!
1. Các cấp độ của tăng huyết áp
Tăng huyết áp là trở thành những vấn đề sức khỏe quan trọng ở Việt Nam. Tỷ lệ tăng huyết áp ở Việt Nam ngày càng tăng cao, chiếm gần 30,3% dân số khảo sát.
Theo VNHA 2022 – Tăng huyết áp là tình trạng tăng dai dẳng áp lực máu lên thành mạch máu. Huyết áp có 5 cấp độ chính dựa trên ngưỡng huyết áp để chẩn đoán tăng huyết áp của Hiệp hội Tim mạch học Việt Nam (VNHA – 2022). Bên cạnh đó, bạn có
thể gặp phải chứng tăng huyết áp tâm thu đơn độc. Việc phân độ huyết áp giúp cho các chuyên gia y tế có những biện pháp thay đổi lối sống hoặc điều trị bằng thuốc hợp lý, phù hợp với từng bệnh nhân.
Do đó, đầu tiên chúng ta hãy cùng tìm hiểu về những cấp độ của huyết áp dành cho người lớn (> 18 tuổi) tại phòng khám theo VNHA 2022 nhé.
Bảng 1. Các cấp độ huyết áp bạn có thể gặp
LOẠI HUYẾT ÁP | HUYẾT ÁP TÂM THU (mmHg) | HUYẾT ÁP TÂM TRƯƠNG(mmHg) | |
BÌNH THƯỜNG | <130 | Và | < 85 |
TIỀN TĂNG HUYẾT ÁP | 130 – 139 | Và/hoặc | 85 – 89 |
TĂNG HUYẾT ÁP (ĐỘ 1) | 140 – 159 | Và/hoặc | 90 – 99 |
TĂNG HUYẾT ÁP (ĐỘ 2) | >= 160 | Và/hoặc | >= 100 |
CƠN TĂNG HUYẾT ÁP | >= 180 | Và/hoặc | >= 120 |
TĂNG HUYẾT ÁP TÂM THU ĐƠN ĐỘC | >= 140 | Và | < 90 |
Lưu ý: Các chẩn đoán tăng huyết áp phải được xác nhận bởi các chuyên gia y tế.
Để việc chẩn đoán cũng như phân cấp độ huyết áp được chính xác, bạn cần lưu ý một vài vấn đề quan trọng trước khi và trong khi đo huyết áp nhé.
Bên cạnh đó, tình trạng bệnh tăng huyết áp cũng được phân tầng dựa trên các yếu tố nguy cơ và biến cố tim mạch để có chiến lược quản lý, theo dõi và điều trị lâu dài.
Sau đây, hãy cùng nhau khám phá để hiểu rõ hơn về từng cấp độ cũng như đặc điểm và điều trị của từng loại cấp độ huyết áp này nhé.
2. Huyết áp bình thường
Huyết áp bình thường là khi huyết áp tâm thu bé hơn 130 mmHg và huyết áp tâm trương bé hơn 85 mmHg khi được đo tại phòng khám.
2.1. Làm thế nào để duy trì huyết áp bình thường?
Ở cấp độ này, bạn nên duy trì lối sống lành mạnh để giúp ngăn ngừa bệnh tăng huyết áp, đồng thời giảm được nguy cơ mắc các bệnh về tim mạch. Thay đổi lối sống chính là nền tảng của việc hỗ trợ phòng ngừa và điều trị.
Bên cạnh đó, bạn nên chủ động đến phòng khám để được bác sĩ kiểm tra lại huyết áp mỗi 2 năm một lần để phòng ngừa và kịp thời xử lí tăng huyết áp.
3. Tiền tăng huyết áp
Tiền tăng huyết áp là khi huyết áp huyết áp tâm thu 130 – 139 mmHg và huyết áp tâm trương 85 – 89 mmHg khi được đo tại phòng khám.
3.1. Làm thế nào để điều trị tiền tăng huyết áp?
Đối với tiền tăng huyết áp, bạn cần thay đổi lối sống. Một lối sống lành mạnh có thể ngăn ngừa hoặc trì hoãn các cấp độ tăng huyết áp, và có thể làm giảm nguy cơ mắc các bệnh tim mạch.
Ở cấp độ này, bạn chưa cần phải sử dụng thuốc. Tuy nhiên, đối với những bệnh nhân có nguy cơ tim mạch cao, bệnh nhân mắc chứng tiểu đường, các chuyên gia y tế sẽ xem xét và tiến hành điều trị bằng thuốc để phù hợp với mỗi bệnh nhân.
Bên cạnh đó, để kịp thời phòng ngừa và xử lí tăng huyết áp, bạn nên đo lại HA mỗi năm một lần.
4. Tăng huyết áp
4.1. Làm sao để biết mình bị tăng huyết áp?
Tăng huyết áp được xem là 1 kẻ giết người thầm lặng vì hầu hết bệnh nhân không có triệu chứng nào ngay cả khi huyết áp tăng cao. Cách duy nhất để biết bạn có bị tăng huyết áp hay không, đó là phải kiểm tra huyết áp.
Chính vì vậy, nhóm đối tượng dễ bị tăng huyết áp, như người già và trung niên, những người hút thuốc lá hay uống rượu bia. Những đối tượng này nên chủ động theo dõi huyết áp của bản thân thường xuyên và đều đặn. Từ đó, bác sĩ có thể kịp thời xử lí và điều trị, giúp bạn tránh được các hậu quả nguy hiểm về sau.
Ngoài ra, bạn cũng có thể tự đo huyết áp tại nhà. Việc chủ động kiểm tra huyết áp tại nhà có thể rất hữu ích trong đánh giá đáp ứng điều trị bằng thuốc.
Chủ động kiểm tra huyết áp
4.2. Tăng huyết áp có thể gây ra hậu quả gì?
Tăng huyết áp có thể gây ra những tổn thương mạch máu ở các cơ quan trong cơ thể như: đột quỵ não, nhồi máu cơ tim, suy tim, suy thận,… và có thể dẫn tới tử vong.
Các biến chứng nguy hiểm mà bệnh nhân tăng huyết áp có thể gặp phải.
4.3. Làm sao để biết việc điều trị tăng huyết áp có hiệu quả?
Mục tiêu chính của việc điều trị tăng huyết áp là đạt được “huyết áp mục tiêu”. Huyết áp mục tiêu cần đạt là < 140/90 mmHg và có thể thấp hơn nữa nếu bệnh nhân đáp ứng tốt với điều trị.
Bên cạnh đó, huyết áp mục tiêu sẽ thay đổi phụ thuộc vào tuổi tác, nguy cơ tim mạch và bệnh đồng mắc của bệnh nhân.
Bảng dưới đây sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về mục tiêu huyết áp cần đạt nhé.
Bảng 2. Mục tiêu huyết áp phòng khám trong điều trị bệnh tăng huyết áp.
Nhóm tuổi (Năm) | HA tâm thu đích (khi đo tại phòng khám) (mmHg) | |
THA không có bệnh đồng mắc (*) | THA có bệnh đồng mắc | |
18 – 69 | 120 – 140 | 120 – 130 |
Có thể hạ thấp huyết áp tâm thu hơn nữa nếu bệnh nhân đáp ứng tốt với điều trị. | ||
>= 70 | 140, nếu đáp ứng tốt với điều trị thì hạ xuống 130 mmHg. | |
HA tâm trương đích (khi đo tại phòng khám)(mmHg) | < 80 cho tất cả bệnh nhân. |
(*)Các bệnh đồng mắc bao gồm: bệnh mạch vành, đái tháo đường, suy tim, bệnh thận mạn, và cơn thiếu máu não thoáng qua.
Khi đã đạt được huyết áp mục tiêu, bạn vẫn nên tái khám mỗi 3 – 6 tháng và thực hiện đánh giá các yếu tố nguy cơ và biến chứng mỗi 2 năm.
4.4. Tăng huyết áp độ 1
1. Làm sao để biết mình bị tăng huyết áp độ 1?
Tăng huyết áp độ 1 là khi huyết áp huyết áp tâm thu nằm ở mức 140 – 159 mmHg và huyết áp tâm trương ở mức 90 – 99 mmHg khi được đo tại phòng khám.
2. Làm thế nào để điều trị tăng huyết áp độ 1?
Đối với tăng huyết áp độ 1, bạn cần thực hiện lối sống lành mạnh, bao gồm: thực hiện chế độ ăn lành mạnh, tăng cường rau xanh và hoa quả tươi, giảm ăn mặn và các loại chất béo, hạn chế rượu bia và tăng cường các hoạt động thể lực.
Lúc này, bạn cần đi khám để được bác sĩ chỉ định, hướng dẫn việc sử dụng thuốc hiệu quả nhé. Các thuốc sử dụng có thể bao gồm: thuốc lợi tiểu thiazid, ức chế men chuyển, chẹn kênh canxi, chẹn beta giao cảm.
Bạn phải uống thuốc đều đặn và theo dõi huyết áp thường xuyên để đảm bảo việc điều trị hiệu quả. Đặc biệt, khi có bất thường (có thể do tác dụng phụ của thuốc như: nặng ngực, khó thở, chóng mặt, buồn nôn, chuột rút, rối loạn cương dương,… ), bạn cần liên lạc ngay với bác sĩ điều trị để được tư vấn và có cách xử trí kịp thời.
Lưu ý: Việc sử dụng thuốc cần có chỉ định của bác sĩ, do đó bạn cần tuân theo chỉ định của bác sĩ và không được tự ý thay đổi thuốc hay sử dụng thuốc nhé.
4.5. Tăng huyết áp độ 2
1. Làm sao để biết mình bị tăng huyết áp độ 2?
Tăng huyết áp độ 2 là khi huyết áp huyết áp tâm thu ≥ 160 mmHg và huyết áp tâm trương ≥ 100 mmHg khi được đo tại phòng khám.
2. Làm thế nào để điều trị tăng huyết áp độ 2?
Cũng tương tự như tăng huyết áp độ 1, bạn cần phải tích cực thay đổi lối sống.
Theo chỉ định của bác sĩ, bạn sẽ được kê đơn thuốc phù hợp với trình trạng bệnh của mình. Thông thường, việc phối hợp thuốc được thực hiện sớm nhằm tăng tỉ lệ kiểm soát huyết áp. Các nhóm thuốc được sử dụng sẽ bao gồm: thuốc lợi tiểu thiazid, ức chế men chuyển, chẹn kênh canxi, chẹn beta giao cảm.
Để đảm bảo hiệu quả điều trị cũng như hỗ trợ phòng ngừa các biến chứng, bạn cần sử dụng thuốc đều đặn và đến phòng khám để kiểm tra huyết áp thường xuyên. Khi có những triệu chứng bất thường, bạn cần liên lạc ngay với bác sĩ điều trị để được tư vấn và xử trí kịp thời và hiệu quả.
4.6. Cơn tăng huyết áp
1. Làm sao để biết mình bị cơn tăng huyết áp?
Cơn tăng huyết áp xảy ra khi huyết áp huyết áp tâm thu ≥ 180 mmHg và huyết áp tâm trương ≥ 120 mmHg khi được đo tại phòng khám.
Bên cạnh đó, ở một số trường hợp huyết áp tăng quá cao, bạn có thể sẽ gặp phải các vấn đề như: đau ngực, khó thở, nhức đầu, chảy máu cam, chóng mặt, thay đổi thị lực hoặc khó nói… Khi đó bạn cần liên hệ với cơ sở y tế ngay để kịp thời xử lí và tiến hành điều trị.
2. Làm thế nào để điều trị cơn tăng huyết áp?
Ở giai đoạn này, bạn sẽ được chăm sóc đặc biệt tại các cơ sở y tế.
5. Tăng huyết áp tâm thu đơn độc
5.1. Làm sao để biết mình bị tăng huyết áp tâm thu đơn độc?
Tăng huyết áp tâm thu đơn độc là khi huyết áp huyết áp tâm thu ≥ 140 mmHg và huyết áp tâm trương < 90 mmHg khi được đo tại phòng khám.
5.2. Làm thế nào để điều trị tâm huyết áp tâm thu đơn độc
Đối với tăng huyết áp tâm thu đơn độc, hướng dẫn điều trị của Hiệp hội Tim mạch học Việt Nam (VNHA – 2022) khuyến cáo việc sử dụng thuốc lợi tiểu thiazid và chẹn kênh canxi.
Bên cạnh đó, tương tự như việc điều trị tại các ngưỡng tăng huyết áp được đề cập ở trên, bạn cũng nên chú ý đến việc thay đổi lối sống nhé.
TỔNG KẾT
Huyết áp có 5 cấp độ chính dựa trên ngưỡng huyết áp để chẩn đoán tăng huyết áp của Hiệp hội Tim mạch học Việt Nam (VNHA – 2022). Tùy thuộc vào mỗi cấp độ huyết áp mà các chuyên gia y tế sẽ có những biện pháp thay đổi lối sống hoặc điều trị bằng thuốc hợp lý, phù hợp với từng bệnh nhân.
Việc duy trì một lối sống lành mạnh có thể giúp bạn ngăn ngừa hoặc trì hoãn các cấp độ tăng huyết áp, và có thể làm giảm nguy cơ mắc các bệnh tim mạch.
Khi bị tăng huyết áp, bạn cần sử dụng thuốc đều đặn và theo dõi huyết áp thường xuyên để đảm bảo việc điều trị hiệu quả và hỗ trợ phòng ngừa các biến chứng.
Hi vọng với nội dung mà FPT Medicare đem đến có thể giúp bạn hiểu rõ hơn về các cấp độ tăng huyết áp. Hiểu kết quả của bạn chính là chìa khóa để hỗ trợ phòng ngừa và điều trị hiệu quả bệnh tăng huyết áp.
Bài viết tham khảo nguồn:
https://www.heart.org/en/health-topics/high-blood-pressure/understanding-blood-pressure-readings http://www.vnha.org.vn/congress12.asp?hoinghi=25 (Khuyến cáo về Chẩn đoán và điều trị tăng huyết áp 2022)
Chẩn đoán và điều trị tăng huyết áp | Tim mạch học (timmachhoc.vn)
01.HYP.11.3_Pt_2.II51 (ahajournals.org) (tác dụng phụ của thuốc)