1. Các lỗi thường gặp của máy đo đường huyết lấy máu
1.1. Kết quả đo không chính xác
Trong một số trường hợp, người thân hoặc bản thân người bệnh có những nghi ngờ về kết quả đo đường huyết. Cụ thể như khi bệnh nhân ngủ dậy, chưa ăn uống gì, nhưng đường huyết vẫn lên quá cao, cao hơn hẳn so với những ngày khác; Hoặc một trường hợp khác, sau khi ăn xong khoảng 1 giờ, người bệnh đo lại đường huyết thấy đường huyết giảm đột ngột,…
Những vấn đề này có thể gây ra tâm lý hoang mang lo lắng và đặt ra những câu hỏi cho người bệnh như: “Liệu kết quả bất thường này thật sự đến từ bệnh tình của tôi hay là do máy đo có vấn đề?”.
Thông thường, nếu người bệnh đang được theo dõi đường huyết chặt chẽ, tuân thủ điều trị và điều chỉnh lối sống theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ thì khả năng cao bất thường này đến từ máy đo đường huyết.
Theo đó, những nguyên nhân có thể gây ra tình trạng sai số của máy đo bao gồm:
Que thử bị hư hỏng: Đây là nguyên nhân hay gặp nhất. Tình trạng này có thể được gây ra do:
- Que thử quá hạn sử dụng: Mỗi hộp que thử của mỗi nhà sản xuất đi kèm máy sẽ có hạn sử dụng nhất định. Khi hết hạn sử dụng, các thành phần cấu tạo của que thử, đặc biệt là enzym có khả năng bị hư hỏng. Do đó, khả năng đọc chính xác của que thử sẽ giảm đi, làm cho kết quả hiện lên trên màn hình máy không đúng.
- Bảo quản không đúng cách: Tương tự khi que thử để ở nơi ẩm ướt, gây hư hỏng enzym hoặc các thành phần cấu tạo khác, từ đó có thể làm giảm khả năng đọc chính xác của kết quả đường huyết.
Đầu nối giữa que thử và máy đo đường huyết gặp bất thường, làm cho việc đọc kết quả của máy bị sai. Nguyên nhân có thể là do:
- Lắp que thử không chặt
- Đầu nối bị hư hỏng, ví dụ như bị móp méo, cong gãy
Thiết bị đọc của máy bị hỏng (do va chạm, ngập nước,…). Đây là lỗi người dùng khó có thể tự khắc phục nhất và thường phải liên hệ với bên hãng để được hỗ trợ.

1.2 Không khởi động được máy
Trong quá trình sử dụng, có nhiều trường hợp người dùng phàn nàn về việc lần sử dụng trước vẫn bình thường nhưng tự nhiên không mở được máy lên. Các nguyên nhân có thể gây nên tình trạng này bao gồm:
- Lỏng pin: Thường xảy ra khi máy bị va đập, hoặc bị rơi mạnh, làm cho đầu kết nối của pin bị lệch. Điều này khiến cho máy không thể khởi động được hoặc đang sử dụng nhưng bất ngờ bị ngắt kết nối.
- Hết pin: Có thể khi dùng máy lâu ngày, người dùng quên mất việc thay pin cho máy, dẫn đến tình trạng không khởi động được.
- Lắp sai đầu pin: Cũng có nhiều trường hợp người bệnh thay pin nhưng lắp ngược đầu pin, làm cho máy không mở lên được.
- Hỏng các thiết bị ở bên trong máy. Đây là trường hợp xấu nhất và bản thân người dùng thường không thể tự xử lý được.
- Hỏng màn hình. Trường hợp này dù máy có hiện thông báo đèn hoặc có âm thanh báo khởi động thì màn hình cũng không hiển thị lên.
1.3 Máy không đọc được kết quả
Có nhiều nguyên nhân khiến máy đo đường huyết điện tử dù mở lên bình thường vẫn không đọc được kết quả:
Nguyên nhân do máy
- Do que thử không được gắn chính xác với đầu kết nối của máy: Làm cho máy không thể nhận được thông tin để đọc kết quả
- Do lượng máu lấy quá ít, không đủ để phản ứng với enzym có trong que thử, làm cho máy không đọc được kết quả đường huyết
- Do lỗi thiết bị đọc của máy
Nguyên nhân do bất thường từ đường huyết của người bệnh
- Đường huyết quá cao vượt qua ngưỡng đọc của máy
- Đường huyết quá thấp máy không đọc được
Ở mỗi máy sẽ có thể hiển thị lỗi đường máu quá cao hay quá thấp khác nhau, thường là kí hiệu chữ thay vì hiện kết quả số, làm cho người bệnh nhầm lẫn là máy không đo được kết quả.

1.4 Giao diện trên màn hình bị lỗi
Đa phần nguyên nhân gây nên hiện tượng này là do:
- Sự hỏng hóc hoặc mất kết nối giữa các linh kiện của máy
- Do sự thay đổi cài đặt cấu hình so với cấu hình mặc định của hãng máy
2. Biện pháp xử lý các lỗi hay gặp của máy đo đường huyết lấy máu thường gặp?
Dưới đây là các biện pháp bạn có thể áp dụng, để có thể tự xử lý những vấn đề về lỗi khi đo đường huyết đã được đề cập ở trên.
Các lỗi hay gặp | Người dùng có thể xử lý | Hãng máy, nhà sản xuất phải can thiệp |
Que thử quá hạn sử dụng | Không sử dụng những que thử hết hạn này nữa, sử dụng hộp que thử mới còn hạn sử dụng | |
Que thử bị hỏng | Bảo quản que thử trong môi trường khô ráo, râm mát, tránh nơi ẩm ướt, ánh nắng chiếu trực tiếp | |
Que thử và đầu nối gắn không khớp | Trong quả trình nối que thử với máy, cần thao tác cẩn thận, gắn chặt, đảm bảo que thử đã được gắn đúng cách | |
Lấy máu ở que thử quá ít | Bạn hãy kiểm tra lực của bút chích và điều chỉnh lại cho phù hợp với mức độ dày của da.
Ngoài ra, để giúp đảm bảo đủ lượng máu, hãy rửa tay bằng nước ấm hoặc giang tay ở bên cạnh trong vài giây (trước khi chích đầu ngón tay). Nếu đã thử các cách trên vẫn không được nữa thì bạn có thể nặn hoặc bóp nhẹ ở xung quanh vị trí vừa chích để máu rỉ ra có kích thước vừa đủ lượng theo yêu cầu được ghi trên sản phẩm. Nhưng hạn chế dùng cách này vì theo một số nghiên cứu cho thấy việc nặn máu có thể làm sai lệch kết quả đường huyết đo được. |
|
Lỏng pin, lắp sai đầu pin, hết pin | Sử dụng pin mới (hoặc còn sử dụng được) lắp đúng theo hướng của đầu nối của máy | |
Đường máu người bệnh quá cao, hoặc quá thấp, máy không đọc được | – Tiến hành đo lại để khẳng định kết quả
– Trong trường hợp kết quả không thay đổi + Nếu đường huyết quá thấp, người bệnh cần ăn ngay bánh kẹo, đồ ăn, sữa,… + Nếu đường huyết quá cao, người bệnh cần sử dụng ngay thuốc đã được kê đơn và đến bệnh viện sớm nhất có thể để được kiểm tra. |
|
Giao diện máy bị thay đổi (Màn hình hiển thị khác lạ) | Gọi điện cho trung tâm chăm sóc khách hàng của hãng để được tư vấn | Lúc này hãng máy sẽ cử nhân viên hỗ trợ hướng dẫn người dùng cài đặt lại theo đúng giao diện cấu hình của máy ban đầu |
Hỏng màn hình | Liên hệ nhà sản xuất để được hỗ trợ sửa chữa hoặc bảo hành | Tiến hành hỗ trợ bảo hành hoặc sửa chữa cho khách hàng |
Hỏng các linh kiện, thiết bị của máy | Liên hệ nhà sản xuất để được hỗ trợ sửa chữa hoặc bảo hành | Tiến hành hỗ trợ bảo hành hoặc sửa chữa cho khách hàng |
Trong trường hợp bạn gặp những lỗi không được liệt kê ở bảng trên cũng đừng lo lắng. Mỗi sản phẩm đều đi kèm với bộ tài liệu hướng dẫn sử dụng và cách xử lý cụ thể từ nhà sản xuất, bạn hãy tìm đọc nếu gặp lỗi, hoặc liên hệ trực tiếp đến hãng để họ hỗ trợ bạn nhé.
Hy vọng bài viết trên đã cung cấp cho bạn những hiểu biết về các lỗi cơ bản có thể gặp khi sử dụng máy đo đường huyết lấy máu. Nhờ đó, người dùng có thể phát hiện lỗi, tự xử lý hoặc yêu cầu sự hỗ trợ từ nhà sản xuất để có thể sử dụng thiết bị một cách thoải mái và hiệu quả.
Bài viết tham khảo nguồn:
https://www.webmd.com/diabetes/ss/slideshow-blood-sugar-testing-mistakes
https://type2diabetes.com/living/impact-human-error-meter-accuracy
https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC3041180/