Cao huyết áp độ 2 được định nghĩa là khi huyết áp tâm thu ≥ 160 mmHg và/hoặc huyết áp tâm trương ≥ 100mmHg. Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về nguyên nhân, triệu chứng, cách chẩn đoán và điều trị cao huyết áp độ 2.
1. Cao huyết áp độ 2 là gì?
Tăng huyết áp là một bệnh lý tim mạch rất phổ biến hiện nay. Bệnh tăng huyết áp được chia thành các cấp độ khác nhau như tăng huyết áp độ 1, tăng huyết áp độ 2. Trong đó, tăng huyết áp độ 2 được định nghĩa là khi huyết áp tâm thu ≥ 160 mmHg và/hoặc huyết áp tâm trương ≥ 100mmHg.
Ở bệnh nhân tăng huyết áp độ 2, các tổn thương tim mạch có thể biểu hiện rõ như hẹp một phần hoặc toàn bộ động mạch vành, xơ vữa động mạch, phì đại thất trái ….Trong giai đoạn này việc điều trị bằng thuốc hạ huyết áp gần như là bắt buộc để đưa huyết áp trở về giá trị bình thường.
2. Nguyên nhân gây cao huyết áp độ 2
Phần lớn các trường hợp tăng huyết áp độ 2 không thể xác định được nguyên nhân cụ thể. Những trường hợp này được gọi là tăng huyết áp nguyên phát.
Chỉ khoảng 10% bệnh nhân tăng huyết áp có thể xác định rõ nguyên nhân và những trường hợp này được xếp vào tăng huyết áp thứ phát. Một số nguyên nhân có thể dẫn tới tăng huyết áp độ 2 bao gồm:
● Bệnh thận: viêm cầu thận cấp/mạn, viêm thận kẽ, suy thận.
● Hẹp động mạch thận.
● U tủy thượng thận
● Cường Aldosteron tiên phát
● Hội chứng Cushing
● Bệnh lý tuyến giáp, tuyến cận giáp hoặc tuyến yên.
● Do sử dụng thuốc: thuốc kháng viêm non-steroid, thuốc tránh thai, corticoid,…
● Ngừng thở khi ngủ
Sử dụng một số loại thuốc như thuốc tránh thai, thuốc kháng viêm non-steroid có thể dẫn tới tăng huyết áp
3. Triệu chứng của cao huyết áp độ 2
Tăng huyết áp thường được xem là “kẻ giết người thầm lặng” vì diễn tiến âm thầm. Ở hầu hết bệnh nhân, triệu chứng cao huyết áp độ 2 thường không rõ ràng và rất khó nhận biết. Dưới đây là một số biểu hiện của bệnh cao huyết áp độ 2 thường gặp:
● Chóng mặt, hoa mắt và đôi khi có cảm giác choáng
● Ù tai, nhức đầu
● Hồi hộp đánh trống ngực
● Tức ngực, khó thở
● Mắt nhìn mờ
● Đôi khi bệnh nhân cũng có thể bị chảy máu mũi
4. Cao huyết áp độ 2 có nguy hiểm không?
Tăng huyết áp độ 2 nếu không được điều trị và kiểm soát tốt sẽ dẫn đến tổn thương các cơ quan đích và gây các biến chứng nguy hiểm. Sau đây là một số biến chứng có thể xảy ra ở bệnh nhân tăng huyết áp độ 2:
● Thiếu máu não thoáng qua, sa sút trí tuệ, đột quỵ
● Phì đại thất trái, suy tim
● Đau thắt ngực, nhồi máu cơ tim
● Bệnh mạch máu ngoại vi
● Phù gai thị, xuất huyết hoặc xuất tiết võng mạc
● Suy thận
5. Cách chẩn đoán cao huyết áp độ 2
Cũng giống như chẩn đoán bệnh tăng huyết áp nói chung, cao huyết áp độ 2 sẽ được xác định dựa vào trị số huyết áp đo được. Bệnh nhân lưu ý cần đo huyết áp theo đúng quy trình để có được kết quả chính xác. Dưới đây là một số lưu ý khi thực hiện đo huyết áp:
● Nên nghỉ ngơi ít nhất 5 đến 10 phút trước khi đo huyết áp.
● Không được dùng chất kích thích như cà phê, rượu bia, thuốc lá trước khi đo 2 tiếng
● Tư thế đo chuẩn: người được đo ngồi ghế tựa, cánh tay duỗi thẳng trên bàn, nếp khuỷu ngang với tim. Ngoài ra, bệnh nhân cũng có thể đo huyết áp ở các tư thế khác như nằm, đứng
● Các thiết bị đo huyết áp cần được kiểm tra và hiệu chuẩn định kỳ
● Đặt máy ở vị trí phù hợp, đảm bảo máy hoặc mốc 0 của thang đo ngang mức với tim.
● Không được nói chuyện, cười đùa khi đang đo huyết áp.
● Ở lần đo đầu tiên, bệnh nhân nên đo huyết áp ở cả hai cánh tay. Tay có chỉ số huyết áp cao hơn sẽ được dùng để theo dõi huyết áp về sau.
● Nên đo huyết áp ít nhất 2 lần, mỗi lần cách nhau ít nhất 1-2 phút. Nếu giá trị huyết áp giữa 2 lần đo chênh lệch nhau trên 10mmHg, cần đo lại sau khi đã nghỉ ngơi trên 5 phút.
Một số lưu ý khi đo huyết áp
6. Điều trị cao huyết áp độ 2 như thế nào?
6.1 Điều trị bằng thuốc
Để điều trị tăng huyết áp độ 2, bác sĩ có thể lựa chọn thuốc hạ huyết áp thuộc các nhóm sau: thuốc chẹn kênh canxi, thuốc lợi tiểu, thuốc ức chế men chuyển, thuốc đối kháng thụ thể angiotensin II, thuộc chẹn beta,… Tùy vào mức huyết áp của bệnh nhân và các bệnh lý mắc kèm, bác sĩ có thể lựa chọn đơn trị hoặc phối hợp từ 2 loại thuốc trở lên.
6.2 Điều trị không dùng thuốc
Bên cạnh việc sử dụng thuốc huyết áp đều đặn theo chỉ định của bác sĩ, bệnh nhân cũng cần áp dụng các biện pháp thay đổi lối sống để kiểm soát tốt huyết áp:
● Xây dựng chế độ ăn uống lành mạnh: Tăng cường bổ sung rau củ, trái cây, ngũ cốc nguyên hạt; hạn chế các thực phẩm nhiều dầu mỡ, thức ăn chế biến sẵn
● Hạn chế natri và tăng kali: Mỗi ngày chỉ nên dùng dưới 5-6 gam muối, tương đương với khoảng 1 thìa cà phê. Tăng cường bổ sung các thực phẩm giàu kali như chuối, bơ, khoai tây, cà chua,… hoặc sử dụng viên uống bổ sung kali nếu cần thiết
● Giảm cân: Bạn có thể giảm cân bằng cách giảm calo và tăng cường tập thể dục
● Tăng cường vận động, duy trì thói quen tập thể dục: Tốt nhất bạn nên tập thể dục ít nhất 30 phút mỗi ngày và tập từ 5 – 7 ngày/tuần.
● Hạn chế rượu bia
● Bỏ hút thuốc lá
Tập thể dục đều đặn có thể giúp giảm huyết áp
Tóm lại
Cao huyết áp độ 2 nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời có thể dẫn tới nhiều biến chứng nguy hiểm, thậm chí là tử vong. Do đó, bệnh nhân bị tăng huyết áp độ 2 cần lưu ý dùng thuốc theo đúng chỉ định của bác sĩ, áp dụng các biện pháp thay đổi lối sống và thường xuyên tái khám để kịp thời phát hiện và điều trị biến chứng.
Nguồn tham khảo:
1. https://kcb.vn/upload/2005611/20210723//huong_dan_chan_doan_dieu_tri_tha.pdf
2. Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị THA của Hiệp hội TMVN 2022 http://www.vnha.org.vn/taive.asp