Chăm sóc mẹ bầu trong tam cá nguyệt thứ 1 – Cần lưu ý gì?
Tam cá nguyệt thứ 1 (3 tháng đầu thai kỳ) là giai đoạn khởi đầu cho sự phát triển của thai nhi, mẹ bầu cần được chăm sóc phù hợp để an toàn cho cả mẹ và bé. Chế độ dinh dưỡng và lối sống lành mạnh là cách tốt nhất để tăng cường sức khỏe cho bà mẹ và giúp thai nhi phát triển một cách tốt nhất.
1. Chế độ dinh dưỡng cho mẹ bầu trong tam cá nguyệt thứ 1
1.1. Nhu cầu năng lượng
Theo khuyến nghị, nhu cầu năng lượng trung bình cho phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ là 2200kcal/ngày. Ở 3 tháng đầu thai kỳ, nhu cầu của mẹ bầu thay đổi không đáng kể, chỉ tăng thêm 50 kcal/ngày so với bình thường, tương đương với khoảng 2-3 miếng cơm hoặc 1-2 miếng hoa quả tùy loại.
Cung cấp thiếu hay thừa lượng calo cần thiết cho cơ thể đều có thể dẫn đến những ảnh hưởng không tốt với mẹ và bé.
Giai đoạn này, nhiều mẹ bầu bị ốm nghén, cảm thấy chán ăn, buồn nôn, hoặc nôn nhiều dẫn đến ăn uống kém, một số mẹ bầu lại “ăn dở” – chỉ thèm một vài loại thức ăn (đôi khi là những món ăn chua, cay,… không tốt cho sức khỏe). Điều này dễ dẫn đến việc mẹ thiếu dinh dưỡng để nuôi thai cũng như khiến sức khỏe bản thân yếu đi.
Để khắc phục tình trạng này, mẹ nên chia nhiều bữa ăn nhỏ trong ngày và cố gắng chế biến món ăn sao cho hợp khẩu vị để có thể nạp đủ lượng dinh dưỡng cần thiết.
Ngược lại, việc ăn dư thừa quá nhiều năng lượng có thể khiến mẹ tăng cân quá nhiều, gây thừa cân béo phì và tiểu đường thai kỳ. Không chỉ vậy, nó còn làm tăng nguy cơ mắc phải các bệnh mãn tính không lây như huyết áp, tim mạch, tiểu đường,… cho trẻ về sau này. Do vậy, mẹ bầu cần chú ý kiểm soát lượng calo ăn vào để đảm bảo sức khỏe cho cả mẹ và thai nhi.
Mẹ bầu ăn đúng đủ nhu cầu năng lượng sẽ giúp thai nhi phát triển một cách khỏe mạnh
1.2. Nhu cầu các chất dinh dưỡng
Ở bất kỳ giai đoạn nào của thai kỳ, thai phụ cũng cần có một chế độ ăn uống lành mạnh, với đa dạng thực phẩm: ngũ cốc, thịt, cá, trứng, rau xanh, hoa quả,… và cần uống đủ nước mỗi ngày.
Ngoài ra, một số chất dinh dưỡng quan trọng mẹ bầu cần quan tâm trong thời kỳ tam cá nguyệt thứ 1 này bao gồm:
- Protein: Giai đoạn này, thai nhi đã bắt đầu hình thành các tổ chức chính như não, tủy sống, tim, phổi,… Vì vậy, mẹ cần ăn tăng cường những thực phẩm giàu đạm để xây dựng cơ thể cho thai nhi. Mẹ nên ăn cân đối tỷ lệ giữa đạm động vật (thịt, cá, trứng,…) và đạm thực vật (các loại đậu, đỗ, nấm,…) để hấp thụ được hết các acid amin thiết yếu cho cơ thể.
- Sắt: Gan và huyết động vật là nguồn sắt dồi dào và dễ hấp thu, tuy nhiên không tốt cho sức khỏe nếu ăn nhiều. Nhu cầu sắt cho phụ nữ mang thai tăng cao nên thường không được đáp ứng đủ nếu chỉ ăn thực phẩm thông thường. Do vậy mẹ bầu có thể bổ sung thêm viên sắt với lượng sắt nguyên tố từ 30-60mg/ngày.
- Acid folic: Thiếu acid folic có thể gây dị tật bẩm sinh ở trẻ. Acid folic có nhiều trong trứng và các loại rau củ, trái cây như măng tây, bắp cải, cam, chuối,… Mẹ bầu cũng nên hỏi ý kiến bác sĩ để bổ sung thêm acid folic đường uống nếu chế độ ăn không thể cung cấp đủ nhu cầu.
Ngoài ra, mỗi thai nhi, mỗi thai phụ đều có tình trạng sức khỏe khác nhau, mẹ bầu vẫn nên hỏi ý kiến bác sĩ và các chuyên gia dinh dưỡng để được tư vấn một cách chính xác nhất về chế độ ăn phù hợp nhất với bản thân.
Mẹ bầu nên hỏi ý kiến các chuyên gia, bác sĩ để được tư vấn chế độ dinh dưỡng phù hợp nhất với bản thân
2. Mẹ bầu cần duy trì lối sống lành mạnh để có thai kỳ an toàn
Ngoài chế độ ăn uống, mẹ bầu cũng cần duy trì một lối sống lành mạnh, chú ý nghỉ ngơi, sinh hoạt điều độ, hợp lý để bảo vệ sức khỏe. Dưới đây là một số lưu ý mẹ bầu cần ghi nhớ để có một thai kỳ khỏe mạnh:
- Rượu bia, đồ uống có cồn: Mẹ bầu nên tránh hoàn toàn vì nó có thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe lâu dài của em bé.
- Thuốc lá: Kể cả khi mẹ bầu không hút thuốc, việc hút thuốc lá thụ động vẫn sẽ gây ra tác hại khôn lường với sức khỏe của mẹ và bé. Vì vậy, chồng hay bất cứ thành viên nào trong gia đình nên cân nhắc bỏ thuốc, hoặc tránh không hút thuốc khi ở gần thai phụ.
- An toàn thực phẩm: Tất cả các loại thịt trước khi ăn cần được nấu chín hoàn toàn, không ăn đồ sống, tái để tránh nhiễm khuẩn từ thực phẩm.
- Thực phẩm cần hạn chế: Phủ tạng động vật, thực phẩm nhiều đường (bánh, kẹo, các loại nước ngọt,…), các món chiên, rán, quay, xào nhiều dầu mỡ, đồ uống chứa cafein (cà phê, chè, soda,…), gia vị cay nóng.
- Vận động: Phụ nữ có thai không nên làm việc nặng hay chơi các môn thể thao phải vận động mạnh để tránh sảy thai. Tuy nhiên, mẹ bầu vẫn nên tập những bài thể dục nhẹ nhàng để máu lưu thông tốt hơn, giúp tinh thần sảng khoái và ngủ ngon giấc hơn.
- Nghỉ ngơi: Mẹ bầu cần ngủ đủ giấc, tránh thức khuya. Giấc ngủ ngon là điều vô cùng cần thiết cho sức khỏe của mẹ cũng như sự phát triển của em bé.
- Sinh hoạt vợ chồng: Việc kiêng quan hệ tình dục trong 3 tháng đầu thai kỳ hay không sẽ tùy thuộc vào tình trạng của mỗi thai phụ. Bạn nên tham vấn ý kiến bác sĩ để được tư vấn phù hợp với sức khỏe của bà mẹ và em bé.
- Dùng thuốc: Không có loại thuốc nào là an toàn tuyệt đối với phụ nữ mang thai. Đặc biệt là trong 3 tháng đầu tiên của thai kỳ, mẹ bầu cần cố gắng hạn chế việc dùng thuốc hết sức có thể. Thai phụ cần hỏi ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng bất kỳ loại thuốc nào, kể cả các loại thuốc không kê đơn, lá thuốc đông y hay thực phẩm bổ sung, thực phẩm chức năng.
Mẹ bầu không nên ăn các loại thịt sống để tránh nhiễm khuẩn
Tóm lại, ở 3 tháng đầu thai kỳ, điều quan trọng nhất là thai phụ cần có một chế độ ăn uống và sinh hoạt lành mạnh. Và để an toàn nhất cho sức khỏe của cả mẹ và bé, hãy luôn hỏi ý kiến các chuyên gia, bác sĩ nếu có bất kỳ thắc mắc hay lo lắng nào về chế độ dinh dưỡng trong thai kỳ mẹ bầu nhé!
Bài viết tham khảo nguồn: Viện dinh dưỡng, Tạp chí dinh dưỡng và thực phẩm, MedlinePlus
https://www.viendinhduong.vn/vi/tin-tuc—su-kien-noi-bat/an-nhu-the-nao-de-me-khoe-con-khoe.html
https://tapchidinhduongthucpham.org.vn/index.php/jfns/article/view/90
https://medlineplus.gov/pregnancyandnutrition.html
-292
Bổ sung thêm câu dẫn đoạn nhé
còn ý này cần bổ sung nhé e