1. Dấu hiệu nhận biết biến chứng thận ở người tiểu đường?
1.1. Dấu hiệu của biến chứng thận ở người tiểu đường

Biến chứng thận do đái tháo đường (hay còn gọi là bệnh thận đái tháo đường) thường không có dấu hiệu hoặc triệu chứng rõ ràng trong giai đoạn đầu. Tuy nhiên, khi bệnh tiến triển, bạn có thể gặp phải các triệu chứng sau:
- Sưng phù ở bàn chân, mắt cá chân, bàn tay hoặc mắt
- Tiểu nhiều hơn bình thường (bạn sẽ dễ nhận ra triệu chứng này vào ban đêm)
- Mệt mỏi, chán ăn, ngứa ngáy, khó chịu, buồn nôn
- Tăng huyết áp
- Lú lẫn hoặc khó tập trung
- Khó thở
- Không kiểm soát được đường huyết (dù đã tuân thủ chế độ ăn và dùng thuốc)
Ngoài ra, một dấu hiệu có thể nhận biết sớm hơn tình trạng bệnh đó là có protein trong nước tiểu. Tuy nhiên, dấu hiệu này thường chỉ được phát hiện qua các xét nghiệm tầm soát.
Xem thêm Biến chứng thần kinh khu trú do tiểu đường – Mối nguy hiểm cần nhận diện

1.2. Biến chứng thận do tiểu đường nguy hiểm như thế nào?
Bệnh thận đái tháo đường có thể tiến triển một cách thầm lặng với mức độ nặng dần lên theo năm tháng. Nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời, chúng có thể gây ra các hậu quả sau:
- Tăng huyết áp: Đây là một trong những biến chứng phổ biến nhất. Tình trạng có thể dẫn đến tăng nguy cơ mắc bệnh tim nguy hiểm như đau thắt ngực, đột quỵ, nhồi máu cơ tim
- Tăng kali máu: Tình trạng này sẽ ảnh hưởng đến tim của bạn
- Quá tải dịch: Có thể dẫn đến sưng phù ở tay và chân, cũng có thể gây huyết áp cao hoặc phù phổi.
- Thiếu máu: Việc thiếu máu gây giảm số lượng tế bào hồng cầu để vận chuyển oxi, cũng có thể xảy ra do tổn thương thận, dẫn đến mệt mỏi và khó thở.
- Tổn thương thần kinh: đây được xem là một biến chứng khác có thể tiến triển từ bệnh thận do đái tháo đường. Các triệu chứng thường gặp bao gồm cảm giác tê rần, châm chích, đau ở tay và chân; các vấn đề tiêu hóa như tiêu chảy và rối loạn chức năng sinh dục (như rối loạn cương dương).
- Xương yếu và tăng nguy cơ gãy xương: thận đóng vai trò trong việc duy trì mức độ canxi và photpho của cơ thể. Do đó, tổn thương thận sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển của xương.
- Tăng nguy cơ mắc các bệnh nhiễm trùng, đặc biệt là nhiễm trùng đường tiểu.
- Suy thận hoặc tổn thương thận không hồi phục (bệnh thận giai đoạn cuối): trường hợp này bệnh nhân cần chạy thận hoặc ghép thận để điều trị.
2. Ai là đối tượng có nguy cơ cao mắc biến chứng thận do tiểu đường?
Các yếu tố có thể tăng nguy cơ mắc bệnh thận đái tháo đường, bao gồm:
- Tăng đường huyết không kiểm soát được: điều này gây tổn thương đến các mạch máu nhỏ (hay mao mạch) trong thận, từ đó ảnh hưởng đến chức năng thận.
- Huyết áp cao: tình trạng này không chỉ gây áp lực đến các mao mạch nuôi thận mà còn làm tăng áp lực trong các tiểu cầu thận, từ đó làm tổn thương chúng.
- Nồng độ cholesterol máu cao
- Béo phì
- Hút thuốc lá
- Gia đình có người bị bệnh tiểu đường và bệnh thận
3. Khi nào nên đi khám bác sĩ?
- Khi bạn gặp bất kỳ triệu chứng nào của biến chứng thận do đái tháo đườngg (đã đề cập ở mục 1.1)
- Nếu bạn đang mắc bệnh tiểu đường, bạn cần kiểm tra chức năng thận định kỳ để tầm soát các biến chứng
- Nếu có bất kỳ lo lắng nào về việc quản lý bệnh tiểu đường của mình hoặc có bất kỳ vấn đề sức khỏe nào khác liên quan.
4. Làm sao để phòng ngừa biến chứng thận do tiểu đường?
Vì các triệu chứng của biến chứng thận do đái tháo đường rất khó nhận biết. Do vậy, việc phòng ngừa và tầm soát các biến chứng trên bệnh nhân tiểu đường là cực kỳ quan trọng. Do vậy, bạn nên lưu ý các biện pháp sau đây để kiểm soát sức khỏe của mình tốt hơn nhé!
- Với bệnh đái tháo đường hiện tại, bạn cần:
– Cố gắng tuân thủ điều trị để kiểm soát tốt đường huyết: Nên nhớ, bệnh thận đái tháo đường là một biến chứng mạn tính được tiến triển khi mức đường huyết của bạn không được kiểm soát ổn định. Do đó, việc kiểm soát tốt đường huyết sẽ là yếu tố chính giúp bạn ngăn ngừa hoặc trì hoàn biến chứng thận do đái tháo đường.
– Tái khám đái tháo đường theo chỉ định: Bạn cần tái khám đái tháo đường định kỳ để tầm soát và sàng lọc các biến chứng trên thận cũng như các biến chứng khác của bệnh tiểu đường.
- Với các biến chứng có thể xảy ra, bạn nên:
– Chủ động kiểm tra chức năng thận hàng năm nếu:
+ Bạn đang mắc bệnh tiểu đường tuýp 2
+ Đã mắc bệnh tiểu đường tuýp 1 trong hơn 5 năm
– Quản lý tăng huyết áp hoặc các bệnh khác: Nếu bạn bị tăng huyết áp hoặc các bệnh khác làm tăng nguy cơ mắc bệnh thận, hãy làm việc với bác sĩ để kiểm soát chúng.
– Duy trì cân nặng khỏe mạnh:
+ Nếu bạn đang ở mức cân nặng hợp lý, hãy cố gắng duy trì nó bằng cách vận động cơ thể hầu hết các ngày trong tuần.
+ Nếu bạn cần giảm cân, hãy nói chuyện với bác sĩ về các chiến lược giảm cân hợp lý, chẳng hạn như tăng hoạt động thể chất hàng ngày và ăn uống hợp lý hơn.
– Ngưng hút thuốc: Hút thuốc lá có thể làm tổn thương thận và làm cho tình trạng tổn thương thận hiện có trở nên tồi tệ hơn. Nếu bạn đang có thói quen hút thuốc lá, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ về các biện pháp có thể thực hiện để ngưng hút thuốc nhé.
Cách phòng ngừa biến chứng thận do tiểu đường
- Kiểm soát tốt đường huyết
- Tái khám đái tháo đường định kỳ
- Kiểm tra chức năng thận hàng năm
- Quản lý tăng huyết áp hoặc các bệnh khác
- Duy trì cân nặng khỏe mạnh
- Ngưng hút thuốc
Theo dõi FPT Medicare để biết thêm thông tin về bệnh đái tháo đường và cách phòng ngừa hiệu quả nhé!
Bài viết tham khảo nguồn:
https://www.diabetes.org.uk/guide-to-diabetes/complications/kidneys_nephropathy
https://www.cdc.gov/diabetes/managing/diabetes-kidney-disease.html