Dấu hiệu thai kỳ sớm nhất mà bạn cần biết
Chậm kinh, những thay đổi về cơ thể hay tâm trạng là những dấu hiệu sớm báo hiệu thời kỳ mang thai. Nhận biết những dấu hiệu và triệu chứng của thai kỳ là vô cùng quan trọng để người mẹ có thể chuẩn bị tốt hơn và có một thai kỳ thật khỏe mạnh!
Thai kỳ là khái niệm để chỉ khoảng thời gian thai nhi được hình thành và phát triển trong cơ thể mẹ. Một thai kỳ thường kéo dài khoảng 40 tuần (280 ngày), được tính từ ngày đầu tiên của kỳ kinh cuối cùng mà người mẹ có trước lúc mang thai đến khi đứa trẻ ra đời.Trong thai kỳ, cơ thể mẹ cung cấp chất dinh dưỡng và là một môi trường tuyệt vời cho sự sinh trưởng phát triển của thai nhi.
Do vậy, khi người mẹ bắt đầu mang thai, cơ thể sẽ có những thay đổi đáng kể để thực hiện chức năng mới này. Những thay đổi này biểu hiện thành những dấu hiệu và triệu chứng sớm giúp ta nhận biết được sự bắt đầu của thời kỳ mang thai.
Thai phụ trong những ngày đầu thời kỳ mang thai bụng chưa to xoa bụng mãn nguyện
1. Nhận biết những dấu hiệu sớm của thời kỳ mang thai
Người mẹ có thể phát hiện những dấu hiệu sớm ngay trong tuần đầu tiên sau ngày thụ thai. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, người mẹ không phát hiện bất kỳ triệu chứng gì cho đến một vài tuần sau đó.
1.1. Chậm kinh
Chậm kinh là dấu hiệu sớm thường gặp nhất trong các thai kỳ. Một chu kỳ kinh nguyệt đều đặn là kết quả hoạt động nhuần nhuyễn của hệ nội tiết và hệ sinh dục (tử cung, buồng trứng,…). Do quá trình làm tổ của thai trong tử cung mẹ và các thay đổi trong hoạt động của hệ nội tiết, sinh dục, người mẹ sẽ không có kinh nguyệt trong suốt quá trình mang thai. Tuy nhiên dấu hiệu này có thể không chính xác nếu người phụ nữ vốn có kinh nguyệt không đều.
1.2. Các thay đổi sớm của cơ thể trong quá trình mang thai
Ngoài chậm kinh, người phụ nữ có thể nhận biết được thai kỳ của mình dựa trên một số thay đổi khác trong cơ thể như sau:
- Mệt mỏi
Mệt mỏi là một trong những triệu chứng sớm phổ biến nhất trong quá trình mang thai. Trong 3 tháng đầu của thai kỳ, người mẹ có thể cảm thấy mệt mỏi nhiều và buồn ngủ. Cơ chế gây nên hiện tượng này chưa được khẳng định chắc chắn, dẫu vậy nhiều nhà khoa học tin rằng sự tăng nhanh nồng độ hormone sinh dục progesterone trong cơ thể mẹ đóng một vai trò quan trọng.
- Ngực sưng và mềm
Trong những ngày đầu của thời kỳ mang thai, sự thay đổi trong cân bằng các hormone sinh dục khiến ngực người mẹ nở nang và nhạy cảm hơn. Dấu hiệu này có thể gây khó chịu trong một số trường hợp. Sau một khoảng thời gian, khi cơ thể người mẹ đã làm quen với cân bằng hormone mới, sự khó chịu sẽ biến mất.
- Buồn nôn và nôn
Triệu chứng buồn nôn và nôn thường xảy đến với người mẹ khoảng một đến hai tháng sau ngày thụ thai. Tuy nhiên, một số trường hợp ghi nhận thai phụ có thể có triệu chứng này từ trước một tháng đầu hoặc thậm chí không hề có triệu chứng. Mặc dù nguyên nhân cụ thể gây buồn nôn, nôn trong thời kỳ mang thai chưa được làm rõ nhưng không thể phủ nhận vai trò của các hormone thai kỳ trên người mẹ.
Triệu chứng buồn nôn, nôn xảy ra bất cứ lúc nào trong ngày và có thể gây nhiều khó chịu cho thai phụ.
Thai phụ buồn nôn
- Đi tiểu nhiều lần
Trong quá trình mang thai, thể tích máu trong cơ thể người mẹ tăng khiến thận phải lọc một lượng dịch lớn hơn bình thường. Hiện tượng này dẫn đến sự tăng lượng nước tiểu và thai phụ phải đi tiểu nhiều lần trong ngày.
- Đầy bụng
Sự thay đổi nội tiết tố có thể làm thai phụ cảm thấy đầy bụng, triệu chứng khá giống cảm giác trong chu kỳ kinh nguyệt
- Ra máu âm đạo lượng nhỏ
Ra ít máu âm đạo có thể là một trong những triệu chứng đầu tiên của thai kỳ, hay còn được biết đến với tên gọi ra máu làm tổ, thường xuất hiện 10-14 ngày sau thụ thai.
- Đau bụng
Một số thai phụ có thể cảm thấy đau nhẹ vùng bụng dưới.
- Sợ hãi một số loại thực phẩm
Người mẹ có thể trở nên nhạy cảm hơn với một số mùi và vị.
- Táo bón
Sự thay đổi nội tiết làm các hoạt động tiêu hóa của người mẹ chậm lại dễ dẫn đến táo bón.
1.3. Các thay đổi tâm trạng trong những ngày đầu thai kỳ
Một số triệu chứng khác có thể gặp ở người phụ nữ trong những ngày đầu thời kỳ mang thai là sự thay đổi tâm trạng. Sự thay đổi nội tiết trong cơ thể người mẹ ở những ngày đầu thai kỳ làm người mẹ nhạy cảm hơn và hay thay đổi tâm trạng. Những thay đổi tâm trạng này cũng có thể do stress từ việc mang thai cũng như sự mệt mỏi và những thay đổi trong cơ thể mà thai kỳ đem lại.
Thai phụ thay đổi tâm trạng
2. Xác nhận những dấu hiệu mang thai ở người mẹ
Những người mẹ khác nhau sẽ biểu hiện những dấu hiệu và triệu chứng khác nhau trong thời kỳ mang thai. Ở một người mẹ, giữa những lần mang thai khác nhau, cũng có thể xuất hiện những dấu hiệu thai kỳ khác nhau. Để có thể sớm phát hiện những dấu hiệu này cần quan tâm hơn đến sức khỏe người mẹ cũng như động viện người mẹ giữ một tinh thần thoải mái.
Hiểu biết đầy đủ về những dấu hiệu này là quan trọng. Tuy nhiên sự xuất hiện hay không của những triệu chứng này chưa thể khẳng định chắc chắn liệu người phụ nữ đã mang thai hay chưa.
Trên thực tế có nhiều bệnh lý cơ thể, tâm lý có thể gây ra các biểu hiện tương tự như dấu hiệu mang thai. Để xác nhận những biểu hiện trên đây thực sự là dấu hiệu của thai kỳ, người mẹ cần được thăm khám và chẩn đoán bởi các chuyên gia sản khoa cũng như tiếp cận các xét nghiệm chẩn đoán có thai như que thử thai hay siêu âm thai.
Siêu âm thai
Tóm lại, thai kỳ trong giai đoạn đầu tiên có thể có những biểu hiện sớm trên cơ thể cũng như tâm trạng: chậm kinh, buồn nôn và nôn, mỏi mệt, sợ hãi một số thực phẩm, thay đổi tâm trạng,… Nhận biết và hiểu rõ về các dấu hiệu này sẽ giúp mẹ có sự chuẩn bị tốt hơn về sức khỏe, tâm lý cho quá trình mang thai và sự ra đời của em bé sau này. Người mẹ khi nghi ngờ mang thai, nên đi khám chuyên khoa Sản để được chẩn đoán chính xác và kịp thời nhất! |
Tài liệu tham khảo
https://americanpregnancy.org/pregnancy-symptoms/early-signs-of-pregnancy/
https://www.nichd.nih.gov/health/topics/pregnancy/conditioninfo/signs
https://americanpregnancy.org/healthy-pregnancy/pregnancy-concerns/pregnancy-emotions/