Bệnh tiểu đường không chỉ ảnh hưởng đến các cơ quan chính như tim, thận và mắt mà còn tác động mạnh mẽ đến khả năng lành vết thương. Ở người mắc bệnh tiểu đường, vết thương nhỏ như vết cắt hoặc vết bỏng có thể kéo dài thời gian lành hơn bình thường. Hiện tượng này không chỉ làm giảm chất lượng cuộc sống, tăng nguy cơ nhiễm trùng mà còn có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng, thậm chí đe dọa tính mạng.
MỤC LỤC
1. Tại sao bênh tiểu đường lại làm chậm quá trình lành vết thương
1.1. Tăng đường huyết và suy giảm chức năng miễn dịch
1.2. Tình trạng viêm kéo dài
1.3. Rối loạn lưu thông máu
1.4. Tổn thương do gốc tự do
1.5. Bệnh thần kinh do tiểu đường
2. Hậu quả của vết thương chậm lành
3. Phòng ngừa và xử lý vết thương ở người mắc bệnh tiểu đường
1. Tại sao bệnh tiểu đường lại làm chậm quá trình lành vết thương?
Quá trình lành vết thương là một chuỗi phức tạp bao gồm ba giai đoạn chính: viêm, tăng sinh và tái tạo. Bệnh tiểu đường làm suy yếu hầu hết các giai đoạn này thông qua nhiều cơ chế:
1.1. Tăng đường huyết và suy giảm chức năng miễn dịch
Bệnh tiểu đường khiến cơ thể khó kiểm soát lượng đường trong máu, dẫn đến tình trạng tăng đường huyết mãn tính. Lượng đường trong máu cao làm suy yếu chức năng các tế bào miễn dịch, trong đó có các tế bào bạch cầu – thành phần chính trong hệ miễn dịch. Tế bào bạch cầu kém hoạt động khiến cơ thể khó chống lại vi khuẩn và làm chậm quá trình đóng miệng vết thương.
1.2. Tình trạng viêm kéo dài
Ở người mắc tiểu đường, giai đoạn viêm trong quá trình lành vết thương kéo dài hơn so với người khỏe mạnh. Tình trạng này không chỉ làm chậm quá trình tái tạo mô mà còn dẫn đến nguy cơ hình thành vết thương mãn tính.
1.3. Rối loạn lưu thông máu
Tăng đường huyết mãn tính làm tổn thương mạch máu, gây xơ vữa động mạch và cản trở quá trình tưới máu. Máu không lưu thông đủ đến khu vực bị tổn thương làm giảm khả năng cung cấp chất dinh dưỡng và oxy cần thiết để vết thương lành.
1.4. Tổn thương do gốc tự do
Tăng đường huyết kích thích sản sinh các gốc oxy hoạt động (ROS) – các gốc tự do gây tổn thương tế bào và mô. ROS không chỉ làm tổn thương nguồn cung cấp máu mà còn ảnh hưởng đến dây thần kinh ngoại biên, gây rối loạn cảm giác và chậm lành vết thương, đặc biệt ở các giai đoạn sau của quá trình làm lành vết thường.
1.5. Bệnh thần kinh do tiểu đường
Bệnh tiểu đường có thể gây ra bệnh thần kinh do tiểu đường, xảy ra ở khoảng một nửa bệnh nhân tiểu đường. Lượng đường tăng cao lâu dài có thể gây tổn thương dây thần kinh, làm mất phản xạ và cảm giác ở các vết thương, đặc biệt là bàn chân. Người bệnh có thể không nhận ra các vết thương nhỏ hoặc chấn thương, dẫn đến việc không điều trị kịp thời và làm trầm trọng hơn vết thương. Ngoài ra, bệnh thần kinh còn ảnh hưởng đến hệ thần kinh tự chủ, làm giảm hoạt động của tuyến mồ hôi, khiến da khô và nứt nẻ, từ đó làm tăng cảm giác ngứa và ức chế quá trình lành vết thương.
2. Hậu quả của vết thương chậm lành
Các vết thương không lành hoặc chậm lành do bệnh tiểu đường có thể gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng:
2.1. Giảm chất lượng cuộc sống
Quá trình lành vết thương chậm có thể ảnh hưởng xấu đến sức khỏe chung và chất lượng cuộc sống. Ví dụ, các vết cắt hoặc vết thương ở bàn chân hoặc chân có thể khiến việc đi lại trở nên khó khăn và dẫn đến đau khi tập thể dục.
2.2. Nhiễm trùng
Các vết thương hở dễ bị nhiễm trùng, có thể lan đến các mô hoặc xương gần đó. Nếu bệnh nhân cần phẫu thuật, nguy cơ nhiễm trùng sau mổ cũng cao hơn. Nếu không điều trị kịp thời, nhiễm trùng có thể phát triển thành viêm tủy xương hoặc thậm chí nhiễm trùng huyết – một tình trạng đe dọa tính mạng.
2.3. Hoại tử và cắt cụt chi
Hoại tử là biến chứng nghiêm trọng của nhiễm trùng không được kiểm soát. Đây là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng cắt cụt chi ở người mắc bệnh tiểu đường.
2.4. Tăng nguy cơ biến chứng toàn thân
Vết thương chậm lành có thể làm tăng nguy cơ mắc các bệnh lý khác như bệnh tim, bệnh thận và các vấn đề về mắt, ảnh hưởng lớn đến sức khỏe tổng thể.
3. Phòng ngừa và xử lý vết thương ở người mắc bệnh tiểu đường
Dù bệnh tiểu đường làm tăng nguy cơ vết thương chậm lành, người bệnh vẫn có thể áp dụng các biện pháp phòng ngừa và xử lý để giảm thiểu nguy cơ.
3.1. Kiểm soát lượng đường trong máu
- Kiểm soát tốt lượng đường trong máu là yếu tố quan trọng nhất để tăng tốc độ lành vết thương và giảm nguy cơ nhiễm trùng.
- Người bệnh cần tuân thủ việc dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ, áp dụng chế độ ăn uống cân bằng, kiểm soát carbohydrate, tập thể dục thường xuyên và duy trì cân nặng hợp lý.
3.2. Chăm sóc bàn chân đúng cách
- Rửa chân hàng ngày và giữ khô ráo.
- Thoa kem dưỡng ẩm để tránh da khô và nứt nẻ.
- Kiểm tra bàn chân thường xuyên để phát hiện vết thương hoặc dấu hiệu bất thường.
- Tránh đi chân trần và mang giày dép vừa vặn, thoải mái.
3.3. Xử lý vết thương kịp thời
- Làm sạch vết thương và băng lại bằng băng sạch.
- Theo dõi vết thương hàng ngày. Nếu thấy dấu hiệu nhiễm trùng hoặc vết thương không lành sau vài tuần, cần đến gặp bác sĩ ngay.
- Tránh tự ý sử dụng thuốc hoặc xử lý vết thương khi chưa có chỉ định của bác sĩ.
3.4. Phòng ngừa nhiễm trùng
- Giữ vệ sinh sạch sẽ khu vực bị tổn thương.
- Hạn chế tiếp xúc vết thương với các tác nhân gây bẩn hoặc vi khuẩn.
- Tuân thủ các hướng dẫn y tế và dùng thuốc khi chăm sóc vết thương.
Kết luận
Tóm lại, bệnh tiểu đường có tác động nghiêm trọng đến khả năng lành vết thương của cơ thể, làm tăng nguy cơ nhiễm trùng và các biến chứng nguy hiểm. Tuy nhiên, bằng cách kiểm soát tốt lượng đường trong máu, chăm sóc vết thương đúng cách và duy trì lối sống lành mạnh, người mắc bệnh tiểu đường có thể giảm thiểu những tác động tiêu cực này. Sự chủ động trong việc phòng ngừa và điều trị không chỉ giúp cải thiện quá trình lành vết thương mà còn bảo vệ sức khỏe và chất lượng cuộc sống lâu dài.
Vì vậy, để góp phần vào sứ mệnh cá nhân hóa việc kiểm soát đường huyết hiệu quả và an toàn cho bệnh nhân tiểu đường, FPT MediCare đang tiên phong trong phát triển công nghệ theo dõi đường huyết, trong đó có máy đo đường huyết liên tục 3P. Thiết bị này không chỉ giúp bạn theo dõi đường huyết liên tục trong 14 ngày mà còn loại bỏ cảm giác đau đớn mỗi lần lấy máu, nhờ cảm biến được đặt dưới da. Kết quả đường huyết được cập nhật tự động mỗi 3 phút qua Bluetooth và hiển thị trực quan trên ứng dụng, cho phép người dùng nắm bắt chi tiết biến động đường huyết, từ đó cá nhân hóa chế độ ăn uống và tập luyện.
Ngoài ra, tính năng cảnh báo thông minh, chia sẻ dữ liệu với người thân và bác sĩ, cùng công nghệ bảo mật cao đảm bảo an toàn thông tin và tăng cường sự an tâm. Máy đo đường huyết 3P mang đến cuộc sống tự do, tận hưởng khoảnh khắc và làm chủ sức khỏe mỗi ngày. Để tìm hiểu thêm về máy đo đường huyết liên tục 3P, bạn có thể tham khảo sản phẩm hoặc các bài viết khác tại website fptmedicare.vn.
Bài viết tham khảo nguồn: