Huyết áp là một chỉ số thông tin thường được nhắc đến trong cuộc sống, ảnh hưởng đến sức khỏe hệ tim mạch và sức khỏe của toàn bộ cơ thể. Theo dõi chỉ số huyết áp chính là tự theo dõi sức khỏe của bản thân để có phương pháp điều chỉnh hoặc điều trị kịp thời.
Vậy hãy cùng tìm hiểu rõ hơn về huyết áp và vai trò của huyết áp đối với sức khỏe trong bài viết sau nhé!
1. Huyết áp là gì? Huyết áp đóng vai trò gì trong cơ thể người?
1.1. Huyết áp và các chỉ số huyết áp.
Huyết áp là áp lực của máu lên thành mạch khi máu lưu thông khắp cơ thể. Mỗi lần tim đập, một lượng máu lớn sẽ được đẩy từ tim vào động mạch để đi nuôi các cơ quan. Lực đẩy từ tim và sức cản thành động mạch sẽ tác động lớn lên huyết áp.
Huyết áp thường được đo theo đơn vị mmHg (milimet thủy ngân) và chia thành 2 loại là huyết áp tâm thu và huyết áp tâm trương.
Huyết áp tâm thu (còn gọi là huyết áp tối đa) là áp lực máu khi tim co lại và đẩy máu vào vòng tuần hoàn chung.
Huyết áp tâm trương (còn gọi là huyết áp tối thiểu) là áp lực máu khi tim giãn ra trong kì nghỉ giữa các nhịp đập.
Chỉ số huyết áp thường được viết dưới dạng hai con số có gạch chéo ở giữa. Ví dụ khi chỉ số huyết áp là 128/73mmHg có nghĩa là huyết áp tối đa là 128mmHg và huyết áp tối thiểu là 73mmHg.
(Theo dõi huyết áp thường xuyên để kiểm soát sức khỏe)
1.2. Thế nào là huyết áp cao và huyết áp thấp?
Chỉ số huyết áp ở một người thường không cố định mà sẽ có dao động tùy theo sức khỏe và những yếu tố ảnh hưởng từ bên ngoài. Trong một ngày, huyết áp sẽ thường cao hơn vào ban ngày và giảm thấp hơn về ban đêm.
Khi vận động mạnh, xúc động mạnh hay ăn quá mặn cũng khiến huyết áp tăng lên, trong khi trạng thái thư giãn hoặc thời tiết nắng nóng sẽ khiến huyết áp giảm xuống.
Huyết áp lý tưởng thường nằm trong khoảng 90/60mmHg đến 130/85mmHg. Nếu chỉ số huyết áp khoảng từ 130/85mmHg đến dưới 140/90mmHg thì được xem là huyết áp bình thường cao, cần chú ý điều chỉnh hạ về mức dưới 130/85mmHg để không ảnh hưởng đến sức khỏe. Dưới 90/60mmHg và trên 140/90mmHg được gọi là huyết áp thấp và huyết áp cao.
Với một số người mắc bệnh nền hoặc đang sử dụng thuốc, có thể chỉ số huyết áp bình thường sẽ có sai lệch một chút so với mức tiêu chuẩn trên. Dù vậy, khi phát hiện chỉ số huyết áp nằm ngoài mức 90/60mmHg đến 140/90mmHg, nên tham khảo tư vấn từ bác sĩ để hiểu rõ hơn về tình trạng sức khỏe hiện tại và có những điều chỉnh phù hợp, tránh xảy ra những biến chứng đáng tiếc.
1.3. Tại sao theo dõi huyết áp là cần thiết với sức khỏe?
Huyết áp cao hay huyết áp thấp đều là những tình trạng dễ dẫn tới những căn bệnh nguy hiểm và khó điều trị. Người bị huyết áp cao hoặc thấp có thể có các nguy cơ sau đây:
1.3.1. Nguy cơ từ huyết áp cao
Khi chỉ số huyết áp vượt quá 140/90mmHg được gọi là huyết áp cao, người bệnh sẽ thường gặp cảm giác tức ngực khó thở, gây ảnh hưởng đến sinh hoạt hàng ngày. Nếu để lâu ngày không kiểm soát, huyết áp tiếp tục tăng sẽ gây ra một số biến chứng khó lường như:
+ Nhồi máu cơ tim, đau thắt ngực, lâu dài dẫn tới suy tim trái, suy tim toàn bộ.
+ Gây thiếu máu não cục bộ, có thể dẫn tới xuất huyết não, đột quỵ.
+ Suy thận cấp, phù phổi cấp
+ Giảm thị lực, xuất huyết võng mạc, có thể gây phù gai thị.
(Tăng huyết áp gây ra những cơn đau thắt ngực)
1.3.2. Nguy cơ từ huyết áp thấp
Khi chỉ số huyết áp dưới mức 90/60mmHg được gọi là huyết áp thấp. Huyết áp thấp có thể không gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm tức thời như tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim. Tuy nhiên về lâu dài, huyết áp thấp cũng gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm cần chú ý:
+ Máu tới các cơ quan bị giảm, lâu ngày làm suy yếu chức năng ở từng cơ quan như suy thận, suy tim, các bệnh lý về thần kinh do não không được cung cấp đủ máu, oxy.
+ Huyết áp thấp gây nhịp tim nhanh, dễ gây choáng váng và ngất. Khi bệnh nhân bị hạ huyết áp đột ngột, não thiếu hụt oxi tức thời khiến người bệnh choáng váng. Điều này đặc biệt nguy hiểm nếu người bệnh đang lái xe, leo cầu thang hay đang đứng ở vị trí cao dễ ngã.
2. Phòng ngừa các bệnh liên quan đến huyết áp
Huyết áp chịu nhiều ảnh hưởng từ môi trường bên ngoài và lối sống, vì vậy bên cạnh theo dõi chỉ số huyết áp thường xuyên, hãy chú ý điều chỉnh thói quen sinh hoạt hàng ngày để cải thiện tình trạng huyết áp và sức khỏe tim mạch.
Một số hướng dẫn và lưu ý sau đây có thể giúp bạn ngăn ngừa các bệnh về huyết áp và cải thiện sức khỏe tim mạch đáng kể. –
– Chế độ ăn uống lành mạnh:
Giảm muối và giảm dầu mỡ trong chế độ ăn giúp tim hoạt động ít hơn và ngăn được huyết áp tăng lên. Ăn càng mặn thì huyết áp càng cao, vậy nên đừng cho quá nhiều muối vào phần ăn của bạn.
Cân bằng dinh dưỡng, nên ăn gạo lứt, bánh mì, yến mạch.
Bổ sung chất xơ như rau củ và trái cây giúp kéo huyết áp của bạn về mức bình thường.
(Duy trì cân nặng hợp lý ngăn ngừa nguy cơ tăng huyết áp)
– Duy trì cân nặng hợp lý:
Thừa cân khiến tim phải làm việc nhiều hơn để bơm máu đi toàn cơ thể. Vì vậy hãy giảm về mức cân nặng hợp lý, chỉ giảm một vài cân cũng đã tạo nên khác biệt với tim và sức khỏe toàn thể.
– Hạn chế uống rượu bia:
Chỉ uống rượu bằng hoặc ít hơn mức khuyến cáo để bảo vệ tim mạch. Đối với cả đàn ông và phụ nữ, chỉ nên uống tối đa 140ml rượu trong 1 tuần. Nếu kéo dài việc uống rượu quá nhiều sẽ làm tăng huyết áp.
Bên cạnh đó, rượu cũng chứa nhiều calo, uống quá nhiều sẽ gây tăng cân và kéo theo cả tăng huyết áp.
– Vận động thường xuyên:
Vận động giúp tăng cường trao đổi chất và giữ cho tim luôn hoạt động tốt. Không tham gia các hoạt động quá sức khiến tim phải mệt mỏi, hãy lựa chọn thể dục thể thao phù hợp với tình trạng sức khỏe của bản thân.
Thể dục thể thao cũng giúp tinh thần thoải mái thư giãn, giúp giảm cân, điều này cũng hạn chế tăng huyết áp.
– Cắt giảm caffein và không sử dụng thuốc lá:
Cà phê hay trà có thể có mặt trong thực đơn ăn uống cân bằng, nhưng đừng nhiều quá. Nạp quá nhiều caffein khiến huyết áp tăng lên, vì vậy hãy giảm lượng caffein nạp vào và thay thế bằng những thức uống khác.
Những hợp chất có trong thuốc lá gây hẹp động mạch, tăng sức cản của thành mạch và làm huyết áp tăng cao hơn. Hy vọng bài viết trên đây sẽ mang lại những thông tin hữu ích cho bạn đọc về tầm quan trọng của huyết áp trong cơ thể người. Huyết áp cao hơn hay thấp hơn mức bình thường đều đáng được lưu tâm để tránh dẫn tới những biến chứng về sau. Phòng ngừa các căn bệnh liên quan đến huyết áp là một phần giúp nâng cao chất lượng cuộc sống của bạn và gia đình.
Bài viết tham khảo nguồn:
https://www.nhs.uk/conditions/high-blood-pressure-hypertension/prevention/
https://www.nhs.uk/common-health-questions/lifestyle/what-is-blood-pressure/
https://timmachhoc.vn/khuyen-cao-ve-chan-doan-va-dieu-tri-tang-huyet-ap-cua-hoi-tang-huyet-ap-the-gioi-2020-ish-2020-nhung-diem-khac-biet-dang-chu-y/
https://my.clevelandclinic.org/health/diseases/17649-blood-pressure#:~:text=Blood%20pressure%20is%20the%20measurement,body%20so%20it%20can%20function.
PGS.TS.Lê Thị Luyến (2021) – Bệnh học (Sách đào tạo Dược sĩ đại học) – NXB Y học