Huyết áp kẹt là tình trạng xảy ra khi huyết áp tâm thu trừ huyết áp tâm trương ≤ 20 mmHg. Theo một số tài liệu khác, khi hiệu số này ≤ 25 mmHg cũng được xếp vào huyết áp kẹt. Vậy huyết áp kẹt có nguy hiểm không? Nguyên nhân và cách phòng ngừa bệnh lý này như thế nào?
1. Huyết áp kẹt là gì?
1.1. Huyết áp kẹt là gì?
Huyết áp là áp lực của máu tác động lên thành động mạch. Huyết áp được biểu hiện thông qua 2 chỉ số là huyết áp tâm thu (còn gọi là huyết áp tối đa) và huyết áp tâm trương (còn gọi là huyết áp tối thiểu).
Huyết áp kẹt (còn được gọi là huyết áp kẹp), là tình trạng khi huyết áp tâm thu – huyết áp tâm trương ≤ 20 mmHg. Theo một số tài liệu, khi hiệu số này ≤ 25 mmHg cũng được xếp vào huyết áp kẹt.
Ví dụ: huyết áp tâm thu của bạn là 110 mmHg và huyết áp tâm trương là 90 mmHg. Khi này bạn đang gặp phải tình trạng huyết áp kẹt.
1.2 Huyết áp kẹt có nguy hiểm không?
Chúng ta thường chỉ quan tâm đến bệnh tăng huyết áp mà không chú ý tới huyết áp kẹt. Nếu không được xử trí phù hợp, huyết áp kẹt có thể gây ra nhiều hệ lụy cho sức khỏe, ảnh hưởng xấu tới chất lượng cuộc sống và khả năng làm việc của người bệnh. Huyết áp kẹt cho thấy khả năng bơm máu của tim kém dẫn tới tuần hoàn bị suy giảm. Do đó bạn thường có các dấu hiệu như mệt mỏi, nhức đầu, hoa mắt, chóng mặt, cảm giác khó thở, tức ngực, hụt hơi và ngủ kém. Khả năng tập trung và trí nhớ của bạn cũng sẽ bị ảnh hưởng. Ngoài ra, huyết áp kẹt cũng gây ra sức cản ngoại vi lớn, khiến tim phải gắng sức làm việc để bơm máu đi, lâu dần sẽ dẫn đến phì đại thất và nặng hơn là suy tim.
2. Cách nhận biết và xử trí huyết áp kẹt
Các triệu chứng của huyết áp kẹt thường không đặc hiệu và dễ nhầm lẫn với các bệnh lý khác. Do đó cách tốt nhất để nhận biết huyết áp kẹt là dùng máy đo huyết áp để kiểm tra. Nếu bạn có các biểu hiện như hoa mắt, chóng mặt, xây xẩm mặt mày, nên lập tức đo huyết áp.
Nếu kết quả kiểm tra cho thấy bạn đang bị huyết áp kẹt, hãy áp dụng các biện pháp sau:
● Lập tức ngưng các hoạt động gắng sức để đảm bảo hoạt động của tim được điều hòa ổn định
● Nằm nghỉ ngơi, thư giãn
● Không lo lắng, hoang mang vì có thể khiến cho huyết áp dao động thêm
● Cố gắng hít thở đều và sâu
● Liên hệ với bác sĩ để được chỉ định thuốc điều hòa huyết áp phù hợp
● Trường hợp bệnh nhân có huyết áp kẹt đi kèm các triệu chứng nặng như đau ngực, nặng ngực, khó thở, yếu liệt người…thì cần phải nhập viện để được điều trị theo đúng phác đồ.
Bệnh nhân bị huyết áp kẹt nên nằm nghỉ ngơi, thư giãn
3. Nguyên nhân gây huyết áp kẹt và các biện pháp phòng ngừa
3.1. Nguyên nhân gây huyết áp kẹt
Huyết áp kẹt là do tăng huyết áp tâm trương hoặc giảm huyết áp tâm thu. Một số nguyên nhân gây huyết áp kẹt thường gặp bao gồm:
● Do mất máu nội mạch: Thường gặp ở những bệnh nhân chấn thương, bệnh nhân bị thoát dịch khỏi lòng mạch khi mắc bệnh sốt xuất huyết hoặc suy tim.
● Do bệnh lý về van tim: Chủ yếu do hẹp van động mạch chủ và hẹp van hai lá. Ở bệnh nhân bị hẹp van động mạch chủ, huyết áp tâm thu sẽ giảm do giảm lượng máu tống ra khỏi thất trái. Ngược lại, ở bệnh nhân hẹp van hai lá, huyết áp tâm trương lại tăng lên do máu bị ứ lại ở thì tâm trương.
● Một số nguyên nhân khác gây huyết áp kẹt như cổ trướng, chèn ép tim (tràn máu tràn dịch màng ngoài tim),…
Sốt xuất huyết có thể là nguyên nhân dẫn tới huyết áp kẹt
3.2. Các biện pháp phòng ngừa huyết áp kẹt
Để phòng ngừa huyết áp kẹt, bạn có thể áp dụng các biện pháp sau:
● Xây dựng chế độ ăn uống lành mạnh: Bạn nên ăn nhiều rau củ, trái cây, ngũ cốc nguyên hạt; hạn chế thức ăn nhiều dầu mỡ và đồ chế biến sẵn. Bạn cũng nên giảm sử dụng rượu bia và các chất kích thích khác.
Xây dựng chế độ ăn uống lành mạnh để phòng ngừa huyết áp kẹt
● Sắp xếp thời gian làm việc và nghỉ ngơi hợp lý, tránh làm việc quá khuya.
● Tăng cường vận động thể lực: Bạn có thể áp dụng các bài tập thể dục phù hợp với thể trạng của bản thân, ví dụ như chạy bộ, bơi lội, đạp xe,…Bạn nên tập thể dục ít nhất 30 phút/ngày và tập từ 5-7 ngày/tuần.
● Bỏ hút thuốc lá: Ngưng hút thuốc không chỉ giúp bạn cải thiện huyết áp mà còn phòng ngừa nhiều bệnh lý nguy hiểm khác như bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, ung thư phổi
● Theo dõi huyết áp thường xuyên: Đo huyết áp hàng ngày sẽ giúp bạn dễ dàng phát hiện các bệnh lý liên quan đến huyết áp. Bạn nên trang bị cho mình một máy đo huyết áp tại nhà để có thể theo dõi sát sao huyết áp của bản thân và các thành viên trong gia đình.
● Nếu bạn đang mắc các bệnh tim mạch, cần sử dụng thuốc theo đúng chỉ định của bác sĩ và đi khám định kỳ đều đặn để kiểm soát tốt bệnh lý hiện có, tránh dẫn tới các biến chứng nguy hiểm hơn.
Tóm lại
Huyết áp kẹt nếu không được điều trị có thể để lại nhiều hệ lụy cho sức khỏe. Khi bị huyết áp kẹt, bạn cần nghỉ ngơi, thư giãn, cố gắng hít thở sâu và dùng thuốc điều hòa huyết áp theo chỉ định của bác sĩ.
Nguồn tham khảo:
1. https://soyte.namdinh.gov.vn/home/hoat-dong-nganh/giao-duc-suc-khoe/huyet-ap-ket-nguyen-nhan-trieu-chung-va-bien-phong-tranh-1186
2. https://trungtamytegovap.medinet.gov.vn/chuyen-muc/the-nao-la-huyet-ap-ket-cmobile14393-34441.aspx
3. https://www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK482408/
4. Hướng dẫn điều trị THA: AHA 2017