Tăng huyết áp tâm thu đơn độc là bệnh lý thường gặp ở người cao tuổi và có thể dẫn tới nhiều biến chứng đáng lo ngại. Vậy nguyên nhân gây tăng huyết áp tâm thu là gì và cách điều trị ra sao? Hãy cùng FPT Medicare tìm hiểu về bệnh lý này qua bài viết dưới đây nhé!
1. Huyết áp tâm thu cao có nguy hiểm không?
Huyết áp được thể hiện thông qua hai chỉ số là huyết áp tâm thu và huyết áp tâm trương. Thông thường, huyết áp sẽ dưới 120/80 mmHg. Ở một số bệnh nhân, chỉ số huyết áp tâm thu tăng (trên 140 mmHg), nhưng huyết áp tâm trương lại bình thường (dưới 90 mmHg). Những trường hợp này được xem là tăng huyết áp tâm thu đơn độc.
Tăng huyết áp tâm thu đơn độc là dạng tăng huyết áp phổ biến ở người cao tuổi và có thể dẫn tới nhiều biến chứng nguy hiểm, bao gồm:
● Đột quỵ
● Nhồi máu cơ tim
● Suy tim
● Bệnh mạch máu ngoại biên
● Chứng phình động mạch
● Bệnh thận mạn
● Bệnh võng mạc
● Rối loạn cương dương
Những biến chứng trên có thể ảnh hưởng nghiêm trọng tới chất lượng cuộc sống của người bệnh hoặc thậm chí gây tử vong nếu không được điều trị kịp thời.
2. Nguyên nhân gây tăng huyết áp tâm thu
Nguyên nhân chính dẫn tới tăng huyết áp tâm thu đơn độc là do suy giảm tính đàn hồi của mạch máu. Đây là một hiện tượng thường gặp ở người cao tuổi. Vốn dĩ động mạch có tính đàn hồi, nhưng theo tuổi tác nó sẽ dần bị xơ cứng và mất tính đàn hồi do sự lắng đọng canxi vào thành động mạch.
Bên cạnh đó, một số bệnh lý khác như đái tháo đường tuýp 2, bệnh thận mãn tính, bệnh mạch máu ngoại biên, nhiễm độc giáp,…cũng có thể dẫn tới tăng huyết áp tâm thu. Các bệnh mạn tính này có thể gây tăng huyết áp tâm thu bằng cách đẩy nhanh quá trình xơ cứng động mạch.
Tăng huyết áp tâm thu thường do giảm tính đàn hồi của mạch máu
3. Đối tượng nào có nguy cơ bị tăng huyết áp tâm thu?
Tăng huyết áp tâm thu đơn độc có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm khi không được điều trị. Do đó, chẩn đoán sớm, điều trị thích hợp và giải quyết các yếu tố nguy cơ có thể thay đổi được là điều cần thiết để giảm tỷ lệ mắc bệnh và tỷ lệ biến chứng. Dưới đây là một số yếu tố nguy cơ có thể dẫn tới tăng huyết áp tâm thu đơn độc:
● Dùng một số loại thuốc như thuốc chống viêm không steroid (ví dụ ibuprofen, naproxen,…), corticosteroid, thuốc kích thích giao cảm, estrogen
● Hút thuốc
● Béo phì
● Lối sống ít vận động
● Chế độ ăn uống không lành mạnh: ăn nhiều muối, nhiều dầu mỡ và thực phẩm chế biến sẵn
● Uống nhiều rượu bia
● Tiền sử gia đình có người mắc bệnh tăng huyết áp hoặc các bệnh tim mạch khác
Hút thuốc có nguy cơ dẫn tới tăng huyết áp tâm thu
4. Điều trị tăng huyết áp tâm thu như thế nào?
4.1 Điều trị không dùng thuốc
Các biện pháp điều trị không dùng thuốc được khuyến nghị cho tất cả bệnh nhân tăng huyết áp tâm thu đơn độc, bao gồm:
● Hạn chế muối trong chế độ ăn uống: Chỉ nên dùng dưới 5-6 gam muối mỗi ngày, tương đương với 1 thìa cà phê muối mỗi ngày.
● Giảm cân: Một số nghiên cứu cho thấy cứ giảm 0,45 kg cân nặng sẽ giúp giảm huyết áp 1 mmHg.
● Chế độ ăn uống lành mạnh: Bạn nên ăn nhiều trái cây, rau, ngũ cốc nguyên hạt, cá và các sản phẩm từ sữa ít béo. Một nghiên cứu đã chỉ ra rằng chế độ ăn lành mạnh có thể giúp giảm huyết áp tâm thu khoảng 6 mmHg.
● Tăng cường hoạt động thể chất: Bạn nên tập thể dục thường xuyên với thời gian ≥ 30 phút/lần tập/ngày và nên tập 5 – 7 ngày/tuần.
● Hạn chế rượu bia: Không nên uống quá một ly mỗi ngày đối với phụ nữ và hai ly đối với nam giới. Một ly tương đương với 148 ml rượu vang hoặc 355 ml bia với độ cồn khoảng 5%.
● Bỏ hút thuốc lá: Một nghiên cứu cho thấy bỏ hút thuốc có thể giúp huyết áp tâm thu giảm khoảng 3,6 ± 1,9 mmHg.
Bệnh nhân tăng huyết áp tâm thu cần hạn chế sử dụng rượu bia
4.2 Điều trị dùng thuốc
Cũng giống như điều trị tăng huyết áp, đối với tăng huyết áp tâm thu đơn độc, bác sĩ có thể chọn các thuốc thuộc những nhóm sau:
● Thuốc lợi tiểu
● Thuốc chẹn kênh canxi
● Thuốc ức chế men chuyển
● Thuốc đối kháng thụ thể angiotensin II
Trong đó, thuốc lợi tiểu và thuốc chẹn kênh canxi là những thuốc thường được ưu tiên lựa chọn trong điều trị tăng huyết áp tâm thu đơn độc. Tùy vào mức huyết áp của bệnh nhân, bác sĩ có thể lựa chọn đơn trị (chỉ kê đơn 1 thuốc) hoặc phối hợp từ 2 thuốc trở lên.
Ngoài ra, bệnh nhân có các bệnh lý có thể gây tăng huyết áp thứ phát (ví dụ viêm cầu thận, suy thận, cường giáp,…) cũng cần được điều trị và kiểm soát tốt, tránh dẫn tới biến chứng tăng huyết áp tâm thu.
5. Các biện pháp phòng ngừa tăng huyết áp tâm thu
Để phòng ngừa tăng huyết áp tâm thu đơn độc, bạn nên áp dụng các biện pháp thay đổi lối sống, bao gồm:
● Xây dựng chế độ ăn uống lành mạnh: Tăng cường rau xanh, hoa quả tươi, đồng thời hạn chế thức ăn có nhiều dầu mỡ
● Hạn chế muối và tăng cường bổ sung kali trong chế độ ăn
● Tăng cường hoạt động thể lực bằng cách tập thể dục, đi bộ hoặc vận động ở mức độ vừa phải, đều đặn khoảng 30-60 phút mỗi ngày
● Hạn chế rượu bia và ngưng hút thuốc lá
● Thư giãn, nghỉ ngơi điều độ, tránh căng thẳng quá mức
Nếu bạn đang mắc các bệnh lý như đái tháo đường, bệnh thận mạn, cường giáp,…thì cần thường xuyên thăm khám và dùng thuốc đều đặn theo chỉ định của bác sĩ, phòng ngừa các bệnh lý này tiến triển và dẫn tới tăng huyết áp tâm thu.
Tóm lại
Tăng huyết áp tâm thu đơn độc là một bệnh lý thường gặp ở người cao tuổi và có thể dẫn tới nhiều hệ lụy cho sức khỏe của người bệnh. Để phòng ngừa tăng huyết áp tâm thu, bạn nên áp dụng các biện pháp thay đổi lối sống tích cực, đồng thời thường xuyên kiểm tra huyết áp để kịp thời phát hiện và điều trị bệnh.
Nguồn tham khảo:
https://www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK482472/
https://www.amjmed.com/article/S0002-9343(16)30919-6/pdf
https://timmachhoc.vn/tang-huyet-ap-tam-thu-don-doc-cap-nhat-sau-nghien-cuu-sprint/
https://www.ahajournals.org/doi/full/10.1161/HYP.0000000000000065
Cheryl A. Oncken, William B. White, Judith L. Cooney, Jeffrey R. Van Kirk, Jasjit S. Ahluwalia, Sharon Giacco, Impact of smoking cessation on ambulatory blood pressure and heart rate in postmenopausal women, American Journal of Hypertension, Volume 14, Issue 9, September 2001, Pages 942–949, https://doi.org/10.1016/S0895-7061(01)02147-1.