Bí quyết giúp tăng khả năng thụ thai cho các cặp đôi
Nếu vợ chồng bạn mong muốn có con nhưng chưa biết làm thế nào để tăng khả năng thụ thai và những điều cần chuẩn bị cho quá trình mang thai diễn ra suôn sẻ, hãy cùng FPT Medicare khám phá những cách giúp tối ưu hóa tỷ lệ thụ thai và những việc cần làm trước khi mang thai trong bài viết dưới đây nhé.
1. Các yếu tố ảnh hưởng đến sức khỏe sinh sản của các cặp đôi
1.1. Các yếu tố ảnh hưởng đến sức khỏe sinh sản ở nam giới
Bạn biết không, sức khỏe của tinh trùng là một trong những yếu tố quan trọng nhất ảnh hưởng đến khả năng sinh sản ở nam giới. Điều này phụ thuộc vào các yếu tố sau:
- Số lượng tinh trùng: Khi xuất tinh, phải có ít nhất 15 triệu tinh trùng trong mỗi ml tinh dịch mới đảm bảo được khả năng thụ tinh ở nam giới. Số lượng tinh trùng quá ít sẽ khiến việc thụ tinh trở nên khó khăn vì có quá ít “chiến binh” sẵn sàng để thụ tinh cho trứng.
- Khả năng di chuyển của tinh trùng: Để tăng khả năng tiếp cận và thụ tinh với trứng, phải có ít nhất 40% tinh trùng trong tinh dịch có thể luồn lách và bơi qua cổ tử cung, tử cung và ống dẫn trứng của phụ nữ.
- Cấu trúc của tinh trùng: Một tinh trùng khỏe mạnh phải có đủ đầu và đuôi dài gắn kết với nhau.
Bên cạnh một đội tinh binh hùng mạnh, khả năng sinh sản ở nam giới còn chịu ảnh hưởng của một số yếu tố liên quan đến bệnh lý và tuổi tác như:
– Các bệnh lý liên quan đến khả năng sản xuất testosterone và tinh trùng, bệnh lý ở tinh hoàn, các rối loạn vận chuyển tinh trùng
– Tuổi tác: Số lượng tinh trùng và khả năng di chuyển của chúng có xu hướng giảm dần theo tuổi tác, đặc biệt là sau 50 tuổi.
Một đội tinh trùng khỏe mạnh đang bơi đến gặp trứng
1.2. Các yếu tố ảnh hưởng đến sức khỏe sinh sản ở nữ giới
Chắc hẳn bạn đã biết các bệnh lý gây rối loạn ở cơ quan sinh dục nữ có mối liên quan mật thiết đến khả năng mang thai ở nữ giới. Các bệnh lý này bao gồm:
– Hội chứng buồng trứng đa nang
– Suy buồng trứng nguyên phát dẫn đến mãn kinh sớm
– Các bất thường ở tử cung như u xơ tử cung, polyp tử cung,…
– Lạc nội mạc tử cung.
– Các tổn thương gây tắc nghẽn ống dẫn trứng như viêm vùng chậu, các bệnh lây truyền qua đường tình dục như chlamydia, lậu.
– Các bệnh lý liên quan đến rối loạn kinh nguyệt như tiểu đường không được kiểm soát, bệnh celiac, một số bệnh tự miễn như lupus ban đỏ hệ thống.
Ngoài ra, tuổi tác cũng đóng vai trò trong sức khỏe sinh sản ở nữ giới. Sự suy giảm về số lượng và chất lượng trứng theo tuổi tác, đặc biệt với phụ nữ trên 35 tuổi, khiến việc thụ thai trở nên khó khăn hơn.
Hình ảnh buồng trứng đa nang: nguyên nhân gây ra vô sinh thường gặp ở nữ giới
2. Mẹo tối ưu hóa khả năng mang thai
2.1. Quan hệ tình dục vào thời điểm rụng trứng
Để tăng cường khả năng thụ thai, trước hết các cặp đôi nên tăng cường tần suất quan hệ tình dục vào thời điểm rụng trứng để nâng cao tỷ lệ thụ tinh. Bạn có thể tính ngày rụng trứng dựa trên chu kỳ kinh nguyệt bằng cách lấy ngày “rụng dâu” dự kiến tiếp theo trừ đi 12-16 ngày.
Nếu vợ chồng bạn đang muốn mang thai, những thời điểm tốt nhất để quan hệ tình dục là:
- Trong 3 ngày trước khi rụng trứng. Lúc này tinh trùng sẽ chờ trứng đi xuống ống dẫn trứng.
- Khi rụng trứng hoặc trong vòng 24 giờ sau khi rụng trứng: Trong trường hợp này, trứng sẽ chờ tinh trùng bơi đến và thụ tinh.
2.2. Lựa chọn lối sống lành mạnh và chế độ dinh dưỡng hợp lý
Đối với cả nam và nữ, lựa chọn một lối sống lành mạnh và một chế độ dinh dưỡng hợp lý có tác động tích cực đến sức khỏe sinh sản của cả hai giới. Các cặp đôi đang có kế hoạch sinh con có thể áp dụng một số biện pháp sau:
– Duy trì cân nặng hợp lý: một số nguyên cứu cho thấy rằng việc tăng chỉ số khối cơ thể (BMI) làm giảm chất lượng và số lượng tinh trùng ở nam giới cũng như khả năng rụng trứng ở nữ giới.
– Ăn uống lành mạnh: một chế độ ăn tăng cường trái cây và rau quả giàu chất chống oxy hóa như cam, quýt, cà chua, bông cải xanh, các loại ngũ cốc nguyên hạt,…có thể giúp cải thiện khả năng thụ tinh ở cả hai giới.
– Ngăn ngừa các bệnh lây truyền qua đường tình dục: các bệnh lây truyền qua đường tình dục như chlamydia hay bệnh lậu có thể gây vô sinh. Vợ chồng bạn nên duy trì một mối quan hệ chung thủy để bảo vệ bản thân khỏi bị lây truyền các bệnh qua đường tình dục.
– Quản lý stress: căng thẳng có thể làm giảm chức năng tình dục và cản trở các hormone cần thiết để sản xuất tinh trùng cũng như ức chế rụng trứng ở phái nữ.
– Hoạt động thể chất vừa phải: một chế độ luyện tập và hoạt động với cường độ vừa phải giúp trứng rụng đúng chu kỳ và tinh trùng được sản xuất đều đặn.
– Hạn chế hút thuốc: nam giới hút thuốc là có nhiều khả năng có số lượng tinh trùng thấp. Ở nữ giới, hút thuốc lá gây ra lão hóa buồng trứng và làm trứng cạn kiệt sớm.
– Hạn chế rượu bia: Uống nhiều rượu bia có thể dẫn đến giảm sản xuất testosterone, giảm khả năng quan hệ tình dục và giảm sản xuất tinh trùng. Đối với phái nữ, uống nhiều rượu gây tăng nguy cơ rối loạn rụng trứng.
– Hạn chế tiếp xúc với các chất độc hại: khi làm các công việc tiếp xúc với độc chất như thuốc trừ sâu, chì,… hãy mặc quần áo và thiết bị bảo hộ đúng cách.
– Hạn chế các hoạt động làm tăng nhiệt độ ở khu vực xung quanh tinh hoàn: Để nâng cao chất lượng tinh trùng, nam giới nên mặc đồ lót rộng rãi và hạn chế để bìu tiếp xúc với các vật ấm như máy tính xách tay, xông hơi hay bồn nước nóng.
Sơ đồ liệt kê các lối sống lành mạnh bao gồm: duy trì cân nặng hợp lý, ăn uống lành mạnh, năng ngừa các bệnh lý lây truyền qua đường tình dục, quản lý stress, hoạt động thể lực vừa phải, hạn chế hút thuốc, hạn chế rượu, hạn chế tiếp xúc chất độc hại, hạn chế làm tăng nhiệt độ ở bìu
3. Cần chuẩn bị gì trước khi mang thai
3.1. Khám sức khỏe tiền hôn nhân
Bạn có biết vì sao khám sức khỏe tiền hôn nhân là bước chuẩn bị quan trọng cho hành trình mang thai không? Đó là bởi vì quy trình thăm khám này giúp các cặp đôi kiểm tra sức khỏe tổng quát, đặc biệt là sức khỏe sinh sản để sớm phát hiện nguy cơ về bệnh lý sinh sản để có thể xử trí hiệu quả và kịp thời.
Ngoài ra, khám sức khỏe tiền hôn nhân còn giúp phòng tránh các bệnh lây truyền qua đường tình dục và các bệnh lây truyền từ mẹ sang con, giúp dự phòng các dị tật bẩm sinh sinh của bé yêu trong tương lai.
Hai vợ chồng bạn nên khám tiền sản khoảng 3-6 tháng trước ngày cưới.
3.2. Chăm sóc sức khỏe trước khi mang thai
Bạn nên chuẩn bị sẵn sàng sức khỏe, tâm lý, tài chính và thời gian dự định mang thai để tránh các trường hợp có thai ngoài ý muốn.
Nữ giới được khuyến khích mang thai trong độ tuổi từ 19-35 tuổi, vì mang thai khi còn quá trẻ có thể tăng nguy cơ sinh non, ngược lại, khả năng em bé bị bất thường về di truyền sẽ gia tăng ở mẹ bầu lớn tuổi.
Bên cạnh đó, khi chuẩn bị mang thai, bạn nên duy trì một cân nặng hợp lý với một chế độ dinh dưỡng lành mạnh. Khi người mẹ bị béo phì hoặc suy dinh dưỡng sẽ dễ mắc các bệnh lý chuyển hóa ảnh hưởng đến thai kỳ.
3 tháng trước khi dự kiến thả bầu, mẹ nên bổ sung acid folic để giảm nguy cơ dị tật ống thần kinh ở con. Acid folic cũng cần được bổ sung mỗi ngày trong suốt thai kỳ.
Song song đó, người chồng cũng nên duy trì một chế độ dinh dưỡng hợp lý, thường xuyên vận động, bỏ thuốc và rượu bia để tinh trùng được khỏe mạnh.
3.3. Tiêm ngừa trước mang thai
Theo khuyến cáo của Bộ Y tế, nữ giới nên tiêm ngừa trước khi mang thai nhằm tránh các bệnh lý có ảnh hưởng đến thai kỳ và em bé. Một số loại vắc-xin cần tiêm trước mang thai 3 tháng như thủy đậu, sởi – quai bị – Rubella, cũng có một số loại có thể tiêm trước hoặc trong thai kỳ như bạch hầu – ho gà – uốn ván. Do đó, bạn nên đi khám tiền sản để được bác sĩ tư vấn các mũi tiêm cần thiết.
3.4. Cân nhắc các phương pháp hỗ trợ sinh sản
Nếu một trong hai vợ chồng phát hiện các bệnh lý liên quan đến sức khỏe sinh sản khi khám sức khỏe tiền sản, hoặc đã cố gắng lâu ngày nhưng vẫn không có con, bạn có thể cân nhắc đến các biện pháp hỗ trợ sinh sản như bơm tinh trùng vào trứng, dùng thuốc kích trứng, chuyển giao tử vào ống dẫn trứng, chuyển hợp tử vào ống dẫn trứng và thụ tinh trong ống nghiệm. Cặp đôi nên tham khảo ý kiến của bác sĩ về ưu nhược điểm và những điều cần chuẩn bị trước khi lựa chọn sử dụng các phương pháp này.
Hành trình đón chào thành viên mới của các cặp đôi có thể rất đơn giản nhưng cũng rất khó khăn và gian khổ. Do đó, biết áp dụng các bí quyết để tăng khả năng thụ thai sẽ là mấu chốt giúp các cặp vợ chồng sớm có tin vui. Bên cạnh đó, khi lập kế hoạch sinh con, hai vợ chồng nên chuẩn bị về sức khỏe, tâm lý, thời gian và tiền bạc để sẵn sàng cho một vai trò mới – vai trò làm cha mẹ.
Bài viết tham khảo nguồn:
Healthy sperm: Improving your fertility – Mayo Clinic
Female fertility: Why lifestyle choices count – Mayo Clinic
How to Get Pregnant | Best Tips to Help You Conceive (americanpregnancy.org)
cam nang cham soc ba bau 2021 bản ko quảng cáo (moh.gov.vn)
IVF (In Vitro Fertilization): Procedure & How It Works (clevelandclinic.org)