Bài viết này cung cấp các thông tin liên quan đến độ chính xác của máy đo đường huyết giúp bạn đánh giá được sự tin cậy và hạn chế những yếu tố gây sai lệch kết quả đo.
1. Tìm hiểu về độ chính xác của máy đo đường huyết
Máy đo đường huyết là một công cụ hỗ trợ quản lý, kiểm soát trong điều trị đái tháo đường. Nó là “chỉ báo” về nồng độ đường huyết trong máu một cách nhanh chóng. Người bệnh đái tháo đường thường được nghe nhiều quảng cáo về máy đo đường huyết, rằng là các loại máy đều “chính xác”. Điều này làm tăng sự phân vân trong việc lựa chọn máy đo đường huyết của bệnh nhân.
1.1. Vậy “độ chính xác” của một máy đo đường huyết là gì?
Độ chính xác của máy đo đường huyết được đánh giá thông qua nghiên cứu thống kê từ nhà sản xuất. Nghiên cứu này tiến hành bằng cách so sánh kết quả từ máy đo so với kết quả từ phòng xét nghiệm, ở các phạm vi khác nhau. Bởi có nhiều yếu tố có thể ảnh hưởng đến độ chính xác của kết quả đường huyết.
Vì vậy, để đạt độ chính xác cao, máy đo cần tuân thủ theo Tiêu chuẩn ISO 15197:2013 do Tổ Chức Tiêu chuẩn hóa Quốc Tế (ISO) đặt ra.
Theo đó, ISO có quy định rằng 95% kết quả đo đường huyết cần nằm trong khoảng ±0,83 mmol/L (15 mg/dL) ở nồng độ dưới 5,6 mmol/L (<100 mg/dL) và trong khoảng ±15% ở nồng độ 5,6 mmol/L (≥100 mg/dL) trở lên, so với kết quả từ phòng thí nghiệm.
Do đó, các nhà sản xuất thường dựa vào tiêu chẩn ISO, thực hiện các cuộc kiểm tra đánh giá nhằm đảm bảo độ chính xác của thiết bị và nghiên cứu cải tiến chất lượng để có thể vượt qua cả tiêu chuẩn ISO và đạt được độ chính xác cao nhất.
Theo hướng dẫn của ISO, máy đo đường huyết cần hiển thị kết quả nằm trong một khoảng sai số cho 95% các trường hợp, như được mô tả trong bảng dưới đây:
Ví dụ: Chỉ số đường huyết của bạn là 6.0 mmol/L thì kết quả hiển thị của máy sẽ phải nằm trong khoảng 5.10 – 7.06 mmol/L thì được xem là chính xác.
Đơn vị mm | |||
Chỉ số đường huyết (mmol/L) | Khoảng giá trị hiển thị (mmol/L) | Chỉ số đường huyết (mg/dL) | Khoảng giá trị hiển thị (mg/dL) |
1.0 | 0.17 -1.83 | 18 | 3 – 33 |
1,5 | 0.67 -2.33 | 27 | 12 – 42 |
2.0 | 1.17 -2.83 | 36 | 21 – 51 |
2,5 | 1.67 -3.33 | 45 | 30 – 60 |
3.0 | 2.17 -3.83 | 54 | 39 – 69 |
3,5 | 2.67 -4.33 | 63 | 48 – 78 |
4.0 | 3.17 -4.83 | 72 | 57 – 87 |
5.0 | 4.17 -5.83 | 90 | 75 – 105 |
6.0 | 5.10 -7.06 | 108 | 91,8 – 124,2 |
7,0 | 5.95 -8.24 | 126 | 107,1 – 144,9 |
8,0 | 6.80 -9.41 | 144 | 122,4 – 165,6 |
9,0 | 7.65 -10.59 | 162 | 137,7 – 186,3 |
10,0 | 8.50 – 11.76 | 180 | 153 – 207 |
12.0 | 10.20- 14.12 | 216 | 183,6 – 248,4 |
14.0 | 11.90-16.47 | 252 | 214,2 – 289,8 |
16.0 | 13.60-18.82 | 288 | 244,8 – 331,2 |
18.0 | 15.30- 21.18 | 324 | 275,4 – 372,6 |
20,0 | 17.00- 23.53 | 360 | 306 – 414 |
1.2 Độ chính xác của máy đo đường huyết quan trọng thế nào?
Theo dõi và quản lý mức đường huyết là yếu tố quan trọng trong cuộc sống hàng ngày của người bệnh tiểu đường. Vì vậy, việc sử dụng máy đo có độ chính xác cao sẽ giúp bệnh nhân tiểu đường:
- Kiểm soát tốt tình trạng đường huyết của bản thân.
- Hiểu và dự đoán được kết quả xét nghiệm chỉ số HbA1C.
- Đánh giá được sự ảnh hưởng của chế độ ăn cũng như mức độ hiệu quả của thuốc điều trị.
- Theo dõi được các tình huống hạ đường huyết và tăng đường huyết nguy hiểm.
2. Làm thế nào để đánh giá một máy đo đường huyết có độ chính xác cao?
2.1. Xác nhận các chứng nhận đạt chuẩn từ nhà sản xuất
Tiêu chuẩn ISO là một tiêu chuẩn rất quan trọng để đảm bảo máy theo dõi đường huyết có độ chính xác cao. Việc này giúp cho người sử dụng có thêm niềm tin và sự an tâm với kết quả đo.
Vì vậy khi lựa chọn máy đo đường huyết, bạn cần kiểm tra thông tin về tiêu chuẩn của máy. Thông thường, thông tin về tiêu chuẩn thiết bị được nhà sản xuất in ngay bên ngoài bao bì hộp.
Ngoài ra, Các thông tin cụ thể về nghiên cứu đánh giá độ chính xác của từng lô máy sẽ được nhà sản xuất báo cáo chi tiết trong bộ “Hướng dẫn sử dụng” của thiết bị. Người dùng hoàn toàn có thể dễ dàng tự kiểm tra độ chính xác của bộ thiết bị đo đường huyết dựa vào những thông tin trên.
2.2. Tự kiểm tra tính chính xác của máy đo đường huyết
Bạn có thể thực hiện các bước kiểm tra nhỏ để đảm bảo rằng máy đo đường huyết bạn đang hoạt động bình thường và vẫn giữ được độ chính xác cao như sau:
- Đối chiếu kết quả từ máy đo đường huyết với kết quả xét nghiệm của bạn.
Đem theo máy đo đường huyết khi bạn cần tái khám hoặc xét nghiệm máu tại bệnh viện. Tự kiểm tra lượng đường trong máu bằng máy đo của bạn tại cùng thời gian lấy mẫu tại phòng phòng nghiệm. So sánh kết quả từ máy đo đường huyết và kết quả từ phòng xét nghiệm. Máy đo đường huyết của bạn “chính xác” nếu kết quả hiển thị nằm trong khoảng ± 15% so với kết quả xét nghiệm.
Tuy nhiên kết quả từ máy đo có thể bị ảnh hưởng bởi một số yếu tố làm cho kết quả hiển thị sai khác so với kết quả từ phòng xét nghiệm. Vì vậy để đánh giá về tính chính xác của máy đo bằng phương pháp này, bạn cần xem xét các yếu tố sau:
- Nếu bạn vừa ăn xong, kết quả kiểm tra máu từ ngón tay có thể cao hơn rất nhiều so với phòng xét nghiệm lấy máu từ tĩnh mạch.
- Chỉ số Hematocrit (tỷ lệ hồng cầu) của bạn có đang nằm ngoài khoảng cho phép hay không? Chỉ số %HCT nằm ngoài khoảng 30 – 50% sẽ làm kết quả từ máy đo đường huyết có nhiều sai khác so với kết quả từ phòng xét nghiệm.
- Những lỗi về thao tác và que thử,.. bạn có thể đọc chi tiết ở phần một số yếu tố ảnh hưởng đến máy đo đường huyết.
- Kiểm tra bằng dung dịch chuẩn
Dung dịch chuẩn được sử dụng để kiểm tra xem máy đo và que thử của bạn có đang hoạt động bất thường hay không. Ở một số hãng, dung dịch này thường đi kèm với sản phẩm. Hoặc một số hãng thì bán riêng không kèm theo máy, nên khi lựa chọn bạn cần lưu ý về sự tương thích giữa loại dung dịch chuẩn và dòng máy đo mà mình đang sử dụng.
Bạn hoàn toàn có thể thực hiện quy trình kiểm tra này tại nhà theo hướng dẫn sử dụng đi kèm theo mỗi loại máy. Nếu kết quả nằm trong khoảng giới hạn ghi trên lọ, máy của bạn hoạt động bình thường.
Bạn có thể sử dụng phương pháp này mỗi khi mở hộp que thử mới hoặc khi bạn cảm thấy các kết quả trên máy bất thường.
3. Một số yếu tố ảnh hưởng đến độ chính xác của máy đo đường huyết
Khi sử dụng đúng cách theo hướng dẫn từ nhà sản xuất, máy đo đường huyết thường cho ra kết quả chính xác. Tuy nhiên trong một số trường hợp, độ chính xác của máy vẫn có thể bị ảnh hưởng từ nhiều yếu tố khác nhau. Bạn cần kiểm tra các yếu tố này trước khi đưa ra nhận định về sự sai khác của kết quả hiển thị.
- Vấn đề từ que thử
Que thử quá hạn sử dụng có thể làm sai lệch kết quả. Một số que thử có hạn sử dụng phụ thuộc vào thời gian sau khi mở nắp hộp. Vì vậy luôn kiểm tra ngày hết hạn của que thử trước khi thực hiện xét nghiệm.
Thông thường, mỗi loại que thử có những yêu cầu khác nhau liên quan đến khoảng nhiệt độ và điều kiện bảo quản. Đa số que thử yêu cầu được để trong lọ, tránh tiếp xúc với ánh nắng và các vật dụng khác. Vì khoảng nhiệt độ bảo quản đối với mỗi loại que thử thường khác nhau, nên bạn cần đọc kỹ hướng dẫn đi kèm theo máy hoặc trên hộp que để hạn chế được các vấn đề sai lệch kết quả do quá trình bảo quản que thử. Bạn cũng không nên sử dụng các que thử hết hạn hoặc có dấu hiệu hư hỏng vì nó sẽ cho các kết quả không chính xác.
- Điều kiện bảo quản máy.
Độ chính xác của máy đo đường huyết có thể bị ảnh hưởng bởi nhiệt độ, độ ẩm, ánh sáng và các nguyên nhân khác từ môi trường. Máy đo cần được bảo quản trong hộp và giữ ở nhiệt độ phòng (<50 độ C) và tránh xa ánh sáng cũng như các nguồn nhiệt trực tiếp.
Hãy tham khảo hướng dẫn sử dụng (đi kèm với hộp sản phẩm) để bảo quản thiết bị của bạn ở điều kiện phù hợp.
- Lượng máu nạp vào
Nếu bạn sử dụng quá ít máu để quét lên que, kết quả đo có thể bị ảnh hưởng. Các máy đo hiện đại thường đưa ra cảnh báo về lượng máu nạp vào quá ít.
- Vệ sinh tay và dụng cụ trước khi thực hiện
Các yếu tố khác trên da như tay bẩn, ẩm ướt và dụng cụ đo không được làm sạch trước khi đo cũng có thể làm sai lệch kết quả đo. Vì thế bạn cần đảm bảo vệ sinh tay mình trước khi thực hiện đo.
Trong trường hợp máy đo đường huyết của bạn thực sự có vấn đề về độ chính xác, hãy liên hệ nhà sản xuất để được hỗ trợ giải quyết các khó khăn này.
Tóm lại
Độ chính xác của máy đo đường huyết có ý nghĩa quan trọng trong quá trình kiểm soát đường huyết tại nhà của bệnh nhân đái tháo đường. Vì vậy, người bệnh cần lựa chọn máy đo đường huyết có độ chính xác cao và đạt tiêu chuẩn để có kết quả đo đáng tin cậy, hỗ trợ cho việc theo dõi tình trạng bệnh. Đồng thời, người bệnh có thể đánh giá độ chính xác của máy đang dùng và các yếu tố có thể ảnh hưởng đến nó.
Nguồn tham khảo
https://www.diabetes.co.uk/blood-glucose-meters/blood-glucose-meter-accuracy.html