Lời khuyên hữu ích cho người chuẩn bị mang thai: Hành trình và sự chuẩn bị
Mang thai diễn ra như thế nào và cần chuẩn bị gì trước khi mang thai luôn là thắc mắc của nhiều cặp vợ chồng. Trong bài viết này, FPT Medicare sẽ cùng gia đình bạn khám phá và chuẩn bị cho hành trình chín tháng mười ngày thú vị nhưng vô cùng thử thách này.
1. Thụ tinh và các yếu tố ảnh hưởng đến quá trình thụ tinh
1.1. Quá trình thụ tinh diễn ra như thế nào?
Thụ tinh là giai đoạn đầu tiên của quá trình mang thai. Thụ tinh diễn ra khi tinh trùng của bố gặp gỡ và kết hợp với trứng của mẹ.
Trong quá trình xuất tinh, có khoảng 200 triệu tế bào tinh trùng được giải phóng với chung một mục đích là tìm trứng để thụ tinh. Khi bố và mẹ quan hệ tình dục không có bảo vệ, tinh trùng sẽ bơi vào âm đạo của mẹ và tìm đến ống dẫn trứng.
Cửa ải đầu tiên tinh trùng phải vượt qua chính là cổ tử cung của mẹ. Vào những ngày trước khi trứng rụng, cổ tử cung bình thường được bịt kín bởi một nút chất nhầy đặc quánh sẽ trở nên loãng hơn để tạo điều kiện thuận lợi cho những tinh trùng khỏe mạnh và nhanh nhẹn đi qua. Có khoảng vài triệu tinh trùng qua được cửa ải này.
Ở cửa ải tiếp theo, chỉ một tinh trùng khỏe mạnh nhất vượt qua được màng trong suốt của trứng, vì khi bị xâm nhập, vỏ trứng sẽ cứng lại ngăn không cho một tinh trùng nào khác lọt vào. Một trứng và một tinh trùng kết hợp với nhau tạo thành hợp tử, và một loạt các quá trình kỳ diệu khác tiếp tục xảy ra để hình thành một bào thai trong tử cung người mẹ.
1.2. Các yếu tố ảnh hưởng đến khả năng thụ tinh
Có 2 yếu tố lớn nhất ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng thụ tinh. Một là quan hệ tình dục vào thời điểm rụng trứng. Hai là trứng và tinh trùng của mẹ và bố phải khỏe mạnh.
- Quan hệ tình dục vào thời điểm rụng trứng:
Thụ tinh có thể xảy ra sau khi quan hệ tình dục sớm nhất là 5 ngày trước khi trứng rụng, bởi vì tinh trùng có thể tồn tại dài ngày trong cơ quan sinh sản của phụ nữ.
Nếu vợ chồng bạn đang muốn mang thai, những thời điểm tốt nhất để quan hệ tình dục là:
- Trong 3 ngày trước khi rụng trứng. Lúc này tinh trùng sẽ chờ trứng đi xuống ống dẫn trứng.
- Khi rụng trứng hoặc trong vòng 24 giờ sau khi rụng trứng: Trong trường hợp này, trứng sẽ chờ tinh trùng bơi đến và thụ tinh.
Vì vậy, xác định được ngày rụng trứng là chìa khóa để sự thụ tinh diễn ra nhanh chóng và dễ dàng hơn. Bạn có thể tính ngày rụng trứng dựa trên chu kỳ kinh nguyệt bằng cách lấy ngày hành kinh dự kiến tiếp theo trừ đi 12-16 ngày.
- Tình trạng sức khỏe của trứng và tinh trùng:
Yếu tố thứ hai ảnh hưởng đến khả năng thụ tinh là tình trạng sức khỏe của trứng và tinh trùng. Khi trứng không rụng, hoặc khi số lượng tinh trùng thấp hoặc có vấn đề về khả năng di chuyển, sự thụ tinh sẽ không thể xảy ra.
Bên cạnh đó, sự tắc nghẽn ở tinh hoàn ở người chồng, tắc nghẽn buồng trứng và ống dẫn trứng ở người vợ cũng là nguyên nhân ngăn cản sự thụ tinh. Khi lớn tuổi, sự giảm số lượng trứng và chất lượng tinh trùng cũng dẫn đến khó mang thai.
Vì vậy, vợ và chồng hãy cùng nhau đến khám sức khỏe tổng quát, đặc biệt là sức khỏe sinh sản trước khi mang thai để chuẩn bị tốt cho một thai kỳ khỏe mạnh.
Quá trình thụ tinh
2. Sự phát triển của thai nhi trong tử cung
Để dễ dàng theo dõi sự phát triển của thai nhi trong bụng mẹ, mẹ cần biết cách tính tuổi thai trong y khoa. Tuần đầu tiên của tuổi thai được tính là ngày đầu tiên của chu kỳ kinh cuối, cũng tức là trước khi thụ thai 2 tuần. Do đó, khi trứng và tinh trùng gặp gỡ và kết hợp, tuổi thai bắt đầu được tính là 2 tuần tuổi.
Sau khi trứng và tinh trùng kết hợp với nhau tạo thành hợp tử tại ống dẫn trứng, hợp tử sẽ di chuyển về phía tử cung, đồng thời cũng bắt đầu phân chia tế bào để tạo thành phôi.
Khoảng ngày thứ 10-14 sau khi thụ thai, phôi đã bám vào niêm mạc tử cung. Lúc này một số mẹ sẽ có hiện tượng ra máu bào thai.
Cũng vào tuần thứ 3 sau khi thụ thai (tuần thứ 5 của thai kỳ), nồng độ hormone HCG do phôi sản xuất tăng lên nhanh chóng, báo hiệu buồng trứng của mẹ ngừng rụng trứng và sản xuất ra nhiều hormone estrogen và progesterone. Các hormone này tăng cao sẽ làm ngừng chu kỳ kinh nguyệt, và cũng là dấu hiệu đầu tiên của thai kỳ. Khi dùng que thử thai vào thời gian này, que sẽ hiện lên 2 vạch.
Tuần lễ thứ 7-8 thai kỳ, mẹ có thể nghe tim thai thông qua máy siêu âm doppler.
Đến tuần thứ 12, các bộ phận của thai nhi đã hình thành tương đối đầy đủ. Thai nhi sẽ bắt đầu lớn rất nhanh. Đây cũng là mốc khám thai quan trọng không thể bỏ qua trong thai kỳ.
Từ tuần thứ 16-20, em bé bắt đầu vận động trong bụng mẹ và mẹ có thể cảm nhận những cơn thai máy rõ ràng. Lúc này mẹ có thể cho bé nghe nhạc hoặc thường xuyên kể chuyện cho bé nghe để kích thích trí não của bé.
Thai nhi tiếp tục phát triển trong bụng mẹ cho đến tuần thứ 40, con đã sẵn sàng để chào đời.
Thai nhi ở tuần 20
vì khoảnh khắc cảm nhận được thai máy rõ nhất từ tuần 20, mẹ thường sẽ vô cùng xúc động vì con đang “tương tác” với mẹ.
3. Các biểu hiện sớm của thai kỳ
Sự thay đổi về sinh lý nội tiết là nguyên nhân gây ra các dấu hiệu sớm ở phụ nữ mang thai như:
+ Trễ kinh: Nếu bạn trễ kinh hơn 1 tuần, có thể bạn đã mang thai. Tuy nhiên dấu hiệu này có thể gây nhầm lẫn nếu chu kỳ kinh nguyệt của bạn không đều.
+ Bầu ngực bị căng tức: Sự thay đổi nội tiết tố trong giai đoạn đầu mang thai có thể khiến ngực bạn nhạy cảm và đau nhức. Cảm giác khó chịu này sẽ giảm sau vài tuần.
+ Buồn nôn và nôn (Ốm nghén): Ốm nghén thường xuất hiện khoảng 1 tháng sau khi mang thai. Tuy nhiên tùy vào cơ địa mà có một số phụ nữ bị ốm nghén sớm hơn, một số khác lại không phải trải qua cảm giác khó chịu này.
+ Đi tiểu thường xuyên hơn: Khi mang thai, lượng máu trong cơ thể tăng lên khiến thận phải hoạt động nhiều hơn để đưa nước tiểu vào bàng quang.
+ Mệt mỏi: đây là dấu hiệu điển hình của thai kỳ và gặp ở đa số phụ nữ mang thai. Mẹ bầu có thể cảm thấy dễ buồn ngủ và thay đổi tâm trạng trong khoảng thời gian đầu mang thai.
Ngoài ra, mẹ bầu cũng có thể thấy đầu vú sậm màu hơn, hoặc bị táo bón, da cũng khô và xấu đi do mất cân bằng nội tiết tố trong thời gian mang thai.
Tuy nhiên, các dấu hiệu trên chỉ là “các dấu hiệu có thể có thai”, vì có thể gây nhầm lẫn với một tình trạng bệnh lý nào đó. Vì vậy, để xác định thật sự có thai, bạn có thể dùng que thử thai khi phát hiện trễ kinh, sau đó hãy đến khám sản khoa để làm các xét nghiệm khẳng định chắc chắn thai nhi đang hình thành trong bụng và được bác sĩ dự kiến ngày sinh, khám sức khỏe tổng quát cũng như tư vấn về sàng lọc trước sinh và sơ sinh.
Các dấu hiệu nhận biết có thai sớm
4. Chuẩn bị hành trang trước khi mang thai
4.1. Khám sức khỏe tiền hôn nhân
Một trong những hành trang quan trọng nhất trong quá trình chuẩn bị làm bố mẹ là khám sức khỏe tiền hôn nhân. Quá trình thăm khám giúp vợ chồng bạn kiểm tra sức khỏe tổng quát, đặc biệt là sức khỏe sinh sản để sớm phát hiện nguy cơ bệnh tật nói chung và bệnh lý về sinh sản nói riêng để có thể xử trí kịp thời và hiệu quả. Một số trường hợp còn giúp phòng tránh các bệnh lây truyền qua đường tình dục hoặc lây truyền từ mẹ sang con, dự phòng các dị tật bẩm sinh cho con yêu trong tương lai.
Hai vợ chồng bạn nên khám tiền sản khoảng 3-6 tháng trước ngày cưới.
4.2. Chăm sóc sức khỏe trước khi mang thai
Bạn nên chuẩn bị sẵn sàng sức khỏe, tâm lý và thời gian dự định mang thai để tránh các trường hợp có thai ngoài ý muốn.
Về tuổi tác, khi người mẹ lớn tuổi (>35 tuổi), khi khả năng em bé bị bất thường về di truyền sẽ cao hơn. Do đó ở độ tuổi này mẹ bầu nên được tư vấn, khám và theo dõi định kỳ tại các cơ sở y tế ngay khi phát hiện có thai. Mang thai khi còn trẻ (<19 tuổi) có nguy cơ cao về sinh non, thai nhi nhẹ cân và tử vong.
Bên cạnh đó, khi chuẩn bị mang thai, bạn nên có một chế độ dinh dưỡng hợp lý. Nên duy trì cân nặng ở giới hạn bình thường với BMI trong khoảng từ 18.5 – 24 (BMI là kết quả của phép chia cân nặng (kg) chia cho bình phương chiều cao (mét)). Khi người mẹ bị béo phì hoặc suy dinh dưỡng sẽ dễ mắc các bệnh lý chuyển hóa ảnh hưởng đến thai kỳ.
3 tháng trước khi dự kiến mang thai, mẹ nên bổ sung acid folic để giảm nguy cơ dị tật ống thần kinh ở con. Acid folic cũng cần được bổ sung mỗi ngày trong suốt thai kỳ.
Song song đó, người chồng cũng nên duy trì một chế độ dinh dưỡng hợp lý, thường xuyên vận động, bỏ thuốc là và rượu bia để tinh trùng được khỏe mạnh.
Ngoài ra, hai vợ chồng cần chuẩn bị tâm lý, tài chính, sắp xếp công việc và cuộc sống để sẵn sàng đón chào thành viên mới.
4.3. Tiêm ngừa trước mang thai
Dựa theo khuyến cáo của bộ Y tế, bạn nên tiêm ngừa trước khi mang thai nhằm tránh các bệnh lý có ảnh hưởng đến thai kỳ và em bé như Rubella, thủy đậu, viêm gan siêu vi B, uốn ván và cúm.
Một số loại vắc-xin cần tiêm trước mang thai 3 tháng như thủy đậu, sởi – quai bị – Rubella, cũng có một số loại có thể tiêm trước hoặc trong thai kỳ như bạch hầu – ho gà – uốn ván. Bên cạnh đó, mỗi người mẹ sẽ cần tiêm những vắc-xin khác nhau tùy thuộc vào tiền sử tiêm chủng và cơ địa của mỗi người. Do đó, bạn nên đi khám tiền sản để được tư vấn các mũi tiêm cần thiết khoảng 3-6 tháng trước khi quyết định mang thai.
Tóm lại
Một sự sống mới bắt đầu bằng cuộc gặp gỡ của trứng và tinh trùng, sau chín tháng mười ngày hình thành và phát triển trong bụng mẹ, em bé cất tiếng khóc chào đời trong sự mong chờ của gia đình. |
Để chuẩn bị cho một thai kỳ khỏe mạnhü Cả bố và mẹ nên khám sức khỏe trước khi quyết định mang thai và bồi dưỡng để có một nền tảng sức khỏe tốt. ü Mẹ nên được tiêm ngừa trước khi mang thai để giảm thiểu các rủi ro về bệnh lý có thể ảnh hưởng đến thai nhi và thai kỳ. |
Bài viết tham khảo nguồn:
Fetal development: The 1st trimester – Mayo Clinic
Conception: Fertilization, Process & When It Happens (clevelandclinic.org)
What is Ovulation? | When Does Ovulation Occur? (americanpregnancy.org)
Early Signs of Pregnancy | American Pregnancy Association
cam nang cham soc ba bau 2021 bản ko quảng cáo (moh.gov.vn)
Chăm sóc sức khỏe trước khi mang thai | Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản (medinet.gov.vn)