Tập thể dục là một phần không thể thiếu trong việc quản lý bệnh tiểu đường. Nghiên cứu đã chỉ ra rằng hoạt động thể chất không chỉ giúp kiểm soát lượng đường trong máu mà còn mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe nói chung. Tuy nhiên, đối với người mắc bệnh tiểu đường, việc tập thể dục đòi hỏi sự cẩn thận và kế hoạch phù hợp để tránh những rủi ro có thể xảy ra. Bài viết sau đây đưa ra các khuyến cáo của Viện Quốc gia về Bệnh tiểu đường, Tiêu hóa và Thận (NIDDK) (một phần của Viện Y tế Quốc gia Hoa Kỳ) về hoạt động thể chất và một số lưu ý cho bệnh nhân tiểu đường.
- Lợi ích của hoạt động thể chất đối với bệnh tiểu đường
Những người mắc bệnh tiểu đường nên vận động hợp lý, ngay cả khi họ dùng insulin hoặc các loại thuốc tiểu đường khác. Hoạt động thể chất thường xuyên giúp:
- Kiểm soát lượng đường trong máu: Tập thể dục giúp cơ bắp sử dụng glucose hiệu quả hơn, làm giảm đường huyết một cách tự nhiên.
- Cải thiện sức khỏe tim mạch: Hạ huyết áp, giảm cholesterol, và tăng cường chức năng tim mạch.
- Duy trì cân nặng lý tưởng: Kết hợp tập thể dục với chế độ ăn uống hợp lý giúp kiểm soát cân nặng, giảm nguy cơ phát triển các biến chứng.
- Cải thiện tâm trạng và giấc ngủ: Tập luyện thể chất giúp giảm căng thẳng, lo âu, và cải thiện chất lượng giấc ngủ.
Tăng cường thăng bằng và trí nhớ: Đặc biệt quan trọng đối với người cao tuổi, giúp giảm nguy cơ té ngã và suy giảm nhận thức:
- Thận trọng khi lên kế hoạch tập thể dục
Trước khi bắt đầu hoặc thay đổi chế độ tập luyện, người bệnh nên tham khảo ý kiến chuyên gia chăm sóc sức khỏe. Chuyên gia sẽ đưa ra những gợi ý về:
- Loại hoạt động thể chất: Dựa trên tình trạng sức khỏe, tuổi tác, mức độ tập luyện hiện tại, và loại thuốc điều trị.
- Thời gian tập luyện: Xác định thời điểm phù hợp trong ngày, thường phụ thuộc vào chế độ ăn uống và việc sử dụng thuốc.
- Biện pháp phòng ngừa: Đặc biệt quan trọng với những người có các biến chứng như tổn thương thần kinh, bệnh tim, hoặc bệnh lý về mắt.
- Các loại hoạt động thể chất khuyến nghị
Bạn không cần phải bắt đầu bằng những bài tập quá nặng. Hãy chọn những hoạt động mà bạn cảm thấy thoải mái và hứng thú, sau đó dần dần tăng cường thời gian và cường độ tập luyện, cũng như thay đổi các loại hoạt động khác nhau. Việc có một người bạn tập cùng sẽ giúp bạn duy trì động lực và có những giây phút vui vẻ.
- Aerobics (thể dục nhịp điệu)
Đây là loại hình vận động giúp tăng cường sức khỏe tim mạch và cải thiện hô hấp. Một số ví dụ bao gồm đi bộ, khiêu vũ, bơi lội, …. Người trưởng thành nên cố gắng tập ít nhất 150 phút mỗi tuần, tương đương với 30 phút mỗi ngày trong hầu hết các ngày. Các buổi tập có thể được chia nhỏ để phù hợp với lịch trình cá nhân. - Tập luyện sức mạnh
Các bài tập như nâng tạ, chống đẩy, hoặc sử dụng dây kháng lực giúp tăng cường cơ bắp và xương. Loại hình này được khuyến nghị thực hiện hai lần mỗi tuần. - Các hoạt động giữ thăng bằng và kéo giãn
Những bài tập như đứng trên một chân, yoga, hoặc duỗi chân giúp cải thiện sự linh hoạt, giảm nguy cơ té ngã và tăng cường khả năng vận động. Người bệnh có thể thực hiện các bài tập này từ hai đến ba lần mỗi tuần.
Lưu ý: Một số hoạt động giữ thăng bằng có thể không an toàn nếu người bệnh bị tổn thương thần kinh hoặc gặp vấn đề về thị giác. Hãy tham khảo ý kiến chuyên gia trước khi thực hiện.
- Các thận trọng cần chú ý khi tập thể dục
4.1. Uống đủ nước
Uống nước thường xuyên để tránh mất nước trong khi tập thể dục. Mất nước xảy ra khi mất quá nhiều chất lỏng từ cơ thể hơn lượng chất lỏng bạn nạp, khi đó cơ thể bạn không có đủ nước để hoạt động bình thường. Đồ uống thể thao thường không cần thiết đối với các hoạt động cường độ vừa phải, do chúng chứa nhiều đường và calo không cần thiết.
4.2. Tránh hạ đường huyết
Hoạt động thể chất có thể làm giảm đáng kể lượng đường trong máu. Người bệnh nên kiểm tra mức đường huyết trước, trong, và sau khi tập thể dục, đặc biệt nếu đang sử dụng insulin hoặc các loại thuốc điều trị tiểu đường khác.
- Chuẩn bị sẵn thực phẩm bổ sung glucose nhanh như viên glucose, nước ép trái cây, mật ong, hoặc nước ngọt có đường để điều trị kịp thời hạ đường huyết.
- Tham khảo chuyên gia chăm sóc sức khỏe để điều chỉnh liều thuốc hoặc bổ sung carbohydrate phù hợp.
4.3. Tránh đường huyết cao và nhiễm toan ceton
- Tập thể dục khi lượng đường trong máu của bạn cao hơn bình thường có thể làm giảm mức đường huyết của bạn. Tuy nhiên, nếu bạn không khỏe và đường huyết rất cao thì tốt nhất là tránh tập thể dục cho đến khi đường huyết của bạn trở lại mức bình thường.
- Nếu lượng đường trong máu quá cao nhưng không có đủ insulin, cơ thể không thể sử dụng glucose mà chuyển qua sử dụng chất béo làm năng lượng, dẫn đến tăng sản xuất chất hóa học gọi là ceton. Nồng độ ceton cao trong máu có thể dẫn đến tình trạng nhiễm toan ceton – một tình trạng nguy hiểm cần được xử lý ngay lập tức. Nhiễm toan ceton phổ biến nhất ở những người mắc bệnh tiểu đường tuýp 1, nhưng cũng có thể ảnh hưởng đến tiểu đường tuýp 2 đã mất khả năng sản xuất insulin.
4.4. Chăm sóc đôi chân
Người bệnh tiểu đường dễ gặp vấn đề về chân do tổn thương thần kinh và mạch máu. Để bảo vệ đôi chân:
- Đi giày thoái mái, kiểm tra bên trong giày để đảm bảo không có vật lạ.
- Chọn tất sạch sẽ, có đệm nhẹ, vừa vặn, nên không có đường may.
- Không đi chân trần hoặc chỉ mang tất khi tập luyện.
- Kiểm tra chân mỗi ngày để phát hiện sớm các vết thương hoặc bất thường. Điều này đặc biệt quan trọng đối với người bị biến chứng thần kinh ngoại biên.
Kết luận
Tập thể dục không chỉ giúp kiểm soát bệnh tiểu đường mà còn cải thiện chất lượng cuộc sống và ngăn ngừa nhiều biến chứng nguy hiểm. Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn, người bệnh cần lên kế hoạch cẩn thận, tham khảo ý kiến chuyên gia và tuân thủ các biện pháp an toàn. Bằng cách kết hợp tập thể dục với chế độ ăn uống lành mạnh và tuân thủ điều trị, người bệnh tiểu đường có thể sống khỏe mạnh và năng động hơn.Để góp phần giúp các bệnh nhân thay đổi thói quen vận động phù hợp để kiểm soát tốt bệnh tiểu đường, FPT MediCare đang tiên phong trong việc ứng dụng các công nghệ hiện đại cho mục đích chăm sóc sức khỏe, trong đó có bệnh tiểu đường. Bên cạnh đó, công nghệ theo dõi đường huyết liên tục đã tạo ra một cuộc cách mạng trong việc quản lý đường huyết. Máy đo đường huyết liên tục 3P của FPT MediCare, giúp theo dõi chính xác mức đường huyết 24/7, từ đó giúp bạn hiểu rõ hơn về cơ thể và các yếu tố ảnh hưởng đến đường huyết của mình. Nhờ vậy, bạn có thể điều chỉnh chế độ ăn uống, hoạt động thể chất và thói quen sinh hoạt một cách hiệu quả. Với máy đo đường huyết liên tục 3P của FPT, việc quản lý bệnh tiểu đường trở nên đơn giản và hiệu quả hơn bao giờ hết. Để hiểu hơn về lợi ích của thiết bị này, bạn có thế tham khảo thêm sản phẩm và các bài viết khác trên trang web https://fptmedicare.vn/.
Bài viết tham khảo nguồn:
https://medlineplus.gov/dehydration.html
https://www.betterhealth.vic.gov.au/health/conditionsandtreatments/diabetes-and-exercise
https://www.niddk.nih.gov/health-information/diabetes/overview/preventing-problems/foot-problems