Bệnh tiểu đường là một tình trạng mãn tính ảnh hưởng đến nhiều cơ quan trong cơ thể, bao gồm cả khoang miệng. Những người mắc bệnh này có nguy cơ cao hơn gặp phải các vấn đề như bệnh nướu răng (viêm nha chu), sâu răng, khô miệng, tưa miệng, và các biến chứng răng miệng nghiêm trọng khác. Đáng lưu ý, các vấn đề răng miệng không chỉ là hậu quả mà còn có thể làm trầm trọng thêm tình trạng bệnh tiểu đường, tạo thành một vòng luẩn quẩn. Bài viết này của FPT MediCare sẽ cung cấp thông tin về các khuyến cáo và các biện pháp chăm sóc răng miệng hiệu quả cho người bệnh tiểu đường.
- Bệnh tiểu đường có thể ảnh hưởng xấu lên sức khỏe răng miệng
Bệnh tiểu đường làm tăng nguy cơ mắc bệnh răng miệng thông qua một số cách khác nhau. Cụ thể, mức đường huyết cao dẫn đến nồng độ glucose trong nước bọt tăng, tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn phát triển. Đồng thời, dòng chảy nước bọt thay đổi có thể gây khô miệng, làm mất khả năng bảo vệ tự nhiên của nước bọt đối với răng và nướu. Điều này dẫn đến sự hình thành mảng bám, cao răng và các bệnh lý như viêm nướu, viêm nha chu.
Khi sức khỏe răng của bạn không tốt, nó có thể ảnh hưởng đáng kể lên chức năng nhai của bạn. Nghiên cứu cho thấy nhưng người có chức năng nhai thức ăn giảm có chỉ số HbA1c (chỉ số phản ánh mức đường huyết trong 2-3 tháng gần nhất) cao hơn, dẫn đến sự kiểm soát đường huyết và các biến chứng kém hơn. Do việc nhai tốt giúp cơ thể hấp thu chất dinh dưỡng hiệu quả hơn, giảm nguy cơ tăng đường huyết đột ngột sau khi ăn, kiểm soát cảm giác no và hạn chế ăn quá nhiều.
- Dấu hiệu nhận biết các vấn đề răng miệng
Người mắc bệnh tiểu đường nên chú ý đến các dấu hiệu bất thường trong khoang miệng, bao gồm:
- Nướu đỏ hoặc sưng.
- Chảy máu nướu răng sau khi đánh răng.
- Mùi vị khó chịu hoặc hôi miệng.
- Răng lung lay, khoảng cách giữa các răng tăng lên.
- Răng trông dài hơn do tụt nướu.
- Cao răng tích tụ nhiều.
Nếu nhận thấy bất kỳ dấu hiệu nào trên, bạn nên đến nha sĩ kiểm tra ngay để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
- Tại sao kiểm tra răng miệng định kỳ là quan trọng?
Đối với người bệnh tiểu đường, kiểm tra răng miệng định kỳ không chỉ là biện pháp phòng ngừa mà còn giúp kiểm soát bệnh hiệu quả. Nha sĩ là người đồng hành quan trọng trong việc giữ cho miệng khỏe mạnh và điều trị các vấn đề về miệng trước khi chúng trở nên nghiêm trọng. Nha sĩ có thể phát hiện sớm các vấn đề răng miệng và đưa ra phương pháp điều trị phù hợp. Nếu được phát hiện và xử lý sớm, bệnh nướu răng có thể được kiểm soát trước khi dẫn đến mất răng hoặc làm tình trạng tiểu đường trở nên khó kiểm soát hơn.
- Một số gợi ý để chăm sóc răng miệng hiệu quả
Vì những người bị tiểu đường dễ mắc các tình trạng có thể gây hại cho sức khỏe răng miệng, nên điều quan trọng là cần tuân thủ các biện pháp vệ sinh răng miệng tốt và đặc biệt chú ý đến bất kỳ thay đổi nào về sức khỏe răng miệng. Bạn có thể tham khảo một số gợi ý cho việc chăm sóc sức khỏe răng miệng cho người mắc bệnh tiểu đường như sau, để duy trì sức khỏe khoang miệng và kiểm soát bệnh.
4.1. Kiểm soát đường huyết
Duy trì lượng đường trong máu ở mức ổn định là yếu tố tiên quyết để ngăn ngừa các vấn đề răng miệng. Bạn cần tuân thủ hướng dẫn điều trị của bác sĩ và kiểm tra đường huyết thường xuyên.
4.2. Vệ sinh răng và nướu đúng cách
- Đánh răng hai lần mỗi ngày trong ít nhất 2 phút bằng bàn chải mềm hoặc bàn chải điện.
- Sử dụng kem đánh răng hoặc nước súc miệng chống mảng bám theo khuyến nghị của nha sĩ.
- Làm sạch kẽ răng hàng ngày bằng chỉ nha khoa hoặc bàn chải kẽ răng.
- Sử dụng thêm nước súc miệng chuyên dụng nếu cần.
4.3. Ăn uống lành mạnh
Tuân theo chế độ ăn đã được bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng thiết kế để kiểm soát đường huyết và hạn chế tác động xấu lên răng.
4.4. Kiểm tra nha khoa định kỳ
- Đặt lịch hẹn với nha sĩ ít nhất 2 lần mỗi năm, hoặc thường xuyên hơn nếu có chỉ định. Bạn nên đến gặp nha sĩ ngay nếu bạn nhận thấy bất kỳ dấu hiệu hoặc triệu chứng nào của vấn đề về miệng.
- Cập nhật cho nha sĩ về tình trạng sức khỏe, việc quản lý đường huyết và các loại thuốc bạn đang sử dụng.
4.5. Chăm sóc đặc biệt khi điều trị nha khoa
Nếu bạn cần thực hiện các thủ thuật nha khoa chuyên sâu hay phẫu thuật miệng, hãy chuẩn bị cẩn thận để giảm nguy cơ biến chứng:
- Kiểm tra đường huyết trước và sau thủ thuật theo chỉ dẫn của bác sĩ.
- Hỏi bác sĩ về cách điều chỉnh thuốc, liều thuốc hoặc thời gian sử dụng thuốc nếu cần.
- Tuân thủ theo hướng dẫn sau phẫu thuật để thúc đẩy quá trình lành thương, do đường huyết cao có thể làm làm tăng nguy cơ nhiễm trùng sau phẫu thuật miệng và cũng có thể khiến miệng bạn lâu lành hơn.
Kết luận
Người mắc bệnh tiểu đường cần coi sức khỏe răng miệng là một phần quan trọng trong việc quản lý bệnh. Chăm sóc răng miệng khi bị bệnh tiểu đường đòi hỏi sự cẩn trọng và cam kết từ người bệnh. Việc này không chỉ giúp duy trì nụ cười khỏe mạnh mà còn góp phần kiểm soát đường huyết, giảm nguy cơ biến chứng toàn thân, bằng cách tuân thủ các biện pháp vệ sinh, duy trì lối sống lành mạnh và thường xuyên kiểm tra nha khoa. Với sự phối hợp chặt chẽ giữa bạn, nha sĩ và bác sĩ điều trị, việc kiểm soát bệnh tiểu đường và các vấn đề răng miệng sẽ trở nên dễ dàng và hiệu quả hơn.
Máy đo đường huyết liên tục 3P của FPT MediCare: Người bạn đồng hành tin cậy cho người bệnh tiểu đườngĐể góp phần vào sứ mệnh cá nhân hóa việc kiểm soát đường huyết hiệu quả và an toàn cho bệnh nhân tiểu đường, FPT MediCare đang tiên phong trong phát triển công nghệ theo dõi đường huyết, trong đó có máy đo đường huyết liên tục 3P. Thiết bị này giúp bạn theo dõi đường huyết liên tục trong 14 ngày và hiển thị trực quan trên ứng dụng, cho phép người dùng nắm bắt chi tiết biến động đường huyết, từ đó cá nhân hóa chế độ ăn uống và tập luyện. Ngoài ra, tính năng cảnh báo thông minh, chia sẻ dữ liệu với người thân và bác sĩ, cùng công nghệ bảo mật cao đảm bảo an toàn thông tin và tăng cường sự an tâm. Máy đo đường huyết 3P mang đến cuộc sống tự do, tận hưởng khoảnh khắc và làm chủ sức khỏe mỗi ngày. Để tìm hiểu thêm về máy đo đường huyết liên tục 3P, bạn có thể tham khảo thêm sản phẩm hoặc các bài viết khác tại website https://fptmedicare.vn/.
Bài viết tham khảo nguồn:
https://my.clevelandclinic.org/health/diseases/11263-oral-health-problems-and-diabetes
https://www.diabetesresearchclinicalpractice.com/article/S0168-8227(17)31926-5/fulltext