Tăng huyết áp thai kỳ có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng cho người mẹ như tiền sản giật, sản giật, đột quỵ,.. Không chỉ vậy, tăng huyết áp còn khiến trẻ bị sinh non, nhẹ cân. Việc hiểu đúng, nhận biết kịp thời và dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ là rất cần thiết để giảm thiểu những rủi ro các thể xảy ra cho bạn và con của mình trong thời kỳ này.
1. Tại sao tăng huyết áp lại là một vấn đề khi mang thai?
1.1. Các rủi ro thai phụ có thể gặp khi bị tăng huyết áp trong thời kỳ mang thai
– Giảm lưu lượng máu đến nhau thai: Nếu nhau thai không nhận đủ máu, em bé sẽ nhận được ít khí oxy và chất dinh dưỡng hơn. Điều này khiến bào thai tăng trưởng chậm trong tử cung và dẫn đến tình trạng nhẹ cân hoặc sinh non. Trẻ sinh non có thể gặp các vấn đề về hô hấp, tăng nguy cơ nhiễm trùng và các biến chứng nguy hiểm khác.
– Nhau bong non: Đây là tình trạng nhau thai tách ra khỏi thành trong của tử cung trước khi sinh. Huyết áp cao làm tăng nguy cơ nhau bong non. Việc bong nhau nghiêm trọng có thể gây chảy máu nhiều, từ đó đe dọa tính mạng của mẹ và bé.
– Hạn chế tăng trưởng của bào thai: Huyết áp cao có thể dẫn đến chậm hoặc giảm sự phát triển của bào thai trong tử cung người mẹ.
– Tổn thương các cơ quan khác: Tình trạng tăng huyết áp nếu không được kiểm soát tốt có thể dẫn đến tổn thương não, mắt, tim, phổi, thận, gan và các cơ quan quan trọng khác. Trong trường hợp nghiêm trọng, tăng huyết áp có thể đe dọa tính mạng người bệnh.
– Sinh sớm: Huyết áp cao của người mẹ khiến việc sinh nở trở nên khó khăn hơn. Do đó, để em bé có đủ oxy và chất dinh dưỡng phát triển, người mẹ có thể phải sinh sớm. Việc sinh sớm sẽ giúp người mẹ ngăn ngừa các biến chứng đe dọa tính mạng do tăng huyết áp trong thai kỳ.
– Tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch: Việc bị tiền sản giật có thể làm tăng nguy cơ mắc các bệnh tim mạch trong tương lai. Nguy cơ này sẽ cao hơn nếu bạn bị tiền sản giật nhiều lần. Nó cũng cao hơn nếu bạn sinh non do tăng huyết áp khi mang thai.
Các rủi ro của tăng huyết áp nếu không được kiểm soát tốt có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm đe dọa tính mạng người mẹ và em bé. Vậy các biến chứng sản phụ có thể gặp phải trong thời kỳ này là gì?
1.2. Các biến chứng của tăng huyết áp thai kỳ
Các biến chứng do huyết áp cao đối với mẹ và trẻ sơ sinh có thể bao gồm:
– Đối với người mẹ: tiền sản giật, sản giật, đột quỵ, khởi phát chuyển dạ (dùng thuốc để bắt đầu chuyển dạ, sinh con) và nhau bong non (nhau thai tách ra khỏi thành tử cung của người mẹ).
– Đối với em bé: sinh non (sinh trước 37 tuần của thai kỳ) và nhẹ cân (khi em bé sinh ra nặng dưới 2,5 kg).
2. Làm thế nào để nhận biết nếu tôi bị tăng huyết áp thai kỳ?
Theo dõi huyết áp là một phần quan trọng của việc chăm sóc sức khỏe trước khi sinh. Nếu bạn bị tăng huyết áp mãn tính, các chuyên gia y tế bạn sẽ kiểm tra và chẩn đoán mức độ tăng huyết áp cho bạn. Theo Hội Tim mạch học Việt Nam, phân độ tăng huyết áp có thể được tóm tắt như sau:
– Huyết áp bình thường:
+ Huyết áp tâm thu: 120 – 129 mmHg và/hoặc
+ Huyết áp tâm trương: 80 – 84 mmHg.
– Huyết áp bình thường cao:
+ Huyết áp tâm thu: 130 – 139 mmHg và/hoặc
+ Huyết áp tâm trương: 85 – 89 mmHg.
Nếu không thực hiện các biện pháp kiểm soát và phòng ngừa, tăng huyết áp sẽ có xu hướng trở nên tồi tệ hơn theo thời gian.
– Tăng huyết áp độ 1:
+ Huyết áp tâm thu: 140 – 159 mmHg và/hoặc
+ Huyết áp tâm trương: 90 – 99 mmHg.
– Tăng huyết áp độ 2: Giai đoạn này nghiêm trọng hơn.
+ Huyết áp tâm thu: 160 – 179 mmHg và/hoặc
+ Huyết áp tâm trương: 100 – 109 mmHg.
Sau 20 tuần mang thai, NẾU chỉ số huyết áp cao hơn 140/90 mmHg mà không có bất kỳ tổn thương cơ quan nào khác thì được coi là tăng huyết áp thai kỳ.
Cần đo và ghi lại huyết áp 2 lần trở lên, cách nhau ít nhất 4 giờ.
3. Tôi có nên dùng thuốc khi bị tăng huyết áp thai kỳ hay không?
Một số loại thuốc huyết áp được xem là an toàn để sử dụng trong thời kỳ mang thai. Tuy nhiên, cần tránh dùng thuốc ức chế men chuyển (ACEI), thuốc ức chế thụ thể angiotensin II (ARB) và thuốc ức chế renin trong thai kỳ.
Việc nhận biết và điều trị tăng huyết áp thai kỳ kịp thời là rất quan trọng. Tình trạng huyết áp cao kéo dài có thể làm tăng nguy cơ gây đau tim, đột quỵ và các biến chứng nghiêm trọng khác. Không dừng lại ở đó, huyết áp cao còn có thể gây nguy hiểm cho em bé của bạn sau này.
Vì vậy, bác sĩ sẽ giúp bạn cân nhắc giữa lợi ích và rủi ro để quyết định bạn có nên dùng thuốc hay không. Nếu bạn cần dùng thuốc để kiểm soát huyết áp trong khi mang thai, bác sĩ sẽ giúp bạn kê đơn loại thuốc và liều lượng an toàn nhất. Do đó, việc thăm khám kịp thời tại các cơ sở y tế là vô cùng quan trọng. Đồng thời, sau khi thăm khám, người bệnh hãy nhớ dùng thuốc chính xác theo chỉ dẫn của bác sĩ. Tuyệt đối không được tự ý ngừng dùng hoặc thay đổi liều lượng thuốc sử dụng.
Bài viết tham khảo nguồn:
https://www.mayoclinic.org/healthy-lifestyle/pregnancy-week-by-week/in-depth/pregnancy/art-20046098
https://www.nhs.uk/pregnancy/related-conditions/complications/high-blood-pressure/