Tăng huyết áp thứ phát (THA thứ phát) là tình trạng người bệnh có mức huyết áp tăng cao, gây ra bởi một tình trạng hoặc một loại bệnh lý khác. Để điều trị và phòng ngừa THA thứ phát này hiệu quả, bài viết dưới đây đề cập đến nguyên nhân và các dấu hiệu giúp bạn nhận biết có đang bị loại bệnh này hay không.
1. Nguyên nhân gây ra THA thứ phát ?
Tăng huyết áp thứ phát có thể là biến chứng của một số bệnh lý khác liên quan đến thận, động mạch hoặc hệ thống nội tiết của cơ thể. Có thể kể đến như:
● Bệnh lý chủ mô thận: bệnh thận mạn, viêm cầu thận cấp, viêm cầu thận mạn, bệnh thận đa nang, u thận, tắc nghẽn đường niệu…
● Bệnh lý mạch máu thận: xơ vữa động mạch thận, loạn sản xơ cơ,…
● Bệnh lý tuyến thượng thận: u tủy thượng thận, bệnh Paraganglioma, u tiết Aldosterone vỏ thượng thận, hội chứng Cushing (nội sinh hoặc do thuốc kháng viêm có chứa corticoid),…
● Biến chứng trên thận do tiểu đường: Bệnh tiểu đường có thể làm hỏng hệ thống lọc của thận, dẫn đến huyết áp tăng cao.
● Bệnh lý tuyến giáp: suy giáp, cường giáp,…
● Thuốc và các chất bổ sung: một số loại thuốc như thuốc giảm đau, thuốc tránh thai, thuốc kháng viêm và thuốc dùng sau khi cấy ghép nội tạng, các loại thảo dược bổ sung bao gồm nhân sâm, cam thảo và cây ma hoàng có thể gây ra hoặc làm trầm trọng thêm bệnh cao huyết áp ở một số người.
Các nguyên nhân khác có thể gây tăng huyết áp thứ phát bao gồm:
● Hẹp eo động mạch chủ bẩm sinh: tình trạng động mạch chủ của cơ thể bị thu hẹp buộc tim phải bơm máu mạnh hơn để đưa máu qua động mạch chủ và đến phần còn lại của cơ thể, dẫn tới huyết áp tăng cao.
● Bệnh béo phì: Khi trọng lượng cơ thể tăng lên, lượng máu lưu thông trong cơ thể sẽ tăng theo. Thêm vào đó, người bệnh tích tụ nhiều mỡ thừa gây cản trở việc lưu thông máu, khiến tim phải co bóp nhiều hơn để bù đắp lại sự thiếu hụt, kéo theo sự tăng lên của huyết áp.
● Chứng ngưng thở lúc ngủ: cơ thể vẫn hít vào một lượng khí trong lúc ngủ, chúng đi qua các vùng hẹp bên trong và tạo ra tiếng ngáy. Nếu khi ngủ ngáy liên tục và dữ dội, luồng khí này có thể bị tắc nghẽn, gây hạn chế đường thở hoặc ngưng thở hoàn toàn. Từ đó gây ra tình trạng oxy máu giảm thấp, tim phải hoạt động nhiều hơn để bù đắp oxy khiến huyết áp tăng cao trong lúc ngủ.
● Thai kỳ: thời kỳ mang thai có thể làm cho tình trạng huyết áp bình thường trở nên tăng cao, hoặc trầm trọng hơn nếu đã mắc THA trước đó.
Béo phì là một trong những nguyên nhân gây tăng huyết áp thứ phát
2. Các yếu tố nguy cơ của bệnh tăng huyết áp thứ phát
Các yếu tố nguy cơ mắc bệnh tăng huyết áp thứ phát có thể gặp phải trên các đối tượng sau:
● Mắc các bệnh lý liên quan đến thận, tim mạch hay các vấn đề về hệ thống nội tiết.
● Sinh con muộn sau tuổi 35, mang đa thai, dễ có nguy cơ tăng huyết áp thai kỳ, tiền sản giật.
● Lạm dụng các thuốc giảm đau, thuốc kháng viêm corticoid.
● Thừa cân và béo phì, người có chỉ số khối cơ thể (BMI) là 23 hoặc cao hơn
● Ăn nhiều muối
● Hút thuốc lá
● Uống rượu bia thường xuyên
● Ít vận động
● Stress, thường xuyên căng thẳng trong cuộc sống.
3. Làm thế nào để đánh giá tôi có nguy cơ cao mắc THA thứ phát hay không?
Tăng huyết áp thứ phát thường không có triệu chứng cụ thể, ngay cả khi huyết áp đã đạt đến mức cao nguy hiểm. Đối với những người được chẩn đoán đã mắc bệnh cao huyết áp, việc có bất kỳ dấu hiệu nào sau đây có thể có nghĩa là tình trạng này là tăng huyết áp thứ phát:
– Tăng huyết áp khởi phát sớm ở bệnh nhân trước 30 tuổi, đặc biệt tăng huyết áp ở tuổi thiếu niên.
– Huyết áp đang ổn định nhưng đột ngột tăng cao hoặc diễn biến xấu đi, có sự lan rộng làm tổn thương một số cơ quan đích như não, hệ tim mạch và thận,..
– Huyết áp vẫn cao dai dẳng mặc dù trước đó đã dùng thuốc để kiểm soát huyết áp.
– Tăng huyết áp độ 3 (huyết áp tâm thu ≥180mmHg, huyết áp tâm trương ≥110 mmHg) hoặc tăng huyết áp cấp cứu (tình trạng huyết áp tăng cao ≥180/120 mmHg).
– Gia đình không có tiền sử cao huyết áp.
– Không béo phì.
Tình trạng huyết áp tăng cao đột ngột có thể là một dấu hiệu của bệnh lý tăng huyết áp thứ phát.
4. Điều trị và phòng ngừa bệnh lý tăng huyết áp thứ phát
Những người bị tăng huyết áp thứ phát thường được phát hiện tình cờ hoặc xuất hiện các biểu hiện bệnh trong lúc thăm khám. Các biểu hiện này có thể là:
● Tăng huyết áp kháng trị (bệnh nhân không hạ được tới mức huyết áp mục tiêu dù đã dùng đủ liều thuốc)
● Xuất hiện các tổn thương trên cơ quan đích như tổn thương não, tiền sản giật, suy tâm thất trái có phù phổi, thiếu máu cơ tim, suy thận,..
Để điều trị tăng huyết áp thứ phát, sẽ cần phải giải quyết triệt để các nguyên nhân gốc rễ của bệnh bằng thuốc hoặc phẫu thuật, sau đó mức huyết áp sẽ giảm hoặc trở lại bình thường.
Bên cạnh đó, người bệnh có thể cần phải dùng nhiều loại thuốc kết hợp với thay đổi lối sống để kiểm soát tốt huyết áp của mình.
Để phòng ngừa bệnh lý tăng huyết áp thứ phát, người bệnh cần duy trì lối sống khoa học và lành mạnh để giữ huyết áp ở mức bình thường, giảm nguy cơ gây ra các biến chứng trên tim mạch và bệnh đột quỵ. Các việc làm có thể kể đến giúp thay đổi lối sống lành mạnh để giữ cho tim khỏe mạnh và kiểm soát tốt huyết áp, bao gồm:
● Ăn thực phẩm lành mạnh: thiết lập một chế độ ăn giàu dinh dưỡng và chứa nhiều chất xơ, bao gồm rau, trái cây tươi và sữa ít béo. Ngũ cốc nguyên hạt, các loại đậu, quả hạch, cá béo và thịt gia cầm được cho phép sử dụng ở lượng vừa phải. Các loại thịt đỏ và đồ ngọt, nhiều đường không được khuyến khích, người bệnh càng hạn chế càng tốt.
● Giảm muối trong khẩu phần ăn.
● Duy trì cân nặng khỏe mạnh: bằng cách tăng cường hoạt động thể chất ít nhất 30 phút mỗi ngày.
● Hạn chế uống rượu bia: ngay cả khi bạn khỏe mạnh, rượu vẫn có thể làm tăng huyết áp. Nếu bạn chọn uống rượu, hãy uống có chừng mực. Đối với người lớn khỏe mạnh, tối đa một ly mỗi ngày đối với phụ nữ và hai ly mỗi ngày đối với nam giới.
● Không hút thuốc: thuốc lá làm tổn thương thành mạch máu và đẩy nhanh quá trình xơ cứng động mạch. Không chỉ làm tăng nguy cơ cao huyết áp, thuốc lá còn là tác nhân phổ biến gây đau tim và đột quỵ. Vì vậy, hãy bỏ thuốc lá càng sớm càng tốt cho sức khỏe của bạn.
● Quản lý căng thẳng, stress: giảm các căng thẳng, áp lực hàng ngày càng nhiều càng tốt thông qua việc vận động thể chất, hít thở sâu và massage thư giãn các cơ bắp. Tinh thần của bạn cũng tích cực hơn, dễ chịu và thoải mái hơn rất nhiều nếu có một giấc ngủ ngon mỗi ngày.
● Không tự ý sử dụng các loại thuốc: các loại thuốc giảm đau, thuốc kháng viêm corticoid chỉ được sử dụng theo chỉ định của bác sĩ để tránh xảy ra tình trạng tăng huyết áp khẩn cấp.
● Điều trị triệt để các bệnh lý có thể gây tổn thương thận: các loại bệnh lý như sỏi thận, viêm thận bể thận, hội chứng Cushing,…
Duy trì chế độ ăn lành mạnh có thể giúp bạn phòng ngừa bệnh lý tăng huyết áp thứ phát, giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch và đột quỵ.
Tăng huyết áp thứ phát là một tình trạng bệnh có khả năng đe dọa tính mạng, làm gia tăng các biến chứng tim mạch và rối loạn chức năng cơ quan đích. Điều cần thiết là cần phải xác định các triệu chứng cụ thể của nguyên nhân thứ phát gây tăng huyết áp và tham khảo ý kiến bác sĩ để chẩn đoán sớm và điều trị. Tất cả bệnh nhân đang điều trị tăng huyết áp thứ
phát nên thực hiện lối sống lành mạnh, dùng thuốc đúng cách và theo dõi huyết áp thường xuyên tại nhà. Trên đây là những thông tin liên quan đến tăng huyết áp thứ phát, hy vọng có thể giúp ích cho bạn đọc biết cách phòng tránh và điều trị căn bệnh này một cách hiệu quả hơn.
Tài liệu tham khảo:
https://www.ncbi.nlm.nih.gov/books/
https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/secondary-hypertension/symptoms-causes/syc-20350679 – https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/secondary-hypertension/diagnosis-treatment/drc-20350684