Người bệnh suy tim thường có nhịp tim nhanh hoặc chậm hơn so với người bình thường do các thay đổi về cấu trúc và hoạt động của tim. Rối loạn nhịp tim trong thời gian dài kèm theo cái yếu tố nguy cơ tim mạch có thể gây ra bệnh lý suy tim. Hãy đến gặp bác sĩ khi nhịp tim bạn bất thường và có các triệu chứng kèm theo để có thể phát hiện kịp thời và có các biện pháp cải thiện sức khỏe tim mạch.
1 Nhịp tim của người suy tim có gì khác biệt so với người bình thường?
1.1 Nhịp tim bình thường là bao nhiêu?
Nhịp tim chính là số lần tim đập trong vòng một phút. Nhịp tim có sự khác biệt giữa trạng thái nghỉ ngơi và trạng thái lao động hay tập luyện cường độ cao.
Nhịp tim khi nghỉ ngơi bao nhiêu là bình thường?
Nhịp tim khi nghỉ ngơi của một người trưởng thành khoẻ mạnh thường nằm trong khoảng 60 – 100 nhịp/ phút.
Đối với những người hoạt động thể chất nhiều hoặc vận động viên, nhịp tim có thể giảm đến 40 – 60 nhịp/phút. Nguyên nhân của sự khác biệt này là vì trái tim họ có trạng thái tốt hơn và không cần hoạt động quá sức để duy trì nhịp đập ổn định.
Nhịp tim khi nghỉ ngơi thấp hơn 60 nhịp/ phút có thể xem là bình thường với một số người đang dùng các loại thuốc như thuốc chẹn beta*.
*Thuốc chẹn beta được dùng điều trị các bệnh lý tim mạch như: tăng huyết áp, rối loạn nhịp, suy tim, nhồi máu cơ tim,…
Nhịp tim thay đổi thế nào khi hoạt động thể chất ?
Khi chúng ta hoạt động thể chất, trái tim cần tăng hoạt động để đáp ứng nhu cầu của cơ thể. Lúc này, nhịp tim của bạn có thể tăng lên đến 180 – 200 nhịp/ phút. Tuy nhiên cần đảm bảo rằng khi tập luyện, nhịp tim của bạn nằm trong khoảng giới hạn an toàn.
( Hình minh họa: Nhịp tim của bệnh nhân suy tim và nhịp tim bình thường)
Bảng sau đây cho thấy giới hạn tối đa và khoảng an toàn của nhịp tim người bình thường tính theo cường độ hoạt động và độ tuổi.
Bảng 1: Giới hạn tối đa và khoảng nhịp tim an toàn.
Tuổi | Khoảng an toàn (nhịp/phút) | Giới hạn tối đa (nhịp/phút) | |
Hoạt động cường độ vừa phải | Hoạt động cường độ cao | ||
20 | 100 – 140 | 140 – 170 | 200 |
30 | 95 -133 | 133 – 162 | 190 |
40 | 90 – 126 | 126 – 153 | 180 |
50 | 85 – 119 | 119 – 145 | 170 |
60 | 80 – 112 | 112 – 136 | 160 |
70 | 75 – 105 | 105 – 128 | 150 |
1.2 Nhịp tim ở người bệnh suy tim
Người bệnh suy tim thường có:
- Những thay đổi phức tạp về cấu trúc tim
- Sự bất thường của các chỉ số liên quan đến hoạt động của tim
- Sự ảnh hưởng từ các thuốc điều trị tim mạch.
Những yếu tố này tương tác phức tạp với nhau khiến bệnh nhân suy tim dễ gặp tình trạng tim đập nhanh cả khi nghỉ ngơi (>100 nhịp/phút).
Ngoài ra, một số người bệnh suy tim có các rối loạn về chức năng nút xoang hoặc dẫn truyền của tim sẽ có nhịp tim chậm hơn so với người bình thường khoẻ mạnh.
Rối loạn nhịp là một trong những vấn đề phức tạp và thường gặp ở bệnh nhân suy tim. Tình trạng này kéo dài có thể gây các biến chứng tim mạch nghiêm trọng làm tăng nguy cơ tử vong. Vì thế nên nhịp tim là một trong những yếu tố cần được kiểm soát chặt chẽ ở người bệnh suy tim.
2 Tình trạng tôi hiện tại có nguy cơ cao mắc suy tim không? Khi nào cần gặp bác sĩ ?
2.1 Nguy cơ suy tim cao
Rối loạn nhịp kéo dài (bao gồm rối loạn nhịp nhanh và rối loạn nhịp chậm) kèm theo các bệnh lý tim mạch là một trong những nguyên nhân dẫn đến suy tim.
Nguy cơ cao mắc suy tim khi tình trạng rối loạn nhịp kéo dài có kèm theo các yếu tố:
- Tiền sử bệnh ( bệnh mạch vành, tăng huyết áp)
- Dùng thuốc lợi tiểu
- Khó thở khi nằm hoặc khó thở nhiều về đêm.
- Ho về đêm
- Phù mắt cá chân
Nguy cơ cao suy tim khi rối loạn nhịp kèm theo các yếu tố nguy cơ
2.2 Rối loạn nhịp nguy hiểm
Hầu hết các chứng rối loạn nhịp được coi là vô hại, tuy nhiên khi các bất thường nhịp tim gây ra triệu chứng và có nguy cơ biến chứng cần được thăm khám kịp thời và có kế hoạch điều trị phù hợp.
Khi nào cần đến gặp bác sĩ ?
Khi bạn có nhịp tim rất thấp hoặc tim đập nhanh không rõ nguyên nhân kèm theo:
- Tình trạng này kéo dài hơn vài phút , lặp lại nhiều lần và có xu hướng tệ hơn.
- Bạn có vấn đề tim mạch.
- Với trường hợp gia đình có tiền sử mắc các bệnh tim mạch, bạn nên đi khám ngay khi có những bất thường về nhịp tim.
-
( Hình minh họa: Khi nào cần gặp bác sĩ nếu có nhịp tim bất thường.)
Khi nào cần gọi cấp cứu ngay?
Hãy gọi cấp cứu ngay khi gặp tình tr nhịp tim bất thường kèm theo triệu chứng:
- Đau ngực
- Hụt hơi
- Chóng mặt hoặc ngất xỉu
Nếu những triệu chứng này đã dừng lại, hãy đặt lịch khám sớm nhất có thể.
Nếu bạn đang dùng thuốc chẹn beta để điều trị các bệnh tim mạch, bạn có thể được bác sĩ yêu cầu theo dõi và ghi lại nhịp tim. Việc theo dõi nhịp tim giúp bác sĩ điều chỉnh liều hoặc thay đổi thuốc cho phù hợp với bạn.
3 Làm gì để điều trị và phòng ngừa rối loạn nhịp tim ?
3.1 Điều trị rối loạn nhịp tim
Dùng thuốc
Dùng thuốc điều trị theo chỉ định và hướng dẫn của chuyên gia y tế. Tuân thủ điều trị và báo cho bác sĩ của bạn biết về những loại thuốc bạn đang sử dụng và tác dụng phụ bạn gặp phải.
Theo dõi nhịp tim của bạn
Nhịp tim khi nghỉ ngơi nên được đo vào buổi sáng khi bạn đã được thư giãn sau một giấc ngủ ngon. Bạn có thể tự theo dõi nhịp tim tại nhà bằng cách:
- Sử dụng máy đo huyết áp.
- Đặt ngón trỏ và ngón giữa lên mạch và đếm số nhịp trong 60 giây. Các vị trí tốt nhất để bắt mạch là: cổ tay, phía trong khuỷu tay, hai bên cổ, đỉnh của mu bàn chân.
( Hình minh họa:Theo dõi nhịp tim của bạn.)
3.2 Làm sao để phòng ngừa rối loạn nhịp tim?
Nhịp tim ảnh hưởng bởi một số yếu tố, hãy hành động để có một trái tim khỏe hơn. Việc cải thiện lối sống ngoài hỗ trợ phòng ngừa các bệnh tim mạch còn giúp cho bạn có một cuộc sống chất lượng.
Duy trì chế độ ăn lành mạnh
Theo Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ, thực đơn tốt cho sức khoẻ nên bao gồm:
- Nhiều loại ngũ cốc nguyên hạt
- Rau và trái cây
- Thịt (nạc), cá
- Các sản phẩm từ chất béo không bão hòa và sữa ít béo
- Tránh các thức ăn từ chất béo bão hòa, chất béo chuyển hóa và cholesterol.
Kiểm soát cân nặng ổn định
Tình trạng thừa cân – béo phì dễ gây ra các hệ luỵ xấu cho tim mạch. Vì vậy, việc kiểm soát cân nặng ở mức tối ưu giúp hạn chế các nguy cơ cho sức khỏe tim mạch của bạn. Hãy xây dựng một chế độ tập luyện phù hợp với thể trạng để lượng calo tiêu hao cân bằng với lượng calo được nạp vào qua thức ăn.
( Hình minh họa:Thay đổi lối sống để có một trái tim khỏe mạnh hơn.)
Duy trì chế độ tập luyện
Việc tập thể dục giúp kiểm soát cân nặng và ổn định nhịp tim. Tuy nhiên, cần lựa chọn chế độ luyện tập phù hợp với độ tuổi và tình trạng tim mạch để tránh bị quá sức, đặc biệt đối với bệnh nhân suy tim.
Hạn chế chất kích thích
Các chất kích thích như rượu bia và thuốc lá chưa bao giờ là tốt cho sức khỏe của bạn. Việc từ bỏ sử dụng rượu bia, thuốc lá có thể giảm nguy cơ mắc các bệnh về tim mạch, hô hấp, gan, thận,… Hãy hạn chế chất kích thích để có cuộc sống lành mạnh và tích cực hơn.
Kiểm soát căng thẳng
Căng thẳng làm tăng nguy cơ mắc các bệnh tim mạch cũng như ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần rất nhiều. Vì vậy nên duy trì một cuộc sống nhẹ nhàng, hạn chế các tác nhân gây stress cũng như kiểm soát căng thẳng để nâng cao chất lượng cuộc sống của bạn.
Nhịp tim bất thường là tình trạng phổ biến đối với bệnh nhân suy tim và mang theo nhiều yếu tố nguy cơ dẫn đến đột tử. Tình trạng rối loạn nhịp tim cần nên được quan tâm và theo dõi sát sao ở mọi đối tượng. Hãy đến cơ sở y tế gần nhất khi có các bất thường liên quan đến nhịp tim.
NGUỒN THAM KHẢO
https://www.heart.org/en/healthy-living/fitness/fitness-basics/target-heart-rates
https://www.nhs.uk/conditions/heart-palpitations/
https://timmachhoc.vn/quan-ly-roi-loan-nhip-trong-suy-tim-p2/
https://timmachhoc.vn/quan-ly-roi-loan-nhip-trong-suy-tim-p1/