Đã đến tam cá nguyệt cuối cùng của thai kỳ, nhiều mẹ không khỏi lo lắng cho cuộc vượt cạn sắp tới. Bên cạnh việc sắm sửa đồ cần thiết, thai phụ cũng nên chuẩn bị những kiến thức cần thiết để nhận biết cuộc chuyển dạ. Đồng thời mẹ cũng nên lưu ý những việc cần làm khi có bất cứ dấu hiệu gợi ý nào, để có thể chào đón sinh linh mới một cách an toàn nhất.
Vậy chúng ta hãy cùng tìm hiểu về các dấu hiệu chuyển dạ nhé!
1. Các dấu hiệu chuyển dạ
1.1. Đau bụng/Cơn gò tử cung
Cơn gò tử cung của thai phụ
Cơn gò tử cung chuyển dạ điển hình được miêu tả là đau bụng từng cơn xuất hiện sau tuần 37, tăng dần, tần số đạt 3 cơn trong 10 phút, mỗi cơn kéo dài trên 20 giây. Cùng với đó, do thai nhi sa xuống vùng chậu làm giảm đè ép cơ hoành nên mẹ có thể có cảm giác dễ thở hơn, và đồng thời có thể sẽ cảm thấy căng tức vùng bụng dưới.
Tuy nhiên, các thai phụ có thể có các cơn gò tử cung sinh lý (còn gọi là cơn gò tử cung Braxton Hicks) từ trước đó, thậm chí có những mẹ sẽ trải nghiệm cảm giác này từ tháng thứ 4 của thai kỳ. Những cơn co thắt này được cho là để “tập luyện” cho quá trình chuyển dạ sau này, nên chúng có thể rất đau đớn và khiến nhiều người lầm tưởng rằng mình đang chuyển dạ, trong khi thực tế không phải vậy.
Các mẹ có thể phân biệt giữa cơn gò tử cung chuyển dạ thật sự và cơn gò tử cung sinh lý qua một số đặc điểm sau:
Cơn co chuyển dạ | Cơn co sinh lý | |
Thời gian và tần suất các cơn co |
Thường khá đều đều đặn và có quy luật, tần suất tăng dần theo thời gian, mỗi cơn co thường kéo dài trong khoảng từ 60 đến 90 giây. | Không có dấu hiệu báo trước và thường sẽ không tăng dần theo thời gian. Cơn co có thể giảm khi thai phụ uống nước. |
Thay đổi theo chuyển động | Vẫn tiếp tục ngay cả khi các mẹ nghỉ ngơi. | Có thể dừng lại khi các mẹ đi bộ hoặc nghỉ ngơi. Chúng cũng có thể ngừng khi mẹ thay đổi tư thế. |
Cường độ cơn co | Có cường độ tăng dần theo thời gian, thai phụ sẽ thấy càng lúc càng đau hơn. | Thường nhẹ hơn và không tăng cường độ, chúng có thể có cường độ mạnh lúc đầu rồi yếu dần đi. |
Vị trí đau | Thường bắt đầu từ lưng (phía sau) thai phụ rồi lan ra trước. | Chỉ thường thấy đau ở vùng bụng (phía trước) |
Xin lưu ý rằng đối với những mẹ từng sinh con thì quá trình chuyển dạ sẽ diễn ra nhanh hơn so với những người lần đầu làm thai phụ, do đó mẹ nên nhanh chóng đến các cơ sở y tế để được hỗ trợ.
1.2. Ra dịch nhầy hồng
Trong quá trình mang thai, một nút nhầy dày sẽ được hình thành ở cổ tử cung. Khoảng vài ngày trước khi bắt đầu chuyển dạ, hoặc khi bắt đầu chuyển dạ, cổ tử cung sẽ bắt đầu giãn, tử cung co bóp làm bong nút nhầy tử cung và đẩy nút nhầy này vào âm đạo. Cùng với đó là sự tổn thương một số mao mạch ở cổ tử cung, vì vậy các mẹ có thể nhận thấy dịch tiết âm đạo có thể có màu hồng hoặc hơi lẫn với tơ máu.
Dấu hiệu này thường đi kèm với cơn gò tử cung, nhưng tùy vào từng người mà có thể xuất hiện trước hoặc sau sau khi đau bụng chuyển dạ.
1.3. Vỡ ối
Dấu hiệu chuyển dạ: Vỡ ối
Vỡ ối là tình trạng khi lớp màng túi ối chứa đầy chất lỏng bao quanh thai nhi bị vỡ. Thai phụ có thể cảm thấy chất lỏng này chảy ra từ âm đạo từng chút một hoặc ồ ạt, tùy thuộc vào tình trạng của túi ối.
Thai phụ nên phân biệt giữa vỡ ối và són tiểu do thai nhi chèn ép bàng quang:
– Són tiểu: Âm đạo ra nước có màu ngả vàng, có mùi đặc trưng, thường sẽ hết sau một thời gian, sau khi hết các mẹ có thể cảm thấy nhẹ nhõm, dễ chịu hơn.
– Vỡ ối: Âm đạo ra nước trong, thường không mùi, có thể lẫn tơ máu, không dừng nhanh như dòng nước tiểu.
Vỡ ối thường xảy ra sau khi các mẹ xuất hiện cơn gò tử cung chuyển dạ, tuy nhiên trong trường hợp vỡ ối xảy ra trước các cơn gò chuyển dạ thì thai phụ có thể phải đối diện với nguy cơ vi khuẩn xâm nhập gây ảnh hưởng đến thai nhi. Trong trường hợp này, các mẹ nên nhanh chóng tới các bệnh viện và cơ sở y tế gần nhất.
2. Cần làm gì khi có dấu hiệu chuyển dạ?
Khi phát hiện bất cứ dấu hiệu chuyển dạ nào, hoặc khi có bất cứ bất thường nào khác, thai phụ nên tới ngay các bệnh viện và cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám, hỗ trợ và tư vấn.
Với trường hợp thai phụ chưa rõ chuyển dạ, mẹ sẽ được tư vấn theo dõi tại nhà nếu thai nghén bình thường, hoặc chuyển tuyến trên nếu thai nghén có nguy cơ cao.
Còn nếu trường hợp thai phụ chuyển dạ thật sự, mẹ sẽ được tư vấn nhập viện và theo dõi chuyển dạ cho đến khi đẻ bằng biểu đồ chuyển dạ với sự trợ giúp của người được đào tạo về kỹ năng đỡ đẻ.
Trong quá trình chuyển dạ, các mẹ có thể vượt qua cơn đau bằng các cách sau:
– Điều chỉnh hơi thở: Khi bắt đầu đau hoặc khi không có cơn co thắt, các mẹ nên thở đều và thở sâu, hít sâu và từ từ thở ra một cách thả lỏng nhất có thể. Trong cơn co, thai phụ nên thở nhanh và mạnh, kết hợp với xoa vùng xương cùng – cụt.
– Massage: Góp phần giúp kiểm soát cơn co và giảm lo lắng.
– Giữ tinh thần thoải mái: Nên hạn chế la hét vì khiến cổ họng thít chặt, dễ khiến thai phụ mất sức nhanh hơn.
Một số biện pháp giúp giảm đau trong quá trình chuyển dạ
Như vậy, có ba dấu hiệu chuyển dạ chính mà thai phụ cần lưu ý: ra nước âm đạo, ra dịch nhầy hồng và cơn gò tử cung, trong đó thai phụ cần chú ý phân biệt các cơn gò chuyển dạ thật sự và cơn gò sinh lý Braxton Hicks. Khi có bất cứ dấu hiệu gợi ý nào, các mẹ nên nhanh chóng tới các cơ sở y tế để được thăm khám và tư vấn.
Chúc mỗi thai phụ đều có cuộc chuyển dạ thành công, mẹ tròn con vuông!
Bài viết tham khảo nguồn: Bộ y tế, ACOG
https://mch.moh.gov.vn/Upload/Documents/2021/11/d2e63db53fb52a73f26564b7d25fc8fb-
C%E1%BA%A9m%20nang%20L%E1%BA%A6N%20%C4%90%E1%BA%A6U%20L%C3%80M%20M%E1%BA%B8.pdf
https://file.medinet.gov.vn/Data/soytehcm/suckhoesinhsan/Attachments/2017_8/dvcsskss_48201712.pdf
https://www.acog.org/womens-health/faqs/how-to-tell-when-labor-begins