Tăng huyết áp tâm thu đơn độc (ISH) là tình trạng chỉ số huyết áp tâm thu cao vượt trội nhưng huyết áp tâm trương vẫn bình thường, đây là một bệnh lý rất phổ biến ở người cao tuổi.
Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về bệnh tăng huyết áp tâm thu đơn độc.
1. Tăng huyết áp tâm thu đơn độc (ISH) là gì?
Huyết áp tâm thu là chỉ số huyết áp đo được khi tim co bóp và bơm máu vào hệ tuần hoàn. Huyết áp tâm thu còn được gọi là huyết áp tối đa, đại diện cho áp lực lớn nhất của máu lên thành động mạch.
Huyết áp tâm trương là áp lực máu lên thành động mạch khi tim giãn ra, còn được gọi là huyết áp tối thiểu. Bác sĩ sẽ chẩn đoán chúng ta mắc tăng huyết áp khi huyết áp tâm thu từ 140 mmHg trở lên và/hoặc huyết áp tâm trương từ 90 mmHg trở lên.
Trong các bệnh lý cao huyết áp, có tình trạng chỉ bất thường về chỉ số huyết áp tâm thu. Cụ thể là huyết áp tâm thu lại vượt trội từ trên 140 mmHg trong khi huyết áp tâm trương lại bình thường hoặc thấp (dưới 90 mmHg). Đây gọi là bệnh tăng huyết áp tâm thu đơn độc, là loại huyết áp cao phổ biến nhất gặp ở người lớn tuổi.
2. Làm thế nào để nhận biết tăng huyết áp tâm thu đơn độc?
Một trong những thách thức lớn nhất với bệnh cao huyết áp là không có triệu chứng hoặc dấu hiệu cảnh báo. Cách duy nhất để biết liệu huyết áp của bạn có cao hay không là đo huyết áp thường xuyên.
Bạn có thể đo huyết áp:
– Tại bệnh viện hoặc phòng khám bác sĩ khi kiểm tra sức khoẻ
– Tại hiệu thuốc với thiết bị đo huyết áp kỹ thuật số
– Tại nhà với máy đo huyết áp tại nhà
Đo huyết áp để theo dõi huyết áp của bạn
3. Nguyên nhân gây tăng huyết áp tâm thu đơn độc?
Theo các nghiên cứu, cao tuổi là yếu tố nguy cơ lớn nhất liên quan đến tăng huyết áp tâm thu đơn độc.
Nguyên nhân trong hầu hết các trường hợp tăng huyết áp tâm thu đơn độc ở người cao tuổi là do hệ thống động mạch giảm tính đàn hồi. Sự lắng đọng canxi và collagen trong thời gian dài làm xuất hiện các mảng bám trên thành động mạch gây tắc hoặc hẹp và xơ cứng động mạch.
Hậu quả là thành mạch trở nên dày hơn, từ đó giảm đường kính lòng mạch khiến cho áp lực dòng máu đi qua động mạch tăng lên. Kết quả là huyết áp tâm thu tăng lên nhưng huyết áp tâm trương vẫn bình thường.
Ngoài ra, tăng huyết áp tâm thu đơn độc cũng xảy ra nhiều hơn trên các đối tượng:
rối loạn lipid máu, cường giáp, tiểu đường, béo phì, chế độ ăn nhiều muối, hút thuốc lá, uống rượu bia, lối sống ít vận động và người có tiền sử gia đình về bệnh tim mạch.
4. Tăng huyết áp tâm thu đơn độc nguy hiểm như thế nào?
Trong tất cả các bệnh lý huyết áp cao, kể cả bệnh lý tăng huyết áp tâm thu đơn độc, áp lực tưới máu quá cao có thể gây tổn thương từ từ động mạch và tổn hại cơ quan đích. Chính vì vậy, bệnh lý tăng huyết áp còn được biết đến với tên gọi là “kẻ giết người thầm lặng”.
Tăng huyết áp tâm thu đơn độc còn là yếu tố nguy cơ, thúc đẩy quá trình xơ vữa động mạch, gây tắc hoặc hẹp các động mạch đi nuôi các cơ quan làm xuất hiện các cơn đau thắt ngực, nhồi máu cơ tim, nhồi máu não. Ngoài ra, tăng huyết áp kịch phát còn gây ra suy tim cấp, suy thận cấp, phù phổi cấp và chảy máu võng mạc làm mù loà,…
Hình ảnh minh họa xơ vữa động mạch gây cản trở lưu thông máu
Hậu quả đáng sợ nhất của tăng huyết áp tâm thu đơn độc là gây vỡ mạch máu khi huyết áp tăng cao và tăng nhanh liên tục không được kiểm soát. Nếu vỡ mạch máu não dẫn đến xuất huyết não sẽ gây liệt nửa người, liệt dây thần kinh VII trung ương hoặc nặng hơn gây lụt não thất bệnh nhân hôn mê và tử vong ngay tức khắc.
Mắc các bệnh lý huyết áp cao kéo dài, không được phát hiện kịp thời còn gây ra các bệnh lý như suy tim mạn, suy thận mạn, tổn thương võng mạc, sa sút trí tuệ.
5. Điều trị và phòng tránh tăng huyết áp tâm thu đơn độc như thế nào?
5.1. Điều trị tăng huyết áp tâm thu đơn độc như thế nào?
Điều trị tăng huyết áp tâm thu đơn độc không có nhiều sự khác biệt so với tăng huyết áp đơn thuần. Đối với điều trị tăng huyết áp tâm thu đơn độc, điều quan trọng là kiểm soát chỉ số huyết áp tâm thu dưới 140 mmHg. Thường xuyên kiểm tra chỉ số huyết áp tâm trương trong mỗi lần đo để tránh tăng huyết áp kết hợp mà không nhận biết sớm.
Tăng huyết áp tâm thu đơn độc là bệnh lý thầm lặng có thể gây nhiều vấn đề sức khỏe nghiêm trọng, không nên trì hoãn việc điều trị. Sau đây là một số phương pháp được áp dụng để điều trị tăng huyết áp tâm thu đơn độc:
5.1.1. Điều trị bằng thuốc
Thông thường, bác sĩ chỉ định sử dụng thuốc chẹn kênh canxi và thuốc lợi tiểu nhóm thiazide (gồm chlorthalidone, indapamide) để đưa huyết áp tâm thu về mức ổn định và làm giảm nguy cơ đột quỵ.
– Thuốc chẹn kênh canxi: giúp thành động mạch giãn ra bằng cách chặn con đường gây co thắt mạch máu.
– Thuốc lợi tiểu nhóm thiazide ( gồm chlorthalidone, indapamide): làm giảm thể tích máu bằng cách giúp thận loại bỏ natri và nước ra khỏi cơ thể.
Các loại thuốc sau đây được phát hiện có hiệu quả thấp hơn, tuy nhiên, chúng vẫn có thể hiệu quả trong điều trị tăng huyết áp tâm thu đơn độc:
– Thuốc ức chế men chuyển angiotensin (ACE): ngăn chặn sự hình thành của một loại enzyme cụ thể làm thu hẹp các mạch máu.
– Thuốc chẹn thụ thể angiotensin (ARB): ngăn chặn hoạt động của một loại enzyme cụ thể làm thu hẹp mạch máu.
Lưu ý, các loại thuốc này chỉ là tham khảo và cần có sự chỉ định của bác sĩ cho từng bệnh nhân khác nhau. Người bệnh không tự ý dùng thuốc khi chưa hỏi ý kiến của chuyên gia.
5.1.2. Thay đổi lối sống
Trong quá trình điều trị tăng huyết áp nói chung và tăng huyết áp đơn độc nói riêng, việc thay đổi thói quen và lối sống tích cực góp phần rất quan trọng.
Những thay đổi có thể bao gồm:
– Xây dựng chế độ ăn uống lành mạnh, khoa học: ăn ít muối, hạn chế chất béo, đồ ăn chế biến sẵn, tăng cường thực phẩm nhiều chất xơ, rau xanh, các loại ngũ cốc, các loại hạt và cây họ đậu,…
– Giảm cân nếu bị thừa cân, béo phì và thường xuyên theo dõi để duy trì cân nặng phù hợp.
– Bỏ thuốc lá nếu có và hạn chế uống rượu bia.
– Quản lý căng thẳng và cân bằng cuộc sống: bạn có thể tìm hiểu về ngồi thiền, bài tập hít thở sâu, tập yoga hoặc dành thời gian cho thiên nhiên.
– Luyện tập thể dục, thể thao điều đặn: không những giúp giảm huyết áp mà còn giúp bạn kiểm soát cân nặng và căng thẳng.
Chế độ ăn uống hợp lý hỗ trợ bạn kiểm soát tốt các chỉ số huyết áp
Cuối cùng, bệnh nhân cần phải tái khám theo lịch hẹn với bác sĩ để được kiểm tra tình trạng huyết áp và đảm bảo việc điều trị đang phát huy hiệu quả như mong muốn. Đồng thời, thói quen tự theo dõi huyết áp tại nhà cũng cần được khuyến khích nhằm giúp bệnh nhân tự theo dõi các chỉ số huyết áp của mình tốt hơn.
5.2. Làm sao để phòng tránh tăng huyết áp tâm thu đơn độc ?
Mọi bất thường về trị số huyết áp tâm thu đều phản ánh vấn đề không tốt của sức khỏe. Việc áp dụng các biện pháp ổn định huyết áp là cần thiết để phòng tránh bệnh lý này. Muốn làm được điều này cần:
– Duy trì một chế độ ăn uống lành mạnh, đảm bảo đủ vitamin và các khoáng chất. Bạn nên ăn nhiều trái cây, rau xanh, ngũ cốc nguyên hạt, cá và các sản phẩm từ sữa ít béo; hạn chế món ăn nhiều dầu mỡ, da, nội tạng động vật, thịt đỏ, thực phẩm chế biến sẵn, đồ đóng hộp…
– Giảm ăn mặn, hạn chế dưới 1 thìa cà phê muối mỗi ngày.
– Cố gắng giảm cân lành mạnh nếu đang trong tình trạng thừa cân hoặc béo phì.
– Tập thể dục đều đặn giúp duy trì cân nặng phù hợp để động mạch đàn hồi tốt, đảm bảo chỉ số huyết áp và lưu lượng máu được duy trì ở mức bình thường.
– Bỏ thuốc lá và hạn chế uống rượu bia.
– Theo dõi các chỉ số huyết áp thường xuyên.
Tóm lại, tăng huyết áp tâm thu đơn độc cũng cần được quan tâm như các bệnh lý tăng huyết áp khác. Chính vì mối nguy hiểm của nó, bệnh nhân phải tuân thủ phương pháp điều trị. Thường xuyên theo dõi huyết áp để can thiệp kịp thời, tránh những hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra.
Bài viết tham khảo nguồn:
https://www.webmd.com/hypertension-high-blood-pressure/isolated-systolic-hypertension
https://www.webmd.com/hypertension-high-blood-pressure/high-blood-pressure
https://www.healthdirect.gov.au/how-to-lower-blood-pressure
https://www.uptodate.com/contents/treatment-of-hypertension-in-older-adults-particularly-isolated-systolic-hypertension?search=ISOLATED%20SYSTOLIC%20HYPERTENSION&source=search_result&selectedTitle=1~150&usage_type=default&display_rank=1