Phân suất tống máu là phần trăm máu rời tim trong mỗi lần co bóp. Chỉ số này giúp chẩn đoán và theo dõi bệnh suy tim. Có thể xác định phân suất tống máu bằng siêu âm tim, xạ hình tâm thất đồ, hay đặt ống catheter. Chỉ số này có thể cải thiện thông qua việc điều trị kết hợp với thay đổi lối sống phù hợp.
1. Tìm hiểu về phân suất tống máu
1.1. Phân suất tống máu là gì?
Phân suất tống máu (Ejection Fraction _ thường được ký hiệu là EF) là thước đo phần trăm máu rời khỏi tim mỗi lần tim co bóp. Phân suất tống máu thường được đo ở tâm thất trái, buồng bơm chính của tim. Nó bơm máu giàu oxy lên động mạch chính của cơ thể, gọi là động mạch chủ. Sau đó máu sẽ đi đến phần còn lại của cơ thể.
Phân suất tống máu thường được tính bằng tỷ lệ giữa lượng máu mà tim bơm ra trong mỗi lần co bóp và tổng lượng máu có trong tâm thất.
Chỉ số này được sử dụng rộng rãi như một chỉ tiêu đánh giá chức năng tim.
Phân suất tống máu là chỉ số được sử dụng để đánh giá chức năng của tim.
1.2. Tầm quan trọng của phân suất tống máu với sức khỏe tim mạch?
Phân suất tống máu là một trong những chỉ số quan trọng phản ánh sức khỏe tim mạch của chúng ta. Đối với bệnh nhân suy tim, chỉ số EF giúp xác định rối loạn chức năng tâm thu thất trái.
Phân suất tống máu là chỉ số để phân loại suy tim mạn. Cụ thể, Suy tim tâm thu là bệnh lý suy tim có phân suất tống máu giảm. Suy tim tâm trương có phân suất tống máu bảo tồn (phân suất tống máu trong giới hạn bình thường).
Theo Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ:
– Phân suất tống máu > 75% được xem là cao hơn bình thường. Giá trị này có thể chỉ ra tình trạng bệnh cơ tim phì đại.
– Phân suất tống máu của tâm thất trái khoảng 50% đến 70% được phân loại là bình thường.
– Phân suất tống máu giảm nhẹ thường nằm trong khoảng từ 41% đến 49%. Chỉ số EF nằm trong khoảng này có thể là dấu hiệu cho thấy tổn thương tim hoặc một cơn đau tim đã diễn ra trước đó.
– Phân suất tống máu giảm thường là 40% hoặc ít hơn. Đây là bằng chứng cụ thể của tình trạng suy tim hoặc bệnh về cơ tim. Người bệnh có phân suất tống máu thấp thì hoạt động của trái tim suy giảm làm thiếu hụt lượng máu đi nuôi các cơ quan khác trong cơ thể.
Tình trạng bệnh nhân suy tim có phân suất tống máu cao hơn mức bình thường đang được đề xuất như là một phân loại thứ 4 của bệnh lý suy tim. Vì nhóm này có các cơ chế bệnh và di truyền học riêng biệt.
Việc tìm ra nguyên nhân suy tim và phân loại bệnh rất quan trọng vì nó giúp định hướng và đánh giá hiệu quả điều trị. Tuy nhiên bạn vẫn có thể mắc các vấn đề về tim mạch ngay
cả khi phân suất tống máu bình thường (Ví dụ tình trạng suy tim có phân suất tống máu bảo toàn). Vậy nên hãy liên hệ với nhân viên y tế nếu bạn có lo lắng về sức khỏe tim mạch.
Phân suất tống máu giúp phân loại suy tim mạn và đánh giá hiệu quả điều trị
2. Các yếu tố ảnh hưởng đến phân suất tống máu
Một số yếu có có thể tác động và làm giảm phân suất tống máu là:
– Sự suy yếu của cơ tim (như bệnh cơ tim)
– Cơn đau tim làm tổn thương có tim
– Vấn đề về van tim
– Tăng huyết áp lâu dài không kiểm soát được
Phân suất tống máu có thể tăng lên cao hơn bình thường trong một số bệnh lý tim mạch. Cụ thể, bệnh lý phì đại cơ tim có thể làm tăng phân suất tống máu của người bệnh.
3. Cách theo dõi và nhận biết các biểu hiện của phân suất tống máu bất thường
Suy tim với tình trạng phân suất tống máu tăng là một phân loại mới, cần nhiều nghiên cứu hơn để hiểu rõ hơn về các dấu hiệu và triệu chứng riêng biệt của nó. Hiện tại, để xác định bệnh nhân có suy tim với phân tống máu tăng hay không, thì cần tìm hiểu về các triệu chứng suy tim, kèm theo xem xét các vấn đề về chức năng và cấu trúc tim, như phì đại tâm thất trái, tâm nhĩ trái to, hoặc rung tâm nhĩ.
Đối với bệnh nhân suy tim có phân suất tống máu giảm thường có các triệu chứng như khó thở, ho, mệt mỏi, khó tập trung, tăng cân hoặc sưng phù cơ thể,…
Phân suất tống máu được theo dõi bằng cách sử dụng các xét nghiệm chẩn đoán tim mạch.
– Siêu âm tim: Đây là phương pháp thông dụng sử dụng sóng siêu âm để tạo hình ảnh của tim, van, mạch lớn. Siêu âm tim giúp xác định đánh giá được nhiều vấn đề tim mạch.
– Xạ hình tâm thất đồ: Phương pháp được sử dụng để đánh giá chức năng tâm thất. Sử dụng camera và chất phóng xạ để tái hiện lại hình ảnh của tim.
– Đặt ống catheter: Đây là kỹ thuật xâm lấn bằng cách luồn ống nhỏ vào tim. EF được đánh giá thông qua chất tương phản thoát ra sau mỗi nhịp đập.
4. Làm cách nào để tôi cải thiện tình trạng phân suất tống máu giảm ?
EF bất thường là dấu hiệu cho thấy chức năng tim, đặc biệt là tâm thất trái, của bạn đang suy giảm. Vì vậy, cải thiện được chỉ số này đồng nghĩa với việc bạn cải thiện được tình trạng suy tim của mình. Người bệnh suy tim có EF được cải thiện thường có hiệu quả điều trị tốt hơn và ít phải nhập viện hơn. Vì thế, người bệnh cần quản lý bệnh suy tim một cách cẩn thận và tuân thủ điều trị để cải thiện chất lượng cuộc sống của mình.
Suy tim phân suất tống máu cao vẫn đang là một phân nhóm mới nên cần thêm các nghiên cứu để đánh giá hiệu quả các thuốc điều trị cũng như những khuyến cáo liên quan đến việc cải thiện phân suất tống máu.
Trong bài viết này chúng tôi gợi ý cho bạn các biện pháp để cải thiện tình trạng phân suất tống máu thấp được khuyến cáo bởi Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ (AHA).
Làm cách nào để tôi cải thiện tình trạng phân suất tống máu giảm?
Điều trị yếu tố nguy cơ gây suy tim và bất thường EF
Có một số yếu tố nguy cơ có thể liên quan đến suy tim, như cao huyết áp, tiểu đường, hội chứng chuyển hóa,… Việc quản lý tốt các yếu tố nguy cơ này kết hợp với việc dùng thuốc kê đơn hợp lý có thể cải thiện phân suất tống máu và tim của bạn có thể hoạt động tốt hơn.
Vận động thể chất vừa phải
Hoạt động thể chất tích cực có thể giảm triệu chứng suy tim và tăng khả năng bơm máu của tim. Bạn có thể bắt đầu với các bài tập đi bộ, thực hiện các bài tập cardio (bài tập có tác dụng tăng nhịp tim) trong 20-30 phút hoặc tập kháng lực để tăng cường sức mạnh. Hãy hỏi ý kiến bác sĩ trước khi bắt đầu một quá trình tập luyện để có chế độ phù hợp với thể trạng.
Kiểm soát lượng muối và nước
Lượng muối dư thừa có thể khiến cơ thể giữ lại thêm nước và tạo thêm áp lực cho tim. Vì thế cần kiểm soát lượng muối nạp vào cơ thể không quá 1.500 mg và theo dõi lượng nước uống vào mỗi ngày để hạn chế gây áp lực cho tim.
Loại bỏ các chất có hại
Kiêng rượu, bỏ thuốc lá, không sử dụng chất kích thích để cải thiện các dấu hiệu và triệu chứng suy tim đồng thời nâng cao cơ hội phục hồi phân suất tống máu.
Chăm sóc sức khỏe tinh thần của bạn
Căng thẳng có thể làm tăng nhịp tim và huyết áp, hai điều có thể làm trầm trọng thêm các triệu chứng suy tim. Hãy thực hành các hoạt động giảm căng thẳng (yoga, thiền,…) để chăm sóc sức khỏe tinh thần của bạn.
Điều cần nhớ Phân suất tống máu là một chỉ số quan trọng đánh giá sức khỏe của trái tim. Khi chỉ số này không bình thường, đó có thể là dấu hiệu của suy tim, tổn thương tim, hoặc vấn đề về cấu trúc tim. Trong trường hợp này, người bệnh cần thay đổi cách sống và tuân thủ điều trị để cải thiện phân suất tống máu. Bằng cách cải thiện chỉ số này, bạn có thể cải thiện tình trạng suy tim và kiểm soát tốt sức khỏe của mình. |
Nguồn tham khảo:
http://vnha.org.vn/detail.asp?id=236
https://cdn-endpoint-hfm.azureedge.net/heartfailurematters/2022/05/hfm-guidelines2.pdf.pdf
https://www.mayoclinic.org/tests-procedures/ekg/expert-answers/ejection-fraction/faq-20058286