Sảy thai hay hiện tượng mất thai sớm không chủ đích là điều vô cùng đau lòng và đáng tiếc. Nhận biết các triệu chứng, hiểu những nguyên nhân sẽ giúp thai phụ phát hiện sớm những nguy cơ sảy thai mình có thể gặp phải, từ đó có hướng xử trí kịp thời nếu quá trình này xảy ra!
Hãy cùng tìm hiểu những thông tin tổng quát về quá trình sảy thai trong bài dưới đây!
1. Cùng tìm hiểu về quá trình sảy thai
Sảy thai là hiện tượng quá trình mang thai kết thúc trước khi thai nhi có thể sống sót. Định nghĩa về quá trình sảy thai có thể thay đổi theo khả năng chăm sóc trẻ sinh non ở mỗi quốc gia. Với tình hình thực tế ở Việt Nam, theo định nghĩa của Bộ Y Tế, khái niệm sảy thai để chỉ những trường hợp thai nhi bị đẩy ra khỏi buồng tử cung của người mẹ ở tuổi thai trước 22 tuần hay khi cân nặng của thai nhi chưa đạt ngưỡng 500g. Khi thai nhi ở độ tuổi và cân nặng như trên, những cơ quan sinh tồn của thai chưa phát triển chưa đủ hoàn thiện để có khả năng tồn tại độc lập ngoài cơ thể mẹ.
Các triệu chứng sảy thai
1.1. Triệu chứng của quá trình sảy thai:
Theo một thống kê được thực hiện năm 2019, có khoảng 23 triệu ca sảy thai mỗi năm trên toàn cầu. Mặc dù sảy thai là quá trình diễn ra phổ biến nhưng những hậu quả nghiêm trọng của quá trình này lên sức khỏe thể chất và tinh thần của người mẹ là không thể phủ nhận. Do vậy nhận biết sớm những triệu chứng báo hiệu sảy thai là đặc biệt cần thiết để có hướng xử trí đúng và kịp thời!
Phần lớn hiện tượng này xảy ra trong ba tháng đầu của thời kỳ mang thai (trong khoảng 13 tuần đầu). Những triệu chứng sảy thai có thể nhận biết bao gồm:
- Chảy máu từ âm đạo có hoặc không kèm theo cơn đau. Lượng máu chảy có thể rất ít.
- Những cơn đau, cơn co thắt nhẹ vùng bụng dưới hoặc sau lưng.
- Dịch hoặc tổ chức được tiết ra từ âm đạo.
- Nhịp tim nhanh.
Những triệu chứng này có thể không đặc hiệu và dễ gây nhầm lẫn. Chẳng hạn phần lớn thai phụ có chảy máu âm đạo với lượng ít trong ba tháng đầu vẫn có thể tiếp tục thai kỳ thành công. Tuy nhiên thai phụ nên đặc biệt cẩn trọng nếu lượng máu chảy ra nhiều hoặc đi kèm với những cơn đau khó chịu.
1.2. Nguyên nhân của hiện tượng sảy thai:
- Bất thường vật chất di truyền (gen và nhiễm sắc thể)
Phần lớn các trường hợp sảy thai diễn ra do thai nhi không phát triển bình thường trong tử cung của mẹ. Theo ước tính, cứ có 3 trường hợp sảy thai trong ba tháng đầu thì 2 trường hợp có mối liên quan đến bất thường số lượng nhiễm sắc thể. Nhiễm sắc thể là cấu trúc mang gen trong tế bào, quy định hình thái chức năng các cơ quan và toàn bộ cơ thể. Những bất thường số lượng nhiễm sắc thể sẽ ảnh hưởng đến các chức năng sống của thai nhi. Mặc dù có các trường hợp thai nhi mang bất thường số lượng nhiễm sắc thể được sinh ra và có khả năng sống (Hội chứng Down, Hội chứng Turner,…) nhưng phần lớn các trường hợp thai bất thường này sẽ không vượt qua 3 tháng đầu thời kỳ mang thai.
- Sức khỏe người mẹ
Trong một số trường hợp, các tình trạng bệnh và tật mà người mẹ mắc phải có khả năng gây sảy thai. Các tình trạng bệnh tật này là: đái tháo đường không kiểm soát, tình trạng nhiễm trùng, rối loạn hormone, bất thường về tử cung buồng trứng, bệnh lý tuyến giáp, béo phì,…
Bên cạnh đó, một số tác nhân có thể được coi như những yếu tố làm tăng nguy cơ sảy thai là thuốc lá, rượu bia, chất kích thích,…
Mẹ bầu hút thuốc
1.3. Các dạng sảy thai khác nhau:
Một số chẩn đoán có thể được đưa ra để chỉ các trường hợp sảy thai khác nhau như sau:
- Dọa sảy thai
Thai phụ xuất hiện ra máu âm đạo, đau bụng tức nặng bụng dưới hoặc đau âm ỉ. Qua thăm khám bác sĩ xác nhận cổ tử cung chưa mở. Do vậy trường hợp này có nguy cơ sảy thai tuy nhiên thai nhi chưa thực sự xảy và có khả năng tiếp diễn thai kỳ.
- Sảy thai khó tránh
Thai phụ có thể có các biểu hiện như ra máu âm đạo lượng nhiều, máu loãng lẫn máu cục, đau bụng nhiều từng cơn vùng bụng dưới. Qua thăm khám bác sĩ xác nhận cổ tử cung đã mở vậy nên sảy thai là điều không thể tránh khỏi.
- Sảy thai không hoàn toàn
Một phần mô thai đã bị đưa ra khỏi tử cung tuy nhiên vẫn còn một phần sót lại bên trong.
- Sảy thai hoàn toàn
Toàn bộ mô thai đã bị đưa ra khỏi tử cung. Trường hợp này thường gặp ở những tuổi thai nhỏ hơn 12 tuần.
- Sảy thai nhiễm khuẩn
Tình trạng này xảy ra khi thai phụ bị nhiễm khuẩn sau quá trình sảy thai. Tình trạng này có thể gây nguy hiểm đến tính mạng và thai phụ cần được chăm sóc y tế càng sớm càng tốt.
1.4. Một số biến chứng của quá trình sảy thai:
Một số trường hợp mô thai còn nằm lại trong tử cung sau khi sảy có thể dẫn đến tình trạng nhiễm trùng tử cung hay sảy thai nhiễm khuẩn.
Một biến chứng nghiêm trọng khác là hiện tượng xuất huyết nặng nề có thể dẫn đến tình trạng thiếu máu cấp tính. Lượng máu chảy nhiều có thể gây nguy hiểm đến tính mạng thai phụ vậy nên trường hợp này cần được can thiệp y tế kịp thời.
2. Cách phòng tránh và điều trị
Ngăn chặn quá trình sảy thai là không thể. Thay vào đó, thai phụ hãy tập trung chăm sóc tốt cho sức khỏe bản thân bằng cách đi khám thai định kỳ, điều trị ổn định các bệnh lý nền nếu có, tránh các yếu tố nguy cơ sảy thai và bổ sung một số vitamin cần thiết.
Mất mát của thai phụ sau sảy thai
Nếu nghi ngờ quá trình sảy thai đang hoặc đã diễn ra, thai phụ nên đi khám chuyên khoa sản để được chẩn đoán và điều trị kịp thời tránh các biến chứng nguy hiểm. Các trường hợp dọa sảy vẫn có thể tiếp tục thai kỳ với những sự trợ giúp y tế thích hợp. Trong trường hợp sảy thai, nếu quá trình này không diễn ra hoàn toàn với sự đẩy ra của toàn bộ tổ chức thai, thai phụ có thể được điều trị bằng thuốc hoặc phẫu thuật tùy theo sự đánh giá chuyên môn của các nhà sản khoa. Bên cạnh các điều trị thực thể, thai phụ cũng cần các hỗ trợ tâm lý từ người thân và gia đình.
Sau quá trình sảy thai, người phụ nữ hoàn toàn có thể mang thai ngay ở chu kỳ kinh tiếp theo. Nhưng quyết định lần mang thai tiếp theo nên được dựa trên tiền đề là sự phục hồi hoàn toàn và trạng thái khỏe mạnh cả về thể chất lẫn tinh thần của người mẹ để sẵn sàng cho lần mang thai mới.
Biết về quá trình sảy thai, hiểu những nguyên nhân và yếu tố nguy cơ cũng như có khả năng nhận biết những triệu chứng sảy thai sớm là cách mẹ bầu có thể chuẩn bị tốt hơn cho thai kỳ của mình. Để được hỗ trợ kịp thời và chính xác nhất, mẹ bầu cần tham khảo ý kiến các chuyên gia sản phụ khoa!
Bài viết tham khảo nguồn
Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị các bệnh sản phụ khoa Bộ Y Tế (2015) – https://www.slideshare.net/thinhtranngoc98/hng-dn-chn-on-v-iu-tr-cc-bnh-sn-ph-khoa-b-y-t-2015-84279647?fbclid=IwAR3bwXdspGcdYnipCh524QWtURuWeUAbCwl11ql5J6UhBiLrWr6T5Xq2Db0
https://www.thelancet.com/journals/lancet/article/PIIS0140-6736(21)00954-5/fulltext
https://www.acog.org/womens-health/faqs/extremely-preterm-birth