Theo Hội Tim mạch học Hoa Kỳ/ Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ, suy tim được phân thành bốn giai đoạn (A, B, C và D) dựa vào sự tiến triển của bệnh. Bài viết này cung cấp kiến thức về các giai đoạn của suy tim, biện pháp điều trị và chăm sóc phù hợp cho từng giai đoạn.
1. Suy tim có những giai đoạn nào?
Theo hướng dẫn của Hội Tim mạch học Hoa Kỳ/ Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ (AHA/ACC), suy tim làm 4 giai đoạn là A, B, C và D dựa trên giai đoạn tiến triển của bệnh. Bên cạnh đó, Hiệp hội Tim mạch Hoa kỳ (NYHA) phân loại suy tim thành 4 mức độ I, II, III, và IV tùy vào triệu chứng cơ năng và khả năng gắng sức. Các giai đoạn được trình bày chi tiết trong bảng dưới đây:
Bảng 1. Phân loại suy tim
Phân giai đoạn theo AHA/ACC | Phân chức năng theo NYHA | ||
Giai đoạn | Triệu chứng | Mức độ | Triệu chứng |
A | Có các yếu tố nguy cơ suy tim cao (có một số bệnh mắc kèm như béo phì, tăng huyết áp, đái tháo đường hoặc đã từng sử dụng các thuốc gây tổn thương cho tim như thuốc trị ung thư,…) nhưng không có bất thường cấu trúc tim hay triệu chứng suy tim. | Bệnh nhân không có triệu chứng. | |
B | Có tổn thương cấu trúc tim (tăng kích thước cơ tim, bệnh hở van tim) nhưng chưa có dấu hiệu hay triệu chứng suy tim. | I(nhẹ) | Bệnh nhân không có triệu chứng. Hoạt động thể chất thông thường không gây mệt mỏi quá mức, tim đập nhanh hoặc khó thở. |
C | Có tổn thương cấu trúc tim kèm theo các triệu chứng suy tim. | II(nhẹ) | Hạn chế nhẹ hoạt động thể chất. Bệnh nhân khỏe khi nghỉ ngơi. Tuy nhiên, những hoạt động thông thường như đi bộ lên dốc, leo cầu thang,…khiến bệnh nhân mệt mỏi, tim đập nhanh hoặc khó thở. |
D | Triệu chứng suy tim tiến triển không đáp ứng với điều trị, đòi hỏi can thiệp đặc hiệu như phẫu thuật hoặc hỗ trợ thiết bị để duy trì hoạt động của tim. | III(trung bình) | Hoạt động thể chất hạn chế rõ rệt. Bệnh nhân khỏe khi nghỉ ngơi. Nhưng chỉ cần vận động nhẹ (như tắm rửa, thay đồ,..) đã xuất hiện triệu chứng của suy tim. |
IV(nặng) | Không thể vận động thể lực. Các triệu chứng ở giai đoạn này trở nên rầm rộ, nghiêm trọng và có thể xuất hiện ngay cả khi nghỉ ngơi. |
- Việc xác định giai đoạn là cơ sở để bác sĩ điều trị lập kế hoạch thay đổi lối sống và sử dụng thuốc phù hợp nhằm ngăn ngừa hoặc làm chậm sự tiến triển tình trạng bệnh một cách hiệu quả.
(Hình minh họa: Tim bình thường và tim bất bình thường )
2. Suy tim được điều trị như thế nào ở từng giai đoạn?
Dựa vào giai đoạn bệnh, bác sĩ sẽ đưa ra kế hoạch điều trị phù hợp với mỗi bệnh nhân. Thay đổi lối sống và điều trị bằng thuốc được coi là nền tảng đối với các bệnh nhân suy tim. Mỗi giai đoạn sẽ có những mục tiêu điều trị và chỉ định khác nhau, cụ thể:
2.1. Giai đoạn A
Giai đoạn này, mục tiêu điều trị hướng tới việc ngăn chặn tiến triển thành suy tim. Do đó, trước tiên bệnh nhân cần thay đổi lối sống và kiểm soát chặt chẽ các bệnh mắc kèm, chẳng hạn như:
- Tăng huyết áp: Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng tăng huyết áp là yếu tố nguy cơ hàng đầu gây ra bệnh suy tim. Do đó, kiểm soát huyết áp đóng một vai trò quan trọng trong việc ngăn chặn diễn tiến thành suy tim.
- Đái tháo đường và các bệnh lý mãn tính khác: Bệnh nhân cần tuân thủ điều trị những thuốc được bác sĩ kê đơn, nhằm kiểm soát tốt tình trạng bệnh.
- Thực hiện lối sống lành mạnh như duy trì hoạt động thể chất thường xuyên, kiểm soát cân nặng, ngừng hút thuốc lá và có chế độ ăn khỏe,… Điều này không chỉ làm giảm nguy cơ mắc bệnh suy tim mà còn bảo vệ cấu trúc tim tốt hơn.
2.2. Giai đoạn B
Trong giai đoạn này mục tiêu điều trị nhắm tới ngăn chặn hoặc làm chậm tiến triển các triệu chứng suy tim, đồng thời giảm thiểu tối đa tổn thương cấu trúc tim.
Các khuyến cáo dành cho đối tượng suy tim giai đoạn B bao gồm:
- Các chỉ định dành cho bệnh nhân suy tim giai đoạn A
- Nhóm thuốc statin, ức chế men chuyển angiotensin (ACEi)/ ức chế thụ thể angiotensin II (ARB), thuốc chẹn thụ thể beta (BB) là những nhóm thuốc đượckhuyếncáo sử dụng cho các bệnh nhân thuộc giai đoạn B.
- Một số bệnh nhân có thể được cân nhắc cấy máy tạo nhịp phá rung (ICD) hoặc phẫu thuật sửa van/ thay van tim.
2.3. Giai đoạn C
Bệnh nhân suy tim giai đoạn C tồn tại tổn thương cấu trúc tim kèm theo xuất hiện những triệu chứng điển hình của suy tim như khó thở, mệt mỏi. Trong giai đoạn này, mục tiêu điều trị bao gồm kiểm soát triệu chứng, làm chậm quá trình bệnh sang giai đoạn D, ngăn ngừa nhập viện và giảm nguy cơ tử vong.
Biện pháp điều trị cụ thể cho suy tim giai đoạn C, bao gồm:
- Các khuyến cáo dành cho bệnh nhân suy tim giai đoạn A và B.
- Nhóm thuốc điều trị: Thuốc lợi tiểu, ARNI/ ACEi/ ARB, BB và chất ức chế đồng vận chuyển Natri-Glucose 2 (SGLT2i) là những nhóm thuốc được sử dụng để điều trị chính trong giai đoạn này. Nghiên cứu đã chứng minh việc bổ sung axit béo không bão hòa đa omega-3 để bổ trợ nhằm giảm tỷ lệ tử vong và nhập viện do tim mạch.
- Bệnh nhân có thể được chỉ định cấy máy ICD/ CRT hoặc phẫu thuật sửa van/ thay van tim.
- Thay đổi lối sống: Bệnh nhân suy tim giai đoạn C tránh tiêu thụ nhiều muốn mang lại những lợi ích đáng kể. Tập thể dục giúp bệnh nhân lấy lại được tinh thần, hơn nữa tập luyện thể dục phù hợp có liên quan đến việc giảm tỷ lệ nhập viện và tử vong ở bệnh nhân suy tim.
Ngoài ra, việc quản lý và theo dõi sự tiến triển của các triệu chứng là một phần quan trọng trong quản lý bệnh suy tim. Điều này có thể giúp bác sĩ đánh giá tình trạng bệnh và điều chỉnh kế hoạch điều trị một cách hiệu quả hơn cho bạn.
2.4. Giai đoạn D
Được xem là giai đoạn cuối của suy tim, các thuốc điều trị hầu như không còn hiệu quả. Do đó việc điều trị trở nên khó khăn và phức tạp hơn rất nhiều cũng như cần có những can thiệp đặc hiệu. Kiểm soát triệu chứng, nâng cao chất lượng sống, giảm số lần nhập viện và chăm sóc giảm nhẹ là những mục tiêu chính trong giai đoạn này. Các biện pháp điều trị bao gồm:
- Áp dụng các phương pháp điều trị của giai đoạn A, B và C.
- Thuốc điều trị: Lợi tiểu là nhóm thuốc cơ bản và quan trọng trọng điều trị suy tim giai đoạn cuối để xử lý tình trạng ứ nước.
- Hỗ trợ tuần hoàn cơ học (MCS): Là phương pháp có thể cải thiện sống còn và triệu chứng ở bệnh nhân suy tim nặng.
- Ghép tim: Là tiêu chuẩn vàng điều trị suy tim giai đoạn cuối đối với bệnh nhân không có chống chỉ định và các thuốc điều trị không còn hiệu quả.
- Chăm sóc giảm nhẹ cuối đời: Mỗi bệnh nhân suy tim có diễn tiến bệnh khác nhau. Tuy nhiên, xu hướng chung là suy yếu dần và có thể trở nặng hơn qua các đợt cấp hoặc tử vong. Trong giai đoạn này, việc điều trị không có hiệu quả rõ ràng đối với tỉ lệ sống còn, nhưng có ảnh hưởng lớn đối với chất lượng cuộc sống và giảm đi gánh nặng triệu chứng.
Trên đây là những liệu pháp điều trị ở từng giai đoạn suy tim. Tuy nhiên, để mang lại hiệu quả điều trị tối ưu, bệnh nhân cần tuyệt đối tuân thủ điều trị theo chỉ định của bác sĩ.
(Hình minh họa: phương pháp điều trị suy tim)
3. Chăm sóc bệnh nhân suy tim
Song song với việc điều trị bằng thuốc, thay đổi lối sống là rất quan trọng để giúp kiểm soát triệu chứng, ngăn ngừa tình trạng tiến triển và kéo dài thời gian sống cho bệnh nhân, bao gồm:
3.1. Hoạt động thể lực
Tập thể dục nhẹ nhàng tùy theo khả năng của bệnh nhân được chứng minh là có nhiều lợi ích. Bệnh nhân có thể hoạt động thể lực thường xuyên bằng cách đi bộ, yoga, dưỡng sinh phù hợp với tình trạng bệnh. Tuy nhiên, đối với bệnh nhân suy tim nặng nên nghỉ ngơi tại. Việc nghỉ ngơi tại chỗ khiến lưu lượng máu lưu thông trở nên kém hơn, người nhà bệnh nhân có thể hỗ trợ bằng cách xoa bóp.
3.2. Chế độ ăn uống
- Hạn chế muối: Bệnh nhân suy tim chỉ nên tiêu thụ ≤ 3g natri/ ngày (khoảng 1 muỗng cafe muối ăn). Bạn nên cắt giảm lượng muối từ từ có trong khẩu phần ăn hằng ngày, để điều chỉnh vị giác và ngon miệng hơn. Dưới đây một số tips giúp bạn có thể giảm lượng muối trong khẩu phần ăn hằng ngày, bao gồm:
- Bạn có thể ăn nhiều hoa quả, rau xanh, các loại hạt, cá, thịt gia cầm và sữa ít béo.
- Nên kiểm tra thông tin trên nhãn thực phẩm để xem hàm lượng muối có trong đó.
- Hạn chế ăn thức ăn nhanh, đồ đóng hộp.
- Hạn chế lượng nước nạp vào: Bạn cần theo dõi lượng nước uống, tốt nhất trong khoảng 1,5 – 2 L/ ngày và tuân thủ đúng liều thuốc lợi tiểu (nếu được chỉ định).
- Không hút thuốc: Hút thuốc lá gây tổn thương động mạch và giảm lượng oxy trong máu có thể khiến tình trạng suy tim trở nên nghiêm trọng hơn.
- Hạn chế uống rượu: Bạn có thể uống tối đa ≤ 2 đơn vị*/ ngày nếu là nam giới và ≤ 1 đơn vị/ ngày đối với nữ. Một đơn vị cồn tương đương 354 mL bia (5%) hoặc 150 mL rượu vang (12%) hoặc 45 mL rượu mạnh (40%). Bạn nên ngừng uống rượu hoàn toàn nếu suy tim của bạn được chẩn đoán có liên quan đến rượu.
3.3. Kiểm soát cân nặng
Kiểm soát cân nặng là một bước quan trọng giúp bạn theo dõi diễn tiến bệnh. Dưới đây là các bước mà bạn có thể thực hiện để kiểm soát cân nặng của mình.
Tóm tắt
Suy tim được chia ra là 4 giai đoạn từ nhẹ đến nặng. Mỗi giai đoạn đòi hỏi các phương pháp điều trị khác nhau. Điều quan trọng, bạn cần tuân thủ điều trị kết hợp với thay đổi lối sống đồng thời chú trọng đến sức khỏe tinh thần. Điều này giúp bạn có thể kiểm soát triệu chứng, nâng cao chất lượng sống và kéo dài thời gian sống thêm.
(Hình minh họa: Phương pháp điều trị suy tim )
Bài viết tham khảo nguồn:
https://www.aahfn.org/mpage/what_is_hf
https://professional.heart.org/en/science-news/-/media/832EA0F4E73948848612F228F7FA2D35.ashx
https://www.healthdirect.gov.au/heart-failure
https://cdn-endpoint-hfm.azureedge.net/heartfailurematters/2022/05/hfm-guidelines2.pdf.pdf
https://www.uptodate.com/contents/heart-failure-the-basics
https://www.webmd.com/heart-disease/heart-failure/heart-failure-treatment-by-stage