Tăng áp động mạch phổi nếu được phát hiện và điều trị tích cực, tỷ lệ sống sẽ được cải thiện đáng kể và có thể lên tới 90%. Bệnh xảy ra khi huyết áp tại động mạch phổi tăng cao hơn bình thường. Mỗi bệnh nhân tăng áp phổi có tiên lượng khác nhau tùy vào nguyên nhân gây bệnh và thời điểm phát hiện bệnh.
1. Bệnh nhân tăng áp phổi sống được bao lâu?
Hiện nay, các kết luận về thời gian sống của người mắc tăng áp phổi chủ yếu dựa trên số liệu thống kê những bệnh nhân đã mắc bệnh. Bệnh được tìm thấy từ thế kỉ 19, tuy vậy đến cuối thế kỉ 20 thì các liệu pháp điều trị mới được nghiên cứu phát triển. Nhiều nghiên cứu về căn bệnh này được tiến hành, tuy vậy chúng không được thiết kế để nghiên cứu vấn đề sống còn.
Tăng áp động mạch phổi là gì?
Tăng áp động mạch phổi (còn gọi là tăng áp phổi) là sự tăng huyết áp tại các mạch máu cung cấp máu cho phổi (gọi là động mạch phổi). Khi mắc bệnh, thành động mạch trở nên dày và cứng, không thể co giãn để máu đi qua, dẫn tới lưu lượng máu giảm xuống. Động mạch phổi nối trực tiếp với tim phải, tim sẽ bơm máu lên phổi qua động mạch này. Vì vậy khi tăng áp phổi, tim phải sẽ phải hoạt động nhiều hơn, lâu dài làm tổn thương phần bên phải của tim, có thể dẫn tới suy tim.
Tăng áp phổi là căn bệnh hiếm gặp có thể xuất hiện ở mọi lứa tuổi, tỷ lệ mắc thường cao hơn ở những người đang mắc bệnh nền khác tại tim hoặc phổi.
1.1. Tuổi thọ trung bình của người bệnh tăng áp phổi
Theo cuộc nghiên cứu của Cơ quan nghiên cứu dữ liệu bệnh nhân về tăng áp phổi (một cơ quan thuộc Viện Y tế Quốc gia Hoa Kỳ) từ tháng 3 năm 2006 đến tháng 12 năm 2009, tỷ lệ sống sót của bệnh nhân có sự khác nhau giữa các phân nhóm bệnh, cao nhất có thể lên tới 90% sau khi phát hiện bệnh và lên tới 88% sau khi điều trị 5 năm.
Tăng áp phổi hiện nay được chia làm 4 nhóm theo triệu chứng như sau:
Nhóm 1: Không có triệu chứng khó thở, mệt mỏi, đau ngực khi hoạt động thể chất hay khi nghỉ ngơi.
Nhóm 2: Không có triệu chứng khi nghỉ ngơi, nhưng khi hoạt động thể chất thông thường thì gây khó thở quá mức
Nhóm 3: Ảnh hưởng rõ rệt đến hoạt động thể chất, thoải mái khi nghỉ ngơi. Hoạt động thể chất ít hơn bình thường cũng gây khó thở, thậm chí là ngất
Nhóm 4: Có triệu chứng như khó thở khi làm bất cứ hoạt động nào, dù chỉ là hoạt động nhẹ. Thậm chí triệu chứng mệt mỏi, khó thở còn xuất hiện khi đang nghỉ ngơi.
Tỷ lệ sống khác nhau giữa các nhóm, càng về nhóm đầu tiên thì tỷ lệ sống càng cao. Tỷ lệ sống sót khi bệnh được phát hiện là 90,4%. Tỷ lệ bệnh nhân sống được 5 năm sau khi chẩn đoán và điều trị tích cực trung bình khoảng 64%. Cụ thể, tỷ lệ sống được 5 năm sau chẩn đoán của nhóm 1 là 88%, của nhóm 2 là 75,6%, của nhóm 3 là 57,0% và của nhóm 4 là 27,2%.
Hiện nay, thời gian sống của người bệnh đã tăng từ 7 lên 10 năm. Nhiều bệnh nhân được xác nhận vẫn sống khỏe mạnh sau hơn 10 năm kể từ lần chẩn đoán xác nhận đầu tiên. Có thể hiểu rằng, thời gian sống của người bệnh và cả chất lượng cuộc sống đều được cải thiện rất nhiều sau nhiều năm nghiên cứu các liệu pháp điều trị và phương pháp chăm sóc mới.
Duy trì lối sống lành mạnh và tuân thủ liệu trình điều trị, theo dõi bệnh của chuyên gia y tế đã giúp người mắc tăng áp động mạch phổi cải thiện sức khỏe và kéo dài tuổi thọ khá nhiều, có thể kéo dài tới 15 năm sau khi phát hiện bệnh.
1.2. Yếu tố nguy cơ ảnh hưởng đến thời gian sống của người bệnh
Tăng áp phổi diễn biến bệnh tốt hay xấu còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Khi người bệnh càng có nhiều yếu tố nguy cơ được liệt kê dưới đây thì khả năng bệnh diễn biến xấu đi càng cao , thời gian sống cũng bị rút ngắn.
Một số đối tượng dễ mắc tăng áp phổi hơn người bình thường có thể kể đến là:
● Người thừa cân, béo phì
● Người sử dụng chất kích thích, chất gây nghiện
● Trong gia đình có người bị tăng áp động mạch phổi.
● Bệnh nhân mắc bệnh tim bẩm sinh.
● Bệnh nhân mắc bệnh xơ cứng bì, lupus ban đỏ.
● Bệnh nhân từng mắc tăng áp lực tĩnh mạch cửa, xơ gan.
● Bệnh nhân HIV.
Thừa cân làm tiên lượng bệnh tăng áp phổi xấu đi
Bên cạnh đó, nguyên nhân gây bệnh cũng là một phần trong xác định tiên lượng bệnh. Bệnh nhân bị tăng áp động mạch phổi vô căn (không rõ nguyên nhân) thường có tiên lượng xấu và thời gian sống ngắn hơn những nhóm nguyên nhân khác.
Giới tính cũng được coi là một yếu tố nguy cơ, phụ nữ mắc bệnh thường tiên lượng xấu hơn đàn ông.
1.3. Dấu hiệu của tăng áp động mạch phổi
Tăng áp động mạch phổi khi bệnh nhẹ rất khó nhận biết, hầu như không có triệu chứng hoặc triệu chứng dễ nhầm lẫn với những bệnh khác. Khi nhận biết một số dấu hiệu sau đây, hãy nghĩ đến việc tầm soát tăng áp động mạch phổi để phát hiện bệnh kịp thời:
● Khó thở ngay cả khi không mắc bệnh tim phổi. Hoặc mắc bệnh tim phổi nhưng khó thở tăng lên bất thường không rõ lý do
● Mệt mỏi, dễ chóng mặt thậm chí ngất xỉu
● Chướng bụng, sưng phù ở chân hoặc mắt cá chân
● Hụt hơi, đau cơ ngực (đau thắt ngực)
Đau ngực có thể là dấu hiệu tăng áp động mạch phổi
Tuy nhiên, nhiều bệnh nhân không có bất cứ dấu hiệu hay triệu chứng nào cho tới khi bệnh trở nặng hoặc xuất hiện biến chứng.
2. Những phương pháp hỗ trợ bệnh nhân tăng áp phổi kéo dài tuổi thọ
Bên cạnh tuân thủ điều trị từ các chuyên gia y tế, bệnh nhân tăng áp động mạch phổi có thể tham khảo một số phương pháp sau đây để thay đổi lối sống theo hướng tích cực và có lợi hơn cho tiến triển bệnh, nâng cao chất lượng sống:
● Chế độ ăn uống lành mạnh: Sử dụng ngũ cốc nguyên hạt, rau củ quả, thịt nạc và các sản phẩm từ sữa tách béo. Giảm thiểu chất béo bão hòa (như mỡ động vật), chất béo chuyển hóa (trong đồ ăn nhanh) và cholesterol. Hạn chế muối.
Chế độ ăn nhiều rau củ quả
● Duy trì hoạt động thể chất thường xuyên và giữ cân nặng ở mức bình thường: Ngay cả hoạt động nhẹ cũng có thể khiến một số bệnh nhân tăng huyết áp phổi bị mệt. Có thể hỏi ý kiến bác sĩ điều trị để có thể lên kế hoạch tập thể dục phù hợp.
● Không hút thuốc: Nếu đang hút thuốc, hãy ngừng hút thuốc. Nếu chưa từng hút thuốc thì tốt nhất không nên thử. Tránh hút thuốc thụ động nếu có thể.
● Nghỉ ngơi nhiều. Nghỉ ngơi giúp tim và phổi giảm làm việc và làm giảm mệt mỏi liên quan đến tăng huyết áp phổi.
● Hạn chế lên các nơi có độ cao lớn so với mực nước biển: Độ cao có thể làm huyết áp động mạch phổi tăng cao hơn. Tốt nhất nên sống ở nơi có độ cao dưới 8.000 feet (khoảng 2.438 mét).
● Tránh các hoạt động có thể làm giảm huyết áp quá mức: ví dụ như ngâm bồn nước nóng, tắm trong phòng tắm hơi, tắm nước nóng hoặc tắm vòi sen trong thời gian dài. Những hoạt động này làm giảm huyết áp và có thể gây ngất xỉu, thậm chí gây tử vong. Ngoài ra, không tham gia những hoạt động quá sức như nâng vật nặng hoặc tạ.
Tránh ngâm bồn tắm, tắm vòi sen quá lâu
● Nhận kiểm tra sức khỏe thường xuyên: Hãy theo dõi và báo ngay cho bác sĩ khi có bất kỳ triệu chứng mới nào, triệu chứng cũ bị trầm trọng hơn hoặc tác dụng phụ của thuốc.
● Tránh mang thai: Tăng áp phổi có thể gây ra những biến chứng nghiêm trọng cho cả thai phụ và thai nhi. Tuy nhiên, một số loại thuốc tránh thai có thể làm tăng nguy cơ đông máu. Hãy hỏi ý kiến của chuyên gia y tế để được tư vấn kĩ hơn về các biện pháp ngừa thai phù hợp.
Hy vọng bài viết trên đây sẽ cung cấp đến cho bạn những thông tin hữu ích về căn bệnh hiếm gặp tăng áp động mạch phổi. Theo sự phát triển của y học hiện đại, thời gian sống và chất lượng lượng cuộc sống của bệnh nhân tăng áp phổi ngày càng được cải thiện. Tuân theo điều trị của bác sĩ và duy trì lối sống lành mạnh giúp nhiều bệnh nhân có tiên lượng bệnh tốt và kéo dài tuổi thọ.
Tài liệu tham khảo:
https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/pulmonary-hypertension/diagnosis-treatment/drc-20350702 https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC2700428/
https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/26066077/
https://www.nhs.uk/conditions/pulmonary-hypertension/causes/
https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC3484794/
https://tanghuyetap.vn/tin-tuc/tang-ap-dong-mach-phoi-cai-chet-duoc-bao-truoc
https://pulmonaryhypertensionrn.com/functional-classification-of-pulmonary-arterial-hypertension-pah/ https://academic.oup.com/rheumatology/advance-article/doi/10.1093/rheumatology/kead103/7076606 https://journal.chestnet.org/article/S0012-3692(15)50294-8/fulltext