Tăng huyết áp là một bệnh mạn tính thường gặp và có thể dẫn tới các biến chứng tim mạch nguy hiểm. Hãy cùng tìm hiểu về mức độ phổ biến của tăng huyết áp, những yếu tố nguy cơ và cách chúng ta phòng ngừa bệnh lý này nhé!
1. Tăng huyết áp có phổ biến không?
Trước hết chúng ta cần biết huyết áp là gì? Huyết áp là áp lực của máu tác động lên thành động mạch. Huyết áp được thể hiện thông qua 2 chỉ số là huyết áp tâm thu (còn gọi là huyết áp tối đa) và huyết áp tâm trương (còn gọi là huyết áp tối thiểu). Ở hầu hết người lớn, huyết áp bình thường sẽ dưới 120/80 mmHg. Bệnh nhân được xác định là tăng huyết áp khi huyết áp đo tại phòng khám lớn hơn hoặc bằng 140/90 mmHg.
Tăng huyết áp là một bệnh lý mạn tính phổ biến tại Việt Nam và trên thế giới. Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), bệnh tăng huyết áp ảnh hưởng đến hơn 30% người trưởng thành. Cụ thể, toàn thế giới có khoảng 1,28 tỷ người trong độ tuổi từ 30-79 tuổi mắc tăng huyết áp. Tại Việt Nam, tỷ lệ mắc tăng huyết áp ở người trưởng thành năm 2021 là 26,2%, tương đương với khoảng 17 triệu người. Đây là một con số đáng báo động trong thời điểm hiện tại.
Tỷ lệ mắc tăng huyết áp đang ngày càng gia tăng, tuy nhiên chỉ khoảng 42% bệnh nhân mắc tăng huyết áp được chẩn đoán và điều trị. Nhiều bệnh nhân mắc tăng huyết áp nhưng lại không hề có triệu chứng và chỉ phát hiện bệnh khi đã có các biến chứng nguy hiểm. Đây là một thực trạng đáng buồn, bởi lẽ tăng huyết áp là một bệnh lý dễ chẩn đoán. Bạn chỉ cần có một máy đo huyết áp là có thể tự kiểm tra được huyết áp của bản thân và các thành viên trong gia đình.
2. Đối tượng nào có nguy cơ cao mắc tăng huyết áp?
Một số yếu tố có thể làm gia tăng nguy cơ mắc bệnh cao huyết áp như tình trạng sức khỏe, lối sống và tiền sử gia đình. Dưới đây là các nhóm đối tượng dễ mắc tăng huyết áp, cần phải thường xuyên kiểm tra huyết áp để phòng ngừa và sớm phát hiện bệnh:
2.1. Người mắc đái tháo đường
Tăng huyết áp là một tình trạng thường gặp ở bệnh nhân đái tháo đường. Cứ 10 bệnh nhân đái tháo đường thì có khoảng 6 người bị tăng huyết áp. Cả hai bệnh lý này đều có nguy cơ dẫn tới các biến chứng nguy hiểm như suy thận, đột quỵ, nhồi máu cơ tim.
2.2. Người thừa cân, béo phì
Những người thừa cân và béo phì sẽ cần nhiều máu hơn để cung cấp oxy và chất dinh dưỡng tới các mô. Khi lượng máu lưu thông qua các mạch máu tăng lên thì áp suất bên trong các động mạch cũng tăng theo, lâu dần sẽ dẫn tới tình trạng tăng huyết áp mạn tính.
2.3. Người có chế độ ăn uống không lành mạnh
Một số thói quen ăn uống không lành mạnh sẽ gây ảnh hưởng đến sức khỏe và góp phần làm tăng huyết áp: ● Ăn nhiều muối: Ăn quá nhiều muối sẽ dẫn tới tích tụ natri và nước trong cơ thể, từ đó làm tăng huyết áp.
● Ăn ít kali: Kali giúp cân bằng lượng natri trong tế bào, giúp cho các động mạch thư giãn và làm giảm huyết áp. Những người ăn quá ít kali sẽ có nguy cơ bị tăng huyết áp
● Ăn nhiều dầu mỡ: Chế độ ăn nhiều dầu mỡ sẽ làm tăng lượng cholesterol trong máu, tăng nguy cơ mắc các bệnh lý tim mạch như rối loạn lipid máu, tăng huyết áp và xơ vữa động mạch.
● Ăn nhiều đường: Tiêu thụ quá nhiều đường sẽ dẫn tới nguy cơ béo phì, đái tháo đường và gia tăng nguy cơ bị cao huyết áp.
Hình 1. Chế độ ăn nhiều muối làm tăng nguy cơ bị cao huyết áp
2.4. Người ít vận động thể lực
Tập thể dục sẽ làm tăng lưu lượng máu trong cơ thể, dẫn đến giải phóng các hormone và cytokine tự nhiên giúp thư giãn các mạch máu. Ở những người ít hoạt động thể lực, quá trình trao đổi chất và chuyển hóa trong cơ thể giảm, dẫn tới nguy cơ thừa cân, đái tháo đường và nguy cơ tăng huyết áp cao hơn.
2.5. Người nghiện rượu
Lạm dụng rượu bia thường xuyên là yếu tố nguy cơ dẫn tới tăng huyết áp. Mặc dù cơ chế chưa được biết đầy đủ nhưng nhiều nghiên cứu đã cho thấy hạn chế rượu bia sẽ giúp cải thiện huyết áp của bệnh nhân.
2.6. Người sử dụng thuốc lá thường xuyên
Khói thuốc lá là tập hợp của nhiều chất hóa học có hại cho sức khỏe như nicotin, carbon monoxide, benzen,…Sử dụng thuốc lá thường xuyên có thể khiến huyết áp của bạn tăng lên và góp phần làm tổn thương các động mạch. Hút thuốc lá thụ động cũng làm tăng nguy cơ mắc các bệnh tim mạch.
2.7. Người cao tuổi
Người cao tuổi là đối tượng có nguy cơ cao mắc bệnh tăng huyết áp. Bởi lẽ khi chúng ta già đi, khả năng đàn hồi của các mạch máu sẽ suy giảm.Theo một thống kê tại Mỹ giai đoạn 2015-2016, tỷ lệ bị cao huyết áp ở những người trong độ tuổi 40-59 là 33,2%; tỷ lệ này tăng lên tới 63,1% ở những người từ 60 tuổi trở lên.
3. Những biện pháp phòng ngừa bệnh tăng huyết áp
Trên đây là các đối tượng có nguy cơ cao bị tăng huyết áp. Nếu bạn thuộc các nhóm đối tượng trên, hãy áp dụng các biện pháp phòng ngừa sau đây:
3.1. Xây dựng chế độ ăn uống lành mạnh
Bạn nên giảm lượng muối trong chế độ ăn, không quá 5-6g muối ăn/ngày (tương đương với khoảng 1 thìa cà phê/ngày). Bạn cũng cần hạn chế ăn các thức ăn chế biến sẵn, thức ăn nhiều chất béo và đồ ngọt. Tăng cường ăn trái cây, rau xanh, lưu ý bổ sung các thức ăn có chứa nhiều kali, magiê và các nguyên tố vi lượng khác như khoai tây, rong biển, chuối, bơ, dưa hấu,…
Hình 2. Xây dựng chế độ ăn uống lành mạnh để phòng ngừa tăng huyết áp
3.2. Tăng cường vận động thể lực
Tăng cường vận động là một phần không thể thiếu trong quá trình thay đổi lối sống để phòng ngừa bệnh tăng huyết áp. Tùy vào thể trạng mà bạn có thể xây dựng một chế độ luyện tập phù hợp. Theo khuyến cáo của Hiệp hội Tim mạch Châu Âu (ESC), người bệnh tăng huyết áp nên tập các bài tập có mức độ trung bình như đi bộ, đạp xe, bơi lội,…với thời gian ≥ 30 phút/lần tập/ngày và nên tập 5 – 7 ngày/tuần.
Hình 3. Tăng cường vận động thể lực giúp giảm nguy cơ tăng huyết áp
3.3. Bỏ thuốc lá
Bỏ hút thuốc lá sẽ giúp bạn cải thiện huyết áp và phòng ngừa các biến cố tim mạch nguy hiểm.
3.4. Hạn chế rượu bia
Theo khuyến cáo từ Hội Tim Mạch Hoa Kỳ (AHA), để tránh những tác hại lên hệ tim mạch, bạn nên giới hạn lượng rượu bia tiêu thụ theo chuẩn sau: Không uống quá hai ly mỗi ngày đối với nam giới và không quá một ly mỗi ngày đối với phụ nữ. Một ly tương đương với 355 ml bia với độ cồn khoảng 5% hoặc 148 ml rượu vang.
3.5. Kiểm soát cân nặng
Giảm cân mang lại nhiều lợi ích trong việc kiểm soát huyết áp, đồng thời cũng giúp cải thiện các bệnh lý khác như đái tháo đường, rối loạn lipid máu. Bạn có thể kiểm soát cân nặng thông qua việc duy trì chế độ ăn uống lành mạnh và tăng cường tập luyện thể dục, thể thao.
Tóm lại
Tăng huyết áp là một bệnh lý phổ biến và có thể dẫn tới nhiều biến chứng nguy hiểm. Nếu bạn thuộc nhóm có nguy cơ cao mắc tăng huyết áp, hãy áp dụng các biện pháp đã được đề cập trong bài viết để phòng ngừa bệnh lý này. Những thay đổi tích cực trong lối sống không chỉ mang lại lợi ích cho tình trạng tăng huyết áp mà còn giúp cải thiện sức khỏe tổng thể của bạn.
Nguồn tham khảo: CDC; WHO; Bộ Y tế; AHA
https://www.who.int/news-room/fact-sheets/detail/hypertension#:~:text=Hypertension%20(high%20blood%20pressure)%20is,get%20your%20blood%20pressure%20checked.
https://www.paho.org/en/campaigns/world-hypertension-day-2020#:~:text=Hypertension%20affects%20more%20than%2030,heart%20failure%2C%20arrhythmia%20and%20dementia. https://moh.gov.vn/hoat-dong-cua-lanh-dao-bo/-/asset_publisher/TW6LTp1ZtwaN/content/can-quan-tam-hon-ve-hoat-ong-quan-ly-benh-khong-lay-nhiem-va-roi-loan-suc-khoe-tam-than-tai-tuyen-y-te-co-so https://www.ahajournals.org/doi/full/10.1161/HYP.0000000000000065
https://www.cdc.gov/bloodpressure/risk_factors.htm https://www.cdc.gov/nchs/data/databriefs/db289.pdf