Tăng huyết áp đột ngột là tình trạng huyết áp tăng nhanh nguy hiểm và cao tới 180/120mmHg hoặc cao hơn. Sự tăng đột ngột này ảnh hưởng rất xấu lên nhiều hệ cơ quan trong cơ thể vì nó gây áp lực lớn lên mạch máu. Nếu không cấp cứu và điều trị kịp thời, tăng huyết áp đột ngột có thể để lại nhiều biến chứng và hậu quả nghiêm trọng.
1. Tăng huyết áp đột ngột nguy hiểm như thế nào?
Tăng huyết áp đột ngột gây nguy hiểm cho cơ thể bởi vì nó khiến mạch máu bị tổn thương rất nhanh và nghiêm trọng. Từ đó, bệnh gây ảnh hưởng đến nhiều hệ cơ quan như não, thận, phổi, mắt,…
Trong khi huyết áp tăng quá cao, tim không thể cung cấp đủ máu và oxi cho các cơ quan đích, đồng thời mạch máu yếu đi làm tăng nguy cơ vỡ giãn mạch và xuất huyết. Nếu không điều trị và hạ huyết áp kịp thời, nhiều cơ quan không chỉ yếu đi mà còn bị tổn thương nặng không hồi phục. Việc này gây ra những biến chứng như:
● Đột quỵ
● Mất ý thức, mất trí nhớ
● Tổn thương mắt, giảm thị lực
● Mất chức năng thận, suy thận
● Phù phổi (tình trạng phổi bị ứ dịch, gây khó khăn cho việc trao đổi khí)
● Xuất huyết não
● Suy tim
● Bóc tách động mạch chủ (tình trạng xuất hiện khoảng trống giữa 2 lớp ở thành động mạch chủ, máu qua khe rách chảy vào khoảng trống đó tạo thành một kênh chuyển máu giả)
Biến chứng đột quỵ ở bệnh nhân tăng huyết áp đột ngột
Bởi vì hậu quả khi không kiểm soát và hạ huyết áp kịp thời rất nghiêm trọng, người bệnh cần ngay lập tức liên hệ với trung tâm y tế gần nhất nếu như huyết áp không hạ xuống.
2. Dấu hiệu nhận biết tăng huyết áp đột ngột
Tăng huyết áp đột ngột chia làm 2 nhóm với mức độ ảnh hưởng đến sức khỏe khác nhau.
● Tăng huyết áp khẩn trương: Nếu đo huyết áp và nhận thấy chỉ số huyết áp tăng cao hơn 180/120 mmHg, hãy đợi 5 phút và tiến hành đo lại. Nếu chỉ số huyết áp vẫn cao hơn 180/120 mmHg và không đi kèm bất cứ triệu chứng nào về tổn thương các cơ quan đích (như mắt, thận, phổi,…) thì đây được coi là tăng huyết áp khẩn trương. Với trường hợp này, bác sĩ có thể tư vấn và hướng dẫn dùng thuốc để hạ huyết áp tại nhà mà không nhất định phải nhập viện.
● Tăng huyết áp cấp cứu: Nếu chỉ số huyết áp đo được đang trên 180/120 mmHg và có kèm theo triệu chứng tổn thương các cơ quan đích, như:
○ Đau thắt ngực dữ dội,
○ Khó thở tăng dần,
○ Mắt mờ,
○ Khó nói,
○ Cơ bắp tê yếu
Đây chính là tăng huyết áp cấp cứu. Áp lực máu cao đến mức có thể gây tổn thương nội tạng và nhiều cơ quan khác. Trường hợp này cần ngay lập tức gọi cấp cứu để huyết áp của bệnh nhân nhanh chóng được kiểm soát.
Nhận biết cả hai nhóm trên đều có thể dựa vào những dấu hiệu sau đây:
● Đau đầu
● Đau thắt ngực, khó thở
● Chóng mặt
● Buồn nôn và nôn
● Tim đập nhanh
● Hồi hộp, lo lắng
● Hụt hơi
● Mờ mắt
Đau thắt ngực – dấu hiệu nhận biết tăng huyết áp đột ngột
Triệu chứng phổ biến nhất của tăng huyết áp khẩn trương là đau đầu (78,87%) và đau ngực (56,34%), còn triệu chứng phổ biến nhất của tăng huyết áp cấp cứu là đau ngực (92,86%) và khó thở (71,43%).
Nhức đầu, đau ngực và khó thở chiếm tỷ lệ cao hơn đáng kể ở bệnh nhân tăng huyết áp cấp cứu vì đây có thể là dấu hiệu của tổn thương ở các cơ quan: não (nhức đầu), tim (đau ngực), phổi (khó thở).
3. Cách xử trí khi gặp tăng huyết áp đột ngột.
Nhiều bệnh nhân tăng huyết áp đã và đang sử dụng thuốc kiểm soát huyết áp vẫn có nguy cơ gặp tình trạng tăng huyết áp đột ngột. Hầu hết những bệnh nhân gọi cấp cứu khi bị tăng huyết áp đột ngột đều được xác định là tăng huyết áp khẩn trương, chỉ khoảng 25% bệnh nhân trong nhóm này là trường hợp tăng huyết áp cấp cứu.
Khi người thân đột ngột tăng huyết áp cao quá mức, cần chú ý những dấu hiệu của người bệnh. Nếu không có các dấu hiệu tổn thương cơ quan đích (như đau thắt ngực và khó thở tăng dần, mắt mờ, khó nói, đau lưng, cơ bắp tê yếu), có thể người bệnh đang bị tăng huyết áp khẩn trương. Hãy đưa người bệnh vào trạng thái nghỉ ngơi, thư giãn nhanh nhất để giúp hạ huyết áp xuống mức an toàn. Một số biện pháp có thể áp dụng ngay như sau:
● Nếu đang ở ngoài đường, đưa bệnh nhân vào chỗ mát và yên tĩnh, hoặc đưa bệnh nhân vào nhà nếu có thể. Để người bệnh nghỉ ngơi 30 phút rồi thực hiện đo huyết áp lại.
● Nếu bệnh nhân nằm trên giường, có thể nghiêng đầu giường 15 độ (kê thêm gối hoặc nâng lên đối với giường ngủ đa năng) để giúp hạ huyết áp.
● Sau 30 phút đo lại mà huyết áp vẫn chưa hạ, hãy liên hệ với bác sĩ hoặc trung tâm y tế gần nhất để xin tư vấn. Bác sĩ có thể sẽ cho bệnh nhân sử dụng thuốc để huyết áp từ từ hạ xuống.
● Tăng huyết áp khẩn trương hoàn toàn có thể theo dõi và kiểm soát tại nhà với lời khuyên của bác sĩ, không bắt buộc phải nhập viện. Tuy vậy, vẫn cần theo dõi cẩn thận để phát hiện những thay đổi bất thường và có ứng biến kịp thời.
Người bệnh nghỉ ngơi giúp hạ huyết áp
Khi nhận thấy người bệnh có khả năng đang mắc tăng huyết áp cấp cứu, hãy ngay lập tức gọi cấp cứu để người bệnh có thể tiếp nhận điều trị nhanh nhất có thể. Trong thời gian đợi xe tới, có thể áp dụng những phương pháp đã nêu ở phần xử trí tăng huyết áp khẩn trương để tránh trường hợp huyết áp tiếp tục tăng lên.
Hy vọng bài viết trên đây đã giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về sự nguy hiểm của tăng huyết áp đột ngột và cách xử trí kịp thời. Tăng huyết áp đột ngột ảnh hưởng xấu tới sức khỏe và diễn biến rất nhanh, vậy nên cần biết cách xử trí phù hợp, tránh để bệnh tiến triển và để lại những biến chứng nặng không thể khắc phục.
Tài liệu tham khảo: https://medicine.umich.edu/sites/default/files/content/downloads/Somand%20David%20June%2024%20Hypertensive%20Urgency.pdf https://www.rxfiles.ca/rxfiles/uploads/documents/hypertensive-urgency-management.pdf https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC3990398/ https://www.heart.org/en/health-topics/high-blood-pressure/understanding-blood-pressure-readings/hypertensive-crisis-when-you-should-call-911-for-high-blood-pressure https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/high-blood-pressure/expert-answers/hypertensive-crisis/faq-20058491#:~:text=A%20hypertensive%20crisis%20is%20a,other%20life%2Dthreatening%20health%20problems. https://www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK470371/