Tăng huyết áp ở trẻ em là tình trạng huyết áp của trẻ cao hơn huyết áp trung bình của nhóm trẻ em cùng giới tính, chiều cao và độ tuổi. Trẻ càng nhỏ thì càng có khả năng xác định được rõ ràng nguyên nhân gây ra tăng huyết áp. Thay đổi lối sống lành mạnh hơn có thể giúp giảm huyết áp cao ở trẻ. Tuy vậy ở một số trường hợp cần đến sự điều trị của bác sĩ và thuốc.
1. Tăng huyết áp trẻ em là gì? Có phổ biến hay không?
Tăng huyết áp ở trẻ em xảy ra khi huyết áp tâm thu hoặc huyết áp tâm trương hoặc cả 2 chỉ số này của trẻ cao hơn 95% so với nhóm trẻ em có cùng giới tính, độ tuổi và chiều cao.
Tăng huyết áp ở trẻ em là gì?
Trước đây, tăng huyết áp ở trẻ em được coi là một tình trạng hiếm gặp. Nhưng theo những nghiên cứu và khảo sát gần đây thì tỷ lệ trẻ em mắc tăng huyết áp ngày càng tăng, chiếm khoảng 3,5%. Đây chỉ là con số dựa trên những trẻ đã được khám huyết áp. Vì cho rằng bệnh này ít gặp nên nhiều khi việc khám huyết áp cho trẻ em bị bỏ qua. Điều này có nghĩa là, có thể tỷ lệ tăng huyết áp ở trẻ em còn cao hơn con số đã thống kê.
2. Phân loại tăng huyết áp trẻ em
Tăng huyết áp ở trẻ em được phân nhóm theo mức đo chỉ số huyết áp và có sự khác biệt giữa nhóm tuổi từ 1 – 13 tuổi và trên 13 tuổi. Cụ thể như sau:
– Với trẻ từ 1 – 13 tuổi
+ Huyết áp bình thường: chỉ số huyết áp < bách phân vị thứ 90
+ Tiền tăng huyết áp: chỉ số huyết áp từ bách phân vị thứ 90 đến bách phân vị thứ 95 hoặc từ 120/80 mmHg đến bách phân vị thứ 95 (nếu bách phân vị thứ 90 thấp hơn 120/80 mmHg thì lấy bách phân vị thứ 90 và ngược lại).
+ Tăng huyết áp giai đoạn 1: chỉ số huyết áp từ bách phân vị thứ 95 đến bách phân vị thứ 95 + 12 mmHg hoặc từ 130/80 – 139/89 mmHg (nếu bách phân vị thứ 95 thấp hơn 130/80 mmHg thì lấy bách phân vị thứ 95 và ngược lại).
+ Tăng huyết áp giai đoạn 2: chỉ số huyết áp cao hơn bách phân vị thứ 95 + 12 mmHg hoặc cao hơn 140/90 mmHg (tùy theo mức nào thấp hơn).
– Với trẻ trên 13 tuổi:
+ Huyết áp bình thường: huyết áp tâm thu <120 mmHg hoặc huyết áp tâm trương <80 mmHg.
+ Tiền tăng huyết áp: huyết áp tâm thu từ 120 – 129 mmHg và huyết áp tâm trương <80 mmHg.
+ Tăng huyết áp giai đoạn 1: chỉ số huyết áp từ 130/80 – 139/89 mmHg.
+ Tăng huyết áp giai đoạn 2: chỉ số huyết áp cao từ 140/90 mmHg trở lên.
3. Nguyên nhân gây ra tăng huyết áp trẻ em
Nguyên nhân gây ra tăng huyết áp ở trẻ em có thể chia làm 2 nhóm lớn là tăng huyết áp nguyên phát và tăng huyết áp thứ phát.
Trước năm 1990, tỷ lệ tăng huyết áp nguyên phát thấp hơn. Tuy nhiên, khi bệnh béo phì ngày càng phổ biến ở trẻ em thì tỷ lệ tăng huyết áp nguyên phát cũng tăng lên, đến hiện tại đã chiếm hơn 50%.
Một số nguyên nhân gây tăng huyết áp nguyên phát là:
– Béo phì: tỷ lệ trẻ béo phì mắc tăng huyết áp dao động từ 3,8% đến 24,8%.
– Rối loạn ngưng thở khi ngủ: bao gồm chứng ngáy nguyên phát, giấc ngủ bị gián đoạn và chứng ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn đường thở. Tỷ lệ trẻ em thuộc nhóm này mắc tăng huyết áp dao động từ 3,6% đến 14%.
– Trẻ có tiền sử sinh non: một nghiên cứu đã cho thấy, trẻ sinh non khi 3 tuổi có tỷ lệ mắc tăng huyết áp là 7,3%.
Béo phì là một rrong những nguyên nhân gây ra tăng huyết áp trẻ em
Nhóm nguyên nhân gây tăng huyết áp thứ phát ở trẻ em khá tương đồng với trường hợp ở người lớn. Cụ thể gồm:
– Bệnh thận: hiếm tới 50-60% trường hợp tăng huyết áp trẻ em là do bệnh thận, chiếm tỷ lệ cao nhất.
+ Viêm cầu thận.
+ Suy thận cấp.
+ Suy thận mạn.
+ Bệnh tắc ống tiết niệu.
+ Bệnh thận đa nang.
– Bệnh tim mạch: ây là nguyên nhân phổ biến thứ hai gây tăng huyết áp thứ phát ở trẻ
+ Bệnh co thắt động mạch chủ
+ Hội chứng động mạch chủ giữa (là tình trạng phần động mạch chủ đi qua bụng và ngực bị hẹp lại dẫn đến không cung cấp đủ máu cho phần bụng và ngực)
+ Hẹp động mạch thận
+ Hội chứng tan máu do tăng nồng độ ure máu
– Bệnh nội tiết:
+ Tăng sản thượng thận (tuyến thượng thận tăng sinh tế bào)
+ Bệnh cường giáp (tuyến giáp hoạt động mạnh hơn mức bình thường)
+ Bệnh cường aldosteron (sản sinh hormon aldosteron quá mức)
+ Hội chứng Cushing
– Bệnh di truyền:
+ Hội chứng Liddle
+ Tăng sản thượng thận bẩm sinh
+ Hội chứng dư thừa khoáng chất rõ ràng
– Do tác dụng phụ của thuốc mà trẻ đang sử dụng
4. Tăng huyết áp trẻ em gây ảnh hưởng thế nào? Có thể điều trị dứt điểm không?
Nhiều nghiên cứu cho thấy, trẻ em mắc tăng huyết áp sẽ gặp nguy cơ mắc các hội chứng chuyển hóa (rối loạn quá trình chuyển hóa các chất trong cơ thể như chuyển hóa glucose, chuyển hóa lipid,…) cao hơn trẻ bình thường. Những đứa trẻ có huyết áp cao sau khi trưởng thành cũng dễ bị tăng huyết áp dai dẳng. Mỗi năm có khoảng 7% người trưởng thành mắc bệnh tăng huyết áp do tiền căn tăng huyết áp khi còn nhỏ.
Những trẻ em bị tăng huyết áp có khả năng cao bị lão hóa mạch máu nhanh hơn bình thường, và cũng dễ mắc các tổn thương về tim mạch hơn. Điều này khiến việc chẩn đoán tăng huyết áp sớm trở nên quan trọng và cần được cả gia đình của trẻ và xã hội quan tâm.
Tăng huyết áp ở trẻ em thường hiếm khi xuất hiện biến chứng nặng nề như ở người lớn. Các biến chứng đa số xuất hiện sau khi trưởng thành. Hậu quả thường là một số cơ quan trong cơ thể bị suy yếu khi phải chịu huyết áp cao lúc còn bé. Cơ quan chịu ảnh hưởng rõ ràng nhất của tăng huyết áp ở trẻ em là tim, chủ yếu là tâm thất trái (nửa dưới bên trái của tim, làm nhiệm vụ bơm tống máu giàu oxi đi khắp cơ thể). Cơ tim của tâm thất trái dày hơn do phải tăng co bóp, khiến nó phì đại hơn bình thường.
Béo phì là một rrong những nguyên nhân gây ra tăng huyết áp trẻ em
Ngoài ra ở một số trẻ mắc tăng huyết áp còn gặp một số tình trạng khác như:
– Thành mạch máu dày lên để chịu áp lực máu
– Suy giảm thị lực
– Chứng vi albumin niệu (là tình trạng trong nước tiểu phát hiện protein, người bình thường hầu như không có protein trong nước tiểu hàng ngày)
Trẻ em bị tăng huyết áp có thể bị biến chứng cấp tính là tăng huyết áp cấp cứu (huyết áp tăng cao đột ngột có gây tổn thương cơ quan đích). Tuy vậy biến chứng này rất ít gặp.
Với nhiều ảnh hưởng xấu như trên, việc phát hiện sớm và kiểm soát huyết áp của trẻ về mức thấp hơn trở nên cực kỳ quan trọng. Hơn 70% trẻ bị tăng huyết áp được điều trị khỏi trong vòng 3 năm. Duy trì lối sống lành mạnh, thường xuyên hoạt động thể chất sẽ giúp trẻ không bị tăng huyết áp trở lại.
Điều trị tăng huyết áp ở trẻ em đòi hỏi cần phân nhóm chính xác tình trạng bệnh đang ở nhóm nào, bởi vì không phải trường hợp nào cũng cần dùng thuốc. Nếu bệnh còn đang ở giai đoạn 1 hoặc tiền tăng huyết áp thì có thể điều chỉnh huyết áp bằng cách thay đổi lối sống và thói quen sinh hoạt theo lời khuyên của bác sĩ, kết hợp với đo huyết áp và khám định kỳ 6 tháng 1 lần.
Đưa trẻ đi khám huyết áp định kì
Đối với trẻ em mắc tăng huyết áp, không được tự ý cho trẻ dùng thuốc hay hoạt động thể chất mạnh mà không có chỉ định và lời khuyên của bác sĩ. Để kiểm soát tăng huyết áp ở trẻ hiệu quả hơn, hãy mang trẻ đến cơ sở y tế để được kiểm tra huyết áp và sàng lọc nguy cơ mắc bệnh.
Hy vọng bài viết trên đây đã giúp bạn đọc có cái nhìn tổng quát về tăng huyết áp ở trẻ em. Hậu quả của tăng huyết áp ở trẻ em gây ảnh hưởng rất nhiều đến sức khỏe của trẻ khi trưởng thành. Vì vậy, nắm rõ nguyên nhân gây bệnh, theo dõi chỉ số huyết áp của trẻ thường xuyên và rèn luyện cho trẻ một thói quen sinh hoạt khỏe mạnh để giảm thiểu nguy cơ trẻ bị tăng huyết áp.
Tài liệu tham khảo:
https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC9072228/#bib1 https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC9091586/#:~:text=Uncontrolled%20pediatric%20hypertension%20is%20associated,for%20progression%20to%20kidney%20failure.
https://publications.aap.org/pediatrics/article/140/3/e20171904/38358?utm_source=TrendMD https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC7706222/
https://www.msdmanuals.com/professional/pediatrics/hypertension-in-children/hypertensive-emergencies-in-children https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/high-blood-pressure-in-children/symptoms-causes/syc-20373440