1. Thế nào là tiểu đường tuýp 2?
Bệnh tiểu đường tuýp 2, là bệnh gây ra bởi cơ thể không hiểu được tác dụng của insulin, dẫn đến việc không sử dụng chúng hiệu quả (*), khiến đường huyết của bạn trở nên quá cao. Điều này thường liên quan đến: thừa cân, lười vận động, hoặc có tiền sử gia đình mắc bệnh tiểu đường tuýp 2.
Bệnh này có thể gây ra các triệu chứng như khát nước quá mức, đi tiểu nhiều và mệt mỏi. Nó cũng có thể làm tăng nguy cơ mắc các vấn đề nghiêm trọng về mắt, tim và thần kinh.
Bệnh kéo dài suốt đời và có thể ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày của bạn. Bạn có thể cần phải thay đổi chế độ ăn uống, uống thuốc và kiểm tra sức khỏe thường xuyên.
(*) Thông tin bổ sung: Insulin là một loại hormone do tuyến tụy tạo ra, hoạt động như chìa khóa đưa đường trong máu vào các tế bào trong cơ thể để sử dụng làm năng lượng. Nếu bạn mắc bệnh tiểu đường tuýp 2, các tế bào không phản ứng tốt với insulin (kháng insulin). Tuyến tụy của bạn tạo ra nhiều insulin hơn để cố gắng khiến các tế bào phản ứng. Cuối cùng, tuyến tụy không thể theo kịp và lượng đường trong máu của bạn tăng lên, tạo tiền đề cho tiền tiểu đường và tiểu đường tuýp 2.
2. Làm thế nào để nhận biết tiểu đường tuýp 2?
Vì các triệu chứng có thể khó phát hiện nên điều quan trọng là phải biết các yếu tố nguy cơ và đến gặp bác sĩ để kiểm tra lượng đường trong máu nếu bạn có bất kỳ điều nào trong số đó.
Các yếu tố làm tăng nguy cơ mắc tiểu đường tuýp 2:
- Từng được chẩn đoán bị tiền đái tháo đường
- Trên 45 tuổi
- Thừa cân hoặc béo phì
- Lười vận động (hoạt động thể chất ít hơn 3 lần/tuần)
- Trong gia đình có người mắc tiểu đường tuýp 2 (bố, mẹ, anh chị em ruột)
- Phụ nữ từng mắc tiểu đường thai kỳ hoặc sinh con nặng hơn 4kg
- Phụ nữ bị hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS)
Hoặc bạn có thể kiểm tra nguy cơ mắc đái tháo đường tuýp 2 bằng cách sử dụng công cụ Sàng lọc rủi ro Tiểu đường tuýp 2 . Chỉ mất vài phút để thực hiện.
Khác với tiểu đường tuýp 1 , các triệu chứng của bệnh tiểu đường loại 2 thường phát triển chậm. Trên thực tế, bạn có thể sống chung với bệnh tiểu đường tuýp 2 trong nhiều năm mà không hề hay biết.
Triệu chứng kinh điển của bệnh tiểu đường: “4 nhiều”
- Tiểu nhiều
- Ăn nhiều
- Uống nước nhiều
- Gầy sút cân nhiều
Ngoài ra, người mắc đái tháo đường tuýp 2 có thể có những biểu hiện sau:
- Mệt mỏi
- Mờ mắt
- Vết loét chậm lành
- Nhiễm trùng da
- Da xuất hiện những vùng thâm, thường ở nách và cổ
- Tê hoặc ngứa ran ở bàn tay hoặc bàn chân
- Chuột rút
Không chỉ các yếu tố nguy cơ, bạn cũng nên đề phòng các triệu chứng của đái tháo đường tuýp 2, và việc xét nghiệm chẩn đoán bệnh được thực hiện rất đơn giản tại bệnh viện hoặc phòng khám.
Một ví dụ thực tế cho trường hợp người mắc bệnh tiểu đường tuýp 2 chưa được chẩn đoán:
Jordan – 28 tuổi (một nghệ sĩ người Anh) nghĩ rằng các triệu chứng tiểu đường tuýp 2 của anh ấy là do hậu Covid. Anh ấy bị mệt mỏi, chuột rút cơ bắp, đi tiểu thường xuyên và chán ăn. “Tôi đã cố gắng chờ đợi, hy vọng nó sẽ sớm tốt hơn.”_Jordan Vì không được chẩn đoán sớm, anh ấy đã hôn mê trong 3 ngày do lượng đường trong máu cực kỳ cao – 127mmol/l (người bình thường < 7,8 mmol/l). |
Tham khảo: Quiz – Kiểm tra nguy cơ mắc bệnh tiền tiểu đường tại nhà
Tham khảo: Quiz – Đánh giá nguy cơ tiểu đường tuýp 2 tại nhà
3. Hậu quả của tiểu đường tuýp 2 có thể gây ra cho bạn?
3.1 Những ảnh hưởng của tiểu đường đối với sức khỏe
Nếu không được quản lý tốt, bệnh tiểu đường có thể dẫn đến các vấn đề nghiêm trọng như:
- Bệnh tim và đột quỵ
- Tổn thương thần kinh
- Bệnh thận
- Vấn đề về chân
- Bệnh về mắt
- Bệnh nướu và các vấn đề răng miệng khác
- Các vấn đề về tình dục và bàng quang
Nhiều người mắc bệnh tiểu đường loại 2 cũng mắc bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu (NAFLD). Hãy giảm ký nếu bạn đang thừa cân hoặc béo phì để có thể cải thiện NAFLD. Bệnh tiểu đường cũng liên quan đến các vấn đề sức khỏe khác như ngưng thở khi ngủ, trầm cảm, một số loại ung thư và chứng mất trí nhớ.
Thực hiện theo một kế hoạch chăm sóc bệnh tiểu đường tốt có thể giúp bảo vệ và chống lại nhiều biến chứng liên quan đến bệnh tiểu đường.
3.2 Chất lượng cuộc sống của bạn sẽ thay đổi như thế nào khi mắc tiểu đường?
Bệnh tiểu đường ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của bạn theo nhiều cách khác nhau. Nó không chỉ gây mệt mỏi mà còn tác động đến tình trạng tâm lý như lo lắng, trầm cảm do chi phí điều trị, biến chứng và chế độ ăn kiêng.
Tiểu đường có thể cản trở bạn tận hưởng cuộc sống. Những người mắc bệnh này không thể tự do ăn uống, phải thường xuyên kiểm tra đường huyết và sử dụng thuốc. Các biến chứng nguy hiểm của bệnh được nêu ở trên khiến cuộc sống của người bệnh trở nên căng thẳng và không còn cảm giác hạnh phúc.
Đến với FPT MediCare , chúng tôi sẽ giúp bạn thoải mái và an lành hơn khi sống chung với đái tháo đường.
4. Bạn có biết cách phòng ngừa tiểu đường tuýp 2?
Sống lành mạnh có thể giúp ngăn ngừa bệnh tiểu đường tuýp 2. Nếu bạn đã được chẩn đoán tiền tiểu đường, thay đổi lối sống có thể làm chậm hoặc ngăn chặn sự tiến triển thành bệnh tiểu đường.
Một lối sống lành mạnh bao gồm:
- Sử dụng thực phẩm lành mạnh. Chọn thực phẩm ít chất béo và calo và nhiều chất xơ hơn. Tập trung vào trái cây, rau và ngũ cốc nguyên hạt.
- Bắt đầu và duy trì tập luyện. Đặt mục tiêu mỗi tuần dành 150 phút trở lên để vận động từ mức trung bình đến mạnh, chẳng hạn như đi bộ nhanh, đi xe đạp, chạy hoặc bơi lội.
- Giảm cân. Nếu bạn đang thừa cân, giảm 5 – 7% cân nặng hiện tại của mình có thể giúp ngăn ngừa hoặc trì hoãn bệnh tiểu đường.
- Tránh ngồi quá lâu. Ngồi yên trong thời gian dài có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường loại 2. Cố gắng đứng dậy sau mỗi 30 phút và đi bộ xung quanh ít nhất vài phút.
Đối với những người bị tiền tiểu đường, metformin (Fortamet, Glumetza, …), một loại thuốc trị tiểu đường, có thể được kê đơn để giảm tốc độ chuyển sang bệnh tiểu đường loại 2. Cách này thường được dùng cho người lớn tuổi bị béo phì và không thể giảm lượng đường trong máu khi thay đổi lối sống.
5. Làm sao chẩn đoán và điều trị tiểu đường tuýp 2?
5.1 Bệnh tiểu đường tuýp 2 được chẩn đoán như thế nào?
Khi chẩn đoán tại bệnh viện, đầu tiên, bác sĩ sẽ xem xét các yếu tố nguy cơ của bạn. Sau đó bạn sẽ được xét nghiệm máu để xác định có mắc đái tháo đường hay không. Nếu bạn được chẩn đoán mắc đái tháo đường, việc tiếp theo là phân loại bệnh (tuýp 1, tuýp 2…) bằng các xét nghiệm khác nhau.
Bạn có thể đọc thêm bài viết sau để biết rõ hơn về cách chẩn đoán tiểu đường:
Các tiêu chuẩn chẩn đoán bệnh đái tháo đường ( tiểu đường )
5.2 Có thể điều trị tiểu đường tuýp 2 bằng cách nào?
Bác sĩ sẽ là người quyết định việc điều trị bệnh tiểu đường của bạn. Những cách thông thường:
– Thuốc, kết hợp với chế độ ăn và luyện tập. Đây là bộ ba phương pháp điều trị bệnh đái tháo đường. Nếu tình trạng bệnh ổn định, có thể không cần dùng thuốc.
– Kiểm soát lượng đường trong máu, huyết áp và cholesterol.
– Khi cần thiết phải dùng insulin. Ví dụ trong các trường hợp nhiễm trùng, nhồi máu cơ tim, phẫu thuật…
Mục tiêu là duy trì được lượng đường huyết càng gần mức bình thường càng tốt. Đồng thời giảm cân nặng (với người thừa cân, béo phì) hoặc duy trì cân nặng hợp lý. Điều đó có thể làm chậm hoặc ngăn ngừa các biến chứng có thể xảy ra, giảm tỷ lệ tử vong do đái tháo đường.
Thông điệp chính:
|
Bài viết tham khảo nguồn: nhs.uk, cdc.gov, mayoclinic.org, diabetes.org.uk và niddk.nih.gov.