Nhịn ăn gián đoạn là một chế độ ăn uống thay đổi thời gian ăn, giúp cơ thể sử dụng mỡ dự trữ làm năng lượng thay vì glucose. Phương pháp này được nghiên cứu để hỗ trợ giảm cân và ổn định đường huyết, đặc biệt hữu ích đối với người mắc bệnh tiểu đường. Tuy nhiên, việc áp dụng nhịn ăn gián đoạn cần phải thận trọng, đặc biệt khi điều chỉnh với chế độ ăn kiêng của người bệnh tiểu đường. Trong bài viết này, FPT Medicare sẽ cung cấp thông tin chi tiết về nhịn ăn gián đoạn và liệu phương pháp này có phù hợp với người mắc bệnh tiểu đường hay không.
1. Chế độ nhịn ăn ngắt quãng là gì?
Không như những chế độ ăn kiêng khác nhấn mạnh nên và không nên ăn gì, hay lượng ăn của bạn là bao nhiêu, nhịn ăn gián đoạn (intermittent fasting) tập trung vào cách sắp xếp thời gian, thời điểm mà bạn sẽ ăn.
Khi bạn thực hiện chế độ nhịn ăn gián đoạn, bạn sẽ không ăn trong một khoảng thời gian nhất định trong ngày. Trên thực tế, có rất nhiều cách để tiếp cận chế độ này, nhưng phổ biến nhất phải kể đến phương pháp 16:8. Theo đó, bạn sẽ dành 8 giờ trong ngày để ăn tất cả các bữa và sẽ không ăn gì ngoài uống nước, trà hoặc cà phê không đường trong 16 giờ tiếp theo. Ví dụ, bạn có thể bắt đầu các bữa ăn của mình lúc 10 giờ cho đến 6 giờ tối và sau đó không ăn gì cho đến 10 giờ sáng hôm sau. Phương pháp sẽ tiếp tục được lặp lại cho những ngày sau.
Thực tế, khi bạn nhịn ăn trong một thời gian đủ dài, cơ thể sẽ đi vào trạng thái ketosis. Ketosis là quá trình khi cơ thể sử dụng hết glucose từ thực phẩm mà bạn đã ăn và bắt đầu đốt cháy mỡ để tạo năng lượng. Quá trình này mang lại nhiều tác động tích cực tới việc giảm cân và ổn định đường huyết ở người tiểu đường.
Nhịn ăn gián đoạn không chỉ dừng lại ở việc thay đổi cách ăn mà còn có tiềm năng mang lại nhiều lợi ích sức khỏe. Tuy nhiên, liệu phương pháp này có thực sự phù hợp với người mắc tiểu đường?
2. Nhịn ăn gián đoạn mang lại lợi ích gì cho bệnh nhân tiểu đường?
2.1. Hỗ trợ giảm cân, kiểm soát cân nặng
Thừa cân và béo phì là những yếu tố làm tăng nguy cơ phát triển của bệnh tiểu đường. Số liệu nghiên cứu cho thấy hơn 90% số người mới được chẩn đoán mắc bệnh tiểu đường loại 2 có cân nặng vượt quá mức lý tưởng.
Trong bối cảnh đó, phương pháp nhịn ăn gián đoạn có thể hỗ trợ kiểm soát cân nặng bằng cách:
- Giảm tổng lượng calo tiêu thụ: Nhịn ăn trong một khoảng thời gian nhất định khiến bạn ít có cơ hội ăn vặt hoặc tiêu thụ các loại thực phẩm không lành mạnh. Đặc biệt nếu bạn là người thường ăn vặt vào ban đêm, phương pháp này sẽ giúp bạn kiểm soát tốt thói quen ăn uống.
- Tăng hiệu quả đốt cháy chất béo: Trong giai đoạn nhịn ăn, cơ thể chuyển sang sử dụng chất béo để tạo năng lượng, giúp giảm mỡ nội tạng – một trong những nguy cơ chính của bệnh tiểu đường.
Thực chất, nhịn ăn gián đoạn không phải một phương pháp giảm cân nhanh chóng, vì vậy, bạn không nên mong đợi sẽ thấy thay đổi ngay lập tức. Thay vào đó, hãy duy trì thói quen suy nghĩ về những gì sẽ ăn, ăn bao nhiêu và khi nào, đồng thời kết hợp với chế độ ăn lành mạnh để có một kết quả bền vững hơn.
2.2. Hiệu quả ổn định đường huyết
Kiểm soát chặt chẽ đường huyết đối với người sắp mắc hoặc đang mắc bệnh tiểu đường là vô cùng quan trọng. Nhịn ăn gián đoạn có thể cải thiện khả năng kiểm soát đường huyết nhờ vào:
- Cải thiện độ nhạy insulin: Một số nghiên cứu cho thấy rằng nhịn ăn gián đoạn giúp cơ thể sử dụng insulin hiệu quả hơn, từ đó giảm mức đường huyết trong máu.
Hạn chế tăng đường huyết: Khi bạn chỉ ăn trong một khung giờ nhất định và tránh ăn khuya, cơ thể ít phải xử lý các đợt tăng đột ngột của đường huyết, giúp giảm áp lực lên tuyến tụy. Đồng thời, nhịn ăn sẽ khiến cơ thể buộc phải sử dụng năng lượng dự trữ trong cơ thể, chất béo và đường dự trữ (glycogen), có thể giúp cải thiện lượng đường trong máu.
Nhìn chung, mặc dù phương pháp nhịn ăn gián đoạn mang lại lợi ích với hầu hết mọi người, kể cả bệnh nhân tiểu đường, vẫn có những lưu ý nhất định đối với phương pháp này. Hãy tham khảo ý kiến bác sĩ điều trị bệnh tiểu đường của bạn về việc thực hiện chế độ ăn kiêng có phải là lựa chọn tốt hay không. Hãy đảm bảo bạn có thể duy trì mức đường huyết khỏe mạnh khi nhịn ăn gián đoạn.
3. Mẹo nhịn ăn gián đoạn khi bị tiểu đường
- Trong thời gian nhịn ăn, bạn sẽ cảm thấy khó khăn vì cảm giác đói và thèm ăn. Tuy nhiên, hãy kiên nhẫn vì khi bạn đã quen với chế độ này thì cảm giác tiêu cực sẽ giảm dần.
- Nếu bạn quyết định thực hiện nhịn ăn gián đoạn, hãy đảm bảo uống nhiều chất lỏng không cồn trong thời gian nhịn ăn. Điều này giúp cơ thể bạn luôn đủ nước.
- Khi đang trong thời gian ăn kiêng, bạn nên đảm bảo ăn một bữa ăn đầy đủ dinh dưỡng với nhiều rau và trái cây để giúp cơ thể nhận được đủ chất dinh dưỡng cần thiết.
- Hãy cố gắng cân bằng các bữa ăn chính và bữa phụ với nhiều ngũ cốc nguyên hạt, trái cây và rau, đậu và các loại hạt. Nếu không, bạn sẽ không thể giảm cân và cải thiện bệnh tiểu đường như mong muốn.
- Cuối cùng, hãy tham khảo và thực hiện các lời khuyên của bác sĩ. Theo đó, việc theo dõi đường huyết thường xuyên sẽ giúp bạn kiểm soát các ảnh hưởng của chế độ ăn tới lượng đường trong máu.
Tìm hiểu về máy đo đường huyết liên tục tại đây: <gắn link landing page máy 3P>
Kết luận
Nhịn ăn gián đoạn là một phương pháp được nhắc đến trong việc kiểm soát cân nặng và bệnh tiểu đường. Tuy nhiên, chế độ ăn này không hoàn toàn phù hợp với tất cả mọi người, cần được tìm hiểu và thực hiện một cách cẩn trọng. Quan trong hơn hết, bạn cần tham khảo ý kiến của chuyên gia y tế trước khi bắt đầu để đảm bảo có một chế độ ăn phù hợp với tình trạng sức khỏe của bạn. Đừng quên theo dõi đường huyết thường xuyên và kết hợp với một lối sống lành mạnh để đạt được hiệu quả tối ưu. Hãy bắt đầu hành trình của mình một cách thông minh và an toàn!
Tài liệu tham khảo:
https://www.diabetes.co.uk/diet/5-2-intermittent-fast-diet.html#google_vignette
https://www.health.harvard.edu/staying-healthy/can-intermittent-fasting-help-with-weight-loss
https://www.verywellhealth.com/diabetes-and-intermittent-fasting-4844452