Rượu, bia gần như là một phần không thể thiếu trong những bữa tiệc để tăng sự hào hứng và thân mật. Tuy nhiên, nếu bạn đang sống chung với bệnh tiểu đường, việc thưởng thức thức uống có cồn cần được cân nhắc kỹ lưỡng. Nó có thể ảnh hưởng đến cân nặng, hay làm tăng nguy cơ hạ đường huyết. Nhưng liệu đồ uống có cồn có mang lại lợi ích nào cho người bệnh tiểu đường không? Hãy cùng tìm hiểu.
1. Thức uống có cồn có thể mang lại lợi ích cho người tiểu đường?
Nghe có vẻ ngạc nhiên, nhưng nếu sử dụng điều độ, đồ uống có cồn có thể mang lại một số lợi ích cho người bệnh tiểu đường. Nghiên cứu cho thấy uống một lượng nhỏ rượu có thể giúp cải thiện khả năng nhạy cảm với insulin và hỗ trợ quản lý đường huyết. Cụ thể, một hoặc hai ly mỗi ngày có thể giúp người bệnh cải thiện chỉ số A1C và giảm lượng đường trong máu so với những giai đoạn không sử dụng.
Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là bạn nên bắt đầu uống nếu trước đây không sử dụng. Những lợi ích này còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác trong lối sống của người dùng, và uống quá mức sẽ mang lại nhiều rủi ro hơn lợi ích.
2. Thức uống có cồn ảnh hưởng đến đường huyết như thế nào?
Thức uống có cồn ảnh hưởng đến người mắc bệnh tiểu đường theo nhiều cách, đặc biệt là khả năng kiểm soát đường huyết. Khi bạn uống rượu, gan sẽ tập trung chuyển hóa cồn thay vì giải phóng glucose vào máu. Điều này có thể làm giảm lượng đường huyết, dẫn đến tình trạng hạ đường huyết (hypoglycemia). Rủi ro này càng gia tăng nếu bạn uống khi bụng đói hoặc sau khi tập thể dục.
Triệu chứng của hạ đường huyết như mệt mỏi, nói lắp và lơ mơ rất dễ nhầm lẫn với dấu hiệu say rượu. Điều này khiến việc phát hiện và xử lý kịp thời trở nên khó khăn hơn. Đặc biệt, tình trạng hạ đường huyết không chỉ xảy ra khi uống mà có thể kéo dài đến 24 giờ sau đó, gây nguy hiểm nếu không được kiểm soát tốt.
Ngoài ra, thức uống có cồn chứa lượng lớn calo, dễ gây tăng cân. Việc này làm giảm khả năng kiểm soát tình trạng đường huyết nói riêng, và bệnh tiểu đường nói chung. Đồng thời tăng nguy cơ mắc các biến chứng như cao huyết áp và bệnh tim mạch. Hơn nữa, khi say, bạn dễ nhầm lẫn hoặc quên dùng thuốc đúng cách, dẫn đến những hậu quả không mong muốn cho sức khỏe.
3. Rượu chứa bao nhiêu carbohydrate(*)?
Nhiều người vẫn lầm tưởng rằng rượu chứa lượng lớn carbohydrate. Thực tế, rượu vang và các loại rượu mạnh gần như không có carbohydrate. Một ly rượu vang 150 ml chỉ chứa khoảng 4 gram carbohydrate, trong khi rượu mạnh hầu như không có.
Trường hợp đặc biệt là rượu vang ngọt, nó có thể chứa tới 14 gram carbohydrate chỉ trong một ly nhỏ 100 ml.
Mặc dù loại thức uống chứa nhiều carbohydrate có vẻ phù hợp để đối phó với nguy cơ hạ đường huyết, nhưng thực tế lại phức tạp hơn nhiều. Đường lỏng trong rượu được hấp thụ rất nhanh, nên chúng không đủ hiệu quả để ngăn ngừa hoặc điều trị tình trạng hạ đường huyết kéo dài sau khi uống. Trong khi đó, các loại thức ăn được tiêu hóa chậm hơn, cung cấp năng lượng ổn định hơn, và bảo vệ cơ thể tốt hơn trước nguy cơ này.
(*) Carbohydrate là tên gọi chung của các chất như tinh bột, đường… Carbohydrate có tác động trực tiếp đến đường huyết vì chúng được chuyển hóa thành glucose, cung cấp năng lượng cho cơ thể. Đối với người bệnh tiểu đường, việc theo dõi lượng carbohydrate là rất quan trọng để kiểm soát đường huyết.
4. Người mắc tiểu đường có thể sử dụng thức uống có cồn không?
Câu trả lời là có thể, nhưng nên uống một cách có kiểm soát. Theo khuyến nghị của Hiệp hội Đái tháo đường Hoa Kỳ (ADA):
- Đối với phụ nữ: 1 ly nhỏ mỗi ngày.
- Đối với nam giới: tối đa 2 ly nhỏ mỗi ngày.
Một “ly nhỏ” này tương đương với:
- 1 ly nhỏ rượu vang (125 ml), hoặc
- 1 cốc bia nhỏ (330 ml), hoặc
- 1 shot rượu mạnh (25 ml)
Tuy nhiên, kích thước ly và nồng độ rượu khác nhau có thể làm thay đổi lượng cồn thực tế bạn tiêu thụ. Do đó, bạn nên theo dõi lượng rượu, bia đã uống để đảm bảo an toàn.
Lựa chọn thức uống có cồn phù hợp
Không có loại thức uống có cồn nào được xem là “tốt nhất” cho người bệnh tiểu đường. Tuy nhiên, việc hiểu biết về chúng có thể giúp bạn đưa ra lựa chọn phù hợp:
- Các loại bia và rượu ít đường: đôi khi còn được quảng cáo là “đồ uống dành cho người tiểu đường”. Tuy nhiên, những loại thức uống này lại có nồng độ cồn cao hơn, dễ gây các tác động tiêu cực đến sức khỏe.
- Rượu vang có nồng độ cồn thấp: thường chứa lượng đường cao hơn so với các loại rượu vang thông thường. Nếu bạn yêu thích chúng, hãy nên giới hạn trong một đến hai ly nhỏ. Đồng thời tránh các loại rượu có nhiều đường, chẳng hạn như rượu vang ngọt.
- Một vài thức uống như bia, ale và rượu táo chứa nhiều carbohydrate, có thể làm đường huyết tăng nhanh ngay sau khi uống.
Hiện nay, thiết bị theo dõi đường huyết liên tục đang trở nên phổ biến và mang lại nhiều lợi ích quan trọng cho người mắc bệnh tiểu đường. Đặc biệt, chúng giúp theo dõi tác động của thức ăn và đồ uống lên đường huyết, bao gồm cả thức uống có cồn. Bằng cách cung cấp dữ liệu theo thời gian thực, thiết bị cho phép người dùng nhận biết sự thay đổi đường huyết ngay lập tức. Từ đó họ có thể đánh giá liệu một ly rượu vang hay bia tươi có ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe hay không.
Những thông tin thu thập được còn hỗ trợ người bệnh điều chỉnh chế độ ăn uống, và thói quen sử dụng thức uống có cồn một cách khoa học. Điều này giúp giảm nguy cơ hạ hoặc tăng đường huyết đột ngột, bảo vệ sức khỏe lâu dài.
Để biết thêm về máy đo đường huyết liên tục 3P, bạn có thể truy cập bài viết <https://fptmedicare.vn/>
Tài liệu tham khảo: