Bệnh tiểu đường không chỉ ảnh hưởng đến các cơ quan nội tạng mà còn gây ra những biến chứng đáng kể trên da. Mặc dù phần lớn các tình trạng này không gây nguy hiểm, chúng có thể ảnh hưởng đến thẩm mĩ và chất lượng cuộc sống. Quan trọng hơn, chúng là lời cảnh báo để bạn chú ý hơn đến việc kiểm soát đường huyết và chăm sóc sức khỏe tổng thể. Trong bài viết này của FPT MediCare, chúng ta sẽ tìm hiểu chi tiết về các biến chứng da liên quan đến bệnh tiểu đường, nguyên nhân, và cách phòng ngừa hiệu quả.
MỤC LỤC
1. Mối liên hệ giữa bệnh tiểu đường và sức khỏe làn da
2. Bệnh gai đen (Acanthosis nigricans)
3. Bệnh da do tiểu đường (Diabetic dermopathy – shin spots)
4. Hoại tử mỡ do tiểu đường (Necrobiosis lipoidica diabeticorum)
5. Phù xơ cứng (Scleredema diabeticorum)
6. Bọng nước tiểu đường (Bullosis diabeticorum)
7. Loét do tiểu đường
8. Nhiễm trùng da
9. Cách phòng ngừa và điều trị biến chứng da
9.1. Kiểm soát đường huyết
9.2. Chăm sóc da
9.3. Điều trị y tế
1. Mối liên hệ giữa bệnh tiểu đường và sức khỏe làn da
Người bị bệnh tiểu đường thường có lượng đường trong máu cao do thiếu insulin hoặc do insulin không hoạt động hiệu quả. Tình trạng này kéo dài có thể dẫn đến những thay đổi trong cơ thể, ảnh hưởng đến làn da qua một số cách:
- Mất nước: Khi lượng đường trong máu cao, cơ thể sẽ bài tiết nhiều đường qua nước tiểu, gây đi tiểu nhiều, mất nước và dẫn đến khô da.
- Viêm: Đường huyết cao làm tăng nguy cơ viêm nhiễm, ảnh hưởng đến phản ứng miễn dịch, khiến làn da dễ bị tổn thương hơn.
- Lưu thông máu kém: Tổn thương thần kinh và mạch máu do bệnh tiểu đường làm giảm lưu thông máu, khiến da bị biến đổi cấu trúc và khó lành khi bị tổn thương.
Khoảng 1/3 bệnh nhân tiểu đường có các triệu chứng da trong suốt thời gian mắc bệnh, và ở một số trường hợp, các dấu hiệu này xuất hiện trước khi bệnh được chẩn đoán. Hầu hết các biến chứng về da do bệnh tiểu đường đều vô hại, nhưng một số có thể gây ra các triệu chứng đau đớn, dai dẳng và có thể cần được chăm sóc y tế.
Các biến chứng da phổ biến liên quan đến bệnh tiểu đường được trình bày dưới đây.
2. Bệnh gai đen (Acanthosis nigricans)
Đây là một tình trạng da phổ biến ở người mắc tiểu đường, đặc biệt là ở những người béo phì hoặc có tình trạng kháng insulin. Bệnh gây ra các mảng da sẫm màu, dày và nhô lên, thường xuất hiện ở nếp gấp da như cổ, nách, bẹn.
Nguyên nhân chính là do kháng insulin kích thích sản sinh melanin và tế bào da. Mặc dù không gây nguy hiểm, bệnh gai đen có thể ảnh hưởng đến thẩm mỹ và là dấu hiệu cảnh báo cần cải thiện kiểm soát đường huyết.
3. Bệnh da do tiểu đường (Diabetic dermopathy – shin spots)
Tình trạng này xuất hiện dưới dạng các mảng tròn, màu đỏ hoặc nâu nhạt, lõm nhẹ và thường có vảy, thường gặp ở cẳng chân. Nguyên nhân được cho là do tổn thương các mạch máu nhỏ bởi đường huyết cao kéo dài.
Dù không gây đau hay ngứa, các mảng da này có thể phản ánh mức độ tổn thương mạch máu và cần được lưu ý như một dấu hiệu cảnh báo.
4. Hoại tử mỡ do tiểu đường (Necrobiosis lipoidica diabeticorum)
Đây là một biến chứng của bệnh tiểu đường hiếm gặp, với biểu hiện là các mảng da cứng, đỏ và gồ lên. Sau một thời gian, nó giống như một vết sẹo bóng với viền tím, thường xuất hiện ở cẳng chân. Các đốm được tạo ra tương tự như bệnh da do đái tháo đường, nhưng số lượng ít hơn, kích thước lớn hơn và sâu hơn. Da xung quanh thường nhợt nhạt và bóng. Tình trạng này đôi khi gây ngứa hoặc đau.
5. Phù xơ cứng (Scleredema diabeticorum)
Biến chứng này gây ra tình trạng dày da, thường ảnh hưởng đến phần thân trên như lưng và gáy. Mặc dù hiếm gặp, nó có thể gây khó chịu và cản trở cử động.
Phù xơ cứng là một tình trạng hiếm gặp, ảnh hưởng đến 2,5% đến 14% của tất cả những người mắc bệnh tiểu đường.
6. Bọng nước tiểu đường (Bullosis diabeticorum)
Biến chứng này hiếm gặp nhưng dễ nhận biết qua các bọng nước lớn, không đau và không có vết đỏ xung quanh. Chúng thường xuất hiện ở ngón tay, bàn tay, bàn chân hoặc cẳng tay, và tự lành trong khoảng ba tuần mà không để lại sẹo.
Những người bị tổn thương do bọng nước nên tránh làm vỡ vết phồng rộp vì có nguy cơ nhiễm trùng.
7. Loét do tiểu đường
Những vết thương nhỏ có thể tiến triển thành loét hở nếu không được điều trị đúng cách. Loét thường xảy ra ở bàn chân, do tổn thương thần kinh làm giảm cảm giác và lưu thông máu kém làm chậm quá trình lành vết thương. Loét không được điều trị có nguy cơ nhiễm trùng và có thể dẫn đến cắt cụt chi.
8. Nhiễm trùng da
Người mắc tiểu đường có nguy cơ cao bị nhiễm trùng da do vi khuẩn và nấm. Đường huyết cao làm suy yếu hệ miễn dịch, khiến cơ thể khó chống lại nhiễm trùng. Ngoài ra, bệnh tiểu đường có thể gây tổn thương thần kinh, làm giảm khả năng cảm thấy đau, nóng hoặc lạnh. Điều này có nghĩa là những người bị tiểu đường có thể không nhận thấy chấn thương hoặc nhiễm trùng dễ dàng như những người bình thường.
9. Cách phòng ngừa và điều trị biến chứng da
9.1. Kiểm soát đường huyết
Kiểm soát lượng đường trong máu là cách hiệu quả nhất để ngăn ngừa và điều trị hầu hết các biến chứng da. Một số mẹo giúp duy trì đường huyết ổn định bao gồm:
- Thực hiện chế độ ăn uống lành mạnh.
- Tập thể dục thường xuyên.
- Duy trì cân nặng hợp lý.
- Tuân thủ phác đồ điều trị của bác sĩ.
9.2. Chăm sóc da
Bảo vệ sức khỏe làn da là yếu tố quan trọng đối với người mắc bệnh tiểu đường. Một số gợi ý bao gồm:
- Tránh tắm nước nóng hoặc quá lâu.
- Sử dụng sản phẩm chăm sóc da dịu nhẹ, không làm khô da.
- Giữ da sạch sẽ và khô ráo, đặc biệt là ở các nếp gấp.
- Sử dụng kem dưỡng ẩm thường xuyên.
- Điều trị ngay các vết cắt hoặc tổn thương trên da và theo dõi quá trình lành.
- Kiểm tra bàn chân hàng ngày để phát hiện sớm các vết loét hoặc thay đổi bất thường.
9.3. Điều trị y tế
Trong những trường hợp nghiêm trọng, bác sĩ có thể kê đơn thuốc hoặc đề xuất phương pháp điều trị chuyên sâu như kem bôi ngoài da, sử dụng kháng sinh hoặc các biện pháp hỗ trợ lành vết thương.
Để góp phần vào sứ mệnh cá nhân hóa việc kiểm soát đường huyết hiệu quả và an toàn cho bệnh nhân tiểu đường, FPT MediCare đang tiên phong trong phát triển công nghệ theo dõi đường huyết, trong đó có máy đo đường huyết liên tục 3P. Thiết bị này không chỉ giúp bạn theo dõi đường huyết liên tục trong 14 ngày mà còn loại bỏ cảm giác đau đớn mỗi lần lấy máu, nhờ cảm biến được đặt dưới da. Kết quả đường huyết được cập nhật tự động mỗi 3 phút qua Bluetooth và hiển thị trực quan trên ứng dụng, cho phép người dùng nắm bắt chi tiết biến động đường huyết, từ đó cá nhân hóa chế độ ăn uống và tập luyện.
Ngoài ra, tính năng cảnh báo thông minh, chia sẻ dữ liệu với người thân và bác sĩ, cùng công nghệ bảo mật cao đảm bảo an toàn thông tin và tăng cường sự an tâm. Máy đo đường huyết 3P mang đến cuộc sống tự do, tận hưởng khoảnh khắc và làm chủ sức khỏe mỗi ngày. Để tìm hiểu thêm về máy đo đường huyết liên tục 3P, bạn có thể tham khảo sản phẩm hoặc các bài viết khác tại website fptmedicare.vn.
Bài viết tham khảo nguồn: